Hội chứng Baby Blues: Dấu hiệu nhận biết và chữa trị

5/5 - (1 bình chọn)

Hội chứng Baby Blues là vấn đề tâm lý gặp ở 80% phụ nữ sau khi sinh. Các biểu hiện thường xuất hiện sau sinh 2 – 3 ngày và kéo dài trong khoảng 10 – 14 ngày. Hội chứng này thường có thể tự thuyên giảm nhưng cũng có những trường hợp tiến triển nặng dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần khác.

Hội chứng Baby Blues là gì
Hội chứng Baby Blues là gì?

Hội chứng Baby Blues là gì?

Hội chứng Baby Blues là một dạng rối loạn tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh. Hội chứng này có biểu hiện khá giống với trầm cảm nhưng mức độ thường nhẹ hơn, nguyên nhân không rõ ràng và đa phần đều có thể tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chuyển biến nặng thành trầm cảm sau sinh và nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần khác.

Theo số liệu thống kê, khoảng 80% phụ nữ sau sinh có biểu hiện của hội chứng Baby Blues. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi sinh nở khoảng vài ngày và thường kéo dài trong khoảng vài tuần. Tương tự như các rối loạn tâm lý khác, các chuyên gia chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng Baby Blues. Tuy nhiên, hội chứng này đã được xác định có liên quan đến nội tiết tố, quá trình sản xuất sữa và những thay đổi về mặt sinh lý.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng Baby Blues

Các biểu hiện thường xuất hiện sau khoảng 2 – 3 ngày kể từ khi trải qua quá trình sinh nở và có thể kéo dài từ 10 – 14 ngày. Triệu chứng có sự khác biệt ở từng trường hợp nhưng nhìn chung đều có những biểu hiện điển hình như:

bệnh baby blues
Hội chứng Baby Blues đặc trưng bởi tâm trạng buồn chán, bi quan, nhạy cảm và dễ xúc động
  • Cảm thấy buồn bã, chán nản không rõ lý do và rất nhạy cảm, dễ khóc chỉ vì một vấn đề rất nhỏ.
  • Cảm thấy không có mối liên kết chặt chẽ với đứa trẻ.
  • Tâm trạng bất ổn, hay thay đổi và rất dễ cáu kỉnh, tức giận vì những chuyện không thật sự nghiêm trọng.
  • Luôn mệt mỏi, bất an, bồn chồn và tinh thần thường trong trạng thái không thoải mái
  • Khó ngủ, mất ngủ mặc dù rất mệt mỏi
  • Suy nghĩ quá nhiều nhưng chủ yếu là các ý nghĩ vẩn vơ quanh quẩn trong đầu
  • Gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định đến bản thân và con cái cho dù là những vấn đề nhỏ nhất
  • Có cảm giác cuộc sống tù túng, thiếu thốn do mất đi những niềm vui trước đây như tự do, thoải mái tụ tập và gặp gỡ bạn bè.
  • Lo lắng về sức khỏe của bản thân và đứa trẻ
  • Cảm thấy nghi ngờ về bản thân vì cho rằng bản thân còn nhiều thiếu sót trong việc làm mẹ và không cảm nhận được mối liên kết vô hình giữa mẹ – con

Có thể thấy, biểu hiện của hội chứng Baby Blues có mức độ nhẹ hơn trầm cảm và khởi phát sớm ngay sau khi sinh. Trong khi đó, trầm cảm khởi phát từ từ và thường xuất hiện triệu chứng sau khoảng vài tháng kể từ thời điểm sinh nở.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Baby Blues

Hội chứng Baby Blues là vấn đề tâm lý rất phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng các chuyên gia nhận thấy, hội chứng này có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Thay đổi nội tiết tố: Đa phần các vấn đề sức khỏe gặp ở phụ nữ mang thai và đang cho con bú đều có liên quan đến thay đổi nội tiết tố. Sau khi sinh nở, lượng hormone progesterone và estrogen giảm thấp đột ngột để điều chỉnh lại kích thước của cơ quan sinh sản và thúc đẩy hoạt động của tuyến sữa. Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột của hormone vô tình khiến tâm lý của sản phụ trở nên bất ổn và nhạy cảm hơn bình thường.
  • Áp lực khi chăm sóc trẻ: Việc chăm sóc trẻ sơ sinh thực sự không dễ dàng, nhất là với những người lần đầu tiên làm mẹ. Áp lực về vấn đề này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng Baby Blues và nhiều vấn đề tâm lý ở giai đoạn hậu sản. Khi trẻ cứng cáp hơn, sự lo lắng và áp lực sẽ giảm đi đáng kể.
  • Các vấn đề trong gia đình: Ngoài hai yếu tố trên, hội chứng Baby Blues còn có thể bắt nguồn từ những vấn đề trong gia đình như mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, mâu thuẫn với bạn đời, gia đình phải đối mặt với các vấn đề tài chính,…
  • Suy nhược cơ thể: Sinh nở ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của phụ nữ. Tuy nhiên ngay sau khi sinh, sản phụ sẽ phải đối mặt với việc chăm sóc con cái, mất ngủ, khó ngủ nên dễ bị suy nhược. Suy nhược cơ thể được xác định là có liên quan đến những vấn đề tâm lý như stress (căng thẳng thần kinh), lo âu, hội chứng Baby Blues và trầm cảm.
  • Di truyền: Tương tự như các vấn đề tâm lý khác, hội chứng Baby Blues cũng có khả năng di truyền. Nguy cơ mắc hội chứng này sẽ cao hơn đáng kể nếu mẹ hoặc chị em gái trong gia đình có tiền sử mắc bệnh. Trong trường hợp người thân từng mắc hội chứng Baby Blues, sau đó diễn biến nặng thành trầm cảm và rối loạn lo âu, sản phụ cần phải chú ý các biểu hiện về mặt tâm lý, thể chất để kịp thời thăm khám và điều trị.

Hội chứng Baby Blues có ảnh hưởng gì không?

Hội chứng Baby Blues là vấn đề tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh. Các triệu chứng thường khởi phát sau 2 – 3 ngày kể từ thời điểm sinh nở và kéo dài từ 10 – 14 ngày. Phần lớn các trường hợp mắc hội chứng này sẽ tự thuyên giảm sau khi tâm lý của sản phụ được điều chỉnh.

baby blues là gì
Hội chứng Baby Blues cũng có thể dẫn đến trầm cảm và rối loạn lo âu

Mặc dù có thể tự thuyên giảm nhưng không ít trường hợp mắc hội chứng Baby Blues tiến triển nặng hơn trở thành trầm cảm và rối loạn lo âu. Do đó, gia đình và bản thân sản phụ phải có các biện pháp để cải thiện hội chứng này. Các triệu chứng do hội chứng Baby Blues cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Bởi ở thời điểm này, mẹ có thể không cảm nhận được sự ràng buộc và mối liên kết chặt chẽ với đứa trẻ.

Cách chữa trị và vượt qua hội chứng Baby Blues

Hội chứng Baby Blues được xem là giai đoạn khủng hoảng khi mới bắt đầu làm mẹ. Dưới tác động của sự thay đổi hormone và suy nhược cơ thể, các triệu chứng sẽ kéo dài khoảng 10 – 14 ngày hoặc lâu hơn. Để vượt qua tình trạng này nhanh chóng hơn, sản phụ và gia đình cũng có thể thực hiện một số biện pháp sau:

1. Chia sẻ với những người xung quanh

Sự nhạy cảm quá mức có thể khiến sản phụ có một số suy nghĩ bi quan, tâm trạng buồn bã và chán nản. Thay vì giữ những năng lượng tiêu cực, nên chia sẻ với những người xung quanh (bạn bè, người thân) để cảm thấy thoải mái hơn.

Đặc biệt với những người đã từng làm mẹ, họ sẽ có kinh nghiệm trong vấn đề này và giúp sản phụ dễ dàng vượt qua khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn sau khi sinh nở. Ngoài ra, kinh nghiệm từ người thân, bạn bè cũng sẽ giúp mẹ bỉm nhanh chóng làm quen với việc chăm sóc trẻ và bản thân.

2. Nhờ người thân hỗ trợ chăm sóc trẻ

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh thực sự không hề dễ dàng. Trẻ ở giai đoạn này ngủ khá nhiều nhưng giấc ngủ thường ngắn. Nếu không có sự giúp đỡ của những người xung quanh, phụ nữ sau sinh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như suy nhược cơ thể, mất ngủ, thiếu ngủ, đau đầu,…

Khi trẻ ngủ, mẹ thường phải giặt giũ quần áo, vệ sinh nhà cửa và thực hiện hàng loạt các công việc không tên khác. Các công việc này chiếm hết thời gian khiến mẹ sau sinh không tránh khỏi cảm giác chán nản, buồn bã và dễ cáu kỉnh. Vì vậy, nên nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình để có thời gian nghỉ ngơi và giải tỏa những áp lực về mặt tinh thần.

3. Dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là liều thuốc tự nhiên giúp giải tỏa tâm trạng và giảm mệt mỏi, suy nhược. Sau khi sinh, mẹ bỉm nên nhờ sự hỗ trợ của người thân và học cách sắp xếp thời gian để có thể nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Nếu được nghỉ ngơi hợp lý sau khi sinh nở, các biểu hiện của hội chứng Baby Blues sẽ thuyên giảm dần và mẹ bỉm cũng có thể phòng ngừa các vấn đề tâm lý thường gặp khác.

4. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống khoa học cũng là biện pháp có thể khắc phục hội chứng Baby Blues ở phụ nữ sau khi sinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa có thể xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và đưa tinh thần về trạng thái ổn định nhất.

hội chứng baby blues
Chế độ ăn lành mạnh giúp mẹ bỉm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần

Cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp cải thiện hội chứng Baby Blues ở phụ nữ sau khi sinh:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng giữa chất đạm, tinh bột, khoáng chất và vitamin. Tránh dùng quá nhiều các món ăn bổ dưỡng khiến cơ thể dễ bị tăng cân và mệt mỏi.
  • Bổ sung thực phẩm lợi sữa để hạn chế các vấn đề liên quan đến sữa mẹ như tắc sữa, sữa ít, sữa loãng,… Bởi những vấn đề này cũng có thể gia tăng mức độ lo lắng của mẹ đối với sức khỏe của bản thân và trẻ nhỏ.
  • Tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin B, magie và Omega 3 để giảm thiểu cảm xúc tiêu cực. Các thành phần dinh dưỡng này đã được chứng minh có hiệu quả trong hỗ trợ phòng ngừa và cải thiện những vấn đề tâm lý thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh.

Chế độ ăn hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và gián tiếp nâng đỡ tinh thần. Khi sức khỏe được tăng cường, mẹ bỉm cũng sẽ giảm mức độ lo lắng về sức khỏe của bản thân và cảm thấy an tâm hơn khi trẻ khỏe mạnh, phát triển nhanh chóng.

5. Tập thể dục thường xuyên

Sau khi sinh nở, nhiều người kiêng tập thể dục vì cho rằng các động tác luyện tập có thể gây đau nhức xương khớp. Tuy nhiên theo các bác sĩ, phụ nữ sau khi sinh thường có thể tập thể dục nhẹ nhàng sau khoảng 6 – 8 tuần. Các bài tập cường độ nhẹ giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng, đồng thời có thể đào thải sản dịch và làm co tử cung nhanh hơn.

Khi luyện tập thể dục, cơ thể sẽ sản sinh hormone endorphin có tác dụng giảm đau, tạo cảm giác thư giãn, thoải mái và dễ chịu. Chính vì vậy, phụ nữ sau sinh có biểu hiện hội chứng Baby Blues nên thực hiện các bài tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng để cải thiện tâm trạng và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực.

6. Thực hiện các liệu pháp hỗ trợ

Nếu tâm trạng chán nản, buồn bã, cáu kỉnh kéo dài trong hơn 1 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm, phụ nữ sau sinh có thể áp dụng một số liệu pháp hỗ trợ để điều chỉnh lại cảm xúc.

Các liệu pháp hỗ trợ nên áp dụng:

  • Thiền định: Thiền định là liệu pháp có hiệu quả trong việc cải thiện tâm trạng và đưa tâm trí trở về trạng thái cân bằng. Ngoài ra, ngồi thiền cũng giúp điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, điều hòa tuần hoàn máu và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Sau khi sinh khoảng vài ngày, sản phụ có thể ngồi thiền để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
  • Thở bụng: Kỹ thuật thở bụng thường được áp dụng để kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh trong nhiều tình huống. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất như cải thiện chức năng phổi và điều hòa hoạt động của các cơ quan nội tạng. Thở bụng là kỹ thuật hít sâu bằng mũi, sau đó giữ khí ở dưới cơ hoành (bụng phình ra) và thở ra bằng miệng (bụp hóp lại).
  • Trà thảo mộc: Một số loại trà thảo mộc có hiệu quả trong việc giảm căng thẳng và kích thích tiết sữa ở phụ nữ sau sinh. Do đó khi gặp phải hội chứng Baby Blues, mẹ có thể dùng trà hoa cúc, trà vằng, trà atiso,… để cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.

7. Tìm kiếm chuyên gia, bác sĩ tâm lý

Rất ít trường hợp mắc hội chứng Baby Blues phải can thiệp các phương pháp y tế. Tuy nhiên, những trường hợp có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn lo âu nên tìm gặp chuyên gia, bác sĩ tâm lý kịp thời để tránh các hậu quả nặng nề.

hội chứng baby blues
Trong trường hợp cần thiết, nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ

Thực tế, những trường hợp này thường gặp phải các sự kiện gây sang chấn tâm lý ngay sau khi sinh như trẻ có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bản thân gặp phải các biến chứng hậu sản, bị chồng phản bội, gia đình có vấn đề tài chính nghiêm trọng, mất người thân,… Các sự kiện này cộng với những yếu tố sẵn có như rối loạn nội tiết và suy nhược cơ thể sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề tâm lý.

Đối với những trường hợp bị tổn thương tâm lý, các chuyên gia/ bác sĩ sẽ can thiệp trị liệu để nâng đỡ tinh thần và giúp phụ nữ sau khi sinh lấy lại những cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, nếu có biểu hiện hoảng loạn và khó kiểm soát cảm xúc, bác sĩ có thể yêu cầu ngưng cho bé bú để sử dụng một số loại thuốc.

Hội chứng Baby Blues là vấn đề rất phổ biến ở phụ nữ sau sinh và phần lớn đều có thể tự thuyên giảm. Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài hơn 14 ngày và có dấu hiệu nghiêm trọng dần, mẹ bỉm nên tìm gặp chuyên gia/ bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *