Tự kỷ ở người lớn – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

5/5 - (1 bình chọn)

Tự kỷ ở người lớn khó nhận biết hơn so với trẻ em nhưng nhìn chung vẫn sẽ có các dấu hiệu như khiếm khuyết về ngôn ngữ, tương tác xã hội, hành vi bất thường,… Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị bệnh dứt điểm. Tuy nhiên, can thiệp sớm và tích cực sẽ giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.

tự kỷ ở người lớn
Khó khăn trong giao tiếp là rào cản to lớn giữa người tự kỷ với xã hội.

Tự kỷ ở người lớn là gì?

Bệnh tự kỷ ở người lớn, hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD) xuất hiện ở người trưởng thành, là rối loạn thần kinh gây khó khăn cho người bệnh trong việc giao tiếp với người khác hoặc phản ứng chậm với những tác động xung quanh. Đặc trưng của bệnh tự kỷ là thiếu tương tác xã hội, khả năng ngôn ngữ hạn chế, rối loạn hành vi, sở thích kỳ lạ và có tính rập khuôn.

Bệnh tự kỷ ở người lớn được gọi là phổ tự kỷ vì những dấu hiệu ở người bệnh rất đa dạng và phức tạp. Dấu hiệu của từng người thường khác nhau về biểu hiện lâm sàng, thời gian phát sinh và mức độ nghiêm trọng của từng triệu chứng.

Tự kỷ khởi phát từ rất sớm, phần lớn là trước 36 tháng tuổi, và tiến triển suốt đời. Thời gian các triệu chứng tự kỷ biểu hiện một cách rõ ràng là từ 12 đến 24 tháng tuổi, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn với từng đối tượng cụ thể. Một số trường hợp người bệnh không có dấu hiệu gì về sự tự kỷ trong thời thơ ấu, nhưng lại đột nhiên biểu hiện vào lứa tuổi trưởng thành. Căn bệnh tự kỷ ở người lớn có thể là di truyền hoặc do ảnh hưởng từ tác nhân bên ngoài.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguyên nhân gây tự kỷ ở người lớn

Có hai nguyên nhân chính gây bệnh tự kỷ là di truyền và do tác động từ bên ngoài.

  • Di truyền: Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, một số gen có thể mang theo mầm mống của bệnh tự kỷ. Tự kỷ là một bệnh di truyền nên những người có cha mẹ bị bệnh tự kỷ có khả năng mắc bệnh cao hơn do ảnh hưởng từ gen. Đối với một số trường hợp khác, tình trạng đột biến gen cũng làm tăng nguy cơ gây rối loạn phổ tự kỷ. Một số đột biến gen sau đó được di truyền, trong khi một số khác xảy ra tự phát. Ngoài ra, nam giới có nguy cơ phát triển rối loạn tự kỷ cao gấp 4-5 lần so với nữ giới.
  • Tác động từ bên ngoài: Các nhà khoa học đang nghiên cứu những yếu tố bên ngoài như thuốc, những tác động xấu khi mang thai, ô nhiễm không khí, nguồn nước, nhiễm virus,… có hay không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.

Những biểu hiện của bệnh tự kỷ ở người lớn

Bệnh tự kỷ ở người lớn rất khó chữa trị và có thể kéo dài đến suốt đời. Thông thường các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện ở 3 dạng cụ thể như: 

  • Khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói hoặc ngôn ngữ hình thể
  • Khó hòa nhập, thiếu tương tác xã hội
  • Hành vi lặp đi lặp lại
biểu hiện tự kỷ ở người lớn
Người bệnh tự kỷ gặp khó khăn khi giao tiếp với mọi người nên thường cô độc và không thể hòa nhập xã hội.

Các triệu chứng của bệnh tự kỷ ở người lớn sẽ khác so với trẻ em và cũng khó phát hiện hơn. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của mỗi bệnh nhân, các biểu hiện của người bệnh cũng sẽ có phần khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp ở những người trưởng thành bị bệnh tự kỷ bao gồm:

  • Khó khăn khi giao tiếp với người khác: Người bệnh tự kỷ có xu hướng từ chối giao tiếp với mọi người vì khả năng tiếp thu của họ rất chậm. Việc tiếp thu những câu từ đơn giản đã rất khó, thế nên họ càng không hiểu được những ẩn ý đằng sau những lời nói châm biếm hay những câu chuyện cười. 
  • Có phương thức giao tiếp riêng: Họ có xu hướng sử dụng những mẫu câu đơn giản, rập khuôn và máy móc. Đặc biệt người bệnh thích sử dụng những từ ngữ riêng do chính bản thân nghĩ ra, và đặc biệt là không thích nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện.
  • Tiếp thu kém, dễ bị bắt nạt: Những thanh thiếu niên mắc bệnh tự kỷ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu các kiến thức, thường bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt nhưng không phản kháng. Họ cũng khó có thể thích nghi với những thay đổi gặp phải trong gia đình và ngoài xã hội.
  • Khó thể hiện cảm xúc, thiếu biểu cảm: Người bệnh tự kỷ ở người lớn luôn gặp rắc rối về thể hiện những suy nghĩ hay cảm xúc cá nhân. Họ vụng về, chậm chạp khi phản ứng với những sự việc xung quanh, nét mặt thiếu biểu cảm. Trong một vài trường hợp, họ có thể đột nhiên phản ứng, gây ồn ào, náo động ở những nơi yên tĩnh mà không cần lý do.
  • Không điều khiển được cơ thể: Người bệnh thường có tư thế cơ thể không được tự nhiên, cứng nhắc. Họ cũng hay va vào đồ vật hoặc tự vấp ngã, vô tình tự gây tổn thương cho bản thân
  • Chỉ quan tâm, phản ứng với chủ đề nhất định: Khả năng tiếp thu của người bệnh tự kỷ rất kém vì họ không để ý đến tổng thể mà chỉ quan tâm đến một vài chi tiết nhỏ hoặc một số chủ đề nhất định. Người bệnh có xu hướng độc thoại về những chủ đề nhất định và đắm chìm vào thế giới riêng của bản thân.   

Ngoài ra người bệnh cũng có ý thức bảo vệ những thứ thuộc về bản thân. Họ không thích người khác đụng chạm đến đồ cá nhân, cảm thấy khó chịu khi đồ vật của mình bị xáo trộn. Họ cũng thực hiện những hành động lặp đi lặp lại, không quan tâm đến ý kiến hay hành động của người khác. Những thói quen, lịch trình hàng ngày của người bệnh tự kỷ được tuân thủ một cách cứng nhắc trong mọi hoàn cảnh.

Cách chẩn đoán bệnh tự kỷ ở người lớn

Như đã nói ở trên, bệnh tự kỷ ở người lớn là một căn bệnh khó để xác định, cũng như khó chữa trị vì mức độ và biểu hiện của bệnh là khác nhau ở từng cá nhân. 

Một số biểu hiện của bệnh như ít giao tiếp, hay vấp ngã, khó điều khiển cảm xúc hay không thích đồ vật của mình bị thay đổi vị trí có thể được quy về tính cách riêng hay thái độ của người bệnh đối với những thứ xung quanh. Những đối tượng có những biểu hiện nhẹ sẽ khó nhận biết, thậm chí là bị hiểu lầm thành tính cách tự thân. Điều này gây cản trở rất nhiều cho các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán. 

tự kỷ ở người lớn
Một số trường hợp tự kỷ dạng nhẹ rất khó để chẩn đoán vì biểu hiện bệnh không cụ thể.

Chính vì sự phức tạp trong biểu hiện và mức độ mắc bệnh, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể chẩn đoán chính xác tình trạng tự kỷ ở người trưởng thành, thế nhưng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này để có thể đưa ra một cái nhìn chính xác nhất về căn bệnh. 

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tự kỷ ở người lớn thông qua cách quan sát và giao tiếp với người bệnh để tìm ra những dấu hiệu tiềm ẩn của tự kỷ, đồng thời khai thác tiền sử bệnh lý của gia đình. Bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi xoay quanh những vấn đề cuộc sống của người mắc bệnh như giao tiếp với mọi người, những cảm xúc cá nhân, hành vi bất thường của người bệnh, những chủ đề người bệnh quan tâm, v.v. 

Bên cạnh đó sau khi người bệnh trả lời các câu hỏi về thời thơ ấu, bác sĩ sẽ nói chuyện với người nhà như cha mẹ hoặc các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình để có hiểu được sở thích, suy nghĩ của người bệnh về tình trạng bệnh tật. Sau đó, họ có thể giới thiệu người bệnh đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý học để đánh giá chuyên sâu hơn.

Cách điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn

Tự kỷ là một dạng rối loạn thần kinh tồn tại gần như suốt đời và khó có thể điều trị tận gốc, kể cả được phát hiện bệnh sớm. Bệnh tự kỷ gây ra những hậu quả xấu cho tinh thần, và cả thân thể người bệnh vì họ khó điều khiển cảm xúc và hành vi của bản thân. Bệnh tự kỷ ở trẻ em dễ phát hiện hơn vì con trẻ có được sự quan tâm từ bố mẹ, gia đình, thầy cô và những người xung quanh. Trong khi đó những người trưởng thành mắc bệnh tự kỷ ít khi thể hiện những dấu hiệu bệnh của mình. Họ cũng ít được người khác quan tâm. Chính vì thế người bệnh cũng khó nhận ra những bất thường của bản thân và tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

Tự kỷ ở người lớn khó điều trị hơn rất nhiều so với trẻ em. Quá trình điều trị bệnh tự kỷ mà một quá trình lâu dài nên rất cần sự bao dung, kiên trì và cố gắng từ cả bác sĩ, người bệnh và cả gia đình. Người nhà đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh, vì họ là người tiếp xúc hằng ngày với bệnh nhân. Sự quan tâm, chăm sóc và ủng hộ từ gia đình có thể giúp cải thiện bệnh tình của người tự kỷ. 

Dưới đây là những điều cần làm khi trong quá trình chữa trị cho người mắc bệnh tự kỷ.

1. Can thiệp tâm lý sớm

Can thiệp tâm lý sớm và tích cực có thể cải thiện được những rào cản về giao tiếp và hành động độc lập của người bệnh. Người bị bệnh tự kỷ có xu hướng thu mình lại với mọi thứ xung quanh, cắt đứt sự giao tiếp với xã hội. Điều này khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng. 

Khi được can thiệp điều trị, người bệnh có thể xây dựng được những thói quen tốt hằng ngày, dễ dàng kiểm soát hành vi và thể hiện cảm xúc hơn với môi trường xung quanh hơn. Điều này giúp cải thiện khả năng giao tiếp, làm đa dạng vốn từ ngữ, kiến tạo những mối quan hệ xã hội đơn giản. Điều này người bệnh cải thiện hành vi, cách ứng xử để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh cụ thể. 

Người bệnh cũng được học cách bảo vệ bản thân tránh khỏi những nguy hiểm, điều mà những người tự kỷ thường không chú ý. Một số tai nạn như chảy máu, té ngã, bỏng nước sôi,… có thể gây hại đến sức khỏe và tính mạng người bị tự kỷ ở người lớn vì họ thường phản ứng rất chậm với những tác động từ bên ngoài. 

điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn
Người tự kỷ phải được dạy cách bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm rình rập như té ngã, phỏng nước sôi, đứt tay,…

Trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân bằng các phương pháp trị liệu tâm lý, chuyên gia sẽ khai thác tối đa ưu nhược điểm của bệnh nhân để giúp họ định hướng nghề nghiệp, lựa chọn một công việc thích hợp với khả năng của bản thân.

Người bệnh tự kỷ có xu hướng quan tâm sâu sắc và có kiến thức rất rộng về một hay hai chủ đề nhất định, vì mọi sự tập trung của họ đều hướng về chủ đề ấy. Một số người mắc chứng tự kỷ ở người lớn thật sự rất giỏi, hoặc là thiên tài trong lĩnh vực nào đó chẳng hạn như âm nhạc, y học, hội họa, toán học, văn học, vi tính,…

2. Hòa nhập với cộng đồng

Tích cực đưa người tự kỷ ra ngoài, gặp gỡ mọi người, tham gia các hoạt động xã hội,… là giải pháp tốt nhất để cải thiện tình trạng bệnh. Một số người lo sợ người tự kỷ có thể gặp những bất lợi khi hòa nhập cộng đồng do sự chậm chạp, vụng về và khó khăn trong giao tiếp của họ. Quan niệm này là hoàn toàn sai, vì chính bản thân người tự kỷ đã tách mình ra khỏi xã hội nên nếu việc này không được cải thiện, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Người lớn ở dạng tự kỷ nhẹ vẫn có thể làm một số việc tùy theo khả năng. Người nhà nên tìm ra điểm mạnh của người bệnh và để họ được làm việc như sở thích, làm như vậy sẽ giúp họ gần gũi với cộng đồng và tăng khả năng tư duy, vận động. Hiện nay có rất nhiều hoạt động dành cho người tự kỷ để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Người thân có thể tham gia những hoạt động này cùng người tự kỷ để giúp tâm trạng họ thoải mái hơn, bớt rụt rè, căng thẳng ở nơi đông người.

Trong điều trị tự kỷ ở người lớn, người nhà có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối người bệnh với cộng đồng, giúp họ không bị cô lập với xã hội. Khi được giao tiếp nhiều hơn với mọi người xung quanh, tình trạng bệnh có thể được cải thiện, người bệnh có thể phát triển khả năng tư duy và khả năng vận động.

3. Sự quan tâm của người thân, bạn bè

Như đã nói ở trên, người mắc bệnh tự kỷ có xu hướng thu mình lại, tách biệt bản thân với toàn xã hội. Chính vì vậy vai trò của gia đình người thân là vô cùng lớn trong quá trình điều trị bệnh.

Tình trạng bệnh tự kỷ ở người lớn sẽ có xu hướng ngày càng nghiêm trọng nếu nhận phải sự thờ ơ của người thân và xã hội. Trong thời đại ngày nay, chúng ta tôn trọng cuộc sống cá nhân và sự riêng tư của mỗi người, thế nhưng mặt trái của điều này chính là sự thờ ơ, thiếu quan tâm của con người với con người. Sự vô tâm này có thể khiến bệnh những người tự kỷ ngày một nặng hơn. Do đó, người thân trong gia đình và cộng đồng nên quan tâm nhiều hơn đến họ, nói chuyện, động viên và khuyến khích họ nhiều hơn. 

tự kỷ ở người lớn phải làm sao
Sự quan tâm, chăm sóc và động viên từ gia đình có thể giúp người tự kỷ cải thiện tình trạng bệnh.

Không nên nhốt bệnh nhân trong nhà, để bệnh nhân ngồi một mình quá lâu hoặc xem tivi, máy tính bảng quá nhiều. Hãy quan tâm, thăm hỏi và cố gắng giao tiếp với người bệnh để kích thích khả năng phản ứng của họ với môi trường xung quanh. Hãy cùng họ tham gia những hoạt động ngoài trời như đi bộ, đạp xe, đi picnic hoặc tham gia những chương trình dành riêng cho người tự kỷ. Đây là những giải pháp giúp thắt chặt tình cảm với người bệnh, giúp họ gây dựng những mối quan hệ xã hội tốt.

4. Điều trị bằng thuốc theo toa của bác sĩ

Dùng thuốc chữa bệnh tự kỷ cũng là một cách để giảm thiểu những ảnh hưởng của bệnh tự kỷ đến tâm lý và sức khỏe người bệnh. Trên thực tế, không có loại thuốc cụ thể để điều trị đặc hiệu cho bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc dùng cho những bệnh khác có thể giúp cải thiện các triệu chứng tự kỷ ở người lớn. Các thuốc có thể dùng để kiểm soát tự kỷ gồm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật.

Dấu hiệu và mức độ bệnh tự kỷ là khác nhau ở mỗi đối tượng. Chính vì thế việc dùng thuốc gì, bao nhiêu và liều lượng thế nào nhất định phải tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý cắt thuốc hay tăng, giảm liều lượng thuốc để tránh gây ra những hậu quả xấu ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.

5. Trị liệu bằng âm nhạc

Liệu pháp kết hợp âm nhạc với trị liệu tự kỷ ở người lớn là một liệu pháp nhẹ nhàng và dễ thực hiện. Một số người tin rằng âm nhạc có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh bao gồm khả năng giao tiếp, kỹ năng nhận thức, kỹ năng vận động, biểu hiện cảm xúc và có thể được kết hợp với các liệu pháp điều trị khác.

Không có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng trực tiếp của âm nhạc lên tình trạng bệnh của người bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, liệu pháp này thông thường có thể giảm bớt tình trạng lo lắng, căng thẳng và kích động của người bệnh khi mất kiểm soát hành vi. Âm nhạc là một chất xúc tác tuyệt vời giúp người bệnh thoải mái, bình tĩnh và làm tăng sự quan tâm của người bệnh đến những thứ xung quanh hơn.

6. Trị liệu bằng yoga

Người tập yoga cần có sự kiên trì, bền bỉ và sự tập trung cao độ. Đây có thể là một cách để giúp người bệnh tự kỷ thả lỏng bản thân và kiểm soát hành vi của mình. Yoga kết hợp thiền và những chuyển động nhẹ nhàng giúp tâm hồn thư giãn, tăng sự dẻo dai và khả năng kết hợp của tứ chi. Điều này sẽ cải thiện sự vụng về, khó điều khiển hành vi của người bệnh tự kỷ.

cách chữa trị bệnh tự kỷ ở người lớn
Yoga giúp thanh lọc tâm hồn, tăng khả năng vận động, sự linh hoạt của tay chân và giúp người tự kỷ dễ kiểm soát cảm xúc.

Một số nghiên cứu nhỏ đã cho thấy rằng yoga có thể giúp tăng sự bình tĩnh, giảm thiểu các hành vi tiêu cực như nổi nóng, gây hấn ngoài xã hội, đồng thời cũng giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp. Tập yoga rất thư giãn thế nên có thể khuyến khích người bệnh tự kỷ học yoga để cải thiện những vấn đề của bản thân. Bên cạnh đó, hãy tìm một người hướng dẫn yoga giỏi và tận tâm để có thể điều chỉnh các buổi tập cho phù hợp.

7. Một số biện pháp điều trị thay thế khác

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các biện pháp điều trị bệnh tự kỷ khác nhau cho từng đối tượng cụ thể. Tự kỷ ở người lớn có nhiều triệu chứng, mức độ bệnh cũng thay đổi nhiều tùy thuộc từng cá nhân. Vì thế các phương pháp điều trị bệnh có thể không hiệu quả với người này, nhưng lại giúp ích được cho người khác. Các điều trị thay thế cần được nghiên cứu nhiều hơn bao gồm: 

  • Chế độ ăn không gluten, không casein 
  • Vitamin C
  • Omega 3
  • Vitamin B6 và Magie
  • Liệu pháp Oxytocin

Làm sao để phòng ngừa bệnh tự kỷ ở người lớn?

Tự kỷ ở người lớn là một chứng rối loạn phức tạp trong hệ thần kinh. Bệnh không có những biểu hiện quá cụ thể, thời gian phát bệnh và mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau với từng đối tượng cụ thể. Trong một số trường hợp, người bệnh hoặc người thân của họ hoàn toàn không nhận ra bất cứ triệu chứng nào của bệnh. Chính vì thế, phát hiện sớm là điều duy nhất có thể làm, còn việc phòng ngừa bệnh tự kỷ là gần như không thể.

Người bệnh có khả năng mắc chứng tự kỷ cao trong trường hợp gia đình có người bị tự kỷ. Thế nên, gia đình cần chú ý những biểu hiện bất thường của người bệnh để nhanh chóng phát hiện và đưa đến bác sĩ nhằm can thiệp tâm lý sớm, tránh để bệnh tình nghiêm trọng hơn. 

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Tự kỷ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm lý và thân thể của người bệnh. Việc tách biệt với cộng đồng, khó giao tiếp với mọi người và không điều khiển được cảm xúc có thể mang đến những ảnh hưởng xấu đến đời sống người bệnh. Giải pháp duy nhất là phát hiện kịp thời và điều trị sớm. Hy vọng những thông tin từ Tạp Chí Tâm Lý Học đã giúp bạn đọc có hình dung cụ thể về căn bệnh này cũng như cách phát hiện và điều trị bệnh.

Tham khảo thêm

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *