Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu và lưu ý khi dùng

Thuốc điều trị rối loạn lo âu thường được sử dụng kết hợp với trị liệu tâm lý và các biện pháp hỗ trợ. Mục tiêu của sử dụng thuốc là giảm tình trạng lo lắng, phiền muộn, căng thẳng quá mức và cải thiện triệu chứng thực thể do lo âu gây ra.

rối loạn lo âu nên uống thuốc gì
Bị rối loạn lo âu nên uống thuốc gì?

Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu thường dùng

Rối loạn lo âu là chứng bệnh tâm thần phổ biến nhất hiện nay. Chứng bệnh này có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn với đặc điểm là tình trạng lo lắng, căng thẳng và phiền muộn quá mức, thường trực và kéo dài. Rối loạn lo âu được chia thành nhiều dạng tùy theo đặc điểm và biểu hiện lâm sàng, trong đó thường gặp nhất là rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) và rối loạn ám ảnh sợ.

Về cơ bản, lo âu là trạng thái thường gặp khi phải đối mặt với những vấn đề căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, trạng thái lo âu thông thường sẽ giảm dần theo thời gian. Ngược lại, sự lo lắng, phiền muộn ở bệnh nhân rối loạn lo âu có xu hướng nặng dần theo thời gian và người bệnh gần như không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân – ngay cả khi nhận thấy sự lo lắng của bản thân là thái quá và thừa thãi.

Rối loạn lo âu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống mà còn là nguồn cơn dẫn đến nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn ăn uống,… Để kiểm soát các triệu chứng của bệnh lý này, bệnh nhân cần sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mục tiêu của dùng thuốc là giảm sự lo lắng, phiền muộn và đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực do rối loạn lo âu gây ra. Đồng thời làm giảm các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật do lo lắng quá mức. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần dùng vitamin, khoáng chất và một số viên uống bổ thần kinh để hỗ trợ cho quá trình chữa trị.

Dưới đây là một số nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu:

1. Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất trong điều trị rối loạn lo âu. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn được sử dụng để điều trị trầm cảm, các chứng đau mãn tính, rối loạn hưng cảm và nhiều bệnh lý khác. Cơ chế chung của thuốc chống trầm cảm là làm thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ nhằm cải thiện tâm trạng và cảm xúc.

Thuốc chống trầm cảm được chia thành nhiều nhóm và hiện nay có khoảng 30 loại thuốc đang được sử dụng. Trong điều trị rối loạn lo âu, lựa chọn ưu tiên là SSRIs (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc). Nếu không có đáp ứng, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng loại thuốc khác.

– Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs):

Như tên gọi, SSRIs có cơ chế là ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc tại synap trước của tế bào thần kinh serotonergic. Nhờ vậy, nồng độ serotonin trong não bộ sẽ tăng lên đáng kể. Thuốc có tác dụng giảm các cảm xúc tiêu cực ở bệnh nhân rối loạn lo âu như lo âu quá mức, căng thẳng, phiền muộn, buồn chán,…

rối loạn lo âu nên uống thuốc gì
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất khi điều trị rối loạn lo âu

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc (SSRIs) thường được sử dụng lâu dài và tác dụng khá chậm (chỉ nhận thấy sau 3 – 5 tuần sử dụng). Hiện nay, SSRIs được đánh giá là nhóm thuốc an toàn, ít tác dụng phụ nhất và được sử dụng trong điều trị nhiều loại rối loạn lo âu như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, các ám ảnh sợ,…

Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ có mức độ nhẹ như buồn nôn, đau đầu, mất ngủ, rối loạn chức năng tình dục,… Các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc được dùng phổ biến bao gồm Fluoxetine, Paroxetine, Escitalopram, Sertraline,…

– Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs):

SNRIs thường được sử dụng khi SSRIs không mang lại hiệu quả. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu serotone và norepinephrine trong não bộ nhưng hiệu quả ức chế tái hấp thu serotonin kém hơn so với SSRIs. Bên cạnh đó, một số loại thuốc trong nhóm SNRIs còn có hiệu quả ức chế tái hấp thu dopamin không đặc hiệu.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine chủ yếu được dùng trong điều trị rối loạn lo âu hoảng sợ, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu sợ xã hội,… Vì tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc nên SNRIs chỉ được sử dụng khi cần thiết. Các loại thuốc SNRIs được sử dụng phổ biến bao gồm Desvenlafaxine, Duloxetine, Venlafaxine,…

– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA):

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) là một trong những loại thuốc chống trầm cảm. TCA hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu serotonin, norepinephrine và các chất dẫn truyền thần kinh khác như muscarin, dopamin, histamine, acetylcholin,… Cũng chính vì tác động đến nhiều chất nội sinh trong não bộ nên nhóm thuốc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng có nhiều tác dụng phụ nhưng hiệu quả rõ rệt hơn hơn so với thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) nên vẫn được sử dụng trong một số trường hợp, đặc biệt là khi rối loạn lo âu đi kèm với đau đầu, chán ăn, mệt mỏi và mất ngủ. Nhóm thuốc này mang lại tác dụng chậm (sau khoảng 2 – 4 tuần sử dụng).

thuốc điều trị rối loạn lo âu
Amitriptyline là thuốc chống trầm cảm 3 vòng được dùng phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu

Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng, Trong đó, Amitriptyline là loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất nhờ hiệu quả rõ rệt và chi phí thấp. Amitriptyline chủ yếu được dùng cho bệnh nhân có triệu chứng lo âu quá mức và kích động. Ngoài ra, Clomipramin cũng có thể được sử dụng với bệnh nhân bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ. Những loại thuốc khác ít được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu do tác dụng hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

– Thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI):

Thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI) là nhóm thuốc chống trầm cảm tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ nhất. Khác với các loại thuốc chống trầm cảm trên, MAOI hoạt động bằng cách ức chế monoamin oxydase – một loại enzyme phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ như norepinephrine, dopamin và serotonin.

Khi sử dụng MAOI, nồng độ các chất nội sinh trong não bộ sẽ tăng mạnh dẫn đến giảm các triệu chứng của rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, việc tác động đến toàn bộ các chất dẫn truyền thần kinh tiềm ẩn không ít rủi ro và biến chứng. Hơn nữa khi sử dụng MAOI, bệnh nhân cần kiêng cữ một số loại thức ăn, đồ uống và tránh dùng thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương sau khi ngưng thuốc ít nhất 14 ngày.

Các loại thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI) được sử dụng bổ biến bao gồm Tranylcypromine, Isocarboxazid, Phenelzine,…

Nhóm thuốc chống trầm cảm không điển hình:

Ngoài các loại thuốc trên, thuốc chống trầm cảm không điển hình cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất bao gồm Bupropion, Mirtazapine, Trazodone,… Nhóm thuốc này cũng tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ nhằm thay đổi tâm trạng và cảm xúc ở bệnh nhân rối loạn lo âu.

2. Thuốc an thần, giải lo âu

Các loại thuốc an thần được sử dụng trong rối loạn lo âu thường dùng bao gồm Seduxen, Benzodiazepine, Atarax,… Trong đó, các Benzodiazepine (Diazepam, Oxazepam, Chlordiazepoxide) được dùng rộng rãi nhất.

Các loại thuốc này được sử dụng để giảm lo âu, căng thẳng và lo lắng quá mức. Ngoài ra, thuốc an thần còn có tác dụng cải thiện các triệu chứng thể chất do lo âu quá mức gây ra như căng cơ, mất ngủ. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả nhanh chóng ngay sau khi sử dụng (khoảng 30 – 90 phút). Tuy nhiên, hạn chế của thuốc là dễ gây nghiện và lạm dụng nếu sử dụng trong thời gian dài.

Các loại thuốc trị rối loạn lo âu
Thuốc an thần, giải lo âu thường được dùng ngắn hạn để cải thiện tình trạng lo lắng và căng thẳng quá mức

Chính vì vậy, thuốc an thần giải lo âu chủ yếu được dùng ngắn hạn trong giai đoạn bệnh nhân bị căng thẳng và lo âu quá mức. Nếu sử dụng dài hạn, phải giảm liều từ từ trước khi ngừng hẳn để tránh rủi ro và tác dụng phụ phát sinh.

Nhóm thuốc này tác động lên hệ thần kinh trung ương nên có thể gây choáng váng, lảo đảo và mất phối hợp vận động. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần tránh lái xe và điều khiển máy móc trong thời gian sử dụng.

3. Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần chủ yếu được dùng trong điều trị tâm thần phân biệt. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể được dùng để điều trị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và chứng rối loạn lo âu nghiêm trọng. Thuốc chống loạn thần bao gồm 2 nhóm chính là thuốc chống loạn thần thế hệ cũ (thuốc chống loạn thần điển hình) và thuốc chống loạn thần thế hệ mới (thuốc chống loạn thần không điển hình).

Thuốc chống loạn thần ức chế dopamin trong não bộ nhằm cải thiện các triệu chứng như hoang mang, lo lắng, kích động quá mức, lời nói run rẩy, không mạch lạc,… Đối với rối loạn lo âu, nhóm thuốc này chủ yếu được dùng cho bệnh nhân bị rối loạn hoảng loạn và các ám ảnh sợ. Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn có các hành vi bạo lực, gây hấn cũng có thể được chỉ định thuốc.

Các loại thuốc loạn thần được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu:

  • Paliperidone
  • Aripiprazole
  • Amisulpride
  • Olanzapine

Thuốc chống loạn thần có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng như tăng cân, nhìn mờ, khô miệng, buồn ngủ, chậm chạp, cứng, run người, bồn chồn, rối loạn tình dục, thay đổi nội tiết tố,…

4. Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta thường được dùng để điều trị các vấn đề tim mạch và tăng huyết áp. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu. Thuốc chẹn beta làm giảm tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine. Do đó, thuốc có thể cải thiện một số triệu chứng thực thể của lo âu như bồn chồn, đỏ bừng mặt, đau thắt ngực, nghẹn thở, chân tay run, đau đầu, choáng, tim đập nhanh,…

Thuốc chẹn beta (Proranolol, Atenolol,…) không được sử dụng nếu bệnh nhân có tiền sử hen suyễn. Mặc dù có thể giảm các triệu chứng thực thể do rối loạn lo âu gây ra nhưng nhóm thuốc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sử dụng. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định. Khi sử dụng, nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, tay chân lạnh, tăng cân, hạ huyết áp.

5. Các viên uống tổng hợp

Ngoài các loại thuốc điều trị, bệnh nhân rối loạn lo âu cũng có thể được chỉ định dùng thêm thuốc bổ thần kinh, viên uống cung cấp vitamin và khoáng chất như vitamin C, canxi, magie, vitamin D,… Các khoáng chất và vitamin này đều tham gia vào quá trình sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh. Do đó, sử dụng các viên uống bổ sung ít nhiều sẽ hỗ trợ đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực do rối loạn lo âu gây ra.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu

Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị chính đối với bệnh rối loạn lo âu. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao và hạn chế rủi ro phát sinh khi sử dụng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

Các loại thuốc trị rối loạn lo âu
Cần tránh sử dụng rượu bia khi dùng các loại thuốc trị rối loạn lo âu
  • Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe hiện tại và lịch sử dùng thuốc trong vòng 14 ngày để được cân nhắc sử dụng loại thuốc phù hợp nhất.
  • Tất cả các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu đều gây ra tác dụng phụ khi sử dụng. Trước khi dùng, bệnh nhân nên trao đổi kỹ với bác sĩ vấn đề này để kịp thời phát hiện và xử trí khi xảy ra tác dụng ngoại ý.
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khi dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu. Các chất ức chế hệ thần kinh trung ương có thể tương tác và làm tăng hiệu quả của thuốc dẫn đến nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.
  • Nếu sử dụng MAOI, bệnh nhân cần kiêng cữ một số loại thức uống và thực phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nhóm thuốc này có thể tương tác với một số loại axit amin có trong thực phẩm.
  • Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân rối loạn lo âu nên kết hợp với trị liệu tâm lý và các liệu pháp hỗ trợ như thiền định, âm nhạc trị liệu, tập thể dục, xây dựng lối sống lành mạnh,… để hỗ trợ quá trình chữa trị.

Thuốc điều trị rối loạn lo âu có thể cải thiện triệu chứng thực thể và giảm các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, phiền muộn, căng thẳng,… Tuy nhiên, dùng thuốc luôn đi kèm với rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi có chỉ định và cần tìm hiểu kỹ để hiểu rõ hơn về cơ chế, tác dụng, rủi ro của từng loại thuốc.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *