Trẻ nói ngọng: Nguyên nhân và cách chữa theo độ tuổi
Trẻ nói ngọng có thể do bắt chước cha mẹ cũng bị nói ngọng hoặc cũng có thể do việc cơ miệng của trẻ gặp vấn đề nên không thể phối hợp chặt chẽ với nhau. Tình trạng này nếu không sớm khắc phục có thể thành tật làm ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giao tiếp, con có thể bị mặc cảm tự ti vì bạn bè trêu chọc khi lớn lên, do đó phụ huynh tuyệt đối không nên chủ quan.
Trẻ nói ngọng là gì?
Nói ngọng là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ và có thể kéo dài đến khi trưởng thành nếu không sớm có biện pháp khắc phục. Đây là một dạng rối loạn đường phát âm khiến lời nói ra không đạt được âm vị chuẩn của ngôn ngữ nên hình thành các âm, các từ ngữ sai lệch, khó nghe.
Đặc trưng điển hình nhất là nhầm lẫn các dấu “hỏi” và dấu “ngã”, chẳng hạn như khi nói “con bị ngã” thì bé nói nhầm rằng “con bị ngả” khiến đôi khi bố mẹ không hiểu hết ý con muốn nói gì.
Theo các chuyên gia, bất cứ trẻ nào cũng có nguy cơ ngọng bởi có liên quan đến rất nhiều các yếu tố khác nhau. Tình trạng này còn phổ biến đến mức phụ huynh khi thấy con mình có các biểu hiện nói ngọng thường cũng không quá lo lắng, thậm chí còn chọc theo giọng nói của trẻ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người đến tuổi trưởng thành vẫn nói ngọng và rất khó chỉnh.
Trẻ trẻ 2-4 tuổi là đối tượng dễ bị nói ngọng nhất bởi đây chính là giai đoạn con đang học và phát triển về lời nói, ngôn ngữ nên dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra nói ngọng cũng có liên quan đến các tật bẩm sinh và sẽ được biểu thị rõ hơn khi con bước vào thời điểm học nói.
Biểu hiện rõ nhất của việc trẻ nói ngọng chính là con phát âm không rõ âm tiết, khó nghe. Tình trạng này được chia làm hai dạng chính gồm
- Nói ngọng thực thể: có liên quan đến sự hoạt động kém hiệu quả của hệ thần kinh trung ương hoặc những rối loạn của bộ máy phát âm
- Nói ngọng cơ năng: có thể do rối loạn phát triển ngôn ngữ ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, không liên quan đến các tổn thương khác.
Nhận biết trẻ nói ngọng
Cần biết rằng quá trình phát triển lời nói hay ngôn ngữ cũng cần có thời gian nên đôi khi con chưa phát âm chuẩn là bình thường. Chẳng hạn theo chuyên gia, trẻ 2 tuổi thường phát âm đúng được các âm b, m, d, n, h, g, c; Trẻ 3-4 tuổi phát âm đúng các âm ch, t, đ, v, ph, nh, ng, x; trẻ 5- 6 tuổi phát âm chính xác kh, s, th, r, tr.. Sau đó bé có thể phát âm hoàn toàn chính xác các từ khác.
Dù vậy cũng không khó để nhận biết trẻ mắc chứng nói ngọng bởi nó được thể hiện rõ qua các âm, từ, lời nói phát ra từ con. Có 4 dạng nói ngọng chính gồm nói ngọng phụ âm đầu, phụ âm cuối hoặc nói ngọng nguyên âm hay các thanh điệu. Cụ thể, các đặc điểm điểm hình như
- Trẻ khi phát âm âm “s” và “z” sẽ nghe thành âm “th”; chẳng hạn “sau nhà” thì phát âm thành “thau nhà”.. đây là dạng nói ngọng giữa răng
- Trẻ nói ngọng làm mất hết các âm đầu tiên, chẳng hạn “mẹ” thì thành “ẹ”; “;đi chơi đi” thành “i ơi i”
- Nói ngọng, phát âm sai giữa dấu “hỏi” và dấu “ngã” cũng khá phổ biến, chẳng hạn “ngã ba” thì con luôn nói là “ngả ba”
- Nói ngọng giữa âm “l” và “n”, chẳng hạn như “làm lụng” thì nói thành “nàm nụng”
- Phát âm sai âm “r” thành âm “g”; chẳng hạn như “rổ rá” thành “gổ gá”
- Phát âm ngọng nghịu âm “tr” thành “ch”; chẳng hạn ” trái cam” thành “chái cam”
- Những âm bé phát âm sai rất khó nghe, làm bố mẹ không thể hiểu hết ý con muốn nói gì
- Một số trẻ còn có xu hướng nói nhanh khiến những người xung quanh càng khó nghe, khó “phiên dịch” hơn
- Thở nhanh, thở ngắn, hơi thở không ổn định mỗi khi phát âm
- Người nói ngọng cũng có xu hướng viết sai các từ mình bị ngọng
Không phải những trẻ nói ngọng đều có các đặc điểm này, có trẻ chỉ nói ngọng “dấu ngã/ dấu hỏi”; có trẻ chỉ nói ngọng âm “l/ n”.. Tuy nhiên dù là bất cứ tình trạng nào thì đây cũng là các đặc điểm cần được quan tâm và khắc phục ngay lập tức.
Bên cạnh đó, việc trẻ nói ngọng cũng có thể do âm ngữ địa phương. Chẳng hạn như những người ở khu vực miền Tây thường hay phát âm “cá rô” nghe giống “cá gô” hay người ở khu vực miền Trung hay nói từ “Huế” nghe giống “Huệ”… Tuy nhiên nếu liên quan đến âm ngữ địa phương thì trẻ vẫn có thể biết cách viết đúng ngữ pháp và có tông giọng riêng chứ không sai về cả hai khía cạnh/
Nguyên nhân trẻ nói ngọng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nói ngọng, đặc biệt là những tác nhân trực tiếp từ môi trường sống xung quanh khiến hầu như trẻ nào cũng có thể bị phát âm ngọng nghịu nếu cha mẹ không chú ý.
Nguyên nhân bệnh lý
Các bệnh lý về tai – mũi – họng được cho là có liên quan trực tiếp khiến cho nhiều bé bị nói ngọng, phát âm sai lệch. Cần biết rằng nếu liên quan đến bệnh lý thì không chỉ ảnh hưởng tới phát âm mà còn liên quan đến thể chất, sức khỏe toàn diện của con nên cần phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Một số bệnh lý khiến trẻ bị nói ngọng như
- Các bệnh ở đường phát âm: trẻ bị viêm xoang, viêm mũi, do khe hở miệng, liệt dây thanh, u nang dây thanh hay các cơ quan phát âm không thể phối hợp với nhau cũng có thể gặp khó khăn khi phát âm, hơi thở khó kiểm soát nên các âm phát ra bị lệch hay khó nghe. Việc đường thở không được, không khép miệng được hoàn toàn cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Tình trạng này rất dễ gặp ở những trẻ sinh ra ở vùng lạnh.
- Các tổn thương thực thể bẩm sinh: trẻ bị dính thắng lưỡi, trẻ bị sứt môi hở hàm ếch, chẻ vòm.. đều là các bệnh lý bẩm sinh khiến trẻ khó nói, nói ngọng.. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, quá trình học nói kém hơn các bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên các bệnh lý này đều có thể khắc phục nếu điều trị sớm thông qua một số thủ thuật y tế, phẫu thuật
- Trẻ suy giảm thính giác: việc trẻ không nghe được hay nghe kém thường cũng kéo theo tình trạng phát âm sai, ngọng nghịu do con tiếp nhận ngôn ngữ không chính xác
Các yếu tố môi trường tác động
Việc trẻ nói ngọng đôi khi bị ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, quá trình chăm sóc của cha mẹ chứ không liên quan đến các bệnh lý. Đây cũng là các nguyên nhân xảy ra cực kỳ phổ biến, dù không nguy hiểm nhưng nếu đã ăn sâu vào tâm lý, nhận thức của trẻ thì cũng rất khó để điều chỉnh.
Cụ thể, một số tác động từ môi trường có thể gây nguy cơ nói ngọng của trẻ như
- Con bắt chước những người xung quanh: trong nhà nếu có cha mẹ, anh chị hay bất cứ người nào hay tiếp xúc với con mà bị nói ngọng thì nguy cơ trẻ nói ngọng sẽ rất cao. Bởi cách nói chuyện, ngôn ngữ của người đó đã đi vào tiềm thức nên trẻ dễ dàng học theo.
- Trẻ ngậm núm vú giả nhiều: một số chuyên gia cho biết, nhiều phụ huynh hiện nay thường cho bé ngậm núm vú giả cả ngày để hạn chế nhu cầu ngậm ti mẹ dù con không muốn bú, điều này sẽ giúp trẻ nằm yên và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên khi cho con ngậm núm vú cả ngày sẽ khiến lưỡi có xu hướng thè ra ngoài nên khi lớn lên, theo thói quen con cũng có xu hướng đẩy lưỡi ra ngoài và phát âm không chuẩn xác.
- Rối loạn hành vi: đây cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều trẻ nói ngọng hiện nay. Nhiều trẻ thường xuyên được cho xem TV, điện thoại với các chương trình nước ngoài, phim hoạt hình để con ngồi yên và khiến trẻ có xu hướng học ngôn ngữ qua chính những âm thanh này. Trẻ có thể tự tạo ra các âm thanh riêng không rõ ràng và dẫn tới tình trạng nói ngọng.
Trẻ nói ngọng có thể gây ra những ảnh hưởng gì?
Nhiều phụ huynh khi thấy con nói ngọng nghịu không rõ ràng không những không chỉnh lại cho con mà lại cười cợt, trêu ghẹo và nhại lại giọng nói của con. Càng lớn thì việc điều chỉnh giọng nói, ngữ âm sẽ càng khó hơn. Nhiều người dù lớn nhưng vẫn nói ngọng âm “l/n” hay ” ngã/ hỏi” là việc rất bình thường.
Trẻ nói ngọng thường cũng kèm theo việc viết sai do con không định hình, không biết cách sử dụng từ ngữ, dấu câu sao cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của con bởi đúng chính tả đóng vai trò rất quan trọng trong môn văn. Nếu trẻ muốn làm công việc nào đó liên quan đến văn chương mà phát âm sai, viết sai cũng sẽ rất khó.
Một vấn đề mà những người nói ngọng cũng hay gặp phải chính là rất dễ bị trêu chọc. Trẻ phát âm ngọng nghịu khi đến trường lớp rất hay bị bạn bè nhại giọng trêu ghẹo, cười cợt mỗi khi phát biểu. Người lớn khi nói ngọng cũng bị những người xung quanh chê cười. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý khiến nhiều người ngại giao tiếp, tiêu cực, tự ti và dễ có hành vi bốc đồng khi bị trêu ghẹo một cách quá mức.
Đặc biệt trẻ nói ngọng nếu không sớm được khắc phục có thể gặp rất nhiều hạn chế về nghề nghiệp. Chẳng hạn hiện nay nhiều đơn vị giáo dục không tiếp nhận những người bị nói ngọng, nói lắp do quá trình giảng dạy sẽ ảnh hưởng lớn đến học sinh. Hay những người muốn định hướng làm các công việc nhà báo hay MC nhưng bị nói ngọng cũng rất khó.
Trẻ nói ngọng cần được khắc phục thế nào?
Trẻ nói ngọng ở giai đoạn 2- 4 sẽ khá dễ để khắc phục chứng nói ngọng bởi đây chỉ mới là giai đoạn con đang học nói, vốn dĩ con nói cũng chưa sõi nên ngay khi trẻ nói sai và phụ huynh điều chỉnh ngay con sẽ dễ dàng ghi nhớ và thay đổi ngay. Tuy nhiên nếu trẻ sau 4 tuổi vẫn nói chuyện ngọng nghịu, phát âm không rõ ràng, mất chữ thì phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám.
Để xác định trẻ bị nói ngọng do nguyên nhân nào, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra các vấn đề về cơ miệng, thính giác, khứu giác hoặc một số vấn đề nghi ngờ liên quan. Bác sĩ cũng sẽ trao đổi với người thân về các yếu tố môi trường, xung quanh trẻ có ai nói ngọng không, sinh hoạt của bé thế nào. Tùy nguyên nhân, độ tuổi và tình trạng của trẻ bác sĩ mới lên phương pháp can thiệp phù hợp.
Điều trị y tế
Nếu liên quan đến các bệnh lý như dính thắng lưỡi, sứt môi hở hàm ếch hay tổn thương thính giác thì bác sĩ cần phải yêu cầu các biện pháp điều trị y tế để giải quyết. Chẳng hạn như phẫu thuật dính thắng lưỡi hay cho trẻ đeo máy trợ thính để giải quyết nguyên nhân tiền đề sau đó mới có thể điều chỉnh các phát âm, giọng nói của trẻ sao cho đúng đắn.
Theo các chuyên gia, hiện nay các biện pháp phẫu thuật hay điều trị y tế cho các nguyên nhân gây nói ngọng bệnh lý khá phổ biến và an toàn nhưng cần phải thực hiện càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng, hệ lụy không đáng có. Gia đình nên đưa trẻ đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa về tình trạng này để đảm bảo được chẩn đoán và điều trị an toàn, chính xác.
Trò chuyện và điều chỉnh giọng nói cho trẻ
Không có cách nào hiệu quả hơn việc thông qua trò chuyện để điều chỉnh ngay những âm mà con phát âm sai, ngọng nghịu. Một lần chưa có hiệu quả thì mẹ nên thực hiện nhiều lần, hằng ngày, hằng giờ ngay khi trẻ phát âm chưa đúng thì sẽ có hiệu quả. Gia đình cần đặc biệt lắng nghe, quan sát khi trẻ phát âm để có thể điều chỉnh hiệu quả ngay từ đầu.
Một số lưu ý khi điều chỉnh cho trẻ bị nói ngọng như
- Phụ huynh cần phải là người phát âm chính xác, to, rõ ràng, tròn vành rõ chữ, nói chậm từng chữ thì trẻ mới có thể nghe và bắt bước lại
- Hạn chế tối đa việc cho trẻ trò chuyện với những người bị nói ngọng, đặc biệt không nên dạy trẻ nếu bản thân cũng phát âm không chuẩn
- Không chỉnh trẻ khi con chưa nói xong. Hãy để trẻ nói hết câu rồi mới chỉ ra lỗi sai và yêu cầu con phá âm lại
- Lắng nghe, tập hợp những từ con thường phát âm sai, từ đó dễ dàng chỉnh sửa theo hệ thống âm ngữ một cách có khoa học. Chẳng hạn phát hiện trẻ nói ngọng do có xu hướng đẩy lưỡi ra thì cần hướng dẫn trẻ cách đặt lưỡi thì con sẽ bắt đầu phát âm chuẩn lại
- Nghiêm túc khi điều chỉnh giọng nói, âm thanh cho trẻ nhưng không được cáu kỉnh, la mắng, điều này sẽ khiến con có tâm lý sợ hãi, lo lắng và càng dễ phát âm sai hơn
- Cố gắng yêu cầu trẻ điều chỉnh lại tốc độ giọng nói, điều này vừa giúp con dễ dàng phát âm, vừa giúp phụ huynh dễ dàng điều chỉnh lỗi sai
- Trò chuyện, trao đổi với trẻ trong mọi tình huống hay đọc truyện cho con vừa giúp con phát âm chính xác, vừa tăng cường vốn từ
- Nếu trẻ đang đến các độ tuổi học chữ thì phụ huynh cũng nên kết hợp với bảng chữ cái để con ghi nhớ, biết cách dùng từ, dùng dấu câu chính xác hơn
- Tuyệt đối không được nhại giọng hay trêu chọc giọng nói của con
- Không nên cho trẻ xem TV, các chương trình tiếng anh hay các âm thanh không sử dụng tiếng mẹ đẻ. Bởi khi đang phát âm không chuẩn xác lại bị ảnh hưởng bởi các âm thanh hay ngôn ngữ khác sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nên phụ huynh nên thận trọng
- Tạo cơ hội để trẻ phát triển lời nói, ngôn ngữ thông qua các hoạt động tương tác như đưa trẻ đến khu vui chơi, đến công viên..
Các biện pháp này có thể mang lại hiệu quả đặc biệt tích cực cho những trẻ nói ngọng từ 2- 4 tuổi bởi đây là giai đoạn mới bắt đầu hình thành ngôn ngữ, lời nói, nhận thức nên rất dễ điều chỉnh. Với những lứa tuổi khác vẫn cần áp dụng biện pháp này nhưng hiệu quả thường sẽ kém hơn.
Các trò chơi và bài tập cho trẻ nói ngọng
Chỉ thông qua việc trò chuyện đôi khi không thể cải thiện các vấn đề ở cơ miệng và trẻ cũng không thể ghi nhớ hoàn toàn. Do đó các bác sĩ, chuyên gia cũng hướng dẫn phụ huynh các trò chơi, các bài tập thực hành cần thiết để trẻ biết cách phối hợp các cơ quan phát âm và điều chỉnh âm ngữ một cách chính xác hiệu quả hơn.
Một số bài tập và trò chơi mà phụ huynh có thể tham khảo như
- Các bài tập luyện cơ miệng: cho trẻ dùng ống hút để uống nước; thổi bong bóng hay xà phòng; nhai kẹo cao su; ăn các vật có độ cứng và dai có thể giúp ích cho quá trình phối hợp các cơ quan trong cơ miệng cho trẻ.
- Bài tập phát âm: phụ huynh hướng dẫn trẻ cách há to miệng, chu môi, mím môi, bặm môi, hay uốn lưỡi để phát âm đúng từ từ. Chẳng hạn khi há miệng to sẽ dễ phát âm các từ a, ba, ma..; chu môi sẽ phát âm đúng các âm U hay uốn lưỡi để phát âm đúng các âm ” l/n”, “X/s”..
- Cho trẻ hát theo bài hát hoặc thơ ca: phụ huynh cũng có thể điều chỉnh cho trẻ nói ngọng thông qua các bài hát hay bài đồng dao vừa dễ nhớ, dễ thuộc mà trẻ lại rất hứng thú. Chú ý nên sử dụng các bài hát hay bài thơ có câu từ đơn giản, ngắn gọn, nội dung thân thuộc với xung quanh để trẻ dễ ghi nhớ hơn
Ngữ âm trị liệu
Với nhóm trẻ trên 4 tuổi, trẻ đến tuổi đến trường vẫn bị nói ngọng sẽ rất khó để điều chỉnh theo các thông thường mà cần đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Kể cả với những người trưởng thành nhưng nói ngọng vẫn sẽ cần chuyên gia trị liệu để thay đổi âm ngữ hiệu quả. Nhiều người dù có ý thức được việc bản thân phát âm không đúng nhưng do đã ăn sâu vào tiềm thức nên vẫn tự phát âm sai mà không thể kiểm soát được.
Lộ trình các biện pháp âm ngữ được xây dựng dựa trên chính nguyên nhân, độ tuổi, tình trạng nói ngọng của cá nhân từng trẻ nên đặc biệt mang đến hiệu quả tốt. Chẳng hạn như hướng dẫn trẻ cách đặt lưỡi, các khép miệng sau như thế nào để hơi phát ra chính xác. Từng bài tập sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia để đảm bảo trẻ nói ngọng phát âm chính xác.
Bên cạnh đó hiện nay một số trung tâm về giáo dục chuyên biệt cũng có các khóa dạy phát âm cho trẻ chậm nói, trẻ nói ngọng, nói lắp. Thường các liệu pháp trị liệu ngôn ngữ sẽ được tiến hành 1 giáo viên: 1 học sinh để đảm bảo các bài học phù hợp với năng lực từng người. Nếu mãi mà trẻ không hết nói ngọng thì phụ huynh rất nên cho trẻ tham gia âm ngữ trị liệu càng sớm càng tốt.
Trẻ nói ngọng không phải tình trạng nguy hiểm bởi hoàn toàn có thể khắc phục được nhưng nếu quá chủ quan nó có thể trở thành “tật” và gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, giao tiếp, học tập và quá trình phát triển của trẻ. Phụ huynh cần luôn là người làm gương, phát âm chính xác trong quá trình trò chuyện với con để trở thành tiền đề vững chắc giúp hạn chế nguy cơ này.
Có thể bạn quan tâm:
- Những dấu hiệu bé sắp biết nói: Lúc này cha mẹ nên làm gì?
- 6 loại sữa dành cho trẻ chậm nói giúp bé phát triển ngôn ngữ
- Trẻ nói nhiều nhưng không rõ có bình thường không? Nên làm gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!