Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc và những lưu ý khi dùng

Rate this post

Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc thường được sử dụng song song với trị liệu tâm lý và một số biện pháp hỗ trợ. Tùy theo tình trạng bệnh lý và khả năng đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc chống loạn thần, thuốc giải lo âu,…

rối loạn cảm xúc uống thuốc gì
Bị rối loạn cảm xúc uống thuốc gì?

Các loại thuốc điều trị rối loạn cảm xúc thường dùng

Rối loạn cảm xúc là chứng bệnh tâm lý thường gặp bên cạnh rối loạn lo âu. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự bất thường của cảm xúc với biểu hiện là trầm cảm hoặc trầm cảm xen kẽ với hưng cảm (rối loạn lưỡng cực). Người mắc chứng bệnh này không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân dẫn đến nhiều phiền toái trong cuộc sống. Ngoài ra, cảm xúc nâng cao hoặc hạ thấp quá mức cũng đi kèm với nhiều vấn đề sức khỏe.

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính đối với bệnh rối loạn cảm xúc bên cạnh trị liệu tâm lý và liệu pháp sốc điện. Trong đó, thuốc được sử dụng dài hạn nhằm điều chỉnh cảm xúc, ổn định tâm trạng và cải thiện một số triệu chứng thể chất. Ngoài ra, dùng thuốc còn giúp bệnh nhân tiếp nhận và hợp tác hơn trong trị liệu tâm lý.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc. Tùy theo triệu chứng và mức độ bệnh lý ở từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định một trong những loại thuốc sau:

1. Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm được sử dụng trong điều trị trầm cảm hoặc giai đoạn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực. Trầm cảm đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, người bệnh luôn chán nản, mệt mỏi, buồn phiền và mất hứng thú với mọi hoạt động. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng tăng nồng độ các chất nội sinh trong não bộ, từ đó nâng cao tâm trạng và cải thiện cảm xúc buồn bã, chán nản.

Thuốc được chia thành nhiều nhóm khác nhau, trong được SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng một số nhóm thuốc khác.

Các loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến bao gồm:

– Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI):

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất. Không chỉ được dùng để điều trị rối loạn cảm xúc, loại thuốc này còn được dùng trong điều trị rối loạn lo âu và một số bệnh tâm thần khác. Như tên gọi, SSRI hoạt động bằng cách ức chế tái hấp serotonin có chọn lọc, từ đó giúp tăng nồng độ serotonin trong não bộ.

rối loạn cảm xúc uống thuốc gì
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) được sử dụng trong điều trị nhiều vấn đề tâm lý

Tăng serotonin có tác dụng cải thiện tình trạng buồn bã quá mức, chán nản, muộn phiền, uể oải, mất hứng thú, chán ăn, lo lắng,… Tuy nhiên, nhóm thuốc này mang lại tác dụng khá chậm (khoảng 3 – 4 tuần sau khi sử dụng). SSRI thường được sử dụng dài hạn để cho hiệu quả đầy đủ và phòng ngừa trầm cảm tái phát. Các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc được sử dụng phổ biến bao gồm Citalopram, Paroxetine, Fluoxetine, Sertraline,…

– Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI):

SNRI cũng là loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cảm xúc. Thuốc hoạt động bằng cách tái hấp thu serotonin và norepinephrine. Môt số loại thuốc còn có tác dụng ức chế tái hấp thu dopamin – hormone có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, sảng khoái và giải tỏa căng thẳng.

Các loại thuốc SNRI được sử dụng phổ biến bao gồm Venlafaxine, Levomilnacipran, Duloxetine và Desvenlafaxine. Trong thời gian sử dụng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, kích động, tăng huyết áp, tăng tiết mồ hôi, khô miệng, táo bón.

– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA):

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) là nhóm thuốc chống trầm cảm được sử dụng đầu tiên. Hiện nay, thuốc ít được sử dụng do có nhiều tác dụng phụ hơn so với SSRI. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng ức chế tái hấp thu nhiều chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ như histamine, muscarin, dopamin, acetylcholin, norepinephrine, serotonin,…

So với SSRI và SNRI, TCA tác động đến nhiều chất dẫn truyền thần kinh trong bộ não nên mang lại cải thiện rõ rệt hơn. Thuốc có thể cải thiện các rối loạn cảm xúc trong giai đoạn trầm cảm và rối loạn lo âu. Hiện nay, lựa chọn khi dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường là Amitriptyline, Tianeptine và Clomipramine.

– Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs):

Thuốc ức chế monoamin oxidase (MAOIs) chỉ được sử dụng khi các loại thuốc chống trầm cảm còn lại không mang lại hiệu quả. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế MAOI – monoamin oxidase. Loại enzyme này có chức năng phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine, dopamin và serotonin. Thông qua cơ chế ức chế monoamin oxidase, thuốc có thể làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ.

rối loạn cảm xúc uống thuốc gì
Thuốc ức chế monoamin oxidase (MAOIs) chỉ được sử dụng khi các loại thuốc chống trầm cảm khác không mang lại hiệu quả

Nhóm thuốc này giúp giảm nhanh các triệu chứng rối loạn cảm xúc nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ nên chỉ được dùng khi cần thiết. Ngoài tương tác thuốc, thuốc ức chế monoamin oxidase còn tương tác với thức ăn và đồ uống. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất bao gồm Tranylcypromine, Isocarboxazid, Phenelzine và Selegiline.

Ngoài các loại thuốc trên, thuốc chống trầm cảm còn một số nhóm ít phổ biến hơn như thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và dopamin (NDRIs), Mirtazapine và Trazodone.

2. Thuốc điều chỉnh khí sắc

Bên cạnh thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc cũng là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cảm xúc. Nhóm thuốc này được sử dụng cả trong giai đoạn hưng cảm, trầm cảm và được dùng để phòng ngừa tình trạng tái phát. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc điều chỉnh khí sắc riêng lẻ hoặc dùng kết hợp với thuốc an thần và thuốc chống loạn thần.

Trong đó, Lithium là loại thuốc được sử dụng trong 30 – 60% trường hợp. Ngoài loại thuốc này, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng Carbamazepin và Divalproate trong điều trị rối loạn cảm xúc. Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng cơ chế của thuốc điều chỉnh khí sắc chưa được biết rõ. Qua những nghiên cứu đã được thực hiện, các chuyên gia cho rằng, cơ chế của thuốc có liên quan đến axit gamma aminobutyric và G-protein.

thuốc điều trị rối loạn cảm xúc
Thuốc điều chỉnh khí sắc được sử dụng phổ biến trong điều trị và phòng ngừa rối loạn cảm xúc tái phát

Thuốc điều chỉnh khí sắc mang lại hiệu quả cao khi điều trị các rối loạn tâm thần nói chung và rối loạn cảm xúc nói riêng. Tuy nhiên, thuốc gây ra khá nhiều tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng, đau đầu,… Một số trường hợp còn có thể bị dị ứng với thuốc điều chỉnh khí sắc. Do đó, bệnh nhân cần chú ý các biểu hiện bất thường trong thời gian sử dụng để phòng tránh những tình huống rủi ro và tác dụng không mong muốn.

3. Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần được sử dụng khi rối loạn cảm xúc đi kèm với các triệu chứng loạn thần như ảo thanh, ảo giác, hoang tưởng,… Hiện nay, thuốc chống loạn thần thế hệ II (thuốc chống loạn thần không điển hình) được sử dụng phổ biến hơn với thuốc thế hệ I (điển hình).

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm thuốc này có thể tăng hiệu quả của thuốc điều chỉnh khí sắc sau giai đoạn cấp tính. Chính vì vậy ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng phối hợp để mang lại kết quả tối ưu. Thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến bao gồm Aripiprazole, Ziprasidone, Quetiapine, Olanzapin và Risperidone.

thuốc điều trị rối loạn cảm xúc
Thuốc chống loạn thần được dùng trong các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm đi kèm với các triệu chứng loạn thần

Thuốc chống loạn thần gây ra khá nhiều tác dụng bao gồm tăng cân, tích trữ mỡ ở bụng, táo bón, tăng tiết sữa, ăn uống nhiều quá mức, chứng vú to ở nam giới,… Sau khoảng 2 – 4 tuần sử dụng, nhóm thuốc này có thể giảm những triệu chứng loạn thần trong các rối loạn cảm xúc.

4. Thuốc an thần, giải lo âu

Thuốc an thần, giải lo âu cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc. Trong đó, benzodiazepines là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Nhóm thuốc này bao gồm một số loại thuốc như Bromazepam, Clonzepam, Lorazepam và Diazepam.

Thuốc có tác dụng an dịu thần kinh, giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện các triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, thuốc có thể gây nghiện nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn với liều lượng thấp nhất có đáp ứng. Ngoài ra do nguy cơ gây mất trí nhớ nên nhóm thuốc này cũng không được sử dụng cho người cao tuổi (thường trên 65 tuổi). Benzodiazepines có thể gây ra một số tác dụng phụ như chán nản, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, buồn ngủ,…

Ngoài benzodiazepines, một số loại thuốc an thần, giải lo âu khác cũng có thể được sử dụng như thuốc kháng histamine (Hydroxyzine), Etifoxin, Grandaxin, Zopiclone,… Các loại thuốc này không chỉ giúp giảm các rối loạn cảm xúc mà còn cải thiện loạn trương lực thần kinh thực vật do căng thẳng và lo lắng quá mức.

5. Các loại thuốc, viên uống hỗ trợ

Ngoài các loại thuốc trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc và viên uống hỗ trợ để cải thiện chứng rối loạn cảm xúc. Loại thuốc và hàm lượng sẽ được điều chỉnh tùy theo mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân.

thuốc điều trị rối loạn cảm xúc
Thuốc bổ thần kinh được sử dụng để cải thiện chức năng não bộ và phòng ngừa suy nhược thần kinh

Các loại thuốc, viên uống hỗ trợ được sử dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc:

  • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta (Propranolol, Atenolol) được sử dụng để giảm các triệu chứng thể chất do rối loạn cảm xúc gây ra. Nhóm thuốc này thường được dùng trong điều trị các vấn đề về tim mạch. Đối với rối loạn cảm xúc, thuốc chẹn beta giúp cải thiện tình trạng đau thắt ngực, nhức đầu, choáng váng, nghẹn thở, tim đập nhanh,…
  • Thuốc bổ thần kinh: Bệnh nhân rối loạn cảm xúc thường bị căng thẳng và suy nhược thần kinh quá mức. Do đó ngoài các loại thuốc điều trị triệu chứng, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thêm thuốc tăng cường tuần hoàn não và cung cấp dinh dưỡng cho tế bào thần kinh như Cinnarizin, Cholin alfoscerat, Vinpocetin, Ginkgo biloba, Citicolin, Piracetam,… Các loại thuốc này giúp cải thiện chức năng của não bộ và giảm nhẹ một số triệu chứng liên quan đến rối loạn thần kinh thực vật.
  • Vitamin, khoáng chất: Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng vitamin và khoáng chất tổng hợp để cải thiện tình trạng suy nhược. Ngoài ra, vitamin và khoáng chất còn giúp nuôi dưỡng các tế bào thần kinh, tăng cường trí nhớ, cải thiện tình trạng mất ngủ và thiếu tập trung khi làm việc.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị rối loạn cảm xúc

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn cảm xúc bên cạnh trị liệu tâm lý. Thuốc có thể cải thiện các rối loạn về cảm xúc, thể chất và phòng ngừa bệnh tái phát. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích mang lại, điều trị dược lý cũng tiềm ẩn không rủi ro và biến chứng.

thuốc điều trị rối loạn cảm xúc
Không dùng rượu bia và chất kích thích trong thời gian sử dụng thuốc điều trị rối loạn cảm xúc

Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc điều trị rối loạn cảm xúc, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chỉ sử dụng thuốc khi đã thăm khám và có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc an thần và các loại thuốc kê toa khi nhận thấy sự bất thường của cảm xúc.
  • Cơ chế hoạt động của một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến các bệnh lý sẵn có và tương tác với thuốc dùng trước đó. Vì vậy trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ lịch sử dùng thuốc trong 14 ngày trước, tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe hiện tại và dị ứng thuốc (nếu có). Thông qua những yếu tố này, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.
  • Tất cả các loại thuốc điều trị rối loạn cảm xúc đều có thể gây ra tác dụng phụ. Để kịp thời phát hiện và xử trí, bệnh nhân cần chú ý đến những biểu hiện của cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên trao đổi với bác sĩ trước các tác dụng phụ có thể gặp phải trong thời gian sử dụng để tránh tâm lý hoang mang và tự ý ngưng thuốc.
  • Một số loại thuốc dùng trong điều trị rối loạn cảm xúc có thể gây nghiện. Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định.
  • Không tự ý kết hợp thuốc với các loại thảo dược, thuốc Đông y và các loại TPCN khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân dùng thuốc ức chế monoamin oxydase cũng cần tránh một số loại thực phẩm và đồ uống để phòng tránh hiện tượng tương tác.
  • Đa phần các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc đều tác dụng lên hệ thần kinh trung ương. Để phòng ngừa tác dụng ngoại ý, nên tránh dùng rượu bia và các loại chất kích thích trong thời gian điều trị.
  • Sử dụng thuốc đơn độc mang lại hiệu quả khá hạn chế. Vì vậy, bệnh nhân rối loạn cảm xúc cần kết hợp với trị liệu tâm lý để cải thiện bệnh tình một cách toàn diện. Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học và trang bị các liệu pháp thư giãn để giải tỏa căng thẳng, phiền muộn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Thuốc điều trị rối loạn cảm xúc có tác dụng rõ rệt trong việc cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng cách để đạt kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, cần kết hợp với tâm lý trị liệu và lối sống khoa học để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *