Suy nghĩ quá nhiều khi mang thai ảnh hưởng như thế nào?
Suy nghĩ quá nhiều khi mang thai thường bắt nguồn từ những vấn đề trong cuộc sống như tài chính, mâu thuẫn với người thân, áp lực công việc,… Tình trạng này kéo dài gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều là vấn đề khó tránh khỏi khi gặp phải các vấn đề và sự kiện lớn trong cuộc sống. Khi mang thai, mẹ bầu cũng có thể gặp phải tình trạng này. Bởi bên cạnh niềm vui và cảm giác hạnh phúc, mẹ bầu cũng khó tránh khỏi sự lo lắng và bất an.
Những lo lắng này khiến thai phụ suy nghĩ quá nhiều dẫn đến một loạt cảm xúc tiêu cực. Để có hướng khắc phục phù hợp, nên xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng suy nghĩ quá nhiều khi mang thai.
Các nguyên nhân có thể khiến mẹ bầu suy nghĩ quá nhiều:
- Lo lắng về sức khỏe: Khi mang thai, mẹ bầu không thể tránh khỏi sự lo lắng về sức khỏe của thai nhi và chính bản thân. Do đó, mẹ thường suy nghĩ quá nhiều dẫn đến suy nhược, uể oải và mệt mỏi. Tình trạng này gặp nhiều ở những người lần đầu tiên làm mẹ, thiếu kinh nghiệm và không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mang thai. Ngoài ra, mẹ bầu từng bị sảy thai, sinh non,… cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng và suy nghĩ quá nhiều.
- Mang thai ngoài ý muốn: Suy nghĩ quá nhiều cũng có thể xảy ra khi mẹ mang thai ngoài ý muốn. Vì không có sự chuẩn bị trước nên mẹ dễ bị lo lắng, băn khoăn về sức khỏe của thai nhi. Nếu chưa có gia đình, việc phải đối mặt với người thân cũng gây ra không ít vấn đề đối với tinh thần của phụ nữ mang thai.
- Tâm lý nhạy cảm do thay đổi hormone: Sự thay đổi hormone đột ngột khi mang thai khiến mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn. Đây cũng là lý do mẹ bầu hay nghĩ ngợi và lo lắng về những vấn đề không thật sự nghiêm trọng.
- Mâu thuẫn với bạn đời: Mâu thuẫn với bạn đời trong thời điểm nhạy cảm này có thể khiến mẹ bầu suy nghĩ quá nhiều, thường xuyên buồn bã, chán nản và bi quan. Ngoài ra, mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn bè và người thân cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
- Lo lắng về tài chính: Quá trình mang thai và sinh nở sẽ tốn không ít chi phí. Nếu không có sự chuẩn bị trước, mẹ bầu sẽ gặp phải tình trạng căng thẳng, lo lắng và suy nghĩ quá nhiều về vấn đề này.
- Một số nguyên nhân khác: Suy nghĩ quá nhiều khi mang thai cũng có thể do mẹ bầu phải đối mặt với áp lực công việc, lo lắng công việc bị gián đoạn khi nghỉ thai sản hoặc do thai nhi phát triển chậm, bị động thai,… Ngoài ra, tổn thương tâm lý do từng sinh non, sảy thai cũng khiến mẹ bầu khó tránh khỏi tình trạng nghĩ ngợi nhiều.
Suy nghĩ quá nhiều khi mang thai ảnh hưởng gì?
