Tâm trạng buồn chán sau sinh: Nguyên nhân, cách cải thiện
Sinh con là một trải nghiệm rất tuyệt vời đối với mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, đây là giai đoạn khá nhạy cảm và làm ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của các mẹ bỉm. Thống kê nhận thấy có đến khoảng 80% các bà mẹ xuất hiện tâm trạng buồn chán sau khi vừa sinh xong.
Tâm trạng buồn chán sau sinh là gì?
Mang thai và sinh con là thiên chức vô cùng ý nghĩa và tuyệt vời đối với phụ nữ. Việc chào đón đứa con của mình là một trong những trải nghiệm đầy cảm xúc hạnh phúc pha lẫn sự mệt mỏi. Lúc này hàm lượng các hormone bên trong cơ thể của mẹ bỉm sẽ bị thay đổi đáng kể và làm ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của họ.
Theo số liệu thống kê cho biết rằng có đến khoảng 80% các trường hợp phụ nữ sau sinh rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, thường xuyên cảm thấy tâm trạng buồn chán và mệt mỏi. Đây được gọi là hội chứng baby blues, kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn và có thể tự biến mất sau đó.
Khi ấy các bà mẹ sẽ xuất hiện những cơn căng thẳng, lo lắng, buồn chán và sự thay đổi tâm trạng đột ngột. Dựa vào số liệu thực tế cho thấy có đến 4 trong số 5 các bà mẹ xuất hiện các dấu hiệu này sau khi vừa mới sinh xong. Trạng thái này thường sẽ xuất hiện trong khoảng vài ngày đầu sau sinh và dần thuyên giảm về sau. Đặc biệt nếu bạn gặp phải một số vấn đề khó khăn trong quá trình sinh nở thì hiện tượng này có thể khởi phát sớm hơn.
Tình trạng buồn chán sau sinh sẽ có thời gian kéo dài khác nhau ở mỗi bà mẹ. Có người chỉ xuất hiện trong khoảng 1 đến 3 ngày nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến 10 ngày hoặc lên đến vài tuần. Hội chứng Baby blues được đánh giá là tình trạng hoàn toàn bình thường và có thể dễ dàng khống chế được. Tuy nhiên, khi tâm trạng buồn chán sau sinh cứ kéo dài dai dẳng và càng trở nên tồi tệ thì có nhiều khả năng bạn đang mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.
Nguyên nhân của tâm trạng buồn chán sau sinh
Hiện nay vẫn chưa có bất kì nghiên cứu khoa học nào chứng minh được cụ thể nguyên nhân gây ra tình trạng buồn chán sau sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra được một số yếu tố có thể dẫn đến tình trạng này như:
- Sự biến đổi đột ngột về nội tiết tố: Sau khi sinh con, cơ thể phụ nữ sẽ bị giảm nhanh nồng độ các hormone estrogen và progesterone. Bên cạnh đó, mức độ tuyến giáp cũng sẽ bị suy giảm đáng kể, gây nên tình trạng mệt mỏi, buồn chán, căng thẳng, nghiêm trọng hơn là trầm cảm. Những sự thay đổi đột ngột về nội tiết tố kết hợp cùng sự biến đổi về hoạt động miễn dịch, huyết áp, quá trình trao đổi chất khiến cho mẹ bỉm gặp phải rất nhiều cảm xúc tiêu cực.
- Sự thay đổi vật lý: Quá trình sinh con không chỉ làm thay đổi nhanh chóng về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc. Người mẹ có thể phải đối mặt với những cơn đau về thể xác từ quá trình sinh nở hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc lấy lại vóc dáng. Điều này khiến cho họ luôn phải bận tâm và cảm thấy lo lắng, bất an về sự hấp dẫn của bản thân. Đồng thời khi thể chất, vóc dáng không được được mong muốn sẽ khiến họ trở nên rụt rè đối với chuyện tình dục, làm nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn vợ chồng.
- Do stress, căng thẳng: Sau khi sinh, phụ nữ thường phải trải qua giai đoạn chăm sóc trẻ sơ sinh. Điều này có thể khiến cho họ cảm thấy mệt mỏi và lo lắng quá mức, đặc biệt là các trường hợp có con đầu lòng hoặc mang thai khi còn quá trẻ và không được trang bị đầy đủ kiến thức trước và sau khi sinh. Ngoài ra, quá trình nuôi dạy con thường khiến cho các mẹ phải mất rất nhiều thời gian, đôi lúc sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng, mất ngủ liên tục. Những điều này có thể là yếu tố gây áp lực nặng lên tâm lý của các mẹ bỉm, làm cho họ dễ rơi vào tình trạng buồn chán sau sinh.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ sau cũng có thể làm các mẹ có trạng buồn chán sau sinh. Cụ thể như:
- Tiền sử đã bị hội chứng baby blues. Nếu bạn đã từng rơi vào tình trạng này trước đây thì khả năng lặp lại sẽ tăng lên đến 30 – 35%.
- Gia đình có người thân như mẹ, chị gái,…đã từng gặp phải tình trạng này.
- Mẹ bỉm gặp phải một số tình trạng gây căng thẳng, buồn chán như thiếu thốn tài chính, mất người thân, thiếu sự quan tâm của gia đình,….
Khi nào tâm trạng buồn chán sau sinh là dấu hiệu của trầm cảm?
Thông thường, mọi người hay lầm tưởng các mẹ có tâm trạng buồn chán sau sinh, đặc biệt hội chứng baby blues với căn bệnh trầm cảm sau sinh bởi chúng có những triệu chứng tương tự nhau. Để phân biệt hai trạng thái tâm lý này bạn có thể dựa vào mốc thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh.
- Mốc thời gian
Các triệu chứng buồn chán, mệt mỏi của baby blues có thể xuất hiện ngay sau khi bạn vừa sinh xong. Những triệu chứng này có thể xuất hiện trong khoảng vài phút cho đến vài giờ mỗi ngày. Chúng thường tồn tại khoảng từ 1 đến khoảng vài tuần và dần thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn sau khoảng 14 ngày.
Còn đối với chứng trầm cảm sau sinh thì các triệu chứng bệnh sẽ đa dạng hơn, đồng thời chúng sẽ kéo dài dai dẳng tối thiểu 2 tuần. Đặc biệt, những biểu hiện của bệnh sẽ không xuất hiện đột ngột ngay sau khi bạn vừa mới sinh xong mà có thể khởi phát vào khoảng vài tuần, vài tháng sau đó.
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
Tùy vào từng đối tượng khác nhau mà mức độ nghiêm trọng và các đánh giá chủ quan sẽ riêng biệt. Đối với các trường hợp buồn chán sau sinh thông thường thì chỉ khiến cho các mẹ bỉm cảm thấy mệt mỏi, hụt hẫng chứ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe hay chất lượng cuộc sống của họ.
Mặt khác, đối với chứng trầm cảm sau sinh thì các triệu chứng biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng và liên tục hơn. Các biểu hiện của bệnh kéo dài dai dẳng và không thể tự biến mất nếu không có sự can thiệp hợp lý. Ngoài ra, các triệu chứng này cũng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe hoặc thậm chí là tính mạng của người bệnh.
Cách cải thiện tâm trạng buồn chán sau sinh
Thực chất tâm trạng buồn chán sau sinh không mang tính chất nguy hiểm và có thể nhanh chóng cải thiện. Các mẹ bỉm không cần phải quá lo lắng mà hãy chú ý đến việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày để cảm thấy tâm trạng ổn định trở lại tốt hơn. Cũng bởi giai đoạn sau khi sinh, đặc biệt là chăm sóc con nhỏ là quá trình dài và đầy khó khăn. Việc chăm sóc thật tốt cho bản thân và sắp xếp thời gian để thư giãn, ổn định cảm xúc sẽ giúp bạn nhanh chóng quay lại với nhịp sống bình thường.
Một số cách giúp các mẹ bỉm nhanh chóng cải thiện được tâm trạng buồn chán sau sinh như:
- Xây dựng và duy trì thói quen ăn uống đầy đủ dưỡng chất với đa dạng các thực phẩm ăn uống tốt cho sức khỏe. Để giúp cho cơ thể phục hồi sức khỏe tốt nhất, các mẹ bỉm cần phải thiết lập cho mình một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Chú ý lựa chọn những thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin cần thiết và tốt cho sức khỏe não bộ. Việc cơ thể được hấp thu đầy đủ các dưỡng chất cần thiết không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất mà còn hỗ trợ tốt cho việc cân bằng tâm trạng của người mẹ.
- Chú ý nhiều hơn đến giấc ngủ của bản thân. Thông thường, giấc ngủ đối với những bà mẹ bỉm sữa sẽ rất “xa xỉ”, đôi lúc người mẹ bị rơi vào tình trạng thiếu ngủ vì phải dành thời gian chăm sóc con và thực hiện các công việc hàng ngày. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến cho họ kiệt sức và gây nên sự buồn chán, tuyệt vọng. Vì thế, sau khi sinh các mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ, cố gắng sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi hợp lý hoặc tranh thủ lúc con ngủ để chợp mắt lấy lại năng lượng.
- Nếu cảm thấy mệt mỏi, chán nản bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè từ việc chăm sóc con, nấu ăn, làm những công việc hàng ngày. Đừng cố gắng gồng gánh tất cả mọi việc, hãy san sẻ bớt những việc làm hàng ngày cho những người bên cạnh để bản thân có thời gian phục hồi sức khỏe tốt nhất.
- Chủ động chia sẻ, nói chuyện với những người xung quanh, đặc biệt là chồng. Khi có thể tâm sự được những buồn phiền, nỗi lo lắng trong lòng với mọi người, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. Tuy tình trạng buồn chán sau sinh không cần thiết phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý hay nhà trị liệu nhưng nếu bạn cảm thấy cần thiết thì hãy gọi cho họ để được hỗ trợ tốt hơn.
- Tìm kiếm và làm những điều mà bản thân yêu thích cũng là một biện pháp tốt để bạn mau chóng thoát khỏi trạng thái buồn chán sau sinh. Bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hoặc đơn giản là một thói quen nào đó giúp bạn thấy dễ chịu thì hãy thực hiện chúng. Đây là cách rất hữu hiệu để giúp cho các mẹ bỉm sữa có thể dễ dàng quay trở lại với cuộc sống bình thường sau khi sinh con.
- Các mẹ bỉm cũng có thể hình thành hoặc duy trì tiếp thói quen viết nhật kí. Các chuyên gia cho biết rằng việc có thể viết ra những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân lên những trang giấy sẽ giúp cho tâm trạng được cải thiện tốt hơn.
- Bước ra ngoài để có thể hít thở được bầu không khí trong lành và đón lấy ánh nắng mặt trời ấm áp. Việc này không chỉ giúp mẹ có thể cải thiện tốt tâm trạng mà còn tăng cường bổ sung vitamin D để sức khỏe mau chóng được phục hồi.
- Học cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực. Đừng cố gắng ép bản thân phải trở thành một người mẹ hoàn hảo mà hãy thực sự thoải mái và học hỏi dần các kinh nghiệm chăm sóc con cái từ bạn bè, người thân, các trang mạng uy tín. Nuôi con là một quá trình dài nên bạn có thể cải thiện và học hỏi từng ngày, vì thế đừng tạo quá nhiều áp lực cho bản thân.
Tâm trạng buồn chán sau sinh có thể là một tình trạng bình thường và dễ dàng cải thiện nếu các mẹ bỉm điều chỉnh tốt thói quen sinh hoạt của mình. Tuy không mang tính chất nguy hiểm nhưng các mẹ và người thân bên cạnh cũng cần phải chú ý và quan tâm nhiều hơn để cải thiện chúng tốt hơn, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trầm cảm.
Tham khảo thêm:
- Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai và cách chữa trị an toàn
- Thuốc trầm cảm cho phụ nữ mang thai và lưu ý khi dùng
- Mẹ sau sinh dễ bị vì con quấy khóc và biện pháp phòng ngừa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!