Mục tiêu tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS
Học sinh tiểu học và THCS là các đối tượng rất dễ bị tác động bởi những yếu tố xung quanh. Lúc này các em vẫn chưa đủ khả năng và hiểu biết để có thể vượt qua hết các khó khăn, cản trở trong cuộc sống. Vì thế tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS là điều rất cần thiết bởi nó sẽ giúp các em có được cái nhìn toàn diện về bản thân và biết cách làm chủ cảm xúc, hành vi của chính mình.
Một số khó khăn tâm lý của học sinh tiểu học và THCS
Vào thời gian trước đây, tư vấn học đường chủ yếu sẽ áp dụng cho các đối tượng học sinh THPT vì đây là lứa tuổi đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách và gặp phải rất nhiều các vấn đề khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhận thấy rằng, học sinh tiểu học và THCS cũng gặp phải rất nhiều các khó khăn tâm lý cần được hỗ trợ và giải quyết kịp thời. Cũng bởi trong giai đoạn này trẻ vẫn còn non nớt, chưa đủ khả năng và nhận thức để có thể tự giải quyết những vướng mắc, cản trở của bản thân.
1. Một số khó khăn tâm lý của học sinh tiểu học
Nhiều người thường nghĩ rằng, đối với lứa tuổi tiểu học thì sẽ ít gặp phải các khó khăn trong tâm lý. Vì hầu hết lúc này trẻ vẫn còn ngây thơ, hồn nhiên và chưa phải chịu nhiều áp lực về mặt học tập hay các vấn đề về cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế, khi chuyển đổi môi trường từ hoạt động vui chơi ở mầm non sang học tập ở cấp tiểu học cũng sẽ khiến cho trẻ phải đối diện với nhiều cản trở và khó khăn. Cụ thể như:
- Các hoạt động diễn ra ở trường tiểu học sẽ có yêu cầu cao hơn so với trường mẫu giáo, trẻ phải đi học đúng giờ, mặc đúng đồng phục, không được tự ý nghỉ học,….Những sự thay đổi trong chế độ sinh hoạt với nhiều các quy tắc ràng buộc khiến trẻ phải hình thành thói quen mới. Cũng chính vì thế mà nhiều trẻ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không muốn đến trường hoặc không thể đạt được thành tích học tập như mong đợi.
- Thông thường, khi mới chuyển sang môi trường khác nhiều trẻ cảm thấy rất hứng thú và bị hấp dẫn với những điều mới lạ. Tuy nhiên, sau một thời gian trẻ lại cảm thấy buồn chán, không còn muốn đi học, thích được nghỉ ngơi và cố tình lẩn tránh việc học tập. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục tại cấp tiểu học đôi lúc quá tải đối với học sinh, cách tổ chức dạy chưa phù hợp với tâm lý của lứa tuổi nên càng khiến cho các em cảm thấy bị ngột ngạt và nặng nề.
- Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu về các khó khăn tâm lý của học sinh cấp tiểu học, đặc biệt là các em vừa bước vào đầu lớp 1 nhận thấy đa số các đối tượng này đều gặp phải những trở ngại tâm lý trong quá trình giao tiếp, học tập, sinh hoạt. Một số biểu hiện để nhận biết trẻ đang gặp phải các vấn đề tâm lý như liên tục muốn về nhà, khóc lóc đòi cha mẹ, rối loạn giấc ngủ, đau không rõ nguyên do,…
2. Một số khó khăn tâm lý của học sinh THCS
Đối với lứa tuổi THCS thì những sự thay đổi về tâm sinh lý cùng với các thách thức đến từ phía nhà trường, gia đình và xã hội cũng tạo ra rất nhiều vấn đề khó khăn trong tâm lý của trẻ. Đây được xem là giai đoạn vô cùng nhạy cảm, sự biến đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì khiến cho trẻ cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng. Lúc này trẻ sẽ rất dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, nếu không có cách hỗ trợ và kiểm soát tốt sẽ dễ bị sa lầy vào những sự cám dỗ tiêu cực từ bạn bè, xã hội,…
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng đã từng tiến hành khảo sát trên 2549 em học sinh từ 11 đến 15 tuổi. Kết quả có thể khẳng định được một số chứng rối loạn có liên quan đến sức khỏe tinh thần của học sinh bao gồm các rối loạn liên quan đến sức khỏe tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ bẩn,…các rối loạn hành vi như nói dối, đánh nhau, hành hạ và sử dụng bạo lực với động vật,…các hành vi lạm dụng chất gây nghiện như rượu bia, ma túy,…
Mục tiêu tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS
Như vậy, học sinh ở cấp tiểu học và THCS cũng gặp phải rất nhiều khó khăn về mặt tâm lý. Để giúp cho các em có được một khởi đầu tốt, có khả năng để đương đầu và vượt qua những khó khăn của chính mình trong quá trình học tập tại trường học và trong cuộc sống thì việc triển khai công tác tư vấn học đường là một công việc vô cùng cần thiết và hữu ích.
Mục đích chính của việc tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS cụ thể như sau:
1. Giúp học sinh kịp thời giải tỏa và khắc phục các vấn đề tâm lý
Như đã chia sẻ ở trên, dù ở lứa tuổi tiểu học nhưng các em học sinh vẫn phải đối mặt với rất nhiều các khó khăn, cản trở về mặt tâm lý. Sự thay đổi nhanh chóng về môi trường học tập, thời gian biểu và lịch trình học phức tạp hơn khiến cho nhiều em học sinh chưa thể thích ứng kịp và trở nên rối loạn về mặt tâm lý. Nhiều trẻ không thể giao tiếp tốt với bạn bè, không theo kịp chương trình học, thiếu tự tin, bị bắt nạt, thậm chí một số trường hợp nghiêm trọng còn mắc phải các vấn đề như rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý,….
Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ không chỉ phải đối mặt với những áp lực lớn từ việc học tập, các kì vọng tăng cao của phía nhà trường lẫn gia đình mà còn phải trải qua sự biến đổi về mặt tâm sinh lý. Ở giai đoạn này, trẻ luôn muốn thể hiện năng lực của bản thân, đề cao cái tôi và chứng tỏ rằng mình đã trưởng thành. Cũng chính vì những suy nghĩ đó mà trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn, dễ gây nên nhiều mâu thuẫn đối với thầy cô, cha mẹ và bạn bè.
Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, cần phải có phương pháp giáo dục khác nhau để có thể phù hợp với những sự thay đổi trong quá trình hình thành nhận thức và hoàn thiện nhân cách. Đồng thời, nếu những vấn đề khó khăn trong tâm lý của trẻ không được tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời sẽ gây nên rất nhiều trở ngại trong việc học tập lẫn cuộc sống.
Cũng chính vì thế, việc áp dụng tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS chính là công tác vô cùng cần thiết để giúp trẻ giải tỏa tốt các trở ngại tâm lý. Đồng thời đây cũng là biện pháp hữu ích giúp cho các em có được cái nhìn khách quan và toàn diện về bản thân để có thể tự làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình, hạn chế tốt các yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý.
2. Hỗ trợ nhà trường có hướng giáo dục phù hợp
Tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS không chỉ được áp dụng duy nhất cho đối tượng học sinh mà còn cho cả giáo viên, cán bộ quản lý tại trường học. Mục tiêu của quá trình này nhằm giúp cho nhà trường nắm được tâm lý của trẻ để đề ra các phương pháp giáo dục phù hợp cho học sinh và phụ huynh. Đặc biệt chính là tạo điều kiện thuận lợi để kết nối chặt chẽ giữa các lực lượng giáo dục đối với việc xây dựng cho trẻ môi trường học thân thiện, an toàn và bình đẳng.
Bởi trong thực tế, phương thức giáo dục và giảng dạy tại trường học là yếu tố tác động rất lớn đối với tâm lý của học sinh. Việc tư vấn học đường sẽ giúp cho nhà trường hiểu và biết cách xây dựng tốt kế hoạch học tập cho trẻ. Cụ thể như sau:
- Giáo viên và các cán bộ nhà trường sẽ hiểu và biết cách dung hòa, giải quyết tốt các mâu thuẫn xảy ra trong trường học, ví dụ như mâu thuẫn giữa học sinh và giáo viên, học sinh và học sinh hoặc giáo viên và giáo viên.
- Biết được cách xây dựng và lên kế hoạch phù hợp đối với các hoạt động học tập, sinh hoạt tại trường lớp, giúp khơi dậy tinh thần chia sẻ, nhân ái, đồng cảm và tương trợ lẫn nhau giữa các em học sinh.
- Giúp cho giáo viên biết được cách xây dựng môi trường học tập thoải mái, hòa đồng và mang đến tinh thần tích cực nhất.
- Nắm được cách điều chỉnh những quy tắc để có thể phù hợp nhất với tâm lý của các em học sinh, tạo cho các em môi trường sinh hoạt vui vẻ, thoải mái, hạn chế tối đa các vấn đề gây khó khăn tâm lý.
3. Giúp các em có cái nhìn toàn diện về bản thân và nâng cao các kỹ năng cần thiết
Trong thực tế, chương trình giáo dục tại nước ta hiện nay chỉ tập trung nhiều vào việc bổ sung kiến thức cho học sinh và ít chú trọng đến việc phát triển những kỹ năng mềm. Chính vì thế mà mục đích lớn nhất của công tác tư vấn cho học sinh tiểu học và THCS đó chính là nâng cao các kỹ năng, năng lực xã hội cần thiết để giúp các em chủ động hơn trong mọi việc.
Một số kỹ năng cần thiết cho học sinh ở giai đoạn này như kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kỹ năng thích ứng với môi trường học đường, kỹ năng làm chủ cảm xúc, hành vi của bản thân, kỹ năng tự bảo vệ,…Bên cạnh đó, tùy thuộc vào vấn đề tâm lý mà mỗi học sinh đang gặp phải mà các nhà tư vấn cũng sẽ có kế hoạch và chương trình phù hợp để giúp các em có thể cải thiện tốt về cả ba lĩnh vực đó chính là hành vi, nhận thức, thái độ.
Đồng thời tư vấn học đường còn giúp cho các em nhìn nhận bản thân một cách toàn diện và khách quan hơn từ đó biết cách kiểm soát tốt cảm xúc và hành vi của mình. Việc có thể giúp cho các em học sinh trang bị tốt các kỹ năng cần thiết sẽ hỗ trợ hạn chế được các vấn đề tâm lý ở trẻ. Đặc biệt hơn, khi các em có được đầy đủ các kỹ năng cần thiết để phục vụ cho cuộc sống lẫn việc học tập sẽ giúp các em chủ động hơn trong mọi việc, có tinh thần trách nhiệm và tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô và cha mẹ.
4. Xây dựng được mối liên kết bền chặt giữa học sinh và giáo viên
Giáo viên không chỉ là người truyền đạt những kiến thức bên trong sách vở mà còn là người hướng dẫn, dạy bảo các em học sinh về các chuẩn mực đạo đức của xã hội, dạy các em biết cách yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu những người xung quanh. Bên cạnh đó, thầy cô cũng chính là người giúp các em nhận thức được giá trị của bản thân, biết được trách nhiệm của mình, sống và hành xử theo hướng tích cực nhất.
Cũng chính vì vai trò quan trọng đối với việc giáo dục mà các thầy cô cần phải được tư vấn học đường một cách kỹ lưỡng. Trong giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì thường gặp phải rất nhiều khó khăn, cản trở từ việc học đến những yếu tố bên ngoài. Lúc này giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần phải hiểu được sự biến đổi tâm lý ở trẻ để kịp thời hỗ trợ và giúp trẻ định hướng đúng đắn hơn.
Bên cạnh đó, học sinh THCS cũng bắt đầu có những sự thay đổi về tâm sinh lý, một số trẻ đã biết đến những rung động đầu đời và hình thành các mối quan hệ tình cảm. Lúc này nếu giáo viên cứ liên tục cấm đoán sẽ khiến cho các em thù ghét hoặc thậm chí có tâm lý muốn chống đối, phản kháng. Vì thế, việc tư vấn học đường sẽ giúp cho giáo viên biết được cách nắm bắt tâm lý và đưa ra những lời khuyên, biết cách hỗ trợ các em một cách thấu đáo.
Việc có thể xây dựng một sự liên kết chặt chẽ giữa giáo viên và học sinh sẽ giúp cho quá trình học tập, giảng dạy được thuận lợi hơn. Học sinh sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi được đến trường. Đồng thời giáo viên cũng sẽ thuận lợi trong việc cung cấp kiến thức và định hướng tương lai cho các em học sinh. Sự quan tâm kịp thời của nhà trường và giáo viên sẽ giúp cho các em tránh khỏi những vấn đề tâm lý làm ảnh hưởng đến tư duy, suy nghĩ, nhận thức và hành vi của trẻ.
5. Hạn chế các vấn đề làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ
Bên cạnh việc mang đến những kiến thức bổ ích thì quá trình học tập tại trường lớp còn có thể ảnh hưởng sâu đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, đặc biệt là những trẻ đang ở giai đoạn tiểu học và THCS. Cách giáo dục của giáo viên, sự tác động của bạn bè, các sự kiện xảy ra xung quanh sẽ góp phần giúp trẻ hình thành nhận thức và xây dựng nên tính cách của bản thân.
Cũng vì thế mà quá trình tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS được thực hiện nhằm mục đích hạn chế tối đa các vấn đề làm cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của trẻ nhỏ. Hiện nay, không ít các trường hợp trẻ em bị méo mó về nhận thức và nhân cách cũng bởi những áp lực vô hình đến từ việc học tập, sự kì vọng quá mức của cha mẹ và thầy cô, những mâu thuẫn không được giải quyết ở bạn bè,…Nếu không kịp thời tiến hành tư vấn học đường sẽ khiến cho những tổn thương càng bị gia tăng và gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của trẻ.
6. Giúp phụ huynh hiểu và nắm rõ tâm lý của con cái
Thực tế ngày nay, các bậc phụ huynh đều không thể hiểu rõ và nắm bắt tốt được tâm lý của con cái, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì. Khi thấy con bướng bỉnh, buồn chán, ủ rũ nhiều người còn cho rằng con hư hỏng, lười học hoặc đang muốn đua đòi một điều gì đó. Sự vô tâm và thờ ơ của cha mẹ đôi lúc cũng là yếu tố khiến cho trẻ gặp phải rất nhiều các vấn đề về tâm lý.
Hơn thế, ngày nay nhiều bậc phụ huynh hay đánh giá con dựa vào các điểm số đạt được trên trường lớp, từ đó gây nên những áp lực rất lớn đối với trẻ nhỏ. Cha mẹ đôi lúc cũng quá khắt khe với con cái, cấm đoán và kiểm soát quá mức về sự riêng tư của trẻ. Cách giáo dục này đôi khi không mang đến nhiều lợi ích mà còn khiến cho trẻ cảm thấy ngột ngạt, sợ hãi và dần tìm cách xa lánh cha mẹ.
Vì thế, quá trình tư vấn học đường đối với phụ huynh sẽ giúp họ hiểu và biết được tâm lý của trẻ trong từng giai đoạn. Phụ huynh có thể đăng kí tham gia vào các chương trình tư vấn tâm lý học đường hoặc các hội thảo để có thêm nhiều kiến thức hơn về cách giáo dục con cái. Việc cha mẹ có thể nâng cao năng lực của mình sẽ góp phần quan trọng đối với việc đưa ra kế hoạch giáo dục con cái và kết hợp tốt với nhà trường nhằm hỗ trợ tâm lý cho các em.
Nhìn chung, mục tiêu cốt lõi của công tác tư vấn học đường cho học sinh tiểu học và THCS đó chính là cải thiện tốt tinh thần cho các em và giúp phụ huynh, giáo viên có sự hiểu biết nhất định về tâm lý của trẻ để có thể đưa ra kế hoạch giáo dục phù hợp. Chính vì thế, nhà trường cần tạo điều kiện tốt nhất để cho các em học sinh cùng với cán bộ nhà trường và phụ huynh được tiếp cận tốt với tiến trình này.
Tham khảo thêm:
- 5 Lỗi Tư Duy Thường Gặp Ở Trẻ Cha Mẹ Nên Lưu Ý
- Tư Duy Sai Lệch Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Khắc Phục
- Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh quan trọng như thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!