Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) là gì? Cách thoát khỏi
Sống trong một mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) có thể khiến bạn không thoải mái, thiếu tự tin, thậm chí còn cảm thấy bất an. Những mối quan hệ này thường mang tính lợi dụng, không tôn trọng lẫn nhau nên cần phát hiện và loại bỏ sớm.
Mối quan hệ độc hại (Toxic relationship) là gì?
Như chúng ta đều biết, nền tảng của mọi mối quan hệ đều nên xuất phát từ sự bình đẳng và chân thành. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi đang ở trong một mối quan hệ nào đó.
Mối quan hệ độc hại (Toxic Relationship) là thuật ngữ để những mối quan hệ khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, thiếu tự tin và luôn trong trạng thái bất an. Thông thường, những mối quan hệ này thường xuất phát từ sự không thật lòng, thiếu tôn trọng và mang tính lợi dụng.
Những mối quan hệ độc hại có thể đến từ bất cứ ai, bất cứ nơi đâu, kể cả những người chúng ta yêu thương và tin tưởng.Những người độc hại thường có tính cách khá độc tài, họ chỉ chú ý đến bản thân và những nhu cầu riêng của họ mà không suy nghĩ đến cảm nhận của người khác.
Thông thường, trong một mối quan hệ, những người độc hại sẽ đặt lợi ích của họ lên trên hết, muốn người khác làm theo ý họ, phục vụ suy nghĩ của họ mà không cần biết đối phương có thực sự muốn hay cảm thấy thoải mái không. Những đối tượng dễ rơi vào một mối quan hệ độc hại thường là những người nhu nhược, hay dựa dẫm vào người khác, luôn cảm thấy cô đơn hoặc có những lợi ích mà người khác muốn có được như địa vị, tiền tài…
Một số kiểu quan hệ độc hại thường gặp
Trong cuộc sống, có lẽ từng ít nhất một lần chúng ta gặp phải những kiểu người độc hại, chỉ là chúng ta có thực sự quan tâm đến nó hay không:
- Những người luôn ở bên cạnh bạn, cho bạn nhiều lời khuyên khi gặp phải vấn đề gì đó. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại, bạn thấy những điều họ nói không mang lại một chút lợi ích nào cả, nó chỉ khiến bạn càng thêm tuyệt vọng và nghi ngờ bản thân.
- Một người luôn tận dụng mọi cơ hội nào đó để phán xét và chỉ trích bạn.
- Một người đang trong mối quan hệ yêu đương với bạn nhưng luôn đòi hỏi lợi ích về mình, khi nhận được những lời nghi ngờ từ bạn, họ luôn dùng nhiều lý do để che giấu sai lầm.
- Những người thích nịnh hót, tự nâng cao giá trị bản thân và thường kể xấu người khác trước mặt bạn, giành lấy sự tin tưởng của bạn.
- Một người mà khi ở bên bạn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bạn không dám từ chối bất cứ lời đề nghị nào từ họ, sợ làm họ không vui…
Dấu hiệu để nhận biết một mối quan hệ độc hại
Những kẻ độc hại thường sẽ làm bạn hiểu lầm rằng bạn đang trong một mối quan hệ đúng đắn với họ. Thực chất, càng tiếp xúc với nhiều người độc hại chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và phiền phức hơn thôi.
Kẻ độc hại thực chất có rất nhiều loại. Những người vốn không ưa thích bạn, họ không ngần ngại thể hiện ra bên ngoài nhưng không có tác động trực tiếp đến cuộc sống của bạn. Đối phó với những kiểu người này vô cùng đơn giản, chỉ cần bạn tạo ra khoảng cách và tránh sự chú ý của họ thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, những kẻ sẽ luôn ở bên cạnh bạn, dụ dỗ và thao túng cuộc sống của bạn mới là những kẻ đáng sợ thực sự.Muốn biết bạn có đang trong một mối quan hệ độc hại hay không, hãy đánh giá kỹ những mối quan hệ xung quanh, nếu có một vài biểu hiện dưới đây, hãy cẩn thận, có thể bạn đang ở trong một mối quan hệ xấu:
Những kẻ độc hại luôn muốn điều khiển bạn
Những người này luôn có xu hướng muốn can thiệp vào cuộc sống của bạn. Theo lý lẽ của họ, bạn sẽ luôn mắc phải sai lầm nếu làm ngược lại với những gì họ muốn. Họ có thể dùng những lời ngon ngọt để dụ dỗ hoặc đe dọa để điều khiển bạn.
Những kẻ độc hại luôn là người đúng
Những người này rất hiếm khi thừa nhận lỗi lầm về phía mình nếu họ làm mọi thứ trở nên rối tung. Họ sẽ có những lý do hết sức vô lý để biện minh cho những sai lầm của họ.
Không quan tâm đến suy nghĩ của bạn
Đó là khi bạn đang ở trong một mối quan hệ mà bạn luôn cảm thấy bất an và không thoải mái, bạn không thích cách cư xử đó của họ hay những trò đùa quá trớn.
Tuy nhiên, họ không hề bận tâm đến lời nói của bạn và tiếp tục khiến bạn cảm thấy khó chịu. Một mối quan hệ lành mạnh bao giờ cũng phải dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.
Những kẻ độc hại thường hay nói dối
Nói dối có nhiều loại, có những loại nói dối để mang đến ý tốt và thể hiện sự tôn trọng, đó là điều vô cùng bình thường. Tuy nhiên, đối với những hành vi nói dối trắng trợn và lặp đi lặp lại nhiều lần, mang đến những hậu quả tiêu cực thì tốt nhất chúng ta nên tránh xa. Một người thiếu chân thành thường không đáng tin cậy.
Những kẻ độc hại chỉ thích nhận lấy
Mỗi mối quan hệ đều mang tính hỗ trợ lẫn nhau. Cho và nhận là những yếu tố tiên quyết để xem mối quan hệ đó có bền vững hay không.
Những kẻ độc hại thường chỉ thích lợi dụng người khác, muốn nhận được nhiều lợi ích hơn từ đối phương, thậm chí xem đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, bạn sẽ rất khó khăn trong việc yêu cầu sự giúp đỡ từ họ.
Những kẻ độc hại thích đóng vai nạn nhân
Trong mọi vấn đề, những kẻ này thường thích kể lể và xem bản thân như một nạn nhân trong mọi tình huống. Họ luôn cho rằng bản thân mình luôn là người luôn chịu thiệt thòi, chịu nhiều áp lực và bị cô lập, họ cảm thấy ai cũng muốn quay lưng với họ.
Tuy nhiên, mọi thứ thực chất không phải như vậy, những điều đó chỉ là cái cớ để biện minh cho những hành động sai lầm, đi ngược lại với mọi người của họ mà thôi.
Những kẻ độc hại thường vô trách nhiệm
Họ thường là những người thích né tránh và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, cũng rất thích giành công trạng về mình.
Bạn không có cảm giác an toàn
Ở bên cạnh những kẻ độc hại, bạn luôn trong trạng thái bất an và lo lắng một cách vô cớ. Điều đó thể hiện rằng bạn đang mất đi cảm giác an toàn:
- Bạn luôn cảm thấy cô đơn trong chính mối quan hệ của mình. Vì những tác động của họ, bạn càng ngày càng cảm thấy tự ti, xấu hổ, không dám thể hiện cá tính và lời nói của mình, không thể tâm sự hay chia sẻ những suy nghĩ của bản thân.
- Bạn luôn cảm thấy mình là người sai trong mọi vấn đề và không thể phản bác lại mọi chỉ trích cho dù là bạn có làm sai hay không.
- Bạn luôn bị phớt lờ trong những cuộc vui nhưng sẽ là người đầu tiên phải xuất hiện khi họ cần đến. Bạn luôn là người cho đi nhưng thường không nhận được lại bất cứ điều gì.
- Khi ở bên họ, bạn luôn trong trạng thái bất an, lo lắng. Bạn sợ hãi khi làm sai, không muốn nhìn thấy sự khó chịu trên gương mặt của họ.
- Bạn thường hay bị mang ra để trở thành chủ đề đùa cợt hay nói xấu sau lưng của họ, mặc dù bản thân bạn cảm thấy không vui vẻ, thậm chí có phần xấu hổ, nhưng bạn không thể phản biện lại, chỉ có thể im lặng chịu đựng.
- Bạn cảm thấy ngoài họ ra, bản thân không còn ai có thể dựa vào, cho dù bị đối xử tệ đi chăng nữa bạn cũng có thể tha thứ vì không muốn bản thân bị cô lập.
Nếu quan sát kỹ, có lẽ chúng ta ít nhất từng một lần gặp phải những trường hợp như trên. Chỉ là mức độ ảnh hưởng của chúng như thế nào và mức độ quan tâm của chúng ta đến đâu mà thôi.
Tác hại của một mối quan hệ độc hại
Có thể nói, những mối quan hệ độc hại sẽ mang đến cho bạn những ảnh hưởng tiêu cực cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu đang phải ở trong một mối quan hệ xấu nào đó, bạn sẽ phải đối mặt với những điều dưới đây:
- Sự thiếu công bằng: Trong những mối quan hệ này, bạn chắc chắn sẽ phải là người chấp nhận mọi thiệt thòi. Bạn sẽ phải là người cho đi nhiều hơn mà không nhận lại được bất cứ thứ gì.
- Bạn luôn là người bất lợi: Bạn thường không thể lên tiếng hay bày tỏ quan điểm về một vấn đề gì đó, mọi thông tin bạn nhận được đều đến từ một chiều.
- Bị thao túng tâm lý: Bạn sẽ làm theo những gì họ muốn và phục tùng vô điều kiện. Bạn cảm thấy mình luôn là kẻ sai trong mọi việc, bạn thấy bản thân kém cỏi, tự ti, không dám tiến về phía trước và bỏ qua nhiều cơ hội tốt đẹp.
- Hành vi bị sai khiến: Khi quá chìm đắm vào những mối quan hệ như thế này, bạn thường khó thoát ra được. Hành vi, cảm xúc của bạn sẽ phải thay đổi theo ý người khác. Những lời ngon, tiếng ngọt hay những sự đe dọa vô lý có thể dẫn dắt bạn thực hiện những hành động mang tính rủi ro cao.
- Tổn hại đến sức khỏe: Các mối quan hệ kiểu này sẽ khiến bạn cảm thấy áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy lo âu, sợ hãi và có những cảm xúc tiêu cực. Những điều này lâu dần có thể tạo nên những bệnh về tâm lý.
Có thể thấy, những mối quan hệ độc hại chỉ đang cố gắng chi phối và khiến bạn càng lún sâu vào những điều sai lầm, làm thay đổi quan niệm sống vốn có của bạn để phục vụ nhu cầu của họ.
Cách để thoát khỏi một mối quan hệ độc hại
Nếu bạn cảm thấy mối quan hệ của mình không vui vẻ và như bị giam cầm trong một mối quan hệ giả tạo, hãy dành thời gian suy nghĩ về nó, xem bạn nhận được gì và mất gì từ nó, nếu cảm thấy quá thiệt thòi, hãy tự tìm ra lối thoát cho mình.
Đối với những người thực sự quan trọng như người thân trong gia đình, hãy dành cho nhau thời gian để tâm và lắng nghe,… và điều bạn nên làm là sửa chữa và hàn gắn. Còn với những mối quan hệ không quan trọng, hãy thực hiện một số cách dưới đây:
Nhận biết các dấu hiệu
Nhận ra một mối quan hệ là tốt hay xấu thực sự không phải là điều dễ dàng, nhất là khi bạn đã ở trong mối quan hệ đó quá lâu và dành nhiều thời gian cho chúng. Đôi khi bạn nhận được sự đối xử tệ từ người khác nhưng lại nghĩ rằng điều đó tốt cho mình.
Hãy thật sáng suốt và nhìn nhận là các mối quan hệ, nếu như bạn cảm thấy bản thân bị thao túng suy nghĩ, bị lừa dối, bị chỉ trích… trong một thời gian dài. Bạn không cảm thấy vui vẻ, thoải mái, tâm lý bất ổn, không tìm thấy những điều tích cực thì hãy dành thời gian xem xét lại. Đôi khi, dừng lại một điều gì đó lại là thứ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Lắng nghe bản thân
Khi quá chìm đắm trong một mối quan hệ, bạn thường không phân biệt được mối quan hệ này có thực sự tốt hay không. Vậy nếu bạn đang không biết bản thân đang trong tình trạng nào, hãy tự đặt ra một số câu hỏi:
- Bạn có phải là người duy nhất dành thời gian và tâm huyết để vun đắp cho mối quan hệ này?
- Khi ở bên họ, bạn có cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và chán nản không?
- Bạn dành thời gian cho họ không phải vì thực sự muốn thế mà vì bắt buộc phải làm thế?
- Bạn không dám phản bác lại mọi ý kiến cho dù bản thân không phải là người sai?
Nếu câu trả lời là “có” thì đồng nghĩa với việc bạn đang ở trong một mối quan hệ độc hại, hãy dừng lại sớm nhất có thể.
Ngừng tự an ủi bản thân
Đừng tự lừa dối bản thân mình bằng những lý do như họ không phải là người như thế, chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt hơn… Những điều đó hoàn toàn chỉ là sự né tránh và tự an ủi của bạn. Một mối quan hệ độc hại sẽ không bao giờ trở nên tốt hơn, sự níu kéo chỉ khiến bạn càng lún sâu vào bế tắc mà thôi.
Đặt giới hạn cho bản thân
Nếu đã quyết định sẽ chấm dứt một mối quan hệ nào đó, hãy có những kế hoạch cụ thể và một thời gian nhất định. Bởi bạn càng trì hoãn, sự kiên định của bạn càng mất đi. Hãy chọn một thời điểm thích hợp nhất và cắt đứt mọi thứ.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu bạn không tự xác định được suy nghĩ của mình, hãy tâm sự với những người mà bạn thực sự quan tâm để nhận lời khuyên. Chỉ những người ngoài cuộc mới là những người sáng suốt nhất.
Mạnh mẽ đối mặt
Những người rơi vào mối quan hệ độc hại thường có suy nghĩ bản thân thật sự cô đơn, bạn cảm thấy nếu không có đối phương, bạn sẽ không còn ai cả.
Tuy nhiên, hãy sáng suốt lên, có rất nhiều người tốt xung quanh bạn. Hãy gỡ bỏ cái vỏ bọc yếu đuối, cho bản thân một cơ hội tìm kiếm và nhận được một mối quan hệ lành mạnh hơn. Đến khi bạn thực sự thoát khỏi nó, bạn sẽ nhận ra cuộc sống này tuyệt vời hơn rất nhiều. Kiềm hãm bản thân trong một mối quan hệ tiêu cực chính là đánh mất đi những cơ hội hạnh phúc khác của mình.
Kiên trì với sự lựa chọn
Sau khi kết thúc mối quan hệ độc hại, tốt nhất bạn không nên vương vấn và suy nghĩ quá nhiều về nó. Sự kiên trì và vững lòng là điều mà bạn nên có lúc này.
Có thể đó sẽ là một quá trình khó khăn và cần nhiều thời gian để đấu tranh. Tuy nhiên, sự lựa chọn sáng suốt này chắc chắn sẽ không làm bạn phải hối hận.
Cho bản thân thời gian nghỉ ngơi
Sau một mối quan hệ xấu, chắc chắn tinh thần và thể chất của các bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, hãy cho bản thân một thời gian nghỉ ngơi và sắp xếp lại mọi thứ. Ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên, gặp gỡ bạn bè nhiều hơn, làm những điều mình thích…
Những tổn thương trong quá khứ chính là những bài học bổ ích nhất giúp bạn không bị quay lại vết xe đổ của bản thân.
Có thể thấy, kết thúc một mối quan hệ độc hại là cách mà bạn thể hiện sự yêu thương và tôn trọng bản thân. Bạn xứng đáng nhận được sự quý trọng từ những người xung quanh và có được những mối quan hệ tốt đẹp. Đừng gò bó bản thân mình trong một khuôn khổ nào cả, một mối quan hệ độc hại chỉ làm bản thân bạn trở nên thụt lùi và thiếu tự tin mà thôi.
Tham khảo thêm:
- Áp Lực Gia Đình: Những hệ lụy & Cách để “Thoát Khỏi”
- Hôn nhân không hạnh phúc có nên tiếp tục sống vì con không?
- Cha Mẹ Độc Hại Là Gì? Dấu hiệu Nhận Biết Và Cách Vượt Qua
- Xung Đột Trong Gia Đình: Những Nguyên Nhân Và Cách Giải Quyết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!