Các phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng

Phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng là một trong các rối loạn chức năng tâm lý và hoạt động tâm thần do những chấn thương tâm lý khác nhau tạo ra. Chứng rối loạn này đã được xếp vào nhóm F43 trong bảng phân loại lần thứ 10 của quốc tế. 

Các phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng
Phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng chính là hiện tượng rối loạn được phát sinh từ những sang chấn tâm lý

Khái niệm

Phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng chính là hiện tượng rối loạn được phát sinh từ những sang chấn tâm lý hay các hậu quả trực tiếp mà tình trạng stress trầm trọng cấp diễn tạo ra. Trước đây chứng rối loạn này còn được gọi với tên là rối loạn tâm thần căn nguyên tâm lý và được xếp vào nhóm rối loạn F43 dựa vào bảng phân loại bệnh của quốc tế lần thứ 10.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã từng tiến hành thống kê và tìm hiểu vào cụ thể về nguy cơ mắc phải các phản ứng stress trầm trọng và rối loạn sự kích thích. Thống kê được thực hiện vào năm 2002 và nhận thấy có khoảng 0,2% dân số có khả năng mắc phải tình trạng này. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kì lứa tuổi nào, không phân biệt giới tính. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết rằng tỉ lệ nữ giới mắc bệnh sẽ cao hơn so với nam giới và tình trạng này ngày càng gia tăng đáng kể.

Phản ứng stress sẽ trở thành bệnh lý khi các tình huống gây stress thật sự nghiêm trọng, quá dữ dội và mang tính chất bất ngờ. Chẳng hạn như sự ra đi đột ngột của người thân, bị đe dọa đến tính mạng, bệnh tật nghiêm trọng, xâm phạm tình dục, bị bắt cóc, mất tài sản lớn, thiên tai, khủng bố,….

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngược lại, các sự kiện stress rất quen thuộc, thường xuyên lặp đi lặp lại nhiều lần và vượt quá khả năng dàn xếp thích ứng của mỗi người. Mặc dù các sự việc không ở mức độ quá nghiêm trọng nhưng khi liên tục xuất hiện cũng khiến cho tâm lý của con người bị tác động xấu. Ví dụ cụ thể như gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, liên tục bị thất bại trong tình yêu, học tập, công việc, chịu nhiều căng thẳng trong cuộc sống, hoàn cảnh thiếu thốn, gò bó,…

Ngoài các sự kiện gây stress ra thì một số yếu tố khác cũng khiến cho căn bệnh này thuận lợi khởi phát. Cụ thể như chấn thương sọ não, cơ thể bị suy kiệt, yếu ớt, nhiễm trùng, nhiễm độc, liên tục bị mất ngủ trong khoảng thời gian kéo dài hoặc do tính cách nhạy cảm, dễ bị tổn thương.

Các phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng

Về phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng thì vào năm 1992 Tổ chức Y tế Thế giới đã phân chứng bệnh này thành các loại cụ thể như sau:

  • Phản ứng stress cấp (F43.0).
  • Rối loạn stress sau sang chấn (F43.1).
  • Rối loạn sự thích ứng (F43.2).
  • Các phản ứng với stress trầm trọng khác (F43.8).
  • Phản ứng với stress trầm trọng không biệt định (F43.9).
Các phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng
Phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng có rất nhiều loại khác nhau

1. Phản ứng stress cấp

1.1 Định nghĩa

Phản ứng stress cấp là một trong các rối loạn tâm thần mang tính chất tạm thời, thường chỉ kéo dài khoảng vài tiếng hoặc vài ngày tính từ thời điểm xảy ra các sự kiện, hiện tượng gây sang chấn tâm lý cấp độ nặng. Các triệu chứng stress cấp thường sẽ khởi phát sau vài ngày xảy ra sang chấn và khá giống với sang chấn tâm lý nhưng thời gian tiến triển sẽ ngắn hơn.

Tùy vào từng giai đoạn khác nhau mà các biểu hiên của bệnh cũng sẽ thay đổi. Lúc đầu có thể sửng sốt, hoảng loạn nhưng sau đó dần sẽ thoát khỏi và rơi vào trạng thái bất động hay kích động quá mức. Khi các sự kiện được giải quyết và khắc phục tốt thì tình trạng này cũng sẽ dần biến mất.

1.2 Nguyên nhân và các yếu tố phụ trợ

Stress cấp diễn và đủ lớn:

  • Thảm họa, thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần, sạt lở, lốc xoáy,…
  • Mất người thân.
  • Sinh mạng chính trị bị đe dọa.
  • Đời sống tình cảm bị đảo lộn nghiêm trọng.
  • Bản thân bị đe dọa tính mạng.

Stress kéo dài:

Tình trạng này không quá phổ biến và có thể khởi phát do các yếu tố nguy cơ như:

  • Công việc thường xuyên bị căng thẳng, áp lực, quá tải.
  • Các mâu thuẫn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…liên tục kéo dài dai dẳng.
  • Bị bắt giữ, bao vây trong chiến tranh hoặc bị cầm tù.

Các yếu tố phụ trợ:

  • Cơ thể bị suy kiệt, sức