Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Các dấu hiệu của trẻ chậm phát triển trí tuệ đã bắt đầu xuất hiện ngay từ những năm tháng đầu đời, chẳng hạn như chậm biết bò/ lẫy; khả năng ghi nhớ hay nhận được khuôn mặt, tiếng nói của cha mẹ kém; khó khăn trong giao tiếp.. Phát hiện và sớm đưa con vào các môi trường giáo dục hỗ trợ đặc biệt cùng sự đồng hành của gia đình sẽ giúp trẻ có tương lai tốt hơn.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?
Trẻ chậm phát triển trí tuệ là sự khiếm khuyết ở não bộ, thần kinh khiến trẻ có nhận thức, hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ chậm hơn so với các trẻ đồng trang lứa. Chỉ số IQ của các nhóm trẻ này cũng nằm dưới mức trung bình khiến con không hiểu được các hành động hay lời nói đơn giản từ cha mẹ và phải phụ thuộc vào sự chăm sóc từ những người xung quanh.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ thường xảy ra ở trẻ dưới 18 tuổi, nếu gia đình không phát hiện và đưa con đến các trung tâm điều trị kịp thời có thể lỡ mất thời điểm vàng, trẻ thiếu vắng hoàn toàn các kỹ năng xã hội nên phải phụ thuộc hết vào cha mẹ. Do chỉ số IQ thấp ( dưới 70) nên con cũng không thể điều chỉnh nhận thức của bản thân, có xu hướng hung hăng và bốc đồng.
Thực tế kể từ khi được đưa ra bàn luận đến nay, vẫn có rất nhiều khái niệm được đưa ra để bàn luận chính xác về chậm phát triển trí tuệ. Chẳng hạn như năm 1954 chuyên gia Benda đưa ra lập luận cho rằng chậm phát triển trí tuệ là không có khả năng điều khiển bản thân, không thể sống độc lập hay năm 1966 chuyên gia Luria lại cho rằng trẻ khuyết tật trí tuệ phải mắc các bệnh về não rất nặng.
Hiện nay, sau các nghiên cứu, các quan điểm về khuyết tật trí tuệ được công nhận và vận dụng nhiều nhất vẫn là theo bảng phân loại DSM-IV (dựa trên tiêu chuẩn thông minh, IQ) và bảng AARM ( dựa trên khả năng thích ứng xã hội). Nói chung, cả hai bảng này đều chia thành 4 nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ như sau:
- Chậm phát triển trí tuệ mức nhẹ: có khoảng 80% trường hợp rơi vào mức độ nhẹ với chỉ số IQ dao động từ 50- 75 nhưng vẫn có thể tham gia việc học tập dù sẽ chậm hơn những đứa trẻ khác rất nhiều. Vấn về trẻ thường khó khăn nhất là đọc, viết và đưa ra quyết định. Khả năng nhận thức, giao tiếp, các kỹ năng chăm sóc bản thân có thể giáo dục được điều trị từ sớm nên trẻ vẫn có thể đi làm kiếm tiền, tuy nhiên vẫn bị hạn chế về công việc.
- Chậm phát triển trí tuệ mức trung bình: khoảng 10% trẻ khuyết tật trí tuệ rơi vào nhóm này với chỉ số IQ rơi vào khoảng 35 – 55. Trẻ có thể luyện tập được để biết đọc, viết hay tính toán hoặc tự chăm sóc cá nhân nhưng chỉ ở mức độ cơ bản, hoặc cũng có thể làm một số công việc không cần tới sự linh hoạt vì trẻ vẫn rất chậm. Hầu hết nhóm trẻ này khi trưởng thành đều sinh sống tại các trung tâm bảo trợ hoặc gia đình bởi vẫn cần sự theo dõi, hỗ trợ từ người khác.
- Chậm phát triển trí tuệ mức nặng: IQ của nhóm trẻ này chỉ khoảng 20- 40 và chiếm khoảng 3-5% các trường hợp. Việc học hành của trẻ thường cực kỳ chậm chạp, khả năng ghi nhớ hay nhận thức rất kém. Tuy nhiên nếu được giảng dạy hỗ trợ từ sớm trẻ vẫn có thể có các kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản nhưng khi trưởng thành vẫn sẽ phải có người cùng sinh số, chăm sóc bởi trẻ có khả năng đa tật dẫn tới nằm một chỗ.
- Chậm phát triển trí tuệ mức đặc biệt: thường chiếm chỉ khoảng 1-2% số trẻ với chỉ số IQ chỉ khoảng từ 20- 25 đồng thời cũng có nguy cơ đa tật, gặp nhiều vấn đề khác. Nhóm trẻ này hầu như không thể giáo dục được hoặc phải tốn rất nhiều thời gian để trẻ nhận thức được các vấn đề cơ bản nhất. Với các trẻ chậm phát triển trí tuệ chắc chắn phải sống cùng gia đình hoặc các trung tâm giáo dục đặc biệt đến suốt đời vì không tự chăm sóc được cho bản thân.
Bên cạnh gặp các vấn đề về khả năng nhận thức, tương tác xã hội, học tập, giải quyết vấn đề, tập trung, nhóm trẻ này cũng liên quan đến các vấn đề như tự kỷ bẩm sinh, tăng động giảm chú ý hay chứng rối loạn học tập. Tỷ lệ trẻ chậm bị khiếm khuyết trí tuệ với chỉ số IQ dưới 70 hiện nay chỉ chiếm khoảng 3%, nhóm cần sự hỗ trợ đặc biệt chỉ khoảng 1% dân số.
Biểu hiện của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Thực tế các biểu hiện bất thường về những khiếm khuyết trong não bộ đã xuất hiện ngay từ những giai đoạn năm tháng đầu đời nhưng thường phụ huynh rất khó nhận biết vì vốn dĩ giai đoạn này con cũng chưa hình thành nhận thức rõ ràng. Trẻ càng lớn sẽ càng nhận thấy rõ những bất thường trong giao tiếp, tập trung các kỹ năng ứng xử so với các nhóm trẻ đồng trang lứa.
Để nhận biết rõ hơn về các dấu hiệu của trẻ chậm phát triển trí tuệ, gia đình cần nắm rõ được các đặc điểm về quá trình nhận thức, phát triển của con trong từng giai đoạn. Chẳng hạn trẻ trong 6 tháng đầu đã có những biểu hiện đòi khi thấy những đồ vật con thích, 6 tháng đến 1 tuổi biết thể hiện tình cảm với người xung quanh, từ 1 đến 2 tuổi bi bô nói chuyện và có sự tò mò rõ rệt.
Khi nắm bắt được sơ đồ phát triển tự nhiên của một đứa trẻ kể từ khi chào đời, gia đình sẽ dễ nhận ra được những đặc điểm bất thường của con. Một số biểu hiện đặc trưng của nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ bao gồm
Trong những năm đầu đời
Các biểu hiện trong những năm tháng đầu đời thường không quá rõ ràng và dễ nhầm lẫn với một số vấn đề sức khỏe khác, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ thường được phát hiện khá muộn:
- Trẻ mới sinh có xu hướng ngủ nhiều, không có nhu cầu bú mẹ, ngủ không cựa quậy khiến nhiều phụ huynh nhầm tưởng là con ngoan
- Không khóc hoặc rất ít khóc để thể hiện các nhu cầu cá nhân
- Phản ứng chậm với các âm thanh và tiếng động, quay đầu chậm, không thay đổi biểu cảm trên khuôn mặt.. Điều này đôi khi có thể khiến trẻ sơ sinh bị chẩn đoán nhầm với điếc
- Sự phát triển của trẻ khuyết tật trí tuệ đều chậm tiến độ so với những trẻ thông thường như chậm biết cười, chậm nhai, chậm biết bò biết lẫy…
- Thiếu sự quan tâm đến các vấn đề xung quanh, thờ ơ
- Có xu hướng ngờ nghệch hoặc một số trẻ cũng có thể tăng độ quá mức nếu có liên quan đến tăng động
- Chậm ghi nhớ, không nhớ được cha mẹ hay những người thân
- Không biết biểu lộ sự mừng rỡ hay tức giận, không hiểu được biểu cảm từ những người xung quanh
- Phụ thuộc hầu hết vào cha mẹ từ việc tắm rửa, ăn, cơm, thay đồ
- Khó khăn trong trương tác xã hội, chú ý cùng hàng loạt các vấn đề khác
Khi trẻ đến độ tuổi đến trường
Các đặc điểm bất thường về thần kinh, não bộ của trẻ bắt đầu được bộc lộ rõ ràng nhất khi con đi học, đến trường lớp cùng bạn bè. Trẻ chậm chạp hơn các bạn bè cùng trang lứa một cách rõ rệt cùng rất nhiều các đặc điểm bất thường khác. Chẳng hạn
- Gặp khó khăn trong việc nhớ mặt chữ, con số đơn giản.
- Khả năng học và tiếp thu rất kém, trẻ hầu như không hiểu được ý thầy cô giáo hoặc phải mất rất nhiều thời gian. Chẳng hạn với trẻ bình thường có thể ghi nhớ các chữ cái trong 1 tiết học thì với trẻ chậm phát triển trí tuệ phải mất đến 5 tiết học, thậm chí là nhiều hơn nữa nhưng vẫn chỉ nhớ được những kiến thức ở mức cơ bản nhất
- Trí nhớ kém, nhanh quên, khả năng ghi nhớ ngắn hạn, có thể quên ngay các sự kiện vừa xảy ra vài phút trước
- Thiếu hụt các kỹ năng chăm sóc cá nhân cơ bản nhất như mặc quần áo, đánh răng rửa mặt, tự ăn cơm, tự đi vệ sinh.. Do đó trẻ gặp rất nhiều khó khăn để hòa nhập với môi trường khi đi học, không có cha mẹ hỗ trợ
- Khả năng tập trung kém, luôn trong tình trạng lơ đãng khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ càng không thể nhớ được kiến thức học tập
- Có xu hướng cử động tay chân, ngọ nguậy liên tục làm ảnh hưởng đến những bạn bè xung quanh
- Không ý thức được các hành vi, lời nói của bản thân có phù hợp hay không nên có thể có các hành vi bạo lực, bốc đồng, mất kiểm soát, hung dữ
- Khó khăn và cũng không hứng thú trong việc giải quyết một vấn đề nào đó
- Hầu như không thể tham gia vào các hoạt động xã hội khác
- Không thích đến trường hầu như đều phải phụ thuộc và bám cha mẹ quá mức
- Không thể đưa ra lập luận hay trình bày một cách logic, rõ ràng
- Khó thích nghi, dễ hoảng sợ, khả năng chịu đựng thấp
- Thiếu tự tin dẫn tới thụ động,tách biệt với mọi người
Các triệu chứng liên quan đến trẻ chậm phát triển trí tuệ khá phổ biến với biểu hiện dựa trên từng mức độ khiếm khuyết trí tuệ. Trẻ càng phát hiện và điều trị muộn thì các mức độ thiếu nhận thức hay các kỹ năng khác càng nghiêm trọng hơn, khó cải thiện hơn.
Nguyên nhân chậm phát triển trí tuệ ở trẻ
Theo các chuyên gia, dù được nghiên cứu và đưa ra rất nhiều chẩn đoán nhưng có khoảng 60% trẻ vẫn chưa thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra những khiếm khuyết về thần kinh. Các kỹ thuật phân tích vi mô nhiễm sắc thể và kiểm tra trình tự gen tại khu vực mã hóa (exome) đã được ứng dụng để kiểm tra nguyên nhân gây bệnh nhưng hoàn toàn vẫn không xác định được hết.
Tuy nhiên các chuẩn đoán đều cho rằng nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến các yếu tố bẩm sinh, xuất hiện ngay trong giai đoạn thai kỳ dẫn tới những thay đổi trong não bộ, thần kinh không thể “sửa chữa” được. Nói chung, theo các bác sĩ, nguyên nhân gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ có thể liên quan đến các yếu tố sau
Yếu tố di truyền
Nghiên cứu chỉ ra có đến khoảng 30% trẻ bị chậm phát triển trí tuệ có liên quan đến yếu tố di truyền, chính là mang những nhiễm sắc thể bất thường di truyền từ cha mẹ. Chẳng hạn như cha mẹ bị khiếm khuyết trí tuệ hoặc bệnh Phenylceton niệu hoặc rối loạn tuyến giáp hoàn toàn có thể gây ra các nhiễm sắc thể bất thường ở đời con.
Các vấn đề khi mang thai
Mang thai là một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm bởi bất cứ vấn đề nào cũng có thể gây ra những tác động xấu trực tiếp đến sức khỏe thai nhi. Trong giai đoạn này việc mẹ dùng các loại thuốc, mắc bệnh hoặc có các vấn đề về sức khỏe đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển hoàn thiện của thai nhi.
Cụ thể, một số vấn đề khi mang thai có thể gây chậm phát triển trí tuệ ở trẻ bao gồm
- Mẹ bầu tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm, khí thải độc hại hay khói thuốc lá
- Thai phụ lạm dụng bia rượu hay ma túy, đặc biệt là ngộ độc rượu trong 3 tháng đầu thai kỳ
- Mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai như rubella, sởi, nhiễm ký sinh trùng toxoplasma, nhiễm virus như virus Zika hay cytomegalovirus (CMV), Virus Herpes, giang mai đều có liên quan trực tiếp đến các bất thường ở não bộ thai nhi
- Mẹ dùng một số thuốc điều trị bệnh như phenytoin (thuốc chống co giật) hoặc valproate hoặc phải thực hiện các liệu pháp hóa/ trị liệu khác trong giai đoạn mang thai
- Các vấn đề bất thường về sức khỏe khi mang thai, chẳng hạn cao huyết áp có thể bất thường trong lượng máu được đưa đến cho thai nhi
- Mẹ gặp các vấn đề tâm lý bất thường, chẳng hạn trầm cảm khi mang thai. Việc dùng các nhóm thuốc trong điều trị trầm cảm cũng được đánh giá có liên quan trực tiếp đến các rối loạn phát triển ở thai nhi
- Mẹ bầu bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tình trạng này có thể xảy ra ở những người bị nghén quá nặng tới mức không thể ăn uống được gì
- Mẹ bị tai nạn hoặc các chấn thương hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi
Các vấn đề trong khi sinh và sau sinh
Những bất thường ngay tại thời điểm sinh nở cũng có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng ở não bộ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra một số bệnh lý khác xuất hiện trong những năm tháng đầu đời nếu không điều trị kịp thời cũng có thể là yếu tố khiến trẻ bị chậm phát triển trí tuệ.
Cụ thể, một số nguyên nhân có thể liên quan như sau
- Trẻ sinh non thiếu tháng, quá nhẹ cân
- Thiếu oxy khi sinh hoặc gặp các tai nạn khiến trẻ bị nghẹt thở nghiêm trọng hoàn toàn có thể gây ra các rối loạn nghiêm trọng tại não bộ
- Tổn thương não ở trẻ do dùng dùng phóc-xép để kéo đầu trẻ ra trong trường hợp sản phụ đẻ
- Trẻ bị khuyết tật ống thần kinh viêm não hay nhiễm trùng não
- Trẻ mắc các bệnh lý như sởi, đậu mùa, quai bị.. nếu không điều trị kịp thời hoàn toàn có thể dẫn tới các biến chứng thần kinh khiến não bộ có những khiếm khuyết bất thường
- Trẻ bị té ngã hay tai nạn có gây ra các chấn thương về não bộ
Các yếu tố khác
Thực tế môi trường sống có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng lại rất ít được chú trọng. Các vấn đề phổ biến mà môi trường có thể gây ra cho thể chất thường liên quan đến hệ hô hấp, phổi tuy nhiên nó cũng làm suy giảm hệ thống miễn dịch và gây ra các tác động tiêu cực trực tiếp đến hệ thống não bộ, thần kinh và gây chậm phát triển ở trẻ. Chẳng hạn
- Mẹ bầu hoặc trẻ sơ sinh tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm nhiều hóa chất, nhiễm độc thủy ngân, chất phóng xạ
- Trẻ suy dinh dưỡng nhưng không được chăm sóc kịp thời về mặt y tế
- Một số yếu tố khác được cho là có liên quan như sống trong môi trường tiêu cực, không được giao tiếp, không được đến trường
Các bệnh lý liên quan
Theo các chuyên gia, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ có mối liên quan mật thiết đến hàng loạt các bệnh lý khác. Do đó một số chẩn đoán có thể nhầm lẫn giữa các bệnh này gây ra khó khăn trong điều trị bệnh đích. Trẻ cần làm các xét nghiệm, các bài test để xác định chính xác liệu có liên quan hoặc mắc đồng thời với một bệnh lý nào khác hay không.
Theo các chuyên gia, trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể là một phần của tự kỷ, rối loạn tăng động hay rối loạn phát triển lan tỏa. Chẳng hạn trẻ tự kỷ hầu hết đều đi kèm với chậm phát triển trí tuệ nên mới kém về nhận thức, hầu như không tự chăm sóc được bản thân nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người nhà.
Những khó khăn của trẻ chậm phát triển trí tuệ
Thực tế sự thông minh hay khả năng nhận thức của mỗi chúng ta đều là khác nhau, không phải ai cũng giống ai, có người nhanh nhạy chắc chắn cũng có người chậm chạp hơn. Tuy nhiên ở trẻ chậm phát triển trí tuệ khả năng nhận thức của con cực kỳ thấp, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày, suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Những khiếm khuyết về trí tuệ khiến nhóm trẻ này hầu như phải phụ thuộc vào gia đình và luôn cần có người hỗ trợ trong mọi hành vi, hoạt động thường ngày, kể cả các công việc cơ bản nhất như đánh răng, rửa mặt, thay đồ. Khi đến độ tuổi đi học con dễ bị bắt nạt bởi khả năng nhận thức kém, không theo kịp bạn bè đồng trang lứa.
Hầu hết ở nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ từ mức độ trung bình trở lên chỉ theo học hết cấp 1 để có những kỹ năng căn bản bởi con không thể theo kịp tiến độ học, không muốn học, việc đến trường có thể khiến tinh thần trẻ ngày càng mệt mỏi hơn. Con cũng luôn cảm thấy cô đơn vì không biết cách kết bạn hay giao tiếp như thế nào là phù hợp.
Do khả năng về nhận thức kém nên các nhóm trẻ này cũng có xu hướng không thể nhìn nhận hay đánh giá các hành vi của mình là đúng đắn hay sai lầm. Vì vậy con cũng có thể có các hành vi hung hăng, bạo lực, tự gây hại cho bản thân và những người xung quanh nếu không được hướng dẫn và kiểm soát.
Cuối cùng, nếu trẻ chậm phát triển trí tuệ không được tham gia các môi trường giáo dục đúng cách từ sớm sẽ khiến cho tương lai của con cực kỳ mơ hồ, mờ nhạt, hạn chế khả năng phát triển bản thân. Một số gia đình hầu như chỉ cho con ở nhà để chăm sóc đến suốt đời khiến các khả năng nhận thức của con ngày càng hạn hẹp hơn.
Chậm phát triển trí tuệ có điều trị được không?
Trẻ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ liệu có điều trị khỏi được không, điều trị như thế nào luôn là băn khoăn của tất cả những gia đình có con mắc bệnh này. Để giải đáp băn khoăn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ khiếm khuyết, bắt đầu điều trị từ khi nào, bằng phương pháp nào, các biện pháp hỗ trợ như thế nào, sinh hoạt trong môi trường có phù hợp không.
Theo các chuyên gia, trẻ chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nhẹ có thể không điều trị được hoàn toàn, tuy nhiên nếu tham gia vào các môi trường học tập và điều trị từ sớm thì khả năng để con hòa nhập vào cuộc sống bình thường vẫn là rất cao. Trẻ được giáo dục đặc biệt hoàn toàn vẫn có thể làm một số công việc để tự chăm sóc, nuôi sống bản thân độc lập.
Với nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ ngưỡng trung bình, con vẫn có thể hoàn thành ít nhất là hết cấp 1 nên vẫn có thể rèn luyện được để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong khi đó với nhóm ở mức độ nặng và đặc biệt, các biện pháp vẫn chỉ nhắm tới mục đích ít nhất có thể giúp trẻ chăm sóc được bản thân còn lại vẫn cần có sự hỗ trợ trong các hoạt động khác.
Nói chung, chậm phát triển là một vấn đề liên quan đến các chỉ số IQ, trong khi đó theo chuyên gia, các chỉ số IQ sẽ không có xu hướng tăng/ giảm theo thời gian, chỉ biến đổi khi có một tác động lớn nhưng là đi xuống. Do đó chậm phát triển trí tuệ ở trẻ thường rất khó điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống tốt nhất cho trẻ ở tương lai.
Điều trị chậm phát triển trí tuệ cho trẻ
Gia đình cần đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa nhi, khoa thần kinh để tìm chính xác nguyên nhân hay mức độ chậm phát triển trí tuệ. Bác sĩ sẽ thông qua các biện pháp như làm bài test, các kỹ năng cá nhân, xét nghiệm di truyền hoặc chụp hình não bộ để chẩn đoán. Thông qua các kết quả này mới kết luận được chính xác tình trạng của trẻ và lộ trình điều trị phù hợp.
Cần hiểu rằng để điều trị cho trẻ chậm phát triển trí tuệ là cả một con đường dài đòi hỏi cần có hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ, nhà trị liệu; sự giáo dục tại các môi trường chuyên biệt và đặc biệt là đồng hành của gia đình. Thiếu vắng một trong ba yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ đặc biệt.
Điều trị chuyên môn
Không có bất cứ loại thuốc nào có thể điều trị cho trẻ chậm phát triển bởi rõ ràng thuốc không giúp làm tăng chỉ số IQ. Tuy nhiên tùy tình trạng mà bác sĩ có thể khuyến khích trẻ dùng các nhóm thuốc bổ não để cải thiện về trí nhớ, căng cường nhận thức. Nếu trẻ có liên quan đến tăng động hay tự kỷ cũng có thể xem xét sử dụng risperidone và aripiprazole hoặc một số nhóm thuốc khác.
Với các đối tượng đặc biệt này, hướng điều trị chính là các biện pháp trị liệu về ngôn ngữ, thính giác, tâm lý để cải thiện một số vấn đề về nhận thức, hành vi mà trẻ thiếu hụt. Chẳng hạn như với trẻ chậm nói cần phải trị liệu ngôn ngữ để trẻ có thể học nói, thể hiện được các nhu cầu của bản thân; điều trị về thính giác nếu nghi ngờ trẻ bị điếc..
Trong khi đó do trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể gặp các vấn đề tâm lý kèm theo, chẳng hạn như trầm cảm vì không thể giao tiếp với xung quanh nên trị liệu tâm lý cũng được đánh giá cần thiết. Nhà trị liệu còn giúp trẻ kiểm soát được cảm xúc, hạn chế các hành vi bốc đồng do không thiếu hụt các nhận thức và kỹ năng xã hội.
Bên các đó, các bác sĩ cũng khuyến khích trẻ khiếm khuyết về trí tuệ nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt với nhóm trẻ có liên quan đến tự kỷ. Gặp gỡ các bác sĩ dinh dưỡng để xây dựng đơn lành mạnh, tốt cho não bộ cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển của trẻ nên gia đình có thể tham khảo.
Môi trường học tập đặc biệt
Như đã nói, trẻ chậm phát triển trí tuệ thường gặp khó khăn lớn trong việc tiếp nhận, ghi nhớ thông tin nên thường học rất yếu, không thể theo kịp bạn bè. Chưa kể nếu học tập trong các môi trường không phù hợp, giáo viên không có chuyên môn hay sự thấu hiểu cũng rất khó để giúp con theo kịp tiến độ học. Giáo án học tập thông thường đôi khi cũng quá sức với trẻ.
Hiện nay có rất nhiều các trung tâm giáo dục cho trẻ đặc biệt ra đời tại Việt Nam mà phụ huynh có thể đưa con đến để tham gia môi trường giáo dục ngay từ sớm. Với sự chuyên môn trong giảng dạy, các thầy cô giáo tại các môi trường này hoàn toàn có thể nâng cao nhận thức, phát triển và giúp trẻ ít nhất có thể ghi nhớ được các kỹ năng cá nhân cơ bản.
Với nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ nếu được tham gia giáo dục chuyên biệt từ sớm thì sau đó vẫn có thể tham gia vào môi trường học đường bình thường. Ngoài ra các trung tâm cho người khuyết tật này cũng thường chăm sóc giúp trẻ đặt biệt trưởng thành có thể làm việc hoặc tìm kiếm các công việc phù hợp để tự nuôi sống bản thân.
Sự hỗ trợ từ gia đình
Vai trò của gia đình trong quá trình điều trị và hỗ trợ trẻ khiếm khuyết trí tuệ là rất quan trọng. Các chuyên gia cũng khuyến khích gia đình không nên phụ thuộc vào các trường đặc biệt, bỏ mặc con ở đó mà nên dành thời gian để chăm sóc, trò chuyện, tương tác với con hằng ngày. Chính tình yêu thương và kiên trì của cha mẹ là liều thuốc tốt nhất cho mỗi đứa trẻ.
Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ nâng cao chất lượng sống, các kỹ năng và nhận thức?
- Thường xuyên trò chuyện với con hằng ngày, cố gắng nhìn vào mắt trẻ khi giao tiếp và dùng những từ ngữ đơn giản, lý giải dễ hiểu nhất
- Lặp đi lặp lại những từ ngữ hay các hành vi đến khi con hiểu, thực hiện một cách kiên trì nhẹ nhàng, tuyệt đối không nên cáu gắt hay la mắng to tiếng với con
- Hướng dẫn trẻ những hành động và các kỹ năng đơn giản nhất, lặp đi lặp lại và yêu cầu còn thực hiện hằng ngày, hoặc trong 1 thời gian cố định. Chẳng hạn 6h nên đi ăn cơm hay 17h bắt đầu đi tắm
- Động viên, khen ngợi con ngay khi còn làm được những điều tốt hay ghi nhớ được những kiến thức, kỹ năng mới
- Trao đổi với giáo viên khi con đến thường để có biện pháp chăm sóc và hỗ trợ phù hợp, tránh trường hợp con có thể bị cô lập, bắt nạt vì không theo kịp bạn bè, không thể giao tiếp với ai
- Trò chuyện, gần gũi cũng giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ gia tăng tình cảm gắn bó với cha mẹ hơn
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên các thực phẩm lành mạnh, tốt cho trí não chẳng hạn như sắt,vitamintamin A, vitamin B, muối iot…
- Duy trì thói quen luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng cường sự kiên nhẫn tốt cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Dạy trẻ cách giao tiếp, kết bạn phù hợp để con tránh cảm giác cô đơn
Thực tế việc chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ bị chậm phát triển trí tuệ là điều không hề dễ dàng, đôi lúc phụ huynh cũng cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Đặc biệt nếu trẻ tự kỷ hay tăng động thì việc tương tác, tạo mối liên kết về mặt cảm xúc với con lại khó khăn, thậm chí trẻ còn có thể kích động và tấn công lại cha mẹ.
Phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng của con để có hướng hỗ trợ và chăm sóc phù hợp cho con. Chính cha mẹ cũng cần chăm sóc tâm lý để luôn có cái nhìn lạc quan, tích cực trong hành trình chăm sóc cho con.
Phòng tránh nguy cơ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ
Hiện nay nhà nước và các đơn vị liên quan cũng có các chính sách hỗ trợ đặc biệt về mặt giáo dục và y tế đối với các nhóm trẻ đặc biệt. Tuy nhiên các chính sách này vẫn có nhiều hạn chế khiến các gia đình có con trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thường tốn kém rất nhiều chi phí để giáo dục và chăm sóc cho con.
Việc phòng tránh nguy cơ chậm phát triển trí tuệ ở trẻ cần được thực hiện từ giai đoạn sớm. Cụ thể
- Người có dự định mang thai nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, không có vấn đề bất thường nào
- Thực kiểm kiểm tra, siêu âm khám thai định kỳ trong suốt giai đoạn mang thai đồng thời thực hiện các kiểm tra sàng lọc để phát hiện các yếu tố bất thường nếu có
- Phụ nữ mang thai không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc kháng sinh hay thuốc cảm nếu không có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn
- Bảo vệ sức khỏe của bản thân trong suốt giai đoạn mang thai, bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp cho cả mẹ và con
- Sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc lá..
- Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, vui vẻ, hướng đến những giá trị tích cực
- Luyện tập thể dục thể thao phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ
- Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất cứ bất thường nào khác về sức khỏe
- Bà bầu cần tránh té ngã tuyệt đối hoặc nếu có nên đi khám ngay lập tức, không nên chủ quan
Trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể khó tham gia vào các hoạt động sinh hoạt bình thường nếu không được chăm sóc và giáo dục từ sớm. Phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan sát, tương tác cùng con, nắm rõ lộ trình phát triển của trẻ để sớm phát hiện những bất đề bất thường và nhanh chóng khắc phục.
Có thể bạn quan tâm:
- Tự kỷ ở người lớn – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
- Phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ hiệu quả hiện nay
- Trẻ tự kỷ hay la hét – Cách xử lý nhanh cha mẹ cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!