Thấu hiểu con cái: 10 điều cha mẹ nên làm để lắng nghe con
Thấu hiểu con cái chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hành trình nuôi dạy con khôn lớn. Cha mẹ cần biết lắng nghe, dành thời gian cho con, chấp nhận những thất bại của con, thưởng phạt công bằng… để hiểu con nhiều hơn.
Vì sao cha mẹ cần thấu hiểu con cái?
Làm cha mẹ chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Để làm tốt việc này, cần có sự chuyên tâm và tốn rất nhiều thời gian. Nuôi dạy con cái là một công việc đặc biệt, nếu không để tâm thì cha mẹ có thể phải đón nhận những hệ quả không mong muốn.
Trong quá trình nuôi dạy con thì việc thấu hiểu cảm xúc của con được cho là vấn đề khó khăn nhất. Nuôi nấng và thấu hiểu là cả một quá trình không ngừng và luôn phải được nhận thức rõ. Đặc biệt là cần hiểu đúng theo từng giai đoạn phát triển của con.
Trên thực tế, con cái cần cha mẹ nhiều hơn những gì cha mẹ nghĩ. Chính vì thế, thấu hiểu con chính là công cụ hữu ích nhất để cha mẹ nắm bắt được những khó khăn của con. Từ đó giúp đỡ con vượt qua các trở ngại trong từng giai đoạn phát triển.
Việc thấu hiểu con sẽ giúp cha mẹ nắm bắt được con thật sự nghĩ gì, muốn gì và cần gì. Từ đó định hướng cho con phát triển theo đúng sở thích và nguyện vọng của chính mình mà không bị gò bó trong sự áp đặt của cha mẹ.
Cha mẹ cần trở về cảm giác của một đứa trẻ để có thể hiểu và làm bạn cùng con. Điều này sẽ biến gia đình trở thành một môi trường lành mạnh để trẻ phát triển tối ưu nhất.
10 Điều cha mẹ nên làm để thấu hiểu con cái
Thấu hiểu con cái là yếu tố quan trọng để thúc đẩy con yêu phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, làm sao để hiểu con thì lại là vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ phải trăn trở.
Để nắm bắt được tâm lý và thấu hiểu con là điều không đơn giản. Bởi mỗi trẻ sẽ có một tính cách, suy nghĩ và hành trình phát triển khác nhau. Dưới đây là một số bí kíp giúp cha mẹ hiểu con nhiều hơn:
1. Luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu con cái
Mỗi khi tiếp xúc với môi trường mới, con bạn sẽ có rất nhiều chuyện cần chia sẻ. Đôi khi còn là những câu hỏi hay các vấn đề cần giải đáp. Lúc này, điều mà bạn cần làm là luôn lắng nghe những gì con nói.
Nếu bạn bỏ ngoài tai những chia sẻ của con thì con bạn sẽ cảm thấy không được quan tâm và bị tổn thương rất nhiều. Vì vậy bạn cần chú ý lắng nghe và tìm kiếm câu trả lời hợp lý cho những thắc mắc của con.
Khi nói chuyện với con, bạn cần thể hiện thái độ chân thành và nghiêm túc lắng nghe. Tuyệt đối không thờ ơ, dửng dưng, nói chuyện riêng hay ngắt lời con.
Hãy để con được nói hết những suy nghĩ của mình, sau đó bạn mới bày tỏ ý kiến riêng. Trong câu chuyện của con, bạn nên đáp lại con bằng cái gật đầu, mỉm cười hay nhìn về phía con. Điều này giúp con cảm nhận được bạn luôn luôn lắng nghe một cách chăm chú.
Hiện nay, trong cách nuôi dạy con của nhiều phụ huynh, họ thường phán xét và phê bình khi con chia sẻ những chuyện buồn hay khó khăn trong cuộc sống. Điều này có thể khiến trẻ bị tổn thương nghiêm trọng. Nên nhớ rằng, tất cả những gì mà con cần đơn giản chỉ là sự lắng nghe và thấu hiểu từ bạn.
2. Dành thời gian cho con
Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, nhu cầu về mọi thứ đang ngày càng tăng lên. Để đáp ứng với những nhu cầu này, con người cần phải lao động nhiều hơn.
Cuộc sống bộn bề công việc và những mối quan hệ xung quanh khiến cho cha mẹ dần không thể dành nhiều thời gian cho con. Tuy nhiên, điều mà những đứa trẻ cần lại là thời gian được kề cạnh và quây quần bên cha mẹ. Con trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần nhận được sự quan tâm từ cha mẹ để không có cảm giác hụt hẫng hay bị bỏ rơi.
Hiện nay, số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đang không ngừng tăng lên. Một trong những nguyên nhân phổ biến là do sự thờ ơ và thiếu quan tâm của cha mẹ. Do đó, bạn cần sắp xếp thời gian cho con để thấu hiểu con cái dễ dàng hơn.
Bạn có thể dễ dàng dành thời gian cho con bằng cách:
- Chia sẻ cùng con
- Đi bộ và tập thể dục cùng con
- Dành thời gian buổi tối cho con
- Dẫn con đi học hay đi công viên
- Cùng con sửa các vật dụng trong nhà
- Cùng con nấu ăn
- Chơi trò chơi của con
Trên thực tế, việc dành thời gian cho con không chỉ giúp bạn thấu hiểu con hơn mà còn mang đến nhiều lợi ích khác. Những đứa trẻ thường xuyên nhận được sự quan tâm của cha mẹ sẽ ít gặp phải rắc rối trong cuộc sống. Hơn nữa còn phát triển theo hướng lành mạnh và nhận được thành quả cao hơn.
3. Tôn trọng sở thích của con
Quyền tự chủ là một nhu cầu rất cơ bản của con người. Theo đó, mỗi người được làm những việc mà bản thân yêu thích mà không phải theo mong muốn của người khác.
Trong cuộc sống hiện đại, việc cha mẹ đưa ra định hướng cho sự phát triển của con là rất cần thiết. Tuy nhiên cần phải thấu hiểu và xây dựng định hướng dựa trên sở thích của con. Và hơn ai hết, cha mẹ phải là người luôn tôn trọng sở thích của con mình.
Cha mẹ cần để trẻ thoải mái làm những thứ mà chúng thích, miễn sao hành động của chúng luôn đúng chuẩn. Sự áp đặt của cha mẹ không chỉ khiến trẻ khó phát hiện sở thích thực sự mà còn bào mòn sự tự tin của trẻ.
Để thấu hiểu con cái nhiều hơn thì việc tôn trọng sở thích của trẻ là rất cần thiết. Trẻ được tự chủ về mong muốn, nguyện vọng luôn giữ được sự cân bằng trong cảm xúc tốt hơn. Đồng thời còn dễ thành công hơn với đam mê của mình.
4. Tìm hiểu thế giới nội tâm của trẻ
Con trẻ cũng có thế giới nội tâm và luôn mong muốn cha mẹ thấu hiểu suy nghĩ của mình. Cha mẹ phải luôn là người bạn đồng hành để trẻ sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với tâm thế thoải mái nhất.
Không dễ dàng để thấu hiểu thế giới nội tập của con cái. Ngoài việc quan sát, lắng nghe và tôn trọng con thì cha mẹ cũng cần trau dồi thêm kiến thức. Có thể mua một số cuốn sách viết về tâm lý trẻ theo từng độ tuổi để tham khảo thêm.
Để tìm hiểu được thế giới nội tâm và suy nghĩ của trẻ thì cha mẹ cần thể hiện tình cảm của mình đối với con. Hãy để con thoải mái phát triển trong vòng tay của cha mẹ.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò đặc biệt quan trọng với quá trình phát triển cảm xúc của trẻ. Tình thương không chỉ bắt nguồn từ lời nói mà còn bằng hành động. Hãy luôn biết lắng nghe, quan tâm và chăm sóc con mình tốt nhất.
5. Khuyến khích con nói ra ý kiến của mình
Khuyến khích con nói ra ý kiến của mình cũng là một cách giúp bạn thấu hiểu con cái của mình hơn. Hãy động viên trẻ phát biểu ý kiến dù là đúng hay sai. Đồng thời không nên vì con nói sai mà quát thảo. Bởi nếu cha mẹ la mắng thì lần sau con sẽ sợ và không dám nói nữa.
Việc được động viên và khuyến khích trẻ cũng sẽ cảm nhận được cha mẹ gần gũi, quan tâm mình nhiều hơn. Điều này giúp con tự tin hơn khi phát biểu ý kiến. Hơn nữa còn thoải mái chia sẻ những chuyện buồn vui ở trường cũng như ở nhà cho những người thân yêu.
Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng đừng nên khen con quá nhiều. Sự khen ngợi chỉ nên vừa đủ để con được thoải mái và tự tin. Nếu bạn khen quá đà thì có thể hình thành trong con tính cách tự phụ và kiêu căng.
6. Thưởng phạt công bằng
Nếu gia đình bạn có từ 2 con trở lên thì các con thường có tâm lý so sánh với nhau. Do đó, cha me cần đối xử công bằng giữa các con, không được phân biệt con trai, con gái, con đầu hay con út.
Việc bạn tỏ ra thiên vị sẽ khiến cho con có cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng và không được quan tâm. Điều này rất đáng sợ đối với tâm lý của trẻ, lâu dần có thể làm tăng nguy cơ bị tự kỷ hay trầm cảm.
Ngược lại, khi bạn thưởng phạt công bằng thì các con sẽ gắn bó với nhau hơn, không tị nạnh hay bị ảnh hưởng về tâm lý. Hơn nữa còn tạo cho các con có được động lực để cùng nhau cố gắng.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ rằng, việc thưởng phạt trẻ ngoài hợp lý, công bằng thì còn cần đúng mức, đúng lúc và đúng thời điểm. Có như vậy thì hành động này mới phát huy tốt hiệu quả.
7. Đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu con cái hơn
Nhiều bậc phụ huynh có thói quen la mắng, dọa nạt hay thậm chí là đánh đòn khi trẻ làm sai. Tuy nhiên thói quen này cần phải được loại bỏ ngay lập tức nếu bạn thật sự muốn thấu hiểu con cái.
Bạn cần nhớ rằng, người lớn luôn có lý do khi làm không đúng một việc gì đó và con trẻ cũng vậy. Thay vì tỏ ra khó chịu khi con không làm đúng ý mình thì bạn nên đặt mình vào vị trí của con để nhìn nhận vấn đề.
Có một sự thật là góc nhìn của trẻ nhỏ trước mọi vấn đề khác biệt hoàn toàn so với người lớn. Tuy nhiên phải quan sát thật kỹ và thật sự thấu hiểu con thì bạn mới có thể nhận thấy được điều này.
Việc đặt mình vào vị trí của con để nhìn nhận mọi vấn đề sẽ giúp bạn thấu hiểu và cảm thông cho con nhiều hơn. Từ đó tìm ra được nguyên nhân về hành động không theo mong muốn của con. Đồng thời có cách giải thích hợp lý để con hiểu rõ vấn đề.
8. Chấp nhận những thất bại của con
Trên chặng đường dài lớn khôn của con, những vấp ngại hay thất bại là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, rất nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra không hài lòng về điều này. Hơn nữa còn buông lời chỉ trích, phê bình và so sánh con với bạn bè đồng trang lứa. Điều này sẽ vô tình đẩy con ra xa cha mẹ hơn, không tìm kiếm được sự đồng cảm và thấu hiểu.
Nếu muốn thấu hiểu con cái thì cha mẹ cần phải biết chấp nhận những thất bại của con. Hãy ở bên động viên con, cùng con đối mặt với thất bại và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời dạy con cách nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Thất bại là một phần của cuộc sống và cần thẳng thắn đối diện để tiến tới thành công.
Cha mẹ có thể đặt ra cho con một tiêu chuẩn để cố gắng vượt qua. Tuy nhiên điều này cần phụ thuộc vào khả năng của con mình. Như vậy con sẽ dễ dàng làm được hơn, hạn chế chùn bước và thất bại. Khi con được thì bạn cần ghi nhận và khen con để con tự tin hơn cho những mục tiêu tiếp theo.
9. Tạo cho con không gian để con tự do phát triển
Muốn thấu hiểu con cái nhiều hơn thì bạn cần tạo cho con không gian để tự do phát triển. Đây cũng là điều giúp bạn sớm phát hiện được những đam mê ẩn dấu của con. Từ đó hỗ trợ con phát triển theo đúng sở thích và thế mạnh của bản thân.
Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh vì lo lắng cho sự an toàn của trẻ mà luôn giới hạn không gian phát triển của con. Trẻ chỉ giới hạn các hoạt động trong không gian ở nhà và ở trường. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn kiểm soát con cái quá mức. Điều này khiến trẻ không có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên hay khám phá thế giới bên ngoài.
Trong khi đó, việc cho trẻ thoải mái khám phá thế giới bên ngoài sẽ giúp tâm tư tình cảm của trẻ được bộc lộ rõ ràng. Cha mẹ có thể tranh thủ lúc này để tìm hiểu những góc khuất trong suy nghĩ của con dễ dàng hơn.
10. Đừng dạy con bằng đòn roi
Đòn roi được xem là hình phạt rất phổ biến cho những hành vi không tốt của con bạn. Hành vi của trẻ càng không tốt thì các trận đòn sẽ càng dữ dội. Đòn roi dường như trở thành một “vũ khí” được rất nhiều cha mẹ sử dụng trong hành trình nuôi dạy trẻ.
Không ít bậc cha mẹ ngay lập tức đánh đòn con trong cơn tức giận không kiểm soát được cảm xúc. Một số khác có thể kiềm chế được cơn giận nhưng sau đó vẫn đánh con vì cho rằng có đánh thì con mới ngoan, mới đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, việc sử dụng đòn roi sẽ khiến cho khoảng cách giữa bạn và con cái ngày càng bị cách xa. Con trẻ sẽ không còn muốn chia sẻ với bạn những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Điều này bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi bị cho “ăn đòn”.
Để thấu hiểu con cái thì bạn hãy loại bỏ ngay thói quen dạy con bằng đòn roi. Thay vào đó nên nhẹ nhàng tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi lệch chuẩn. Đồng thời lý giải cho trẻ hiểu về lỗi sai của mình để lần sau không tái phạm nữa.
Không dễ dàng để các bậc cha mẹ thấu hiểu hết tâm tư, tình cảm của con cái. Tuy nhiên hãy làm mọi thứ để được gần con hơn, biết được con thật sự cần gì và muốn gì. Sự thấu hiểu của bạn chính là động lực thúc đẩy con phát triển lành mạnh nhất.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
- Bị Stress Vì Hay Bị Bố Mẹ La Mắng Và 5 Cách Giúp Bạn Vượt Qua
- Xung Đột Trong Gia Đình: Những Nguyên Nhân Và Cách Giải Quyết
- 8 Điều Nên Làm Để Thu Hẹp Khoảng Cách Giữa Cha Mẹ Và Con Cái
- Nguy cơ trẻ bị trầm cảm vì áp lực gia đình cha mẹ cần quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!