Bị rối loạn lo âu khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử lý

Rate this post

Theo số liệu thống kê, khoảng 17% mẹ bầu bị rối loạn lo âu khi mang thai. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, mức độ lo âu, phiền muộn và căng thẳng có thể tăng dần lên theo thời gian khiến sức khỏe của mẹ và thai nhi bị ảnh hưởng đáng kể.

Bị rối loạn lo âu khi mang thai
Khoảng 17% mẹ bầu bị rối loạn lo âu khi mang thai

Rối loạn lo âu khi mang thai – Dấu hiệu nhận biết

Khi mang thai, bên cạnh cảm xúc vui mừng, hạnh phúc là nỗi lo lắng về việc chăm sóc con cái, tài chính, công việc,… Trên thực tế, lo âu là cảm xúc thường thấy ở phụ nữ mang thai – đặc biệt là ở những người lần đầu tiên làm mẹ. Tuy nhiên, một số thai phụ có thể bị lo âu quá mức, luôn thường trực nỗi lo lắng, phiền muộn về những vấn đề không thật sự nghiêm trọng. Đây là những biểu hiện điển hình của chứng rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu khi mang thai chủ yếu ảnh hưởng đến người mẹ nhưng trong một số ít trường hợp có thể xảy ra ở người cha với tỷ lệ rất thấp. Như đã biết, rối loạn lo âu được chia thành nhiều dạng khác nhau. Trong đó, thai phụ chủ yếu gặp phải các dạng như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn hoảng loạn.

Bản thân người mắc chứng rối loạn lo âu có thể nhận thấy sự lo lắng thái quá của bản thân nhưng không thể kiểm soát được. Nếu để kéo dài, các cảm xúc tiêu cực sẽ nhấn chìm trạng thái vui sướng, hạnh phúc. Thai phụ rơi vào trạng thái buồn chán, mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, đau đầu và gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe thể chất khác.

Để có hướng điều trị kịp thời, phụ nữ mang thai cần có hiểu biết nhất định về các bệnh rối loạn tâm thần thường gặp trong giai đoạn tiền sản như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…

Bị rối loạn lo âu khi mang thai
Mẹ bầu bị rối loạn lo âu thường lo lắng quá mức về những vần đề không thật sự nghiêm trọng

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh rối loạn lo âu khi mang thai:

  • Luôn có cảm giác buồn bã, lo âu thường trực về những vấn đề/ tình huống không thật sự nghiêm trọng (thường là lo lắng về sức khỏe và an sinh của thai nhi)
  • Xuống tinh thần và có xu hướng khóc lóc không rõ ý do
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột
  • Dễ hoảng hồn, bồn chồn và hay cáu gắt, giận dữ
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống và sự lo âu thể hiện rõ trên khuôn mặt
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Đôi khi có thể xuất hiện các cơn hoảng loạn (trạng thái lo âu cấp tính) với những biểu hiện như run rẩy, tim đập mạnh, hoảng loạn, sợ hãi
  • Luôn nhìn sự việc qua con mắt bi quan và dành nhiều thời gian để tìm ra giải pháp cho những trường hợp xấu nhất
  • Chần chừ, do dự khi đưa ra các quyết định (dù không quá quan trọng)
  • Sự lo lắng quá mức có thể dẫn đến các vấn đề thể chất như đỏ bừng mặt, nhức mắt, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau nhức vai gáy, mất ngủ,…
  • Đối với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, thai phụ có thể xuất hiện những ý nghĩ ám ảnh về việc thai nhi không được khỏe mạnh, môi trường sống xung quanh nguy hiểm,… Từ đó dẫn đến các hành vi cưỡng chế như thường xuyên kiểm tra nhà cửa để đảm bảo an toàn, rửa tay nhiều quá mức vì sợ nhiễm bệnh cho thai nhi và kiểm tra thai thường xuyên để giải tỏa nỗi lo thai nhi mắc bệnh.

Theo khảo sát của tạp chí Affective Disorders, có khoảng 17% thai phụ mắc chứng rối loạn lo âu vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, các chứng bệnh này có thể phát triển và kéo dài đến giai đoạn hậu sản – đặc biệt là trong trường hợp thai phụ gặp phải các biến chứng thai kỳ (mất con, sinh non, thai chết lưu, thai nhi mắc các vấn đề sức khỏe ngay sau khi sinh,…).

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu khi mang thai

Tương tự như chứng trầm cảm, rối loạn lo âu trong thai kỳ được xác định là có liên quan đến sự thay đổi hormone. Ngoài ra, tác động từ môi trường, các vấn đề trong cuộc sống, mối quan hệ gia đình,… cũng góp phần gây ra chứng bệnh này.

Các nguyên nhân thường gặp gây rối loạn lo âu khi mang thai:

1. Sự thay đổi của hormone

Khi mang thai và sau khi sinh nở khoảng 3 – 6 tháng, nội tiết tố bên trong cơ thể sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Trong thời gian mang thai, hormone estrogen sẽ tăng lên khoảng 100 lần và giảm dần sau khi sinh nở. Sự gia tăng hormone này quá mức khiến tâm trạng trở nên bất ổn, mẹ bầu nhạy cảm và o âu quá mức về những vấn đề trong cuộc sống.

Ngoài ra, sự gia tăng của hormone “tình yêu” – oxytocin cũng được xem là yếu tố gây ra sự lo lắng quá mức. Cụ thể, hormone này giúp hình thành sợi dây liên kết giữa mẹ và bé, tạo tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm của mẹ đối với em bé. Chính vì vậy, thai phụ thường có phản ứng tự nhiên là lo lắng về sức khỏe và cuộc sống của con sau này.

2. Thay đổi hoạt động của não bộ

Dù chưa có nghiên cứu chính xác nhưng các chuyên gia nhận thấy, các bộ phận xử lý vấn đề ở não bộ có sự thay đổi đáng kể về kích cỡ và cấu tạo trong thời gian mang thai. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai thường có tâm trạng thất thường và dễ mắc các chứng rối loạn tâm thần hơn so với bình thường.

3. Di truyền

Rối loạn lo âu là bệnh lý có khả năng di truyền. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên từ 4 – 6 lần nếu cha mẹ có tiền sử mắc hội chứng này. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có nguy cơ bị rối loạn lo âu nếu đã mắc chứng lo âu vào những lần mang thai trước.

Bị rối loạn lo âu khi mang thai
Di truyền là một trong những nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu khi mang thai

Mặc dù cơ chế di truyền chưa được nghiên cứu rõ nhưng có thể khẳng định vai trò của gen trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn lo âu và nhiều bệnh lý tâm thần khác.

4. Sang chấn tâm lý

Như đã đề cập, tâm trạng của thai phụ có xu hướng nhạy cảm hơn bình thường dưới tác động của hormone. Do đó, việc đối mặt với các sang chấn tâm lý trong giai đoạn này có thể gia tăng nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn lo âu.

Các sang chấn tâm lý có thể gây ra chứng rối loạn lo âu ở bà bầu:

  • Mang thai ngoài ý muốn, phải tự mình chăm sóc và không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ gia đình hay những người xung quanh.
  • Cuộc sống gia đình có nhiều mâu thuẫn, vợ chồng không hòa hợp, thường xuyên cãi vả,…
  • Cuộc sống khó khăn, áp lực tài chính, thất nghiệp,… cũng gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu trong thời gian mang thai.
  • Phụ nữ đã từng sảy thai, mất con ngay sau khi sinh cũng có xu hướng lo lắng quá mức vào lần mang thai tiếp theo.
  • Chứng kiến trực tiếp những tình huống nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của thai nhi như suýt bị ngã, tai nạn xe,… cũng khiến mẹ bầu có xu hướng lo lắng và căng thẳng hơn bình thường.

5. Các nguyên nhân, yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, rối loạn lo âu ở bà bầu cũng có thể phát triển khi có những nguyên nhân và yếu tố như:

Bị rối loạn lo âu khi mang thai
Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm cao nếu sử dụng rượu bia và hút thuốc lá
  • Tiền sử trầm cảm, rối loạn lo âu từ trước
  • Tiền sử lạm dụng rượu bia, chất kích thích và hút thuốc lá lâu năm
  • Người thuộc tuýp hay lo âu, dễ căng thẳng thần kinh, hướng nội, ít chia sẻ,… sẽ có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn.
  • Phụ nữ mang thai mắc các bệnh lý toàn thân có thể gây ra biến chứng thai kỳ như tiểu đường, ung thư, HIV,… dễ gặp phải tình trạng lo âu và căng thẳng hơn.
  • Một số nghiên cứu cũng cho thấy, nữ giới có mẹ hoặc những người thân xung quanh mất do sinh nở sẽ có sự lo lắng thường trực và quá mức khi mang thai.

Rối loạn lo âu khi mang thai có nguy hiểm không?

Rối loạn lo âu và các vấn đề rối loạn tâm thần đều ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Sự lo âu, phiền muộn và căng thẳng quá mức sẽ khiến cho thai phụ giảm tập trung, gặp vấn đề về trí nhớ và khó khăn để duy trì hiệu quả công việc. Ngoài ra, sự lo lắng thái quá và kéo dài cũng khiến cho cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, uể oải, mệt mỏi, mất ngủ và đau nhức xương khớp.

Với mẹ bầu có sẵn các bệnh lý mãn tính, rối loạn lo âu có thể kích thích triệu chứng của các bệnh lý này bùng phát như rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu, viêm đại tràng co thắt,… Ngoài ra, lo âu và căng thẳng kéo dài cũng gia tăng mức độ của bệnh tiểu đường, cao huyết áp và nhiều vấn đề sức khỏe thể chất khác.

Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, mẹ bầu có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng thai kỳ như sinh non, sảy thai, trẻ sinh ra nhẹ cân,… Một số trường hợp rối loạn lo âu nặng có thể dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát. Chính vì vậy, bản thân thai phụ và những người thân trong gia đình cần có sự hiểu biết nhất định về các bệnh rối loạn tâm thần dễ xảy ra khi mang thai để có biện pháp khắc phục, điều trị kịp thời.

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu khi mang thai

Phụ nữ mang thai dễ gặp phải tác dụng phụ khi thực hiện các phương pháp điều trị rối loạn lo âu. Do đó, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ. Bên cạnh các phương pháp chuyên sâu, bạn đời và người thân trong gia đình cũng cần có sự hỗ trợ để thai phụ nhanh chóng ổn định tâm lý, khỏe mạnh và an tâm hơn trong suốt thai kỳ.

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu khi mang thai:

1. Sử dụng thuốc

Dùng thuốc khi mang thai có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của thai nhi. Vì vậy, bác sĩ chỉ yêu cầu dùng thuốc khi lợi ích cao hơn rủi ro tiềm ẩn. Nguyên tắc khi sử dụng thuốc cho mẹ bầu bị rối loạn lo âu là lựa chọn các loại thuốc ít ảnh hưởng đến thai nhi, dùng liều thấp (1 lần/ ngày) và ưu tiên các loại thuốc có tác dụng tốt.

Bị rối loạn lo âu khi mang thai
Một số loại thuốc điều trị rối loạn lo âu sẽ được sử dụng cho thai phụ để giảm sự lo âu, hoảng loạn và căng thẳng quá mức

Một số loại thuốc điều trị rối loạn lo âu có thể được dùng cho phụ nữ mang thai:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): Đây là nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng trong điều trị trầm cảm và rối loạn lo âu khi mang thai. Nhóm thuốc này được đánh giá tương đối an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ như nhẹ cân, sinh non và xuất huyết sau sinh. Các SSRIs thường được dùng cho phụ nữ mang thai bao gồm Sertraline, Fluoxetine, Citalopram,…
  • Thuốc chống trầm cảm đa vòng: Các loại thuốc chống trầm cảm đa vòng (3 vòng, 4 vòng) cũng có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng rối loạn lo âu hay trầm cảm. Trong đó thường dùng nhất là Mirtazapine và Amitriptyline. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được dùng khi SSRIs không mang lại hiệu quả.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs): SNRIs cũng có thể được dùng trong điều trị rối loạn lo âu ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nghiên cứu về độ an toàn của nhóm thuốc này đối với thai phụ còn hạn chế nên SSRIs vẫn được ưu tiên. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc SNRIs như Duloxetin. Nguy cơ dị tật ở thai nhi khi dùng loại thuốc này sẽ dao động khoảng 1.5 – 1.8% nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi dùng.
  • Thuốc giải lo âu nhóm benzodiazepine: Thuốc giải lo âu có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai có biểu hiện lo âu quá mức, hoảng loạn và sợ hãi trước những tình huống/ vấn đề trong cuộc sống. Nguy cơ gây quái thai khi dùng nhóm thuốc này chỉ khoảng 0.25% nên thuốc vẫn được sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
  • Vitamin, khoáng chất tổng hợp: Ngoài các loại thuốc trên, phụ nữ mang thai cũng có thể được chỉ định dùng vitamin và khoáng chất tổng hợp để giảm nhẹ triệu chứng của rối loạn lo âu. Các viên uống này còn hỗ trợ cung cấp vi chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Trên thực tế, hầu hết các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn lo âu khi mang thai đều tiềm ẩn rủi ro và tác dụng ngoại ý. Tuy nhiên, rối loạn lo âu không được điều trị có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn nên các loại thuốc này vẫn sẽ được sử dụng. Trong tất cả các trường hợp, bác sĩ đều cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích mang lại để chỉ định loại thuốc phù hợp.

2. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý được xem là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu khi mang thai. Phương pháp này sử dụng phương tiện chính là giao tiếp để điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức và cảm xúc của người bệnh. Tâm lý trị liệu sẽ được thực hiện song song với dùng thuốc để đạt kết quả cao nhất.

Đối với chứng rối loạn lo âu khi mang thai, trị liệu sẽ được thực hiện theo hình thức cá nhân, cặp vợ chồng, nhóm (giữa các thai phụ đều mắc bệnh) và gia đình. Kết hợp nhiều hình thức trị liệu sẽ giúp quá trình chữa trị mang lại kết quả tốt. Đồng thời giúp những người xung quanh hiểu rõ hơn về bệnh tình của thai phụ, qua đó có sự hỗ trợ và chia sẻ để quá trình điều trị mang lại hiệu quả cao.

Bị rối loạn lo âu khi mang thai
Trị liệu tâm lý là phương pháp an toàn và lâu dài đối với bệnh rối loạn lo âu khi mang thai

Bên cạnh đó, các chuyên gia/ nhà trị liệu cũng sẽ hướng dẫn cho mẹ bầu một số kỹ năng và liệu pháp thư giãn để kiểm soát tốt căng thẳng trong cuộc sống. Với những người bị chứng rối loạn hoảng sợ, chuyên gia sẽ tư vấn cách xử lý khi cơn hoảng sợ bùng phát để giảm thiểu những phiền toái trong cuộc sống.

3. Sự hỗ trợ từ gia đình

Sự hỗ trợ từ gia đình là “liều thuốc” giúp phụ nữ mang thai có thể đối phó với nỗi lo âu, căng thẳng và phiền muộn quá mức. Khi nhận được sự quan tâm của bạn đời và người thân trong gia đình, thai phụ sẽ ít có xu hướng cô lập bản thân và đắm chìm trong rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.

Đối với bệnh nhân bị rối loạn lo âu, cần tránh những lời khuyên mang tính chất ép buộc. Thay vào đó, nên dành thời gian lắng nghe những chia sẻ, cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Đồng thời hướng bệnh nhân đến những suy nghĩ tích cực và khuyến khích người bệnh thực hiện hoạt động lành mạnh như tập thể dục, vẽ tranh, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cối,… thay vì dành thời gian để suy nghĩ về mối lo âu không thật sự cần thiết.

4. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu, phụ nữ mang thai mắc chứng rối loạn lo âu cũng có thể cải thiện bệnh tình bằng một số biện pháp hỗ trợ. Các biện pháp này có thể nâng cao sức khỏe thể chất, giảm căng thẳng, ổn định cảm xúc và mang đến thai phụ nguồn năng lượng tích cực hơn.

Bị rối loạn lo âu khi mang thai
Phụ nữ mang thai nên dành thời gian tập yoga để giải tỏa căng thẳng và cải thiện chứng rối loạn lo âu

Các biện pháp hỗ trợ giảm chứng rối loạn lo âu khi mang thai:

  • Thiền định
  • Tập yoga và các bộ môn thể thao có cường độ nhẹ
  • Học cách chia sẻ những nỗi lo, phiền muộn với bạn đời và người thân
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, hạn chế chất béo bão hòa, đường và đồ uống chứa cồn
  • Áp dụng các liệu pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch, liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm,…
  • Dành thời gian cho các hoạt động hữu ích như thai giáo, vẽ tranh, học ngoại ngữ,… để kích thích sự phát triển của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Điều này sẽ tạo cho mẹ bầu cảm giác an tâm hơn và giảm bớt thời gian suy nghĩ về những mối lo không cần thiết.
  • Ngủ đủ giấc
  • Cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Bị rối loạn lo âu khi mang thai gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống, sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi. Chính vì vậy, mẹ bầu cần chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy bản thân có dấu hiệu lo lắng quá mức, không thể kiểm soát cảm xúc và hành vi. Bên cạnh đó, bạn đời và người thân trong gia đình cũng cần có sự quan tâm với thai phụ để tránh những tình huống đáng tiếc.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *