Tâm trạng vui buồn thất thường là bị gì? Cách ổn định cảm xúc

Tâm trạng vui buồn thất thường có thể xảy ra do cuộc sống có nhiều sự kiện buồn vui xen lẫn. Ngoài ra, tình trạng này còn là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe như căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết tố, rối loạn cảm xúc,…

vui buồn thất thường là bệnh gì
Tâm trạng vui buồn thất thường là bệnh gì?

Tâm trạng vui buồn thất thường là dấu hiệu của bệnh gì?

Tâm trạng là một trạng thái của cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau như buồn bã, vui vẻ, chán nản, phấn chấn,… Trong đó, cả tâm trạng và hành vi đều do hệ thống limbic của bộ não chịu trách nhiệm quản lý. Các cơ quan não bộ nằm trong hệ thống limbic bao gồm hạch hạnh nhân, hồi hải mã, vùng dưới đồi và thể chai.

Những tác động từ cuộc sống chính là nguồn gốc tạo nên cảm xúc và tâm trạng. Khi trưởng thành, biên độ dao động của tâm trạng giảm đi do người lớn ít bất ngờ và có thể hình dung được những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Do đó, người lớn thường có tâm trạng ổn định và cách biểu lộ cảm xúc giới hạn hơn so với trẻ nhỏ.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, tâm trạng có thể lên xuống thất thường và xảy ra trong thời gian dài. Tình trạng này thường là biểu hiện của nhiều vấn đề tâm lý và thể chất. Vì vậy nếu nhận thấy tâm trạng thay đổi thất thường và không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân, cần xem xét một số khả năng có thể xảy ra bao gồm:

1. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực còn được biết đến với tên gọi bệnh hưng trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Bệnh lý này là một dạng rối loạn cảm xúc với biểu hiện xen kẽ giữa trầm cảm và hưng cảm. Trong đó, trầm cảm là giai đoạn khí sắc giảm thấp đặc trưng bởi sự buồn bã sâu sắc, chán chường, phiền muộn, giảm hoặc mất hứng thú với những hoạt động xung quanh.

rối loạn lưỡng cực thường vui buồn thất thường
Rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi hai trạng thái cảm xúc đối lập – hưng cảm và trầm cảm

Ngược lại, hưng cảm là giai đoạn cảm xúc nâng cao với sự lạc quan, năng động và vui vẻ thái quá. Người bệnh luôn tỏ ra nhiệt tình trong tất cả các tình huống, nói năng liên tục và suy nghĩ rất nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân gần như không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân. Đôi khi cảm xúc lên quá cao dẫn đến các hành vi quá khích, bạo lực, cáu kỉnh, tức giận, cuồng ăn,…

Do đó, tâm trạng vui buồn thất thường rất có thể là biểu hiện của chứng rối loạn lưỡng cực. Trong đó, giai đoạn hưng cảm diễn ra trong thời gian ngắn hơn so với trầm cảm. Bệnh lý này có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề và thậm chí dễ dẫn đến ý nghĩ, hành vi tự sát. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

2. Căng thẳng thần kinh

Như đã đề cập, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống đều ảnh hưởng đến tâm trạng. Do đó, tâm trạng vui buồn thất thường có thể do áp lực và căng thẳng trong cuộc sống. Những tình huống này có thể xảy ra khiến tâm trạng chùng xuống nhưng sau đó cơ thể sẽ tự điều chỉnh và vui vẻ trở lại.

Trên thực tế, stress cũng mang đến những tác động tích cực đối với cuộc sống. Với một số người, áp lực từ công việc, học tập và cuộc sống tạo ra nguồn động lực để bản thân nỗ lực vượt qua. Do đó, không ít người có tâm trạng vui vẻ và phấn chấn khi đối diện với stress. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài khiến tâm trạng bị chùng xuống với biểu hiện là lo âu, buồn bã, chán nản và mệt mỏi.

3. Rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách là thuật ngữ đề cập đến các dạng tính cách khác thường về hành vi, suy nghĩ, cảm xúc, tư duy dẫn đến tình trạng khó thích ứng với xã hội, thiếu linh hoạt và gặp nhiều khó khăn trong công việc, học tập. Dựa vào đặc điểm, hội chứng này được chia thành nhiều dạng lâm sàng khác nhau. Trong đó, tâm trạng vui buồn thất thường có thể là biểu hiện của các dạng rối loạn nhân cách sau:

  • Rối loạn nhân cách kịch tính

Rối loạn nhân cách kích tính đặc trưng bởi cảm xúc được thể hiện thái quá, tâm trạng thất thường, dễ thay đổi và dễ bị tác động từ những người xung quanh. Người mắc chứng bệnh này luôn muốn được chú ý và tìm mọi cách để thu hút sự chú ý từ người khác.

Do đó, tâm trạng vui buồn thất thường rất có thể là biểu hiện của rối loạn nhân cách kịch tính. Ngoài cảm xúc bất ổn và thái quá, người mắc chứng bệnh này thường có những suy nghĩ nông cạn, dễ bị chi phối bởi người khác, chăm chút ngoại hình và có những hành động để thu hút sự chú ý. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng thường xuyên đưa ra những ý kiến đột phá, vĩ mô nhằm thu hút sự chú ý nhưng không thể thực hiện.

  • Bệnh ái kỷ

Bệnh ái kỷ (rối loạn nhân cách ái kỷ) cũng là một trong những dạng rối loạn nhân cách có thể gây ra sự thất thường trong tâm trạng. Người mắc hội chứng này thường đề cao bản thân, cảm thấy bản thân có tính cách, ngoại hình và tài năng đặc biệt hơn người khác. Tính cách ích kỷ, thiếu sự đồng cảm và luôn có nhu cầu được khen ngợi, tâng bốc.

người ái kỷ hay vui buồn thất thường
Người mắc chứng ái kỷ luôn có nhu cầu được tâng bốc và dễ rơi vào buồn chán, tức giận khi có ai đó phê bình

Đặc biệt, người mắc bệnh ái kỷ rất dễ rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản và căng thẳng khi không được người khác công nhận và bị phê bình, chỉ trích. Bệnh nhân cũng dễ thất vọng khi bản thân mắc phải sai lầm và thất bại trong cuộc sống. Do đó, nếu nhận thấy tâm trạng lên xuống thất thường đi kèm với những triệu chứng kể trên, bạn đọc cũng nên cân nhắc về bệnh lý này – nhất là khi tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn nhân cách.

  • Rối loạn nhân cách ranh giới

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là dạng thường gặp nhất của rối nhân cách. Hội chứng này đặc trưng bởi sự nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ cá nhân và nỗ lực thực hiện các hành vi để tránh tình trạng bị bỏ rơi. Người bị rối loạn nhân cách ranh giới rất dễ thay đổi tâm trạng và chịu sự tác động đáng kể từ những người xung quanh.

Bệnh nhân có thể vui vẻ và lạc quan khi nhận được sự chăm sóc. Nhưng rất nhanh chuyển qua trạng thái giận dữ, cáu kỉnh và la hét do người khác tự ý hủy hẹn hoặc muốn chấm dứt mối quan hệ. Vì nỗi sợ bị bỏ rơi nên người bệnh nỗ lực thực hiện các hành vi đe dọa để đối phương tiếp tục duy trì mối quan hệ. Đồng thời có xu hướng thiết lập nhiều mối quan hệ mới để thay thế cho mối quan hệ vừa phải chấm dứt.

Ngoài ra, tâm trạng vui buồn thất thường cũng có thể là biểu hiện của các dạng rối loạn nhân cách ít gặp hơn.

4. Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng vui buồn thất thường. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự hiếu động, bốc đồng và giảm chú ý. ADHD là một dạng rối loạn thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả người lớn.

tâm trạng thất thường ở người adhd
Khó tập trung, tâm trạng vui buồn thất thường,… là những biểu hiện của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn

Người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) rất khó kiềm chế cảm xúc. Bệnh nhân có thể chuyển từ trạng thái vui vẻ, lạc quan sang cáu kỉnh, tức giận và buồn bã. Do đó, nếu nhận thấy con trẻ có những biểu hiện này, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

5. Rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây thay đổi tâm trạng thất thường ở nữ giới. Nội tiết tố của nữ giới thường thay đổi vào ngày rụng trứng, hành kinh, mang thai, sau sinh nở, tiền mãn kinh và mãn kinh. Sự mất cân bằng của hormone estrogen và progesterone khiến hàng loạt các hormone khác bị ảnh hưởng bao gồm hormone tuyến giáp, tuyến tùng, tuyến thượng thận, tuyến yên và vùng dưới đồi.

tâm trạng thất thường do rối loạn nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố có thể gây ra nhiều triệu chứng thể chất và khiến tâm trạng thay đổi thất thường

Do đó, rối loạn nội tiết tố sẽ dẫn đến hàng loạt các triệu chứng cơ thể cùng với sự bất ổn của tâm trạng. Thực tế cũng cho thấy, phụ nữ có thể vui buồn thất thường, dễ khóc dễ cười, lạc quan, bi quan quá mức,… vào những thời điểm nội tiết tố thay đổi. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, tình trạng sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi nội tiết ổn định trở lại.

Tâm trạng vui buồn thất thường có ảnh hưởng gì không?

Tâm trạng không chỉ là cách thể hiện để mọi người hiểu rõ hơn về cảm xúc và tính cách của bản thân mà còn chi phối suy nghĩ, nhận thức và hành vi. Do đó, tâm trạng thất thường có thể gây ra sự mệt mỏi, khó chịu và gia tăng xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống. Hơn nữa, sự thay đổi cảm xúc đột ngột có thể khiến những người xung quanh e dè khi giao tiếp và làm việc cùng.

Thực tế, những người có tính khí thất thường dễ gặp phải phiền toái trong các mối quan hệ, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc thay đổi tính cách là vấn đề cần thiết nhằm cải thiện cuộc sống và những mối quan hệ xung quanh. Ngoài ra, nếu tình trạng vui buồn thất thường xảy ra trong thời gian dài và bản thân không thể kiểm soát được tình trạng này, bạn nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ. Bởi đây rất có thể là biểu hiện của các vấn đề tâm lý.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc các bệnh tâm lý tăng lên đáng kể. Dù không gây ra các biến cố đe dọa trực tiếp đến tính mạng như các vấn đề tim mạch nhưng các bệnh lý này không được điều trị dẫn đến rất nhiều hệ lụy như lạm dụng chất gây nghiện, uống nhiều rượu bia, không thể lao động, học tập, sống phụ thuộc vào gia đình. Những trường hợp bệnh nặng có thể hình thành ý nghĩ và hành vi tự sát.

Cách ổn định tâm trạng vui buồn thất thường

Có thể thấy, tâm trạng vui buồn thất thường gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Hơn nữa, đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề tâm lý khác nhau. Chính vì vậy, bản thân mỗi người cần chủ động cải thiện sự bất ổn của tâm trạng để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số cách đơn giản bạn có thể áp dụng để điều chỉnh tâm trạng vui buồn thất thường:

1. Xây dựng lối sống khoa học

Lối sống khoa học không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất mà còn điều chỉnh tâm trạng và giảm sự bất ổn của cảm xúc. Hơn nữa, người có lối sống lành mạnh dễ dàng kiểm soát cảm xúc tiêu cực hơn so với với người có các thói quen thiếu lành mạnh.

ăn uống khoa học cải thiện tâm trạng thất thường
Ăn uống khoa học cũng góp phần cải thiện tình trạng cảm xúc thất thường và bất ổn

Để ổn định cảm xúc và cải thiện tình trạng tâm trạng vui buồn thất thường, bạn nên xây dựng lối sống khoa học theo những nguyên tắc sau:

  • Cân bằng cuộc sống: Căng thẳng là nguyên nhân chủ yếu gây ra buồn vui thất thường, tâm trạng dễ thay đổi và tính cách nhạy cảm. Do đó, bạn nên cân đối thời gian học tập – làm việc và nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, nên lên kế hoạch làm việc và học tập hợp lý để đảm bảo mang lại kết quả tốt và tránh tối đa sai sót.
  • Ngủ đủ giấc với 7 – 8 giờ mỗi tối và 15 – 30 phút nghỉ ngơi vào buổi trưa. Giấc ngủ giúp các cơ quan thư giãn, đặc biệt là não bộ. Tình trạng mất ngủ và thiếu ngủ sẽ khiến não bộ trở nên căng thẳng, từ đó khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có khả năng giải tỏa cảm xúc như rau xanh, trái cây, sữa chua, các loại cá, cacao nguyên chất,… Hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích và không nên dung nạp quá nhiều caffeine trong một ngày.
  • Giảm đường và chất béo xấu: Các nghiên cứu cho thấy, đồ ăn chứa nhiều đường và chất béo đều làm tăng các cảm xúc tiêu cực. Do đó, bạn nên kiêng cữ các món ăn này để cải thiện sự thất thường của tâm trạng và cảm xúc.
  • Tập thể dục 30 phút mỗi này để nâng cao sức khỏe và giảm căng thẳng, mệt mỏi. Khi hoạt động thể chất, các chất nội sinh trong não bộ sẽ được sản xuất và điều chỉnh ở nồng độ cân bằng. Nhờ vậy, bạn có thể duy trì được cảm xúc ổn định và hạn chế tình trạng vui buồn thất thường.

2. Áp dụng các biện pháp giảm căng thẳng

Tâm trạng thay đổi liên tục thường bắt nguồn từ những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, phiền muộn, lo âu, chán nản,… Những cảm xúc này khiến tâm trạng chùng xuống dẫn đến mất động lực, học tập và làm việc kém hiệu quả. Do đó để ổn định tâm trạng, bạn có thể áp dung các biện pháp giảm căng thẳng sau mỗi ngày:

tập yoga ổn định tâm trạng thất thường
Yoga, ngồi thiền giúp kiểm soát tâm trạng thất thường và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực
  • Ngồi thiền: Ngồi thiền là kỹ thuật thư giãn hiệu quả nhất. Kỹ thuật này giúp tâm trí hòa hợp với thân thể, gạt bỏ những suy nghĩ và phiền muộn trong cuộc sống. Thiền định còn có tác dụng thư giãn các cơ, điều hòa nhịp thở, huyết áp,… Nếu gặp khó khăn khi ngồi thiền, bạn cũng có thể tập yoga để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực và lấy lại tâm trạng vui vẻ, lạc quan.
  • Hít thở sâu: Một cách giảm căng thẳng đơn giản hơn là hít thở sâu. Trong kỹ thuật này, bạn cần hít sâu bằng mũi và phải thả lỏng toàn bộ cơ thể. Sau đó, từ từ thở ra bằng miệng để đẩy hết không khí ra ngoài. Hít thở sâu giúp giảm căng thẳng, hồi hộp và cải thiện một số triệu chứng cơ thể do các cảm xúc tiêu cực gây ra.
  • Tắm nước ấm: Khi cảm xúc lên xuống thất thường, bạn nên dành thời gian riêng cho bản thân thay vì trò chuyện hay gặp gỡ những người khác. Tắm nước ấm là biện pháp thư giãn và giải tỏa căng thẳng hiệu quả mà nhiều người không ngờ đến. Nhiệt độ ấm giúp thư giãn các cơ và tăng tuần hoàn máu, nhờ vậy các cảm xúc tiêu cực sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Ngoài ra, tắm nước ấm còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Liệu pháp mùi hương: Nếu luôn cảm thấy tâm trạng vui buồn thất thường, bạn nên mang theo 1 lọ tinh dầu với mùi hương yêu thích như hoa nhài, hoa cúc, vỏ quế, hoa oải hương,… Mùi hương được cảm nhận bằng khứu giác, sau đó kích thích não bộ tiết hormone endorphin giúp giải tỏa căng thẳng và phiền muộn. Dùng tinh dầu trong phòng làm việc còn giúp bạn tỉnh táo và sáng tạo hơn trong công việc.

Có rất nhiều kỹ thuật thư giãn và giải tỏa tâm trạng. Tuy nhiên, những kỹ thuật này đều chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Vì vậy, bạn vẫn nên xây dựng lối sống khoa học để giảm những tình huống căng thẳng cuộc sống. Điều này sẽ giúp bạn ổn định tâm trạng lâu dài và đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực.

3. Tìm gặp bác sĩ chuyên khoa

Tâm trạng vui buồn thất thường có thể là biểu hiện của các vấn đề tâm lý. Chính vì vậy nếu nhận thấy tình trạng này kéo dài và bản thân không thể làm chủ cảm xúc, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Các rối loạn tâm lý hoàn toàn không thể tự thuyên giảm nếu không được chăm sóc và điều trị. Do đó, không nên chủ quan trước những biểu hiện của cơ thể – kể cả các triệu chứng thể chất hay tinh thần.

Tâm trạng vui buồn thất thường là tình trạng khá phổ biến – đặc biệt là với nữ giới. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và đi kèm với những biểu hiện bất thường, bạn nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ. Trong trường hợp những người xung quanh có tâm trạng bất ổn và lên xuống thất thường, bạn cũng cần đưa ra lời khuyên để người bệnh chủ động trong việc thăm khám và điều trị.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *