Chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD)
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) là trạng thái bất thường của nhân cách và được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm C. Người có dạng nhân cách này thường chú tâm quá mức và dai dẳng về các quy tắc, chi tiết, sự trật tự,… dẫn đến tính cách bướng bỉnh, ương ngạnh và cứng nhắc.
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) là gì?
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (Tiếng Anh: Obsessive-Compulsive Personality Disorder/ OCPD) còn được biết đến với tên gọi là rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức. Đây là thuật ngữ đề cập đến một dạng rối loạn nhân cách đặc trưng bởi sự quan tâm về tính trật tự, các quy tắc, danh sách và chi tiết một cách thái quá, dai dẳng.
Người có dạng nhân cách này thường sinh hoạt, làm việc có kiểm soát thông qua các quy tắc và cảm thấy rất khó chịu nếu mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch. Sự cứng nhắc và thiếu linh hoạt khiến cho người bệnh giảm tính sáng tạo, thiếu linh hoạt, ít cởi mở trong giao tiếp và thường chần chừ, không dám thực hiện một số nhiệm vụ do lo sợ thất bại.
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm C (nhóm đặc trưng bởi các hành vi lo lắng, né tránh và sợ hãi). Ước tính, khoảng 2 – 7% dân số mắc chứng bệnh này và tỷ lệ cao hơn ở nam giới. Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế dễ bị nhầm lẫn với rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) vì có nhiều biểu hiện khá giống nhau. Các nghiên cứu cũng cho thấy, OCD nghiêm trọng cũng có thể là yếu tố gia tăng nguy cơ bị OCPD.
Nhận biết rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức
Như đã đề cập, người mắc chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức thường đặc biệt quan tâm, chú ý đến sự trật tự, các chi tiết, quy tắc và theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Bệnh nhân thường kiểm soát hành vi và những tình huống xảy ra trong cuộc sống theo quy tắc mà bản thân đã đặt ra. Sự cứng nhắc quá mức khiến người bị OCPD thiếu linh hoạt trong cuộc sống, khó bộc lộ cảm xúc, giao tiếp kém và gần như không thể làm các công việc đòi hỏi tính sáng tạo.
Các triệu chứng nhận biết rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức:
- Người bệnh bộc lộ sự quan tâm quá mức đến sự trật tự, các quy tắc, chi tiết và có các hành vi/ lời nói cho thấy bản thân luôn theo đuổi sự hoàn hảo.
- Bệnh nhân OCPD luôn kiểm soát mọi thứ theo kế hoạch bao gồm cả giờ ngủ, giờ ăn uống, công việc, các cuộc gặp gỡ,… Tuy nhiên khác với người bình thường, người mắc hội chứng này tuân thủ quy tắc và kế hoạch một cách tuyệt đối, hoàn toàn không linh hoạt thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
- Đặc điểm thường thấy của người bệnh là luôn chú ý đến những chi tiết vụn vặt khiến bản thân mất nhiều thời gian và thường để các nhiệm vụ quan trọng đến cuối cùng. Sự bận tâm, chú ý quá mức về việc phải đảm bảo mọi thứ hoàn hảo khiến người bệnh hao tốn thời gian và thường trễ nải trong công việc.
- Nếu phải làm việc nhóm, bệnh nhân luôn muốn là người lên kế hoạch và cảm thấy khó chịu khi những người xung quanh không chấp nhận phương án mà bản thân đưa ra.
- Người bị OCPD chỉ làm việc, sinh hoạt theo quy tắc riêng của bản thân và không chấp nhận sự trợ giúp ngay cả khi bản thân đang rất cần sự giúp đỡ.
- Khi làm việc, bệnh nhân thường rất tận tụy, siêng năng và thường bỏ quên các khía cạnh khác của cuộc sống. Tuy nhiên, sự siêng năng của người mắc chứng bệnh này thường không bắt nguồn từ áp lực tài chính.
- Vì quá tận tụy với công việc nên đa phần bệnh nhân đều không có thời gian cho các hoạt động thư giãn, giải trí và bỏ lỡ khá nhiều mối quan hệ trong cuộc sống.
- Sự cứng nhắc, bướng bỉnh của người bệnh gây ra sự khó chịu nhất định đối với gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Hầu hết người có dạng nhân cách này đều không bao giờ thay đổi kế hoạch hay nguyên tắc của bản thân dưới tác động của người khác.
- Một đặc trưng khác của người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức là kiểm soát chặt chẽ cách biểu lộ cảm xúc. Người bệnh thường thể hiện sự nghiêm túc trên khuôn mặt, lời nói cứng nhắc và suy nghĩ rất kỹ trước khi nói.
- Người bị OCPD thiếu tính khôi hài, hầu như không bao giờ bông đùa hay thể hiện cảm xúc quá mức (vui vẻ, hạnh phúc, đau buồn, quỵ lụy,…).
- Vì chú ý đến các quy tắc nên người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức đề cao các giá trị đạo đức và pháp luật. Đa phần người mắc chứng bệnh này không bao giờ để bản thân vi phạm pháp luật, các tiêu chuẩn của xã hội hay những giá trị đạo đức.
- Ngoài ra, người bệnh còn áp dụng các quy tắc cứng nhắc cho những người xung quanh và có thái độ phê bình một cách cực đoan, khắc nghiệt với những người có lối sống sai lầm, dễ dãi.
- Người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế có thể gây ấn tượng tốt với một số người trong lần gặp đầu tiên bởi cách ăn mặc trang nhã, thái độ lịch sự, cẩn trọng và luôn chú trọng đến các quy tắc.
- Thường rất tiết kiệm tiền bạc và luôn chi tiêu có kế hoạch.
- Người phát triển dạng nhân cách này thường giữ lại những vật dụng cũ kỹ trong nhà và gần như không vứt bỏ ngay cả khi các vật dụng này hoàn toàn không thể sử dụng được.
Các đặc điểm tính cách của người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế dễ bị nhầm lẫn với người có tính cầu toàn. Tuy nhiên, OCPD là chứng bệnh cần phải điều trị vì gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ và hiệu suất lao động – học tập của người bệnh.
Ngoài ra, người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức cũng có thể mắc đồng thời với các chứng bệnh khác như rối loạn cảm xúc (thường là trầm cảm điển hình, loạn khí sắc), rối loạn lo âu và rối loạn tâm thần do nghiện rượu.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD)
Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được biết đến. Dạng nhân cách này được xác định có liên quan đến gen di truyền và tác động tâm lý – xã hội.
Một số yếu tố được xác định có liên quan đến rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức:
- Di truyền: Các chuyên gia nhận thấy, con cái có khả năng phát triển dạng nhân cách này nếu có bố hoặc mẹ bị OCPD. Mặc dù chưa được tìm hiểu rõ nhưng đa phần các chuyên gia đều ủng hộ giả thuyết, gen di truyền có thể quy định cấu trúc và cách thức hoạt động của não bộ. Điều này tạo ra sự bất thường trong nhận thức, từ đó khiến người bệnh quan tâm và chú ý quá mức đến sự trật tự, quy tắc,…
- Do cách chăm sóc của gia đình: Trẻ nhỏ có thể hình thành rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức nếu được gia đình bảo bọc quá mức hoặc gia đình không quan tâm đến con cái. Cả hai yếu tố này đều khiến trẻ muốn được sống và làm việc theo kế hoạch dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, trẻ được giáo dục bởi những người bị OCPD cũng sẽ hình thành cách suy nghĩ và hành vi tương tự (dù có mối quan hệ huyết thống hay không).
- Các trải nghiệm từ thời thơ ấu: Các chuyên gia nhận thấy, OCPD có thể phát triển ở những người đã từng trải qua một số sự kiện từ thời thơ ấu như bị bỏ rơi, không cảm nhận được tình cảm gia đình, sống xa cách với bố mẹ,… Khi lớn lên, trẻ thường sẽ tự lên kế hoạch cho cuộc sống của bản thân và không nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ người khác, kể cả đó là những người thân thích.
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế có ảnh hưởng gì không?
So với các rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế được đánh giá có mức độ ít nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách hoang tưởng hay rối loạn nhân cách ranh giới dễ phát sinh các hành vi bạo lực làm hại chính bản thân và những người xung quanh.
Vì bản thân người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) đặc biệt tuân thủ pháp luật, các tiêu chuẩn đạo đức và xã hội nên đa phần các bệnh nhân là những công dân tốt. Tuy nhiên, vấn đề mà người bệnh gặp phải là sự cứng nhắc, tính cách bướng bỉnh và thiếu linh hoạt trong cuộc sống. Ảnh hưởng đầu tiên mà bệnh nhân gặp phải là không có bạn bè thân thiết và dễ đánh mất các mối quan hệ do tính cách bướng bỉnh, ít biểu lộ cảm xúc và quá chú tâm vào công việc.
Người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường chi tiêu rất tiết kiệm và luôn giữ thái độ xa cách với những người khác nên hầu hết đều không hẹn hò hay kết hôn. Người bệnh yêu thích cuộc sống một mình và dành phần lớn thời gian cho công việc.
Tuy nhiên, nhờ vào tính cách tận tụy, siêng năng với công việc và luôn tuân thủ các quy tắc, người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức có thể gặt hái được thành tựu trong sự nghiệp, nhất là với công việc đòi hỏi phải chú ý đến chi tiết, danh sách,… như kế toán, kiểm toán, nhân viên của viện kiểm soát, công chứng viên.
Ngoài những ảnh hưởng trên, người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức cũng phải đối mặt với một số vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Bởi người có dạng nhân cách này thường lo sợ mọi việc diễn ra không theo kế hoạch, bản thân mắc phải sai lầm và thất bại. Do đó, không ít bệnh nhân bị rối loạn lo âu và có biểu hiện trầm cảm.
Tỷ lệ nghiện rượu bia và chất kích thích ở người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) thấp hơn so với các dạng rối loạn nhân cách khác. Bởi người bệnh đặc biệt tuân thủ các quy chuẩn đạo đức, pháp luật. Tuy nhiên, phải đối mặt với trầm cảm và lo âu kéo dài có thể khiến người bệnh hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD)
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế được chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM-5. Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi triệu chứng bắt đầu từ giai đoạn sớm của thời kỳ trưởng thành, gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cuộc sống và đáp ứng được ít nhất 4 tiêu chí trong số các tiêu chí sau:
- Sự bận tâm dai dẳng, kéo dài về quy tắc, danh sách, các kế hoạch, lịch trình, các chi tiết nhỏ,…
- Người bệnh thường nỗ quan tâm đến các chi tiết nhỏ với mục đích giúp mọi việc diễn ra hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức đến các chi tiết này khiến bệnh nhân hao tốn thời gian, từ đó gây ra tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ chính.
- Tận tụy quá mức với công việc (không phải do sự cần thiết về tài chính) dẫn đến bỏ bê các mối quan hệ và không có thời gian cho các hoạt động giải trí.
- Không đành lòng bỏ các đồ vật cũ kỹ, hư hỏng – ngay cả khi những đồ vật này không gắn liền với bất cứ kỷ niệm nào.
- Khắt khe và thiếu linh hoạt về những quy tắc đạo đức, pháp luật
- Tính cách bướng bỉnh, cứng nhắc
- Không thoải mái và miễn cưỡng khi giao nhiệm vụ cho người khác trừ khi người đó đồng ý thực hiện theo kế hoạch mà bệnh nhân đưa ra.
- Rất tiết kiệm trong chi tiêu của bản thân và cả những người xung quanh vì người bệnh cho rằng, nên để dành tiền cho những rủi ro và bất trắc trong cuộc sống.
Người bệnh có các biểu hiện của rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức cũng sẽ được chẩn đoán phân biệt với chứng OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách né tránh.
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế
Các triệu chứng của rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường có xu hướng giảm dần theo thời gian và nhìn chung tiên lượng khá tốt. Điều trị tương tự như các rối loạn nhân cách khác bao gồm trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức và các dạng rối loạn nhân cách khác. Phương pháp này có thể điều chỉnh cách suy nghĩ, nhận thức, hành vi và thay đổi nhân cách của người bệnh thông qua giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ.
Tùy theo vấn đề mà bệnh nhân gặp phải, các chuyên gia sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất. Đối với chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD), hai liệu pháp thường được áp dụng là liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) và liệu pháp tâm động học.
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): CBT được thực hiện nhằm giúp bệnh nhân xác định được các suy nghĩ, nhận thức sai lầm dẫn đến những cảm xúc và hành vi tiêu cực. Thông qua liệu pháp này, bệnh nhân có thể thay đổi dần suy nghĩ và hành vi của bản thân, từ đó giảm bớt sự cứng nhắc, bướng bỉnh và linh động hơn trong cuộc sống. CBT là phương pháp trị liệu tâm lý được đánh giá cao hiện nay và được áp dụng trong điều trị nhiều rối loạn tâm thần khác nhau.
- Liệu pháp tâm động học: Liệu pháp tâm động học giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn những suy nghĩ, cảm xúc vô thức và có ý thức của bản thân. Qua đó lựa chọn hành vi, suy nghĩ và cảm xúc lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Liệu pháp này thường được thực hiện thông qua hình thức trò chuyện giữa chuyên gia và bệnh nhân.
Trị liệu tâm lý được đánh giá là phương pháp khá hiệu quả trong điều trị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Tuy nhiên do tính cách ngang bướng và cứng nhắc nên đôi khi bệnh nhân không tiếp nhận lời khuyên từ các chuyên gia.
2. Sử dụng thuốc chữa OCPD
Thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc (SSRIs) có thể được sử dụng khi điều trị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Thuốc có tác dụng tăng nồng độ serotonin trong não bộ, từ đó giảm sự lo lắng, căng thẳng bắt nguồn từ việc sợ mắc phải sai lầm và chú tâm quá mức về các chi tiết, kế hoạch, danh sách, thứ tự,…
Ngoài SSRIs, bệnh nhân có thể phải sử dụng thêm các loại thuốc khác nếu đi kèm với một số rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc,…
3. Các liệu pháp thư giãn
Bệnh nhân rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng do quá chú tâm đến sự hoàn hảo và tận tụy quá mức với công việc. Người bệnh nhân gần như không có thời gian thư giãn, không chia sẻ hay gần gũi với bất kỳ ai. Hơn nữa, sự kiểm soát quá mức trong hành vi, lời nói, các chi tiết và lối sống cũng là những yếu tố gia tăng sự căng thẳng.
Để giải tỏa căng thẳng và lo âu, bệnh nhân sẽ được chuyên gia hướng dẫn một số liệu pháp thư giãn như:
- Các bài tập pilates
- Yoga
- Thái cực quyền
- Nghe nhạc, đọc sách, tắm nước ấm, thư giãn với trà thảo mộc, liệu pháp mùi hương,…
Bản thân người bị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức rất tận tụy với công việc và không muốn lãng phí thời gian cho những mối bận tâm khác. Do đó, các chuyên gia thường phải trị liệu tâm lý để bệnh nhân có thể chấp nhận lợi ích và thực hiện những liệu pháp thư giãn kể trên.
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD) thường ít nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng cũng thấp hơn so với các dạng rối loạn nhân cách khác. Tuy nhiên do tính cách ương ngạnh, bướng bỉnh nên quá trình điều trị gặp khá nhiều bất lợi và khó khăn. Chính vì vậy, những người xung quanh cũng cần động viên, hỗ trợ bệnh nhân kiên trì điều trị để có thể hình thành nhân cách tích cực và phù hợp hơn với xã hội.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn nhân cách ranh giới là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!