Suy nghĩ quá nhiều thường gây ra các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, chán nản, bi quan,… Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Ở phụ nữ mang thai, suy nghĩ quá mức không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
Một số ảnh hưởng có thể gặp phải do suy nghĩ quá nhiều khi mang thai gây ra:
1. Gây mệt mỏi, suy nhược
Khi suy nghĩ quá nhiều, não bộ phải hoạt động quá mức khiến cho cơ thể trở nên uể oải và mệt mỏi. Về lâu dài, các tế bào thần kinh bị suy giảm chức năng, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, vấn đề đầu tiên mẹ bầu phải đối mặt khi suy nghĩ quá nhiều là mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
2. Gia tăng các vấn đề tâm lý trong thai kỳ
Suy nghĩ quá nhiều gây ra căng thẳng thần kinh (stress). Tình trạng này đặc trưng bởi những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, buồn bã, chán nản, bi quan, thất vọng,… Nếu tiếp tục để kéo dài, mẹ bầu có thể gặp phải các vấn đề tâm lý trong thai kỳ như:
- Trầm cảm khi mang thai: Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc khá phổ biến hiện nay. Mang thai và sau khi sinh là giai đoạn dễ mắc phải bệnh lý này do sự thay đổi đột ngột của hormone. Trầm cảm gây ra bởi sự giảm thấp của cảm xúc dẫn đến các biểu hiện như khí sắc trầm buồn, chán nản, đau khổ, buồn bã sâu sắc, mất hứng thú, uể oải, bi quan,…
- Rối loạn lo âu: Ngoài trầm cảm, suy nghĩ quá nhiều khi mang thai cũng có thể gây rối loạn lo âu. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức, vô lý và kéo dài liên tục từ 6 tháng trở lên. Một số ít mẹ bầu cũng có thể bị đồng thời cả trầm cảm và rối loạn lo âu.
Ngoài ra, người có tiền sử bị trầm cảm, rối loạn lo âu cũng dễ bị tái phát trong những thời điểm nhạy cảm như mang thai và sau khi sinh nở mà suy nghĩ quá nhiều được xem là yếu tố kích thích..
3. Gây ra hàng loạt các vấn đề thể chất
Ngoài những vấn đề tâm lý, suy nghĩ quá nhiều khi mang thai cũng gây ra hàng loạt các vấn đề thể chất cho mẹ bầu như:
- Suy nhược cơ thể
- Rối loạn tiêu hóa (trào ngược dạ dày – thực quản, đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu,…)
- Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt
- Rối loạn giấc ngủ
- Tăng huyết áp, hồi hộp, tim đập nhanh
- Tăng đường huyết
- Tăng cân đột ngột hoặc sụt cân
4. Thai nhi chậm phát triển
Suy nghĩ quá nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không là băn khoăn của nhiều mẹ bầu. Thực tế, ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe của mẹ, tình trạng này cũng gây ra nhiều vấn đề ở thai nhi và thường gặp nhất là thai nhi chậm phát triển.
Khi suy nghĩ quá nhiều, cơ thể mẹ thường sẽ bị suy nhược do chán ăn và khả năng hấp thu dinh dưỡng kém. Từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, lo lắng và suy nghĩ quá mức còn làm tăng trở kháng động mạch tử cung khiến dòng máu đến nuôi bào thai bị gián đoạn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến thai nhi chậm tăng trưởng và sinh ra nhẹ cân, ốm yếu.
Bên cạnh đó, tín hiệu từ những cảm xúc tiêu cực cũng khiến cơ thể thai nhi có các đáp ứng tương tự như cơ thể mẹ như tăng đường huyết, tăng huyết áp,… do sự gia tăng của hormone adrenaline và hormone cortisol. Chính vì vậy, mẹ bầu cần phải cải thiện tình trạng suy nghĩ quá nhiều để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và thai nhi.
5. Ảnh hưởng đến não bộ của thai nhi
Không chỉ khiến cho thai nhi chậm phát triển, việc tăng hormone cortisol trong thời gian còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 10 – 20% lượng hormone này sẽ được truyền qua nhau thai.
Đây cũng là lý do vì sao mẹ bầu bị trầm cảm, rối loạn lo âu khi mang thai dễ sinh ra trẻ có các khiếm khuyết và có nguy cơ cao gặp phải những vấn đề tâm lý – thần kinh từ những giai đoạn đầu đời như tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, chậm phát triển về trí não,… Những vấn đề này gây ra hậu quả nặng nề đối với cuộc sống và sức khỏe của trẻ.
6. Tăng các biến chứng thai kỳ
Suy nghĩ quá nhiều khiến thai phụ bị stress, lo lắng, chán nản, bi quan,… trong thời gian dài. Nếu không thể vượt qua, các cảm xúc tiêu cực này có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian. Trường hợp xấu có thể dẫn đến những biến chứng thai kỳ như:
- Động thai, sảy thai
- Tăng nguy cơ sinh non
- Thai sinh ra nhẹ cân, ốm yếu
- Tiền sản giật (đặc biệt là trong trường hợp mẹ bị kích động nhiều lần)
Các biến chứng thai kỳ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần phải có các biện pháp bảo vệ sức khỏe tinh thần kịp thời.
7. Giảm chất lượng cuộc sống
Suy nghĩ quá nhiều khiến mẹ bầu luôn trong trạng thái bi quan, tiêu cực, buồn bã, chán nản,… và mất hẳn những cảm xúc tích cực. Điều này làm cho cuộc sống trở nên nặng nề và mệt mỏi. Hơn nữa, suy nghĩ quá nhiều cũng gián tiếp gia tăng các mâu thuẫn trong gia đình – đặc biệt là khi chồng không thấu hiểu các vấn đề mà vợ đang phải đối mặt.
Tóm lại, suy nghĩ quá nhiều gây ra vô số ảnh hưởng đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Do đó, mẹ cần phải quan tâm đến tinh thần bên cạnh việc ăn uống để nâng cao thể chất. Ngoài ra, gia đình cũng phải có sự quan tâm, thấu hiểu vì ở giai đoạn này, mẹ bầu rất khó kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Lời khuyên cho mẹ bầu gặp phải tình trạng suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều thật sự là vấn đề lớn nếu xảy ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực để lấy lại tinh thần thoải mái và cân bằng. Khi mang thai, cả thể chất và tinh thần đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó mẹ bầu đang gặp phải tình trạng suy nghĩ quá nhiều nên có biện pháp khắc phục phù hợp trong thời gian sớm nhất.
Lời khuyên cho mẹ bầu suy nghĩ quá nhiều:
- Sự nhạy cảm có thể khiến mẹ bầu suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Do đó, nên chia sẻ vấn đề bản thân đang lo lắng với bạn đời và người thân trong gia đình để nhận được lời khuyên hữu ích.
- Gạt bỏ hết những vấn đề trong cuộc sống để giữ sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Mẹ bầu có thể quên đi phiền muộn và tìm lại cảm xúc tích cực thông qua các hoạt động lành mạnh như vẽ tranh, đọc sách, du lịch, nghỉ ngơi, thử học một số bộ môn mới,…
- Giữ cho bản thân lối sống lành mạnh, tuyệt đối không tìm đến rượu bia và chất gây nghiện để giải tỏa căng thẳng, lo âu.
- Nếu không kiểm soát được cảm xúc và có dấu hiệu lo lắng, hoảng loạn, nên xem xét thăm khám và điều trị sớm. Hầu hết những trường hợp can thiệp điều trị kịp thời đều có đáp ứng tốt và ít gặp phải những ảnh hưởng nặng nề.
- Theo dõi thai kỳ thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý khi có vấn đề bất thường.
Suy nghĩ quá nhiều khi mang thai ảnh hưởng đáng kể sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Do đó, mẹ nên giữ cho bản thân tinh thần thoải mái để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân hoặc các chuyên gia tâm lý để tránh những tình huống đáng tiếc.
Tham khảo thêm:
- Khủng hoảng tâm lý khi mang thai: Dấu hiệu nhận biết và khắc phục
- Stress khi mang thai có nguy hiểm không? Ảnh hưởng như thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!