Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị

Rối loạn thần kinh thực vật là căn bệnh đang ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến các chức năng tự chủ của cơ thể. Mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng bệnh lý này gây ra nhiều phiền toái. Từ đó khiến cho chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm rõ rệt.

rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh

Rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Rối loạn thần kinh thực vật đề cập đến sự mất cân bằng của hai hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm trong hệ thống thần kinh thực vật. Hai hệ thống này về cơ bản gần như trái ngược nhau nhưng trong một số trường hợp lại có tác dụng liên kết ở phạm vi hẹp.

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng tới các chức năng tự động của cơ thể. Bao gồm huyết áp, mồ hôi, nhịp tim, tiêu hóa… Bệnh lý này đang ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng lại tác động rất lớn tới sinh hoạt của người bệnh.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

Nhiều tình trạng sức khỏe có thể gây ra bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Ngoài ra, nó cũng có thể là tác dụng phụ của phương pháp điều trị các bệnh khác, điển hình như ung thư.

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh rối loạn thần kinh thực vật bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường: Nhất là khi căn bệnh này được kiểm soát kém. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh rối loạn thần kinh tự chủ. Bệnh tiểu đường tiến triển nặng có thể sẽ gây tổn thương dây thần kinh khắp cơ thể.
  • Sự tích tụ protein bất thường: Sự tích tụ protein bất thường trong các cơ quan còn được gọi là chứng amyloidosis. Điều này có thể ảnh hưởng tới các cơ quan và hệ thần kinh của cơ thể.
  • Các bệnh tự miễn dịch: Bệnh tự miễn dịch khiến cho hệ thống miễn dịch tấn công và làm tổn thương các bộ phận khác của cơ thể. Bao gồm cả các dây thần kinh. Thường gặp nhất là viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh celiac, hội chứng Sjogren… Ngoài ra, hội chứng Guillain-Barre cũng là một bệnh tự miễn dịch xảy ra nhanh chóng và có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh thực vật.
  • Một số loại thuốc: Theo nghiên cứu, các loại thuốc hóa trị liệu được dùng trong điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh thực vật. Từ đó kích hoạt các triệu chứng bất thường.
nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật có thể là hệ quả của bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Chẳng hạn như rối loạn chuyển hóa porphyrin, suy giáp, một số loại virus và vi khuẩn hay một số rối loạn di truyền.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn thần kinh thực vật

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh thực vật phụ thuộc vào các dây thần kinh bị ảnh hưởng. Triệu chứng thường gặp có thể bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh bất thường: Cảm giác này thường xuyên xảy ra khiến cho người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi. Đây cũng là dấu hiệu thường gặp và dễ nhận biết nhất.
  • Chóng mặt và ngất xỉu khi đứng: Xảy ra do giảm huyết áp đột ngột
  • Các vấn đề tiết niệu: Chẳng hạn như khó tiểu, tiểu không tự chủ, khó cảm nhận bàng quang đầy, không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Lâu dần có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Khó khăn trong tình dục: Nam giới có thể khó đặt được hay duy trì sự cương cứng. Ngoài ra còn gặp phải các vấn đề về xuất tinh. Còn ở phụ nữ, các vấn đề thường gặp là ham muốn tình dục thấp, khô âm đạo và khó đạt cực khoái.
  • Khó tiêu hóa thức ăn: Thường cảm thấy nó mặc dù ăn ít. Kèm theo đó là các biểu hiện chán ăn, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, chướng bụng, khó nuốt hay ợ chua. Các triệu chứng này tất cả là do sự thay đổi của chức năng tiêu hóa.
  • Hạ đường huyết nhưng không biết: Lượng đường trong máu thấp nhưng không có khả năng nhận biết do không có các tín hiệu cảnh báo.
  • Những bất thường về mồ hôi: Thường gặp nhất là đổ mồ hôi quá ít hay quá nhiều. Điều này còn gây ảnh hưởng tới khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
  • Các vấn đề về thị lực: Chẳng hạn như nhìn mờ hay đồng tử không có khả năng phản ứng nhanh với ánh sáng.
  • Suy giảm khả năng thực hiện bài tập thể dục: Triệu chứng này xảy ra nếu nhịp tim của bạn giữ nguyên thay vì điều chỉnh theo mức độ hoạt động thể chất tăng.
  • Khó thở: Đây là triệu chứng dễ nhận biết nhất là khi bạn ra ngoài nơi đông đúc, tập trung nhiều người. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy khó thở, đôi khi phải hít thở sâu mới cảm thấy dễ chịu.
  • Mất ngủ thường xuyên: Bắt nguồn từ việc lo lắng và bồn chồn khiến bạn ngủ không ngon và sâu giấc. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống.
  • Đau thắt ngực: Những cơn đau thường xuất hiện đột ngột khiến người bệnh cảm thấy nghẹt thở và căng tức ở vùng ngực.
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải và thiếu sức sống: Đây cũng là triệu chứng thường gặp ở người bị rối loạn thần kinh thực vật. Dù được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng thì vẫn khó chịu và khó hồi phục.
triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, nhất là ở những nơi tập trung đông người

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường chỉ khó chịu và hơi bất an nhưng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nặng thì các triệu chứng sẽ xảy ra liên tục. Điều này khiến cho người bệnh cảm thấy hoang mang và rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Các loại rối loạn thần kinh thực vật thường gặp

Rối loạn thần kinh thực vật được chia thành nhiều loại. Chúng khác nhau về triệu chứng, mức độ nghiêm trọng cũng như nguyên nhân. Một số loại rối loạn chức năng tự chủ có thể xảy ra đột ngột với mức độ nghiêm trọng nhưng vẫn có khả năng hồi phục.

Các loại rối loạn thần kinh thực vật thường gặp bao gồm:

1. Hạ huyết áp thế đứng

Hạ huyết áp thế đứng là tình trạng giảm huyết áp một cách đột ngột xảy ra khi một người đứng lên. Từ đó dẫn tới lượng máu cung cấp cho não bộ bị giảm sút. Tình trạng này thường gây chóng mặt hay choáng váng.

Đôi khi hạ huyết áp thế đứng còn khiến người bệnh ngất xỉu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm mệt mỏi (nhất là khi gắng sức), đau ở sau cổ và vai, thở gấp, vấn đề về thị lực… Các triệu chứng tồi tệ hơn khi đứng lên và cải thiện khi ngồi hay nằm.

Hạ huyết áp thế đứng có thể gây ra biến chứng, nhất là ở người lớn tuổi. Những người mắc bệnh này có nguy cơ bị đột quỵ do giảm lượng máu cung cấp cho não hoặc mắc các bệnh tim mạch như suy tim, đau ngực.

2. Hạ huyết áp sau ăn

Hạ huyết áp sau ăn đề cập tới tình trạng huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn. Các triệu chứng thường là choáng váng, chóng mặt hay ngất xỉu khoảng 15 – 90 phút sau khi ăn. Tình trạng này thường gặp ở người trên 60 tuổi hay mắc các rối loạn khác của hệ thần kinh thực vật.

Trong quá trình tiêu hóa, máu sẽ được chuyển hướng đến dạ dày và ruột non. Điều này khiến tim đập nhanh hơn và khó hơn do các mạch máu ở xa hệ thống tiêu hóa thu hẹp.

Sự thu hẹp của các mạch máu ở xa hệ thống tiêu hóa sẽ giúp duy trì huyết áp và lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, ở những người bị hạ huyết áp sau ăn thì nhịp tim không đập nhanh như cần thiết. Các mạch máu không co lại như bình thường nên huyết áp sẽ giảm xuống.

3. Suy phản xạ Baroreflex

Suy phản xạ Baroreflex là một rối loạn thần kinh thực vật gây ra dao động huyết áp. Tình trạng này xảy ra do các dây thần kinh cảm nhận huyết áp chuyển tiếp thông tin tới não bộ bị hỏng. Kết quả là huyết áp thay đổi giữa quá thấp và quá cao.

Các triệu chứng thường là chóng mặt, đau đầu, đổ mồ hôi, da đỏ bừng, thậm chí là ngất xỉu. Tình trạng này xảy ra khi tổn thương dây thần kinh cảm nhận huyết áp ở cổ sau khi phẫu thuật, điều trị ung thư hay xạ trị.

Ngoài ra, suy phản xạ Baroreflex còn có thể xảy ra ở người bị đột quỵ. Nó cũng có thể là kết quả của một số rối loạn di truyền ảnh hưởng tới sự phát triển của các dây thần kinh cảm nhận huyết áp.

4. Ngất vận mạch

Ngất vận mạch còn được gọi là ngất do thần kinh tim – nguyên nhân phổ biến khiến một người bị ngất xỉu. Ngất vận mạch là kết quả của việc máu lên não đột ngột chậm lại. Có thể là do mất nước, cảm xúc căng thẳng, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài… Triệu chứng đi kèm có thể là buồn nôn, mỏi mệt quá mức, đồ mồ hôi, cảm giác ốm yếu.

các loại rối loạn thần kinh thực vật
Ngất vận mạch là một dạng rối loạn thần kinh thực vật xảy ra khá phổ biến

5. Hội chứng Holmes-Adie

Hội chứng Holmes-Adie là dạng rối loạn thần kinh thực vật gây nên những tác động tiêu cực tới dây thần kinh kiểm soát cơ mắt. Từ đó khiến cho thị lực gặp phải một số vấn đề.

Ở hội chứng này, một bên đồng tử thường sẽ có kích thước lớn hơn so với bên còn lại. Hơn nữa khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh đồng tử còn dần bị co lại.

Ngoài ra, hội chứng Holmes-Adie còn làm ảnh hưởng tới các gân cơ phản xạ, nhất là gân gót. Nguyên nhân chính thường là do virus và tổn thương ở các tế bào thần kinh. Hội chứng này có xu hướng kéo dài vĩnh viễn nhưng sẽ không đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

6. Bệnh teo đa hệ thống

Bệnh teo đa hệ thống là một dạng rối loạn thần kinh thực vật hiếm gặp, thường xảy ra ở những người từ trên 40 tuổi. Lúc đầu các triệu chứng của bệnh teo đa hệ thống tương tự như bệnh Parkinson.

Teo đa hệ thống được đánh giá là căn bệnh nghiêm trọng. Sau khi được chẩn đoán, tuổi thọ của người bệnh thường chỉ có thể kéo dài thêm khoảng từ 5 – 10 năm. Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Đồng thời chưa có cách ngăn chặn hay làm thuyên giảm tiến triển của bệnh.

7. Bệnh thần kinh tự chủ và cảm giác di truyền

Đây là một nhóm các rối loạn di truyền liên quan gây rối loạn chức năng thần kinh lan rộng ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng này có thể khiến người bệnh không thể cảm thấy đau hay thay đổi nhiệt độ.

Bệnh thần kinh tự chủ và cảm giác di truyền có thể ảnh hưởng tới một loạt chức năng của cơ thể. Rối loạn này có thể được phân thành nhiều nhóm khác nhau tùy thuộc vào các kiểu di truyền, triệu chứng và độ tuổi.

Chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật là biến chứng có thể xảy ra ở một số căn bệnh. Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng và yếu tố nguy cơ để yêu cầu các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán chính xác.

1. Trường hợp nhận biết được các yếu tố nguy cơ

Khi bạn mắc các căn bệnh làm tăng nguy cơ bị rối loạn thần kinh thực vật, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường và có các triệu chứng của bệnh này thì bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe. Đồng thời hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải.

Một số trường hợp, người bệnh đang điều trị ung thư bằng một loại thuốc có thể gây tổn thương thần kinh. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các dấu hiệu của bệnh thần kinh.

chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật
Bác sĩ thường sẽ khai thác tiền sử bệnh để hỗ trợ chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật

2. Trường hợp chưa phát hiện yếu tố nguy cơ

Khi bạn có các triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh thực vật nhưng không phát hiện yếu tố nguy cơ thì việc chẩn đoán thường khó khăn hơn. Bác sĩ sẽ phải xem xét tiền sử bệnh. Đồng thời thảo luận về các triệu chứng mà bạn gặp phải và khám sức khỏe.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:

  • Nghiệm pháp thở sâu: Bác sĩ sẽ đo xem nhịp tim và huyết áp của bạn thay đổi như thế nào trong các bài tập hít thở sâu và thở ra mạnh mẽ.
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng: Thử nghiệm này theo dõi phản ứng của nhịp tim và huyết áp với những thay đổi trong tư thế và vị trí. Nó sẽ mô phỏng những gì xảy ra khi bạn đứng lên từ tư thế nằm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu một bài kiểm tra đơn giản hơn. Đó là bạn đứng trong 1 phút rồi rồi xổm trong 1 phút. Sau đó lại đứng lên trong 1 phút. Huyết áp và nhịp tim sẽ được theo dõi trong suốt quá trình này.
  • Các xét nghiệm tiêu hóa: Làm rỗng dạ dày là xét nghiệm phổ biến nhất dùng để kiểm tra các bất thường ở đường tiêu hóa. Các xét nghiệm này cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa.
  • Kiểm tra phản xạ sợi tiết mồ hôi định tính: Thử nghiệm giúp đánh giá các dây thần kinh điều tiết tuyến mồ hôi phản ứng với kích thích. Bạn có thể cảm thấy hơi ấm hoặc có cảm giác ngứa ran trong quá trình kiểm tra.
  • Kiểm tra mồ hôi điều nhiệt: Bác sĩ sẽ phủ lên bạn một lớp bột có thể thay đổi màu sắc khi mà bạn đổ mồ hôi. Khi bạn nằm trong buồng có nhiệt độ tăng dần thì sẽ có thiết bị ghi lại kết quả khi bắt đầu đổ mồ hôi. Mẫu mồ hôi của bạn có thể giúp xác định chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật. Đồng thời còn gợi ý được các nguyên nhân khá làm rối loạn tiết mồ hôi.
  • Xét nghiệm niệu động học: Nếu bạn có các triệu chứng về bàng quang hay tiết niệu thì bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm niệu động học để đánh giá chức năng bàng quang.
  • Siêu âm: Nếu bạn có các triệu chứng về bàng quang thì bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm siêu âm. Sóng âm tần số cao sẽ tạo ra hình ảnh của bàng quang cũng như các bộ phận khác của đường tiết niệu.

Phương pháp điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật bao gồm điều trị bệnh cơ bản và quản lý các triệu chứng. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp với từng đối tượng người bệnh.

1. Điều trị bệnh cơ bản

Mục tiêu đầu tiên của điều trị rối loạn thần kinh thực vật là kiểm soát bệnh hay các tình trạng gây tổn thương dây thần kinh. Chẳng hạn như nếu nguyên nhân cơ bản là bệnh tiểu đường thì bạn sẽ cần kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.

Tùy thuộc vào từng bệnh lý nguyên nhân mà sẽ có giải pháp điều trị cụ thể. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ. Bao gồm cả việc dùng thuốc và các phương pháp kết hợp khác.

thuốc trị rối loạn thần kinh thực vật
Tùy vào bệnh lý nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ với các loại thuốc điều trị khác nhau

2. Điều trị triệu chứng

Quản lý các triệu chứng cụ thể cũng là mục tiêu quan trọng trong điều trị rối loạn thần kinh thực vật. Một số phương pháp có thể sẽ giúp cải thiện triệu chứng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào phần cơ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất do tổn thương thần kinh để đưa ra giải pháp chính.

Việc điều trị triệu chứng cho bệnh rối loạn thần kinh thực vật có thể bao gồm:

– Các triệu chứng tiêu hóa:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Bạn có thể cần tăng cường bổ sung chất xơ và chất lỏng trong chế độ ăn. Các chất bổ sung chất xơ như Metamucil hoặc Citrucel cũng có thể hữu ích. Việc tăng cường chất xơ từ từ sẽ giúp hạn chế đầy hơi và chướng bụng.
  • Thuốc Metoclopramide (Reglan): Loại thuốc này có thể giúp dạ dày của bạn trống nhanh hơn bằng cách thúc đẩy sự co bóp đường tiêu hóa. Tuy nhiên nó có thể gây buồn ngủ và không được khuyên dùng lâu dài.
  • Thuốc giảm táo bón: Thuốc nhuận tràng không kê đơn có thể giúp ích. Tuy nhiên cần tham khảo bác sĩ về tần suất sử dụng.
  • Thuốc giảm tiêu chảy: Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để điều trị tiêu chảy bằng cách ngăn chặn sự phát triển quá mức của hại khuẩn trong đường ruột. Ngoài ra, một số thuốc trị tiêu chảy không kê toa cũng có thể hữu ích.

– Triệu chứng tiết niệu:

  • Thiết lập lại hoạt động của bàng quang: Bạn cần tuân theo một lịch trình về thời điểm uống nước và đi tiểu. Điều này sẽ giúp tăng sức chứa và thiết lập lại hoạt động của bàn quàng để làm trống hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.
  • Thuốc kiểm soát các triệu chứng bàng quang: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để cải thiện chứng bàng quang tăng hoạt. Ngoài ra, một số thuốc cũng có thể được chỉ định để giúp làm rỗng bàng quang của bạn.
  • Đặt ống thông tiểu: Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu đặt ống thông tiểu để làm rỗng bàng quang.

– Nhịp tim và các triệu chứng huyết áp:

  • Chế độ ăn nhiều muối, nhiều chất lỏng: Được áp dụng khi huyết áp của bạn giảm khi đứng lên. Tuy nhiên chỉ dùng cho các trường hợp nghiêm trọng. Bởi phương pháp này có thể gây huyết áp cao, sưng bàn và mắt cá chân… Ngoài ra, bệnh nhân suy tim cũng không được áp dụng.
  • Đai nén: Một chiếc đai đeo quanh thắt lưng hay vớ nén cao tới đùi có thể được dùng để giúp cải thiện lưu lượng máu.
  • Thuốc tăng huyết áp: Trường hợp bạn cảm thấy chóng mặt hay ngất xỉu khi đứng lên thì bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc. Fludrocortisone được kê toa phổ biến giúp cơ thể giữ muối và điều hòa huyết áp.
  • Thuốc điều chỉnh nhịp tim: Thuốc chẹn beta là được kê toa nhiều nhất. Chúng có tác dụng điều chỉnh nhịp tim. Nhất là trong trường hợp nhịp tim của bạn lên quá cao khi hoạt động thể chất.
điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng trong kế hoạch kiểm soát bệnh rối loạn thần kinh thực vật

– Rối loạn chức năng tình dục:

  • Thuốc cường dương: Các loại thuốc như sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis), avanafil (Stendra) và vardenafil (Levitra, Staxyn) có thể giúp duy trì sự cương cứng. Tuy nhiên chúng có thể xảy ra tác dụng phụ như huyết áp thấp, đau bụng, nhức đầu nhẹ… Nếu có tiền sử bệnh tim thì cần đặc biệt cẩn trọng với các thuốc này.
  • Bơm chân không bên ngoài: Thiết bị này giúp kéo máu vào dương vật bằng cách dùng bơm tay. Vòng căng giúp giữ máu tại chỗ và duy trì sự cương cứng lên đến 30 phút.
  • Đối với phụ nữ: Nếu nữ giới có các triệu chứng tình dục thì bác sĩ có thể khuyên dùng chất bôi trơn âm đạo. Ngoài ra, Flibanserin (Addyi) cũng được khuyên dùng cho phụ nữ tiền mãn kinh có ham muốn tình dục thấp.

– Đổ mồ hôi:

Trường hợp rối loạn thần kinh thực vật khiến bạn bị đổ quá nhiều mồ hôi thì bác sĩ có thể kê đơn các thuốc làm giảm tiết mồ hôi. Glycopyrrolate là thuốc được dùng phổ biến. Tuy nhiên nó có thể gây ra một số tác dụng phụ nên cần chú ý thận trọng.

3. Lối sống và biện pháp hỗ trợ tại nhà

Song song với điều trị y tế, người bệnh rối loạn thần kinh thực vật cần chú ý xây dựng lối sống lành mạnh và thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại nhà. Bao gồm:

  • Quản lý tốt căng thẳng, cần duy trì và giữ trạng thái vui vẻ, lạc quan, tích cực.
  • Tuyệt đối không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá, trà đặc…
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, không nên làm việc quá sức. Đặc biệt chú ý đến giấc ngủ.
  • Hoạt động thể chất mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể, tốt cho cả thể chất và tinh thần.
  • Có thể thực hiện các giải pháp thư giãn như tập hít thở đều, ngồi thiền, liệu pháp mùi hương, massage…
  • Thay đổi tư thế: Nên đứng lên từ từ theo từng giai đoạn để làm giảm chóng mặt. Có thể co chân hay nắm tay trong khoảng vài giây trước khi đứng dậy để tăng lưu lượng máu.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên nhằm chống lại các vấn đề tiêu hóa. Nên tăng lượng chất lỏng, ưu tiên thực phẩm ít chất béo và nhiều chất xơ để cải thiện hệ tiêu hóa.
  • Trường hợp bạn bị huyết áp thấp thì nên nâng cao đầu giường lên khoảng 10 cm. Bạn có thể sử dụng thanh đỡ ở phía dưới chân đầu giường.
  • Nên tìm kiếm và chấp nhận sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè. Bạn có thể chia sẻ những vấn đề mà mình gặp phải để tìm kiếm sự động viên và thái độ tích cực.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn thần kinh thực vật về cơ bản không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm nặng nề. Do đó, cần sớm thăm khám và nghiêm túc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ khi phát hiện ra những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

4.7/5 - (45 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *