Cha mẹ độc hại: Tổn thương “khó đỡ” và cách xử lý khôn ngoan

4.7/5 - (30 bình chọn)

Cha mẹ độc hại luôn lấy tình thương để ngụy trang cho những lời nói hay hành vi tiêu cực của mình đối với con cái. Điều này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến cảm xúc, nhận thức, sức khỏe tinh thần và thể chất của con.

cha mẹ độc hại
Cha mẹ độc hại khiến con cái phải sống trong môi trường tiêu cực, ảnh hưởng xấu cả thể chất lẫn tinh thần

Cha mẹ độc hại là gì?

Cha mẹ độc hại (Toxic Parents) được hiểu đơn giản là các bậc cha mẹ luôn có những lời nói và hành vi tiêu cực khiến con cái bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ lại luôn lấy tình yêu thương ra để hợp thức hóa cho những hành vi của mình.

Những bậc phụ huynh độc hại thường chỉ quan tâm đến nhu cầu của chính họ hay vì nghĩ đến tác hại cho con cái. Đôi khi họ thừa nhận những gì họ làm là không đúng nhưng vẫn luôn lạm dụng và lặp lại chúng.

Cha mẹ độc hại có thể khiến cho cuộc sống của con cái trở nên khốn khổ do bị kiểm soát, thao túng và chỉ trích. Con cái thường không thể đưa ra lựa chọn hay đặt mục tiêu cho riêng mình và sống một cuộc sống như bản thân mong muốn,

Nếu không được kiểm soát, các bậc phụ huynh độc hại có thể gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho con. Trẻ có thể bị rối loạn chức năng, trầm cảm, nghiện rượu hay trở nên độc hại tương tự như cha mẹ của mình.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Các kiểu cha mẹ độc hại thường thấy

Như đã đề cập, cha mẹ độc hại luôn có những lời nói và hành vi lệch chuẩn khiến trẻ bị tổn thương nặng nề cả về thể chất và tinh thần. Căn cứ vào đặc điểm, các chuyên gia tâm lý nhận định cha mẹ độc hại có 6 kiểu chính, bao gồm:

1. Cha mẹ kiểm soát

Đây được đánh giá là kiểu cha mẹ độc hại rất phổ biến ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Trên danh nghĩa là người sinh ra trẻ, cha mẹ sẽ tự cho mình quyền quyết định tất cả mọi thứ liên quan tới con. Đặc biệt là có sự kiểm soát sát sao từ lời nói cho tới hành động của con.

Kiểu cha mẹ kiểm soát thường xâm phạm quá mức tới cuộc sống riêng của con. Không chỉ khi trẻ còn nhỏ mà cả khi con đã trưởng thành. Thậm chí không ít bậc phụ huynh còn ép buộc con cái phải làm theo đúng di nguyện trước khi qua đời.

2. Cha mẹ nghiện rượu

Đây là kiểu cha mẹ độc hại gây ra rất nhiều tổn thương cả về tinh thần và thể xác cho con cái. Cha mẹ nghiện rượu khiến bầu không khí gia đình luôn trong trạng thái tiêu cực. Mọi sự chú ý luôn đổ dồn vào những bậc phụ huynh này.

Cha mẹ nghiện rượu sẽ không có đủ sự tỉnh táo để nuôi dạy con cái. Đặc biệt họ còn thường xuyên có những lời nói và hành vi lệch chuẩn. Khi say, nhiều ông bố bà mẹ còn tìm đến con cái để đánh mắng, quát nạt nhằm xả giận.

cha mẹ nghiện rượu
Cha mẹ nghiện rượu thường không đủ tỉnh táo để nuôi dạy con cái

3. Cha mẹ không trọn vẹn

Cha mẹ không trọn vẹn đề cập đến các bậc phụ huynh chưa đáp ứng được nhu cầu của con trẻ nhưng lại luôn trông chờ trẻ lớn lên sẽ đáp ứng những yêu cầu của mình. Bao gồm cả danh dự, tiền bạc, sự yêu thương, chăm sóc…

Kiểu cha mẹ độc hại này thường không hoàn thành tốt các trách nhiệm của bản thân với con cái. Đứa trẻ lại dường như trở thành người bao bọc cho chính cha mẹ mình.

4. Cha mẹ bạo hành lời nói

Kiểu cha mẹ bạo hành con cái bằng lời nói xảy ra rất phổ biến. Họ luôn chì chiết, trách móc và dùng những lời lẽ cay nghiệt với con cái. Điều này khiến cho con hình thành suy nghĩ bản thân là người có lỗi, yếu kém và vô dụng. Bởi đối với chúng, lời nói của cha mẹ luôn đáng tin cậy.

Khi phạm lỗi, không nghe lời hay bị điểm kém, cha mẹ thường có những lời nói khiến lòng tự trọng của con trẻ bị tổn thương. Ngoài ra, kiểu cha mẹ bạo hành lời nói còn thường xuyên đưa con mình ra để so sánh với những đứa trẻ đồng trang lứa ưu tú hơn.

Nhiều bậc phụ huynh tin rằng, những lời nói có phần cay nghiệt của mình sẽ khích lệ trẻ cố gắng để thành công. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng lại khiến cho trẻ bị tổn thương tinh thần, đánh mất sự tự tin và lạc quan vốn có.

5. Cha mẹ bạo hành thể xác

Cha mẹ cần hiểu rằng, đánh mắng con với bạo lực thể xác là hai hành vi hoàn toàn khác nhau. Kiểu cha mẹ độc hại bạo hành thể xác luôn sử dụng bạo lực trong mọi trường hợp. Thường là khi con phạm lỗi, cãi lời, bị điểm kém…

Những hành vi bạo lực thường bắt nguồn từ cảm xúc tức giận hay do áp lực trong cuộc sống của cha mẹ. Lúc này, con cái vô tình trở thành đối tượng để cha mẹ trút giận.

cha mẹ bạo hành thể xác
Cha mẹ bạo hành thể xác thường biến con cái thành đối tượng để trút giận

6. Cha mẹ lạm dụng tình dục

Các chuyên gia tâm lý nhận định, cha mẹ bạo hành tình dục là kiểu cha mẹ độc hại gây ra trải nghiệm kinh hoàng nhất cho con cái. Thông thường khi còn nhỏ trẻ sẽ không ý thức được hành vi này.

Tuy nhiên, khi đã có nhận thức thì trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương rất nặng nề. Những đứa trẻ phải sống chung với cha mẹ lạm dụng tình dục rất khó để vượt qua ám ảnh về tâm lý. Nhiều trường hợp còn có nguy cơ mắc các bệnh tâm lý lâu dài.

Dấu hiệu nhận biết cha mẹ độc hại

Cha mẹ độc hại luôn có những lời nói và hành vi khiến con cái bị tổn thương sâu sắc cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng có thể bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ cho tới khi trưởng thành. Tuy nhiên, họ lại luôn lấy tình yêu thương ra làm lá chắn, bao biện cho những hành vi tiêu cực của mình.

Trẻ luôn tin rằng, những hành vi của cha mẹ là đúng, chúng xuất phát từ tình yêu thương. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ lại xem con cái như công cụ giúp họ thỏa mãn bản thân và mong chờ nhận lại được nhiều hơn.

Không dễ dàng để trẻ nhận biết được rằng mình đang sống chung với cha mẹ độc hại. Vì họ luôn tìm mọi cách để che đậy mục đích thực sự của mình. Thông thường, họ sẽ gieo rắc vào đầu con suy nghĩ, cha mẹ luôn đúng, luôn muốn tốt cho con cái.

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhận biết cha mẹ độc hại:

1. Quá đề cao kỳ vọng của bản thân

Cha mẹ độc hại luôn đề cao kỳ vọng và mong muốn của bản thân mình. Họ đặt nhu cầu cá nhân lên trên hết và hoàn toàn không quan tâm đến suy nghĩ cũng như ý nguyện của con cái.

Dường như tất cả các quyết định trong cuộc sống của con cái đều phải thông qua cha mẹ. Trường hợp con cái có ý kiến trái chiều thì họ sẽ lập tức bác bỏ. Hơn nữa còn dùng quyền lực và tiền bạc để ép con phải nghe theo kỳ vọng của mình.

2. Phản ứng và cảm xúc quá khích

Nuôi dạy con cái là một quá trình không đơn giản. Đặc biệt, các bậc phụ huynh luôn phải biết cách kiềm chế cảm xúc của mình để cho con có môi trường sống lành mạnh. Cha mẹ cần phải kiên nhẫn, thấu hiểu và sẻ chia cùng con.

Tuy nhiên, với các bậc cha mẹ độc hại thì họ luôn làm ngược lại. Chỉ cần thỏa mãn bản thân mà quên đi cảm xúc hay suy nghĩ của con. Họ thường có phản ứng hay cảm xúc quá khích như đay nghiến, giận dữ hay thậm chí là thù ghét.

dấu hiệu nhận biết cha mẹ độc hại
Cha mẹ độc hại hay có cảm xúc quá khích, dễ tức giận với con cái

Ngoài phản ứng và cảm xúc quá khích thì họ còn có những lời nói và hành vi lệch chuẩn. Điều này khiến cho con trẻ bị tổn thương và luôn cho rằng mình đã mắc phải những tội lỗi nghiêm trọng.

3. Quá hà khắc với con cái

Sự nghiêm khắc là cần thiết khi nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ độc hại lại hà khắc quá mức với con. Họ rất hiếm khi để ý hay quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của con.

Khi con không đạt được kết quả cao thì cha mẹ luôn sẵn sàng chì chiết, quát tháo hay thậm chí là đánh đập. Ngay cả khi con được thành tích cao thì họ cũng không khen ngợi và khích lệ. Thay vào đó, họ còn so con với những đứa trẻ có kết quả tốt hơn.

4. Luôn đổ lỗi và không bao giờ xin lỗi con

Khi có các sự việc không may xảy ra, thay vì trò chuyện để nắm rõ và đánh giá khác quan thì cha mẹ độc hại luôn đổ mọi lỗi lầm cho con. Thậm chí, họ còn gieo vào đầu con cái các suy nghĩ méo mó. Chẳng hạn như con quá hư họng, yếu kém hay vô dụng nên xứng đáng bị đối xử tệ.

Ngoài ra, cha mẹ độc hại dường như không bao giờ xin lỗi con cái của họ. Họ từ chối tin rằng con cái xứng đáng nhận được lời xin lỗi khi họ làm sai với chúng. Các bậc phụ huynh độc hại có một quan điểm mặc định rằng họ luôn đúng trong mọi hoàn cảnh.

5. Muốn con thực hiện ước mơ của mình

Một điểm chung của những cha mẹ độc hại là thường muốn con cái phải hoàn thành ước mơ của mình. Điều này cho thấy sự ích kỷ và tiêu cực của cha mẹ. Nhất là khi con cái muốn có một hướng đi khác, một con đường khác cho tương lai thì họ vẫn sẽ đè nén và ép buộc con phải làm theo lựa chọn của họ.

nhận biết cha mẹ độc hại
Cha mẹ độc hại thường bắt con phải thực hiện mơ ước còn dang dở của họ

Họ sẽ tìm cách xoa dịu con bằng cách định hướng cho con, tỏ ra hiểu biết về thế mạnh của con và luôn muốn con tỏa sáng. Điều này khiến trẻ nhầm tin rằng cha mẹ thực sự yêu thương mình. Đồng thời, sẵn sàng chấp nhận theo đuổi ước mơ mà cha mẹ muốn.

6. Không tôn trọng sự riêng tư của con

Cha mẹ độc hại luôn tự cho mình quyền kiểm soát con cái về mọi mặt. Đặc biệt là họ không tôn trọng cuộc sống riêng tư của con. Thậm chí có các hành vi xâm phạm nghiêm trọng như đọc tin nhắn, email hay nhật ký của con.

Họ thường không ngần ngại khi thừa nhận với trẻ bản thân họ có những hành vi này. Và cho đó là điều bình thường, nếu trẻ không vừa ý thì có thể bị trách phạt, la mắng…

7. Xem nhẹ cảm xúc và suy nghĩ của con

Những bậc phụ huynh độc hại thường hiếm khi chịu lắng nghe con, họ cho rằng đây là điều không cần thiết. Họ luôn đưa ra những quan điểm méo mó và ép buộc con cái phải nghe theo.

Nhiều người còn bắt con phải học cách kiềm chế cảm xúc theo các chiều hướng tiêu cực. Chẳng hạn như không cho trẻ buồn bã, khóc lóc, lo lắng… Bởi họ cho rằng đây là những biểu hiện của sự thất bại.

8. Khống chế con cái

Các bậc cha mẹ độc hại luôn tìm đủ mọi cách để kìm kẹp con cái, buộc con phải luôn nghe lời. Với những trẻ không nghe lời thì họ thường sử dụng quyền lực và tiền bạc để khống chế con.

đặc điểm của cha mẹ độc hại
Các bậc phụ huynh độc hại luôn tìm mọi cách để khống chế con cái

Đa phần những trẻ ở giai đoạn vị thành niên đều có thể nhận ra được cha mẹ độc hại. Tuy nhiên, trẻ chưa thể tự chủ về tài chính, luôn phải sống phụ thuộc nên sẽ bị cha mẹ khống chế theo nhiều cách khác nhau.

9. Lời nói và hành vi tiêu cực

Khi nóng giận, sự bộc phát các lời nói và hành vi khiến con trẻ bị tổn thương là điều rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lành mạnh sẽ luôn biết cách điều chỉnh và thay đổi để bù đắp cho con. Đồng thời tạo dựng cho con cái một môi trường sống lành mạnh và hạnh phúc.

Tuy nhiên với cha mẹ độc hại, họ sẽ thường xuyên lặp lại các lời nói và hành vi tiêu cực. Về cơ bản, họ chỉ muốn thỏa mãn bản thân và chưa bao giờ quan tâm đến cảm xúc của con cái.

10. Không thoải mái khi con cái hạnh phúc

Thông thường, những ông bố bà mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con cái của họ. Tuy nhiên với những cha mẹ độc hại thì điều này không đúng. Họ thường tỏ ra không vui khi con cái hạnh phúc. Họ có biểu hiện ghen tị hay bực bội với chính con của mình.

Khi con cái có được niềm vui thì cha mẹ độc hại thường tỏ ra không hài lòng. Họ có thể khó chịu hay đưa ra những nhận xét phiến diện để làm mất đi cảm xúc vui sướng của con. Đồng thời khiến giá trị của bản thân trẻ bị lu mờ đi.

Tác hại của cha mẹ độc hại đến con cái

Các bậc phụ huynh độc hại luôn đề cao nhu cầu của bản thân. Họ bỏ qua cảm xúc của con cái và ý nghĩa thực sự của gia đình. Tình yêu thương dường như chỉ là công cụ để họ hợp thức hóa những hành vi và lời nói tiêu cực gây tổn thương cho con cái.

Sống và lớn lên trong gia đình có cha mẹ tiêu cực khiến trẻ phải đối mặt với nhiều mối nguy hại. Dưới đây là những ảnh hưởng nghiêm trọng thường thấy:

1. Giảm trí thông minh của con

Thống kê cho thấy, chỉ số IQ của trẻ có cha mẹ độc hại thường ở mức thấp hơn những trẻ được sống và lớn lên trong môi trường lành mạnh. Bởi các lời nói và hành vi tiêu cực của cha mẹ khiến trẻ bị tổn thương mạnh mẽ đến cả thể chất và tinh thần.

tác hại của cha mẹ độc hại
Sống chung với cha mẹ độc hại khiến trí thông minh của trẻ suy giảm

Bên cạnh đó, việc bị kiểm soát và đàn áp quá mức cũng sẽ khiến cho não bộ của trẻ chậm phát triển. Hơn nữa, sẽ thường hình thành nỗi sợ hãi trước những lời nói và hành vi gay gắt từ cha mẹ. Tình trạng này kéo dài sẽ tác động rất lớn tới quá trình hình thành và phát triển tư duy của trẻ.

2. Con cái thiếu tính kỷ luật

Thực tế cho thấy, con cái được nuôi dạy bởi cha mẹ độc hại thường có lối sống cẩu thả, thiếu tính kỷ luật. Tình trạng này phổ biến hơn ở những trẻ có cha mẹ chưa trọn vẹn hay nghiện rượu. Khi không được giáo dục đúng cách thì sẽ lớn lên thường có xu hướng sống và làm việc theo bản năng, tùy ý và không theo bất cứ một khuôn khổ nào.

Ngoài ra, cha mẹ kiểm soát quá mức cũng có thể khiến trẻ thiếu tính kỷ luật khi lớn lên. Bởi sự kìm kẹp quá mức khi còn nhỏ, đến khi lớn trẻ sẽ ao ước được sống thoải mái. Do đó, trẻ có xu hướng sống phóng khoáng và buông thả khi rời xa vòng tay của cha mẹ.

3. Không kiểm soát được cảm xúc

Trẻ sống với cha mẹ độc hại, nhất là theo kiểu nghiện rượu, bạo hành tinh thần hay thể xác thường không biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân. Bởi cha mẹ của trẻ thường có những lời nói và hành vi thiếu chuẩn mực, không suy nghĩ trước mặt con.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những trẻ sống với cha mẹ độc hại có xu hướng dễ nổi giận, cáu kỉnh và tăng khả năng kích động. Bởi khi phải đối mặt với hành vi tiêu cực của cha mẹ thường xuyên thì trẻ sẽ cho đó là bình thường.

ảnh hưởng xấu từ cha mẹ độc hại
Trẻ có cha mẹ độc hại thường dễ nổi nóng và cáu kỉnh

4. Nhân cách méo mó

Gia đình được cho là nền tảng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Việc phải sống cùng cha mẹ độc hại có thể khiến trẻ phát triển các dạng nhân cách bất thường. Ví dụ như rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách phụ thuộc, rối loạn nhân cách né tránh, rối loạn nhân cách chống đối xã hội… Những vấn đề này gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của trẻ. Hơn nữa về lâu dài còn làm tăng nguy cơ phát sinh các vấn đề sức khỏe.

Các bậc phụ huynh độc hại luôn lấy tình yêu thương ra để bao biện cho những lời nói và hành vi lệch chuẩn của bản thân. Điều này nhằm cho con cái thấy rằng cha mẹ luôn đúng đắn. Khi còn nhỏ thì trẻ sẽ chưa thể nhận thức được quan điểm của bố mẹ là sai lệch. Lâu dần, trẻ có thể đem theo những quan điểm méo mó của cha mẹ vào tuổi trưởng thành. Điều này hình thành những hành vi và suy nghĩ khác thường, đôi khi không phù hợp với chuẩn mực xã hội.

5. Xu hướng nghiện rượu và chất kích thích

Trẻ được nuôi dạy bởi các bậc phụ huynh độc hại thường sẽ không có các đức tính tốt. Hơn nữa còn rất dễ bị ảnh hưởng từ những thói quen xấu của cha mẹ. Thực tế, rất nhiều trẻ có cha mẹ nghiện rượu cũng sẽ có xu hướng nghiện rượu và chất kích thích. Thường thấy nhất là khi đến tuổi vị thành niên hay đầu giai đoạn trưởng thành.

Hơn nữa, nhiều trẻ còn tìm đến rượu bia và các chất gây nghiện để giải tỏa căng thẳng, áp lực và cảm xúc dồn nén. Bởi trẻ có thể nhận thấy cha mẹ độc hại nhưng lại không thể chọn cách rời đi. Suy nghĩ này tạo ra tâm lý mệt mỏi, nặng nề và dằn vặt kéo dài.

6. Mắc các bệnh tâm lý

Gia đình chính là nguồn sống của mỗi đứa trẻ. Trong đó, cha mẹ luôn là cả thế giới đối với con cái, nuôi lớn, dạy dỗ và mang đến tình yêu thương. Do đó, con cái buộc phải nghe lời và đáp ứng những gì mà cha mẹ yêu cầu.

Tuy nhiên, với những cha mẹ độc hại thì họ có thể nuôi dạy trẻ trở thành một bản sao tương tự. Trẻ sống cùng với phụ huynh độc hại rất dễ phát triển các vấn đề tâm lý. Thường thấy nhất là rối loạn nhân cách hoặc stress quá mức. Hơn thế, nhiều trẻ còn bị rối loạn lo âu, trầm cảm… nhất là khi đối mặt với thực tại khác xa so với tưởng tượng của bản thân.

cha mẹ độc hại ảnh hưởng đến con như thế nào
Nguy cơ trầm cảm ở trẻ tăng lên khi sống chung với cha mẹ độc hại

Cách thoát khỏi ảnh hưởng từ cha mẹ độc hại

Việc phải chung sống và lớn lên cùng với cha mẹ độc hại là điều rất tồi tệ. Trong khi đó cha mẹ và con cái lại có mối liên hệ mật thiết nên không dễ dàng để bạn rời bỏ gia đình. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách nhìn nhận và hành vi của bản thân để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc.

Dưới đây là một số cách giúp bạn vượt qua những ảnh hưởng xấu từ cha mẹ độc hại:

1. Không nhất thiết phải tha thứ

Thông thường, khi chia sẻ những tồi tệ mà bạn phải trải qua khi bạn có cha mẹ độc hại thì điều mà bạn nhận lại đa phần là lời khuyên nên tha thứ. Điều này ảnh hưởng phần nhiều từ văn hóa của người Á Đông và quan niệm của một số tôn giáo.

Tuy nhiên, trên thực tế lựa chọn tha thứ không giúp bạn giải tỏa được những cảm xúc dồn nén. Ngược lại nó còn khiến cho tâm lý trở nên nặng nề. Hơn thế, cha mẹ còn vin vào đó để lặp lại hành vi tiêu cực của họ và khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

Bạn không nhất thiết phải tha thứ cho cha mẹ nếu họ khiến bạn bị tổn thương nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần. Tốt nên nên dành cho bản thân một khoảng thời gian bình tâm để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống. Chỉ khi tâm lý đã thoải mái và dễ chịu trở lại thì bạn mới nên quyết định có tha thứ cho cha mẹ mình hay không.

2. Đừng cố thay đổi cha mẹ

Cố gắng thay đổi những người không muốn thay đổi sẽ rất khó khăn. Thậm chí khiến bạn lãng phí năng lượng và nhận lấy thất vọng. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào những thứ mà chính bạn có thể kiểm soát.

Bạn có thể thay đổi phản ứng với cách cư xử không đúng mực của cha mẹ. Điều này có thể khiến họ không hài lòng và nổi nóng. Nhưng bạn không nên quan tâm đến cảm xúc của họ nữa. Hãy tập trung nhiều hơn cho cuộc sống của bản thân.

3. Ngừng cố gắng làm hài lòng cha mẹ

Việc làm hài lòng những bậc cha mẹ độc hại dường như là không thể. Nên biết rằng, bạn hoàn toàn được quyền đưa ra lựa chọn cho riêng mình và làm những việc khiến bạn được thoải mái.

đối phó với cha mẹ độc hại
Đừng cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của cha mẹ nếu bản thân không muốn

Sống theo giá trị và mục tiêu của cha mẹ sẽ khiến bạn không cảm thấy hạnh phúc và luôn mệt mỏi. Nếu bạn cố gắng làm hài lòng cha mẹ thì chính bản thân bạn sẽ là người bị giam cầm. Vì vậy thay vì cố gắng làm hài lòng cha mẹ thì bạn nên tập yêu thương bản thân nhiều hơn.

Tưởng chừng như đây là điều ích kỷ nhưng thật sự sẽ rất mệt mỏi nếu tất cả những việc bạn làm đều phải nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ. Do đó, hãy biết từ chối những vô lý từ gia đình để giảm bớt áp lực cho bản thân và sống hạnh phúc hơn.

4. Thiết lập và thực thi các ranh giới

Ranh giới giúp cho bạn đặt ra kỳ vọng và giới hạn rõ ràng về cách người khác có thể đối xử với bạn. Ranh giới sẽ tạo ra không gian tình cảm cũng như thể chất giữ bạn và cha mẹ.

Tuy nhiên, cha mẹ độc hại lại có xu hướng tìm cách chống lại ranh giới do họ muốn kiểm soát. Do đó, để đặt ra ranh giới giữa bạn với họ là điều không dễ dàng. Nhưng bạn đừng để điều này ngăn cản mình. Ranh giới luôn là điều cần thiết giúp cho tất cả các mối quan hệ trở nên lành mạnh hơn.

Hạn chế tiếp xúc hay thậm chí không liên lạc với cha mẹ cũng không sao. Bạn cần hiểu rằng, các mối quan hệ cần được xây dựng dựa trên sự tôn trọng. Và bản thân bạn không thể mãi tôn trọng những người liên tục đối xử tệ với mình, bao gồm cả cha mẹ.

5. Đừng cố lý luận với cha mẹ

Không có cách nào để lý luận với một người phi lý trí, say xỉn hay thiếu chín chắn về cảm xúc. Do đó, bạn đừng tiêu tốn quá nhiều thời gian và sức lựa chỉ để cố gắng thuyết phục cha mẹ hiểu rõ quan điểm của bạn.

Có thể sẽ rất buồn khi phải chấp nhận rằng bạn không thể có được mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ. Bởi họ sống quá tiêu cực và độc hại. Nhưng bạn cần quyết đoán về những vấn đề quan trọng và đừng mong đợi cha mẹ quan tâm hay hiểu quan điểm của bạn.

cách sống chung với cha mẹ độc hại
Nên phớt lờ và không quan tâm đến những lời chỉ trích hay mạt sát từ phụ huynh

Cần cố gắng đừng để bị lôi kéo vào những cuộc tranh cãi hay tranh giành quyền lực. Bởi điều này có thể dẫn đến nhiều lời nói và hành vi thiếu tôn trọng. Hãy chọn ngắt kết nối ngay cả khi bố mẹ yêu cầu bạn tham dự vào cuộc tranh luận.

6. Tránh xa họ nếu cần

Khi mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ thì bạn nên coi đó là tín hiệu để rời đi. Rất có thể mọi thứ sẽ nghiêm trọng hơn, cha mẹ uống nhiều rượu bia hơn, tức giận và cố chấp hơn.

Vì vậy sẽ an toàn hơn nếu bạn tránh xa họ khi nhận thấy dấu hiệu của những rắc rối đầu tiên. Bạn không bắt buộc phải loanh quanh hay ở gần để cha mẹ vui lòng.

7. Biết cách tự chăm sóc bản thân

Phải đối phó với cha mẹ độc hại sẽ khiến bạn căng thẳng, ảnh hưởng rất lớn tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, điều cần thiết là bạn phải biết cách tự chăm sóc chính bản thân mình.

Hãy bắt đầu với những điều cơ bản nhất như ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi, ngủ đủ và tập thể dục. Nên kết nối và chia sẻ với những người tích cực và thừa nhận cảm xúc của bạn. Cố gắng tạo cho mình một lối sống lành mạnh và vui vẻ.

Thông thường, trẻ vị thành niên hay giai đoạn đầu trưởng thành đã có khả năng ý thức các hành vi không đúng chuẩn mực của bố mẹ. Tuy nhiên ở thời điểm này thì bạn vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình.

cách giảm ảnh hưởng từ cha mẹ độc hại
Nên tự xây dựng lối sống lành mạnh để làm giảm ảnh hưởng từ cha mẹ độc hại

Khi đã có đủ khả năng thì bạn nên rời khỏi bố mẹ và bắt đầu cuộc sống tự lập. Nhiều người có thể cho rằng bạn ích kỷ hay thậm chí là “bất hiếu”. Nhưng hãy tin rằng bạn hoàn toàn xứng đáng có được cuộc sống tốt hơn. Có thể tỏ lòng biết ơn bằng cách hỗ trợ tài chính cho cha mẹ hằng tháng.

8. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết

Như đã phân tích, trên thực tế có nhiều kiểu cha mẹ độc hại khác nhau. Trong đó, một số kiểu có thể gây ra tổn thương nặng nề cho con cái. Điển hình như cha mẹ bạo hành thể chất, cha mẹ nghiện rượu hay lạm dục tình dục.

Trước những hành vi méo mó nhân cách và lệch chuẩn của cha mẹ, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Có thể là họ hàng, thầy cô giáo hay trình báo cơ quan chức năng nếu thấy thật sự cần thiết.

Thực trạng cha mẹ độc hại đang diễn ra hằng ngày và rất nhiều trẻ em phải đối mặt với những tổn thương nghiêm trọng về cả tinh thần lẫn thể chất. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ để sớm thoát ra khỏi cha mẹ độc hại và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Cuộc sống đôi khi có những điều không thể lường trước và không ai có quyền lựa chọn cha mẹ. Thật thiếu may mắn nếu bạn phải sống chung với cha mẹ độc hại. Nhưng hãy biết thay đổi để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi và căng thẳng, bạn có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.

Có thể bạn quan tâm:

ArrayArray
4.7/5 - (30 bình chọn)
Array

Bình luận

  1. Quang Tuyên says: Trả lời

    Hay quá cảm ơn tòa soạn.

  2. Nguyễn Văn Hưng says: Trả lời

    Năm nay em 23 tuổi nhưng phải tự đấu tranh tâm lý do lớn lên trong môi trường bảo thủ lạc hậu tiêu cực (chửi bới nhục mạ quát mắng,bạo lực gia đình….) . vậy nên thường xuyên cảm thấy bản thân vô giá trị , hay tiêu cực (nhạy cảm với lời nói hành động, những sự việc giống như bố mẹ đã làm với mình .em đã bắt đầu nhận ra những hậu quả nó gây ra cho mình là quá lớn ,giờ đây em đang tìm mọi cách để chữa lành .phải nói hậu quả mà nó mang lại là vô cùng lớn

    1. Minh Hoàng says: Trả lời

      B giống mình quá,thông cảm với bạn

  3. Thuy says: Trả lời

    Cảm ơn bài nói của tác giả để giúp những đứa con tránh cha mẹ độc hạu

  4. TP says: Trả lời

    Bài viết rất hay, không phải ai cũng may mắn sinh ra trong một gia đình có cha mẹ tốt.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *