Nên thận trọng với tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu
Tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn lo âu ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trang bị thông tin về vấn đề này sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về rủi ro khi sử dụng và kịp thời thông báo với bác sĩ nếu gặp phải các biểu hiện bất thường.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc rối loạn lo âu
Sử dụng thuốc là phương pháp chính khi điều trị rối loạn lo âu bên cạnh tâm lý trị liệu. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc loại thuốc với liều lượng phù hợp. Mục tiêu chính của sử dụng thuốc là cải thiện các triệu chứng về sức khỏe tâm thần và thể chất ở người bệnh.
Bên cạnh đó, dùng thuốc rối loạn lo âu còn giúp nâng cao cảm xúc và tăng hiệu quả, sự hợp tác của bệnh nhân trong quá trình trị liệu tâm lý. Chính vì vậy, thuốc được chỉ định cho hầu hết các trường hợp rối loạn lo âu, trừ những trường hợp nhẹ, mới phát.
Ngoài những lợi ích mang lại, thuốc điều trị rối loạn lo âu cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng phụ. Trang bị thông tin về những tác dụng ngoại ý có thể gặp phải khi dùng thuốc sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về rủi ro khi sử dụng và thông báo với bác sĩ kịp thời ngay khi gặp phải các biểu hiện bất thường.
Hiện tại, điều trị rối loạn lo âu bao gồm có nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc giải lo âu, thuốc chẹn beta và các viên uống chứa vitamin, khoáng chất tổng hợp. Đa phần các loại thuốc này đều có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương nên xảy ra khá nhiều tác dụng phụ khi sử dụng.
Dưới đây là các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc rối loạn lo âu:
1. Mất ngủ/ buồn ngủ quá mức
Mất ngủ/ buồn ngủ quá mức là tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu. Trong đó, mất ngủ là tác dụng phụ hay gặp ở thuốc chống trầm cảm – nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất.
Nhóm thuốc này đều có cơ chế ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine, acetylcholine, muscarin, dopamine,… Nhờ vậy, các chất nội sinh trong não bộ sẽ được duy trì ở mức cân bằng. Qua đó cải thiện tình trạng lo lắng, căng thẳng, lo âu, muộn phiền dai dẳng và kéo dài.
Tuy nhiên, việc ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh có thể khiến não bộ bị kích thích và khó chìm vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn,… Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây mất ngủ nhưng gặp nhiều hơn ở thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) và thuốc ức chế monoamin oxidase (MAOIs).
Buồn ngủ quá mức thường xảy ra vào ban ngày do mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, tình trạng buồn ngủ cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc giải lo âu. Các loại thuốc này có tác dụng an dịu thần kinh nên có hiệu quả gây ngủ.
2. Buồn nôn, nôn mửa
Buồn nôn là triệu chứng không đặc hiệu xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể bắt nguồn từ việc sử dụng một số loại thuốc chống rối loạn lo âu. Hai trung tâm gây nôn chính trong cơ thể là vùng kích hoạt hóa thụ thể (CTZ) và trung tâm gây nôn (Vomiting Center). Trung tâm gây nôn (Vomiting Center) nằm ở hành não có gắn với các thụ thể đặc hiệu muscarinic và CTZ cũng nằm ở hành não gắn với thụ thể Dopamin.
Như đã biết, các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu hoạt động bằng cách tái hấp thu một số chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, muscarin, serotonin, norepinephrine,… Chính vì vậy, các thụ thể đặc hiệu gắn với các trung tâm gây nôn có thể bị kích thích dẫn đến phản ứng buồn nôn và nôn mửa. Tác dụng phụ này gặp chủ yếu khi dùng thuốc chống trầm cảm.
3. Rối loạn chức năng tình dục
Ngoài các tác dụng phụ trên, sử dụng thuốc rối loạn lo âu còn có thể gây rối loạn chức năng tình dục. Nguyên nhân là do các loại thuốc này tác dụng lên chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ dẫn đến tác dụng an thần, buồn ngủ, giảm ham muốn và khó đạt cực khoái khi quan hệ. Ngoài ra, nam giới dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu còn có gặp phải tình trạng rối loạn cương dương.
Mức độ rối loạn chức năng tình dục phụ thuộc vào từng loại thuốc, liều lượng và cơ địa của từng người. Trong đó, tác dụng phụ này thường gặp ở thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm đa vòng và thuốc ức chế monoamin oxidase (MAOIs).
Rối loạn chức năng tình dục là tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc chống rối loạn lo âu. Đây là tác dụng ngoại ý có mức độ nhẹ nên không nhất thiết phải ngưng thuốc. Để cải thiện các rối loạn tình dục do nhóm thuốc này gây ra, người bệnh nên tăng cường tập thể dục và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
4. Khô miệng, táo bón
Khô miệng, táo bón cũng là tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc rối loạn lo âu, trong đó gặp nhiều nhất ở thuốc an thần giải lo âu, thuốc chẹn beta và thuốc chống trầm cảm (gặp chủ yếu ở thuốc chống trầm cảm 3 vòng).
Các loại thuốc này đều khiến cơ thể mất nước dẫn đến tình trạng khô miệng và táo bón. Để khắc phục tình trạng khô miệng và táo bón khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu, bệnh nhân cần uống nhiều nước và tăng cường bổ sung rau xanh, thực phẩm giàu probiotic vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
5. Tăng tiết mồ hôi
Sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu – đặc biệt là thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng tiết mồ hôi. Đổ mồ hôi là hệ quả do tăng nồng độ các chất dẫn truyền trong não bộ nhất là norepinephrine. Do đó, tác dụng phụ này thường gặp ở những trường hợp sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs).
Tình trạng tăng tiết mồ hôi cũng có thể xảy ra khi dùng thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) và thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine + dopamine (NDRIs). Các loại thuốc chống trầm cảm khác ít gặp phải tác dụng phụ này vì hầu như không làm thay đổi nồng độ norepinephrine trong não bộ.
6. Mất kinh, rối loạn kinh nguyệt
Với nữ giới, thuốc điều trị rối loạn lo âu có thể gây ra một số tác dụng phụ như mất kinh và rối loạn kinh nguyệt. Tác dụng phụ này gặp chủ yếu ở những trường hợp sử dụng thuốc chống trầm cảm. Thông qua cơ chế thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền trong não bộ, các loại thuốc chống trầm cảm có thể làm thay đổi tâm trạng và giảm nhẹ các triệu chứng thể chất như căng cơ, đau nhức vai gáy, mệt mỏi,…
Tuy nhiên, sự thay đổi của các yếu tố nội sinh trong bộ não ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của hệ nội tiết tuyến yên – vùng dưới đồi – buồng trứng. Hệ nội tiết này chính là cơ quan chi phối chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Chính vì vậy khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu, nữ giới có thể gặp phải tình trạng mất kinh, vòng kinh thưa, mau hoặc rong kinh.
7. Các tác dụng phụ khác
Ngoài những tác dụng phụ trên, các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu còn gây ra một số tác dụng phụ khác như:
- Thay đổi vị giác
- Tăng/ giảm huyết áp
- Bồn chồn
- Khó tiểu
- Đau đầu
- Mất thị lực, run, co giật
- Hoa mắt
- Tăng cân
- Tăng tiết sữa
- Nổi mụn trứng cá
- Chứng vú to ở nam giới
- Sốt cao toàn thân
- Yếu cơ
- Mất điều hòa
Trên thực tế, tất cả các loại thuốc chữa rối loạn lo âu đều tiềm ẩn rủi ro và tác dụng ngoại ý bên cạnh những lợi ích mang lại. Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng phụ thường gặp đều có mức độ nhẹ và vừa. Trong tất cả các trường hợp, bác sĩ luôn cân nhắc giữa rủi ro và nguy cơ để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.
Cách xử trí khi gặp phải tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu
Sử dụng thuốc rối loạn lo âu có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Khi gặp phải các biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần có hướng khắc phục, xử trí kịp thời để phòng tránh những tình huống đáng tiếc.
Trong thời gian sử dụng, nên chú ý các biểu hiện bất thường. Nếu nhận thấy tác dụng phụ phát sinh, cần thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách khắc phục. Đối với những tác dụng phụ có mức độ nhẹ đến vừa, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng và hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống, thói quen để cải thiện.
Tuy nhiên đối với tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ buộc phải giảm liều hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác. Đồng thời có thể phải điều trị y tế để cải thiện triệu chứng và nâng đỡ thể trạng.
Các biện pháp hạn chế tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu
Các tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn lo âu ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng người bệnh có thể hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng ngoại ý bằng một số biện pháp sau:
- Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và chú ý biểu hiện trong thời gian sử dụng. Khi gặp phải bất cứ biểu hiện nào khác thường, bệnh nhân đều cần phải thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng kịp thời.
- Không tự ý phối hợp các loại thuốc điều trị khi chưa tham vấn y khoa. Ngoài ra, cần tránh dùng đồng thời với thuốc Đông y, thuốc nam và các viên uống bổ sung nếu không có chỉ định.
- Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ có thể tăng lên khi dùng rượu bia, chất gây nghiện và hút thuốc lá. Do đó để hạn chế tác dụng ngoại ý, bệnh nhân nên tránh các thói quen trên trong thời gian điều trị.
- Ngoài tương tác thuốc, một số loại thuốc điều trị rối loạn lo âu còn tương tác với đồ uống và thức ăn. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần kiêng cữ một số loại thực phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Dùng thuốc dài hạn gia tăng nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, bệnh nhân cần phối hợp dùng thuốc với trị liệu tâm lý, các biện pháp hỗ trợ và xây dựng lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe thể chất và tâm thần. Qua đó rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế tối đa tình trạng dùng thuốc lâu dài.
Bài viết đã tổng hợp các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu. Hy vọng từ những thông tin trên, bệnh nhân đã có hình dung cụ thể về rủi ro khi dùng thuốc và chú ý hơn trong quá trình sử dụng. Nếu có bất cứ biểu hiện nào khác thường, nên chủ động thông báo với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Bài thuốc nam chữa rối loạn lo âu từ các thảo dược thiên nhiên
- Phương pháp tâm lý trị liệu chữa rối loạn lo âu có hiệu quả không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!