Khủng hoảng tâm lý khi mang thai: Dấu hiệu nhận biết và khắc phục

Tâm trạng bất ổn, buồn bã, lo lắng,… là những dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tâm lý khi mang thai. Thông thường, tình trạng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn vào đầu thai kỳ. Tuy nhiên, có không ít mẹ bầu phải đối mặt với khủng hoảng lâu dài dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Khủng hoảng tâm lý khi mang thai
Khủng hoảng tâm lý khi mang thai là tình trạng khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là với những người mang thai lần đầu tiên

Khủng hoảng tâm lý khi mang thai là gì?

Khủng hoảng tâm lý là tình trạng tâm lý bất ổn, khó kiểm soát dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tuyệt vọng, chán nản, bi quan, bồn chồn, lo lắng, sợ hãi,… Tình trạng này có thể gặp ở mọi đối tượng và thường xảy ra khi phải đối mặt/ trải qua những sự kiện quan trọng, chẳng hạn như mang thai.

Ngoài các vấn đề thể chất, thai phụ còn có thể phải đối mặt khủng hoảng tâm lý. Mang thai thực sự là sự kiện lớn đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, đối mặt với trách nhiệm to lớn, mẹ bầu không tránh khỏi tâm trạng lo lắng và bất an.

Trong quá trình phát triển, thai nhi không chỉ nhận được chất dinh dưỡng qua nhau thai mà còn nhận được những tín hiệu khi mẹ vui, buồn, hứng thú, phấn khích và chán nản. Do đó, khủng hoảng tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn tác động tiêu cực đến thai nhi.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý khi mang thai

Thực tế, rất ít người chú ý đến sức khỏe tinh thần của mẹ bầu mà chỉ tập trung đến sức khỏe thể chất. Do đó, không ít thai phụ phải tự mình đối mặt với những vấn đề tâm lý. Ở giai đoạn này, khủng hoảng tâm lý có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

1. Lo lắng về sức khỏe và áp lực trách nhiệm

Khi mang thai, phản ứng chung của mẹ bầu là lo lắng về sức khỏe của bản thân và thai nhi. Tình trạng này gặp nhiều ở những người lần đầu tiên làm mẹ và những người có sức khỏe kém, khó đậu thai. Sự lo lắng quá mức có thể khiến mẹ bầu phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý và nhiều vấn đề khác.

Khủng hoảng tâm lý khi mang thai
Khủng hoảng tâm lý thường có liên quan đến việc mẹ bầu lo lắng quá mức về sức khỏe của chính mình và thai nhi

Ngoài việc lo lắng cho sức khỏe, không ít thai phụ cũng gặp phải vấn đề tâm lý vì áp lực về trách nhiệm khi làm mẹ. Việc có thai, sinh nở và chăm sóc con trẻ thực sự là một chặng đường khó khăn. Do đó, xen lẫn với cảm giác hạnh phúc, mẹ có thể phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý do áp lực quá lớn.

Những người gặp phải tình trạng này thường có tính cách hay lo lắng, suy nghĩ nhiều và theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Ngoài ra, việc chứng kiến những người xung quanh nuôi dạy trẻ không tốt cũng có thể khiến mẹ bị áp lực quá mức.

2. Do sự thay đổi của hormone

Nội tiết tố thay đổi là yếu tố làm gia tăng sự nhạy cảm của tâm lý. Do đó khi mang thai, mẹ thường dễ xúc động, buồn bã, bi quan trước những vấn đề tiêu cực. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nội tiết có sự thay đổi đột ngột nên mẹ bầu dễ bị khủng hoảng tâm lý, stress và phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác.

3. Mang thai ngoài ý muốn

Mang thai ngoài ý muốn có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý và nhiều vấn đề khác. Đặc biệt, những trường hợp mang thai khi còn quá trẻ, chưa vững vàng về kinh tế, đối phương không chịu trách nhiệm, gia đình không ủng hộ,… sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần.

Nếu quyết định giữ lại, mẹ bầu sẽ bị khủng hoảng tâm lý trong một khoảng thời gian do áp lực về trách nhiệm, tài chính và những định kiến từ gia đình, xã hội. Tổn thương tâm lý không được chữa lành có thể dẫn đến trầm cảm khi mang thai và sau sinh, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé.

4. Do các sự kiện gây sang chấn

Sự gia tăng của một số hormone thai kỳ khiến tâm sinh lý của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn. Do đó nếu phải đối mặt với các sự kiện gây sang chấn trong giai đoạn này, mẹ khó tránh khỏi khủng hoảng tâm lý. Các sự kiện thường gặp bao gồm:

Khủng hoảng tâm lý khi mang thai
Vấn đề tài chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến khủng hoảng tâm lý khi mang thai
  • Vấn đề tài chính
  • Mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu
  • Bạn đời không chung thủy
  • Bị chẩn đoán mắc các vấn đề sức khỏe trong thời gian mang thai
  • Bị động thai hoặc thai nhi bị chẩn đoán có nguy cơ mắc phải các vấn đề bất thường
  • Mất người thân trong gia đình
  • Bản thân mẹ bầu hoặc người thân bị tai nạn
  • Công việc không được như mong muốn và bị giới hạn khả năng phát triển, thăng tiến do mang thai

5. Các yếu tố nguy cơ

Khủng hoảng tâm lý là vấn đề rất phổ biến ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng này cũng có liên quan đến một số yếu tố như:

  • Có tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm khi mang thai
  • Từng bị sảy thai và gặp phải các biến chứng thai kỳ khác
  • Từng chứng kiến người thân, bạn bè bị sảy thai, mất con sau khi sinh,…
  • Bản thân bị stress dai dẳng
  • Không chuẩn bị tâm lý vững vàng khi mang thai
  • Mang thai khi còn quá trẻ

Dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tâm lý khi mang thai

Khủng hoảng tâm lý khi mang thai là vấn đề khá phổ biến ở mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu không chú ý, những người xung quanh và chính mẹ bầu đều không thể nhận ra tình trạng này.

khủng hoảng tâm lý khi mang thai
Mẹ bầu bị khủng hoảng tâm lý thường có tâm trạng bất ổn, nhạy cảm, dễ khóc, buồn bã và bi quan

Các dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tâm lý khi mang thai:

  • Tâm trạng buồn bã, lo lắng và suy nghĩ nhiều về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tài chính, tương lai của con,…
  • Nhạy cảm, dễ xúc động và có thể khóc mà không rõ nguyên do
  • Thường xuyên than phiền về việc đau nhức, mệt mỏi và lo lắng quá mức về các vấn đề sức khỏe
  • Ngủ nhiều hoặc mất ngủ, thay đổi thói quen ăn uống, có xu hướng ăn nhiều hoặc chán ăn
  • Mệt mỏi, cơ thể giảm năng lượng và giảm hoặc mất hứng thú
  • Căng thẳng, hay đau đầu, chóng mặt,…

Khủng hoảng tâm lý có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào nhưng gặp nhiều nhất ở 3 tháng đầu thai kỳ. Sau khi nội tiết tố ổn định và bản thân mẹ bầu cũng dần quen với việc mang thai, các cảm xúc tiêu cực sẽ có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng cũng có thể diễn biến xấu hơn theo thời gian.

Ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý khi mang thai

Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, ngoài việc chăm sóc cho thể chất, mẹ bầu cũng cần chú ý đến sức khỏe tinh thần. Khủng hoảng tâm lý xảy ra trong thời gian ngắn chủ yếu ảnh hưởng đến mẹ bầu và hiếm khi tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên nếu tình trạng không được cải thiện, cả mẹ và bé đều phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.

Khi có những cảm xúc tiêu cực, cơ thể mẹ sẽ truyền tín hiệu cho thai nhi khiến cơ thể thai nhi sẽ có phản ứng tương tự. Như đã biết, sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, buồn bã,… đều làm gia tăng hormone cortisol. Nếu bị khủng hoảng tâm lý trong thời gian dài, thai nhi cũng sẽ phải đối mặt với các ảnh hưởng của loại hormone này như tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa, tăng nhịp tim, huyết áp,… Ngoài ra, sự gia tăng dài hạn của hormone cortisol còn ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và tim mạch của thai nhi.

Một số nghiên cứu còn cho thấy, các cảm xúc tiêu cực do khủng hoảng tâm lý gây ra còn tăng trở kháng động mạnh tử cung làm gián đoạn dòng máu đến nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, mẹ bầu bị stress, rối loạn lo âu, trầm cảm và khủng hoảng tâm lý dễ gặp phải tình trạng sinh con nhẹ cân, trẻ ốm yếu,…

Ngoài ra, khủng hoảng tâm lý còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho mẹ bầu như dễ bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu và suy nhược cơ thể. Bên cạnh đó, tâm lý bất ổn và căng thẳng kéo dài còn làm gia tăng các bệnh lý như thiếu máu não, mất ngủ, rối loạn tiểu tiện, rối loạn tiêu hóa, suy giảm sức đề kháng.

Cách khắc phục, vượt qua khủng hoảng tâm lý khi mang thai

Có thể thấy, khủng hoảng tâm lý gây ra những hậu quả đáng kể đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu có sự bất ổn về tâm lý nên tìm cách vượt qua để đón chào thiên thần nhỏ với trạng thái tinh thần tốt nhất. Bên cạnh đó, bạn đời và người thân trong gia đình cũng cần động viên để thai phụ vượt qua tình trạng này.

Các biện pháp giúp mẹ bầu vượt qua khủng hoảng tâm lý trong thai kỳ:

1. Chia sẻ với bạn đời và người thân

Ngoài việc chăm sóc cho sức khỏe thể chất, gia đình cũng cần hỗ trợ mẹ bầu để giữ được tinh thần thoải mái và lạc quan nhất trong thai kỳ. Nếu phải đối mặt với nhiều áp lực và lo lắng, mẹ bầu nên chia sẻ với bạn đời, người thân hoặc bạn bè để giải tỏa tâm trạng. Tránh giữ trong lòng những cảm xúc tiêu cực khiến sức khỏe của cả mẹ và bé đều bị ảnh hưởng.

khủng hoảng tâm lý khi mang thai
Sự chia sẻ, động viên từ bạn đời sẽ giúp mẹ bầu vượt qua những vấn đề tâm lý trong thai kỳ

Nếu bị lo lắng, căng thẳng do áp lực trách nhiệm, lời khuyên từ những người có kinh nghiệm sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng lấy lại tinh thần và điều chỉnh lại cảm xúc. Đặc biệt, sự quan tâm và chia sẻ của bạn đời chính là “liều thuốc” tự nhiên giúp thai phụ gạt bỏ những suy nghĩ bi quan và giữ được tâm lý thoải mái nhất trong thai kỳ.

Nếu có mâu thuẫn với chồng và người thân, nên chia sẻ với bạn bè để nhận được lời khuyên. Và quan trọng nhất, mẹ bầu nên nghĩ đến con và hướng đến những điều tích cực trong cuộc sống. Bởi chỉ khi mẹ khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, con mới có thể phát triển và chào đời một cách thuận lợi nhất.

2. Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn

Khi mang thai, mẹ bầu không tránh khỏi những suy nghĩ quẩn quanh về các vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, thói quen này không hề tốt cho mẹ và bé, thậm chí có thể gây ra các vấn đề về tâm lý. Do đó, để vượt qua khủng hoảng tâm lý, mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.

Thay vì nghĩ ngợi quá nhiều, nên ngủ đủ giấc và thư giãn với các hoạt động lành mạnh như nấu ăn, chăm sóc cây cối, sắp xếp lại nhà cửa, đọc sách, nghe nhạc,… Ngoài ra, mẹ cũng có thể dành thời gian để tìm hiểu về cách xây dựng chế độ dinh dưỡng, bí quyết chăm sóc bé, lựa chọn nơi sinh nở,… Những hoạt động này vừa giúp mẹ trang bị kiến thức cần thiết vừa mang đến tinh thần thoải mái và lạc quan hơn.

3. Xây dựng lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh cũng là cách để giúp mẹ bầu vượt qua khủng hoảng tâm lý. Trong khi đó, sự chán chường, uể oải có thể khiến mức độ lo âu và căng thẳng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, mẹ bầu cần xây dựng lối sống khoa học để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

khủng hoảng tâm lý khi mang thai
Mẹ bầu nên xây dựng chế độ ăn hợp lý để cải thiện sức khỏe một cách toàn diện
  • Chế độ dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên tìm hiểu để xây dựng chế độ ăn phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ.
  • Dành thời gian tập thể dục để nâng cao sức khỏe và cải thiện độ dẻo dai của xương khớp. Khi mang thai, mẹ nên tập các bộ môn thể dục có cường độ nhẹ như yoga, đi bộ, bơi lội,… Bên cạnh lợi ích đối với sức khỏe thể chất, tập thể dục còn giúp giảm stress và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.
  • Khi mang thai, mẹ nên cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi để đảm bảo ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng thần kinh. Nếu cần thiết, có thể xin nghỉ một thời gian ngắn để ổn định lại tinh thần trước khi quay trở lại công việc.
  • Hạn chế các thói quen làm gia tăng những cảm xúc tiêu cực như sử dụng thức ăn chứa quá nhiều chất béo bão hòa, đường, dùng quá nhiều trà, cà phê, rượu bia và thuốc lá.
  • Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể áp dụng một số liệu pháp thư giãn như sử dụng trà thảo mộc, ngồi thiền, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương,… để giải tỏa căng thẳng và lo âu.

Hầu hết những trường hợp bị khủng hoảng tâm lý khi mang thai đều có cải thiện tốt sau khi điều chỉnh lối sống và nhận được sự chia sẻ từ những người xung quanh. Ngoài ra, lối sống khoa học cũng giúp thai phụ cải thiện sức khỏe và vượt qua kỳ sinh nở một cách thuận lợi nhất.

4. Tham gia lớp học tiền sản để an tâm hơn

Rất nhiều mẹ bầu bị khủng hoảng tâm lý vì không hiểu hết sức khỏe của bản thân và cảm thấy lo lắng, hoang mang vì gặp phải một vấn đề sức khỏe như ốm nghén, đầy bụng, xì hơi nhiều, khó tiêu, trào ngược, phù chân tay,… Do đó để an tâm hơn, mẹ nên xem xét việc tham gia các khóa học tiền sản.

Các khóa học này sẽ giúp mẹ bầu trang bị những kiến thức cần thiết để hiểu hơn về cơ thể và biết cách chăm sóc bản thân. Ngoài ra, lớp học tiền sản còn hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu sắp sinh và cách chăm sóc trẻ sơ sinh đơn giản. Khi có sự hiểu biết về sức khỏe, mẹ sẽ giảm đi sự lo lắng, bất an và thoải mái hơn trong thời gian mang thai.

5. Tham vấn, trị liệu tâm lý

Đôi khi, khủng hoảng tâm lý ở mẹ bầu không thể cải thiện bằng các biện pháp thông thường. Những trường hợp này thường có liên quan đến các sang chấn tâm lý như bị động thai, tiền sử sảy thai, thai chết lưu,… Do đó, mẹ bầu nên cân nhắc việc tham vấn và trị liệu tâm lý nếu cần thiết.

Các chuyên gia sẽ giúp mẹ bầu lấy lại tâm lý ổn định, gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ bi quan. Đối với thai phụ đang gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống, các chuyên gia cũng sẽ đánh giá và đưa ra lời khuyên hữu ích. Can thiệp trị liệu tâm lý kịp thời giúp mẹ bầu lấy lại tinh thần và phòng ngừa những vấn đề tâm lý trong thai kỳ như trầm cảm, rối loạn lo âu,…

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Khủng hoảng tâm lý khi mang thai là tình trạng khó tránh khỏi ở mẹ bầu. Tuy nhiên nếu không biết cách vượt qua, cả mẹ và thai nhi sẽ gặp phải đối mặt với các ảnh hưởng nặng nề. Do đó, gia đình cần phải đặc biệt quan tâm đến tinh thần của phụ nữ mang thai.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *