Tích cực độc hại (Toxic positivity) là gì? Cách thoát khỏi

Tích cực độc hại là trạng thái tích cực quá mức không phù hợp với tình huống khó khăn thực tế. Lối suy nghĩ này khiến cá nhân không có giải pháp đối diện với cảm xúc buồn bã và những khó khăn của họ, thay vào đó phải luôn giữ nụ cười vui vẻ và thái độ tích cực. Điều này gây căng thẳng, đau khổ và có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Tích cực và tích cực độc hại

Tích cực rất tốt và cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên tích cực độc hại là một hình thức tích cực theo hướng cực đoan. Tích cực độc hại thể hiện khi chúng ta phủ nhận hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực, và cho người khác những lời khuyên tích cực thái quá bất chấp hoàn cảnh.

Tích cực độc hại khiến cá nhân không thể bộc lộ cảm xúc thật của bản thân
Tích cực độc hại khiến cá nhân không thể bộc lộ cảm xúc thật của bản thân

Tích cực là gì?

Tích cực là thái độ, suy nghĩ, hành động hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Người tích cực thường tập trung vào những mặt tốt của sự việc. Đồng thời luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp để cải thiện tình hình thay vì chỉ tập trung vào khó khăn trở ngại.

Người sống tích cực thường lạc quan, tin rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Họ chủ động thay đổi, tìm giải pháp đối mặt với khó khăn, luôn động viên khích lệ chính mình và những người xung quanh.

Những người tích cực cũng sẽ có những góc nhìn mới mẻ hơn về một sự vật, sự việc trong tình huống dù là tồi tệ nhất. Sự tích cực mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống, tuy nhiên cái gì thái quá cũng sẽ phản tác dụng.

Tích cực độc hại (Toxic positivity) là gì?

Tích cực độc hại (Toxic positivity) là tình trạng cố gắng duy trì thái độ lạc quan, tích cực một cách cực đoan và phủ nhận, bỏ qua những cảm xúc tiêu cực cần được xử lý. Việc duy trì tư duy tích cực trong tình huống tồi tệ, khó khăn là lạc quan. Nhưng nếu duy trì suy nghĩ tích cực mà từ chối mọi cảm xúc buồn bã, khủng hoảng, từ chối những cảm xúc tiêu cực để duy trì vẻ ngoài vui vẻ thì đây chính là tích cực độc hại.

Theo Whitney Goodman, tác giả cuốn “Toxic Positivity: Keeping It Real in a World Obsessed With Being Happy”, “tích cực độc hại là áp lực không ngừng phải hạnh phúc hoặc theo đuổi hạnh phúc bất kể hoàn cảnh nào“. Sự tích cực độc hại đưa suy nghĩ tích cực lên cao một mức thái quá, cho rằng đây là giải pháp duy nhất cho các vấn đề, đòi hỏi cá nhận phải tránh đi các suy nghĩ tiêu cực.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận sự hỗ trợ đích thực mà cá nhân gặp khó khăn cần để đối phó với những vấn đề mà họ gặp phải. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng sẽ gặp phải những khó khăn, trắc trở và những trải nghiệm đau khổ. Những cảm xúc này cần được bộc lộ, được chia sẻ giải tỏa cảm xúc, được hỗ trợ, hướng dẫn hoặc đơn giản là được lắng nghe, đồng cảm để xoa dịu tâm trạng.

Ví dụ về tích cực độc hại

Toxic positivity đang diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Đôi khi chúng ta cũng nói ra những lời tưởng chừng là động viên tích cực nhưng lại đang bỏ qua, xem nhẹ cảm xúc tiêu cực, không có sự hỗ trợ hiệu quả đối với vấn đề mà người thân, bạn bè, những người xung quanh mình gặp phải.

Sự tích cực độc hại đã và đang diễn ra từng ngày trong cuộc sống của chúng ta
Sự tích cực độc hại đã và đang diễn ra từng ngày trong cuộc sống của chúng ta

Một số ví dụ về tích cực độc hại cụ thể như:

  • Bạn bè mất việc làm: Nói với người mất việc rằng “hãy lạc quan lên“, “không có gì phải buồn, không làm việc này thì làm việc khác, lạc quan lên“…
  • Khi một người có cảm xúc tiêu cực: Nói với một người đang buồn bã, gặp khó khăn trong cuộc sống rằng “bạn phải vui vẻ lên, chuyện nhỏ xíu, không có gì đáng buồn cả“.
  • Mất người thân: Nói với một người mất người thân rằng “đừng buồn, hãy vui lên, bạn vui thì người thân của bạn mới yên lòng“. Nói với cha mẹ mất con rằng họ nên vui mừng vì ít nhất họ vẫn có thể có con.
  • Khi gặp thảm họa: Nói với những người vừa trải qua thảm họa kinh hoàng như lũ quét, bão rằng “mọi thứ xảy ra đều có lý do

Ngoài ra, một số ví dụ khác về tích cực độc hại như:

  • Dán nhãn những người thường vui vẻ, lạc quan là người mạnh mẽ, dễ mến hơn người khác
  • Gạt bỏ mối quan tâm của ai đó bằng việc nói rằng “mọi việc có thể tệ hơn thế”
  • Khuyên ai đó cách vượt qua nỗi đau bằng cách tập trung vào những đều tốt đẹp và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực.
  • Nói những lời như “bạn sẽ vượt qua được chuyện này thôi“, “ít nhất thì“, “hãy nhìn vào mặt tích cực“, “đừng lo lắng“, “chuyện này rồi cũng sẽ qua thôi…”

Thực tế, đôi khi những lời khuyên này có thể xuất phát từ ý tốt nhưng do cách diễn đạt kém, thiếu tinh tế. Hoặc một số người thật sự có ý tốt nhưng lại không biết nói gì cho phải, không biết cách động viên người khác và nói ra những lời an ủi “sáo rỗng”. Đôi khi, tích cực độc hại cũng xuất phát từ sự vô tâm, không biết đồng cảm chia sẻ với người khác. Dù xuất phát từ nguyên nhân gì thì cần nhớ rằng, tích cực độc hại có thể gây hại.

Biểu hiện của tích cực độc hại

Sự tích cực độc hại (Toxic positivity) biểu hiện qua cả lời nói và hành động. Trong một số trường hợp, những câu khích lệ như  “lạc quan lên” hoặc “nhìn vào mặt tốt của vấn đề” có thể giúp tâm trạng của một người trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, câu nói này chẳng khác nào “chặn họng” người khác khi họ muốn bày tỏ cảm xúc.

Tích cực độc hại có thể mang đến sự tích cực giả tạo, lâu dần tạo ra sự thờ ơ, vô cảm với cảm xúc của người khác. Một số biểu hiện của tích cực độc hại như sau:

  • Che giấu cảm xúc thật bằng nụ cười gượng và vẻ lạc quan
  • Lờ đi các vấn đề thay vì đối mặt với chúng
  • Cố gắng hướng đến điều tích cực và gạt bỏ những cảm xúc khó chịu thay vì đối mặt trực tiếp
  • Cố gắng đưa ra quan điểm của bản thân, khuyến khích người khác tích cực thay vì thấu hiểu những cảm xúc mà họ trải qua
  • Hạ thấp, khiến người khác xấu hổ khi họ có thái độ tiêu cực, buồn bã
  • Giảm thiểu, xem nhẹ cảm xúc của người khác vì họ làm bạn khó chịu.
  • Cảm thấy tội lỗi vì những cảm xúc buồn bã, xấu hội, thất vọng… của bản thân.
  • Dùng những câu nói tích cực để chối bỏ các trải nghiệm đau khổ, buồn bã của người khác.

Tích cực độc hại tưởng chừng vô hại, có thể mang đến sự an ủi cho người khác. Tuy nhiên, sự thật là nó có hại và có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của một người. Các dấu hiệu cho thấy bạn đang chịu đựng sự tích cực độc hại:

  • Có cảm xác xấu hổ, tội lỗi khi thất vọng, buồn bã hoặc tức giận
  • Luôn phải cố gắng che giấu, ngụy trang cảm xúc thật của bản thân
  • Cố tỏ ra nghiêm túc hoặc “mạnh mẽ vượt qua” những cảm xúc đau đớn.

Tích cực độc hại có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn, căng thẳng một cách tạm thời. Tuy nhiên, việc bỏ qua những cảm xúc tiêu cực là một vấn đề lớn với sức khỏe tinh thần, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng mà bạn không thể lường trước được.

5 Nguyên nhân của Toxic positivity

Chúng ta học được sự tích cực độc hại từ xã hội và những người xung quanh mình. Hầu hết mọi người đều được dạy rằng, khi có ai đó gặp khó khăn, ai đó đang đau khổ chúng ta nên cố gắng làm họ cười, làm họ cảm thấy vui vẻ hơn.

Những nguyên nhân của tích cực độc hại:

1. Văn hóa tôn vinh sự lạc quan

Nguyên nhân của Toxic positivity đến từ chính văn hóa của chúng ta. Một xã hội tôn vinh, đề cao sự lạc quan và vui vẻ, khi một người có khuôn mặt buồn bã, sẽ bị đánh giá là yếu đuối, khó ở, khó chịu. Điều này gây ra áp lực phải duy trì thái độ tích cực trong mọi tình huống, không được phép bộc lộ cảm xúc tiêu cực.

Sự tích cực độc hại đôi khi đến từ văn hóa tôn vinh sự lạc quan, tích cực của xã hội
Sự tích cực độc hại đôi khi đến từ văn hóa tôn vinh sự lạc quan, tích cực của xã hội

Điển hình là những câu nói như “hãy biết ơn vì mình may mắn hơn người khác”, “hãy lạc quan lên”, “hãy tích cực lên”, “cố lên, mọi thứ sẽ qua thôi…”. Rất nhiều người tin rằng việc luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan, bỏ qua các cảm xúc tiêu cực có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn.

2. Kỳ vọng không thực tế về hạnh phúc

Một số người tin rằng, việc luôn suy nghĩ tích cực sẽ giúp họ tránh được rắc rối và đạt được hạnh phúc tuyệt đối. Hay tư duy “luật hấp dẫn” cho rằng suy nghĩ tích cực sẽ mang đến kết quả tiêu cực và gạt bỏ, né tránh, không thừa nhận cảm xúc tiêu cực. Những kỳ vọng không thực tế về hạnh phúc có thể là nguyên nhân gây tích cực độc hại.

3. Sự thiếu hiểu biết về cảm xúc

Toxic positivity có thể xuất phát từ sự sợ hãi của một số cá nhân khi đối mặt với các cảm xúc tiêu cực. Họ không có kỹ năng đối phó với căng thẳng, buồn bã, giận dữ, cảm thấy không thoải mái với các cảm xúc tiêu cực. Do đó, họ tìm cách né tránh, gạt bỏ, không giám đối diện và hướng về phía tích cực như một cơ chế phòng vệ.

4. Áp lực từ mạng xã hội

Tư tưởng, trào lưu “high vibes only” hay “good vibes only” chỉ tôn vinh năng lượng tích cực, nơi chỉ có lạc quan vui vẻ, không có chỗ cho những cảm xúc tiêu cực. Đồng thời, nhiều người thường chỉ chia sẻ những khoảng khắc vui vẻ, thành công, hạnh phúc trên mạng xã hội. Những điều này góp phần làm gia tăng tích cực độc hại, tăng sự kỳ vọng phải luôn lạc quan, vui vẻ.

5. Nỗi sợ tạo ra sự khó chịu

Khi nghe người khác chia sẻ về những trải nghiệm buồn bã, đau khổ, người nghe có thể cảm thấy không biết phản ứng thế nào cho phù hợp. Họ thường hành xử theo bản năng bằng cách đưa ra những lời khuyên, lời an ủi tích cực, thay vì lắng nghe, chia sẻ với cảm xúc khó khăn mà người kể trải qua.

Đôi khi, tích cực độc hại có thể xuất phát từ việc cá nhân không biết cách giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề. Họ chỉ có thể nói ra những lời tích cực để “động viên”, an ủi. Tuy nhiên, điều này lại vô tình “chặn họng”, khiến người khác cảm thấy bị ngắt kết nối và cô đơn thay vì được hỗ trợ.

Tác hại của tích cực độc hại

Sẽ rất tốt khi chúng ta biết cách đối diện, thừa nhận những cảm xúc tiêu cực và có những suy nghĩ lạc quan, tích cực. Tuy nhiên, sự tích độc hại thì không như vậy, chúng sẽ ảnh hưởng và gây hại đến sức khỏe tinh thần của một người.

Toxic positivity tưởng chừng như vô hại nhưng lại gây ra rất nhiều ảnh hưởng
Toxic positivity tưởng chừng như vô hại nhưng lại gây ra rất nhiều ảnh hưởng

Những tác hại của tích cực độc hại:

Hạ thấp người khác, khiến họ cảm thấy xấu hổ

Tích cực độc hại khiến cá nhân nghĩ rằng cảm xúc của họ là sai, khiến họ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ. Thường đi kèm các rối loạn sức khỏe tâm thần như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn ăn uống.

Mang đến cảm giác giả tạo

Toxic positivity có thể khiến một người luôn ép buộc bản thân phải tích cực, che giấu những cảm cảm xúc thật của chính mình. Điều này sẽ làm mất giá trị những trải nghiệm bình thường của con người.

Tăng nguy cơ trầm cảm, tự tử

Toxic positivity còn gây ra tình trạng kìm nén cảm xúc. Điều này khiến cảm xúc tích tụ, khó kiểm soát, gây đau khổ về mặt tinh thần. Có thể gây rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí là tự tử.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Tâm lý, chỉ ra rằng, những luôn kìm nén cảm xúc, cố gắng trở nên dễ chịu để người khác không buồn bã có khả năng tử vong cao. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, việc chấp nhận những cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh tốt hơn so với việc bạn cố gắng luôn tích cực.

Khiến một người cảm thấy bị cô lập

Khi một người tỏ ra buồn bã, bi quan, họ cần được lắng nghe, sẻ chia. Việc nói ra những lời tích cực độc hại sẽ khiến họ cảm thấy bị ngắt kết nối, bị cô lập. Hay việc bạn tự động viên “mọi thứ sẽ ổn thôi“, bạn đang loại bỏ những cảm xúc tiêu cực của mình và cô lập mình khỏi sự giúp đỡ của người khác.

Ngăn cản sự phát triển

Toxic positivity khiến chúng ta né tránh đi những điều có thể gây đau đớn, đồng thời cũng phủ nhận khả năng đối mặt với thách thức. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự trưởng thành của một con người.

Tạo nên sự thờ ơ, vô cảm

Tích cực độc hại có thể đến từ việc thiếu cảm thông, chia sẻ. Việc không lắng nghe, đồng cảm mà ngược lại “động viên” người khác phải “lạc quan”, phải “vui vẻ” trong tình huống họ buồn bã, khó khăn chính là một sự vô cảm. Việc đề cao tư duy tích cực, lạc quan và loại bỏ các cảm xúc khác có thể tạo ra một xã hội vô cảm, thiếu cảm thông.

9 Cách thoát khỏi tích cực độc hại

Tích cực độc hại ảnh hưởng xấu đến cá nhân. Vì thế cần có sự thay đổi trong cách nhìn nhận và xử lý những cảm xúc tiêu cực. Việc đối phó với sự tích cực độc hại sẽ khác biệt, tùy vào việc bạn là kẻ thể hiện sự tích cực, hay là người đang chịu ảnh hưởng từ người khác.

Dưới đây là một số cách đối phó với toxic positivity:

1. Thừa nhận cảm xúc của bản thân

Khi chúng ta nhận ra mình đang có những suy nghĩ và hành vi thể hiện sự tích cực độc hại, bước đầu tiên để vượt qua là thừa nhận cảm xúc của bản thân. Hãy chấp nhận rằng những cảm xúc tiêu cực, những phiền não và khó khăn là một điều hết sức tự nhiên, là một phần cuộc sống.

Điều chúng ta cần làm là đối diện, chứ không phải liên tục phủ nhận, sợ hãi hay chống lại chúng. Hãy nhắc nhớ bản thân rằng không cần phải luôn vui vẻ. Cuộc sống sẽ có lúc vui lúc buồn, lúc thành công, lúc thất bạn. Hãy cho phép bản thân có những khoảng thời gian được yếu đuối.

2. Mạnh mẽ đối diện với thực tế

Tích cực độc hại khiến ta tự giam mình trong những bức tường an toàn, né tránh những cảm xúc chân thật và bỏ quên thực tế cuộc sống. Do đó chỉ khi chấp nhận những cảm xúc thật sự, và dần dần từ bỏ chúng, bạn mới có thể mạnh mẽ hơn để đối mặt với thực tế.

Điều này sẽ giúp tâm lý và tinh thần của bạn mạnh mẽ hơn, giúp bạn hoàn thiện bản thân và tiến đến việc điều chỉnh cảm xúc. Bạn không nên phớt lờ những cảm xúc tiêu cực, hãy học kỹ thuật đối phó với căng thẳng và các cảm xúc tiêu cực.

3. Học kỹ năng đối phó căng thẳng, xử lý cảm xúc tiêu cực

Nếu cảm thấy buồn bã, lo lắng, tức giận, hãy cho phép mình thể hiện cảm xúc ra ngoài. Nên chia sẻ với người bạn tin tưởng, không nên cố che giấu, phủ nhận cảm xúc của bản thân.

Các kỹ năng đối phó với căng thẳng như thiền, yoga sẽ giúp bạn thực sự thư giãn tinh thần
Các kỹ năng đối phó với căng thẳng như thiền, yoga sẽ giúp bạn thực sự thư giãn tinh thần

Có thể thực hành thiền chánh niệm, yoga để thư giãn tinh thần. Dành thời gian để nhận biết, hiểu rõ cảm xúc của chính mình. Bạn cần xác định được nguyên nhân và phát triển giải pháp giải quyết vấn đề thay vì trốn tránh.

4. Học cách đứng lên từ thất bại và tiêu cực

Những cảm xúc tiêu cực hay đau khổ sẽ mang đến những ý nghĩa nhất định trong cuộc sống, vì thế thay vì phủ định và tìm cách lãng tránh, hãy học hỏi và tìm kiếm ý nghĩa đằng sau những tình huống tiêu cực. Học cách đứng lên từ thất bại và tiêu cực để hoàn thiện bản thân một cách tốt hơn là cách hạn chế ảnh hưởng của tích cực độc hại tốt nhất.

5. Bỏ qua những lời động viên sáo rỗng

Bạn không nên chú ý đến những người có xu hướng phủ định cảm xúc đau buồn, mệt mỏi, khó chịu của bạn bằng những lời bỡn cợt, những câu động viên sáo rỗng. Càng để ý và nghĩ về chúng, bạn sẽ càng huyễn hoặc bản thân trong sự tích cực giả tạo, không thể nhìn nhận vấn đề một cách chính xác, né tránh cảm xúc, và mất khả năng đối mặt với khó khăn.

6. Lắng nghe và chia sẻ

Nếu bạn là người lắng nghe, đôi khi sự im lặng đáng giá hơn những lời khuyên và thái độ tich cực giả tạo. Chúng ta chỉ cần đóng vai người nghe để chia sẻ và đồng cảm cùng bạn bè hay người thân.

Trong khí đó, nếu bạn là người đang chịu những cảm xúc tiêu cực, việc tâm sự cùng những người biết lắng nghe và thấu hiểu sẽ mang đến những trải nghiệm thật sự tích cực. Họ cũng có thể đưa ra những cái nhìn khách quan, và giúp bạn nhìn nhận mọi thứ theo một góc nhìn khác phù hợp hơn.

7. Chia sẻ cảm xúc thật

Thay vì động viên bản thân và người khác bằng những câu nói vô tác dụng, bạn hãy chọn một cách tốt hơn để thể hiện cảm xúc. Khi trải qua một giai đoạn khó khăn, bạn có thể viết nhật ký hoặc trò chuyện với người thân và bạn bè để giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực, và hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

8. Tạo ra sự cân bằng giữa cảm xúc tích cực và tiêu cực

Bạn không cần quá tập trung vào sự lạc quan, tích cực. Lạc quan không phải là giải pháp cho mọi tình huống. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm được điểm cân bằng trong cuộc sống, chấp nhận cảm xúc tiêu cực và giữ được suy nghĩ tích cực về tương lai.

9. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý

Nếu bạn đang rơi vào tích cực độc hại, bị mất cân bằng trong cuộc sống thì tốt nhất bạn nên tìm chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn nhận diện được vấn đề mà bạn gặp phải, từ đó giúp bạn học được cách quản lý, cách đối diện và đối phó với cảm xúc một cách lành mạnh.

Cách phòng tránh tích cực độc hại

Việc phòng ngừa toxic positivity sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách giải pháp sau đây:

  • Hãy cho phép bản thân trải nghiệm và bộc lộ các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thất vọng, lo lắng… Vì đây là những cảm xúc bình thường trong cuộc sống.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga để thư giãn tinh thần, đối phó với cảm xúc tiêu cực
  • Tham gia các khóa học, đọc sách về tâm lý để hiểu rõ về bản thân và cách quản lý cảm xúc
  • Không so sánh mình với các hình ảnh “hoàn hảo”, chọn lọc các nội dung xem trên mạng xã hội
  • Không đề cao về việc phải luôn lạc quan, tích cực, ép buộc bản thân lạc quan khi khó khăn thay vào đó nên đối diện và xử lý những cảm xúc tiêu cực.
  • Nếu ai đó liên tục khuyến khích thúc ép bạn phải lạc quan. Hãy mạnh dạn đặt ra ranh giới với bạn, nói với họ rằng bạn cần không gian để xử lý cảm xúc theo cách riêng của mình.
  • Tránh những lời động viên sáo rỗng như “mọi chuyện đều có lý do của nó”, “hãy tích cực”, “hãy lạc quan”… Thay vào đó, hãy nói “mình có thể giúp gì lúc này”, “mình muốn được lắng nghe cảm xúc thật của bạn”, “bạn hẳn đã rất khó khăn”…

Tích cực độc hại giống như một quả táo mọng nước tẩm độc, nhìn thì có vẻ rất ngon lành và tốt đẹp, nhưng lại mang chất độc chết người. Tích cực độc hại đề cao sự tích cực phi thực tế, mà bỏ qua những cảm xúc tiêu cực cần thiết trong cuộc sống. Con người ai cũng có những cảm xúc tiêu cực và tích cực để cân bằng cảm xúc. Cán cân cần sự cân bằng, vì thế dù quá nghiêng về bên nào thì cũng mang đến những ảnh hưởng xấu.

Ám ảnh phải luôn vui vẻ, yêu đời, và nhìn nhận mọi thứ dưới góc nhìn tích cực không chỉ không giúp chúng ta thoải mái hơn, mà còn khiến những cảm xúc tiêu cực ngày càng dồn nén. Khi bạn chọc thủng một quả bóng bơm căng, nó sẽ nổ tung. Tương tự, nếu những cảm xúc tiêu cực không được giải phóng đúng lúc, đúng cách thì một ngày nào đó, chúng cũng sẽ nổ tung hệt như bong bóng.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo:

  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/toxic-positivity
  • https://www.everydayhealth.com/emotional-health/toxic-positivity/guide/
5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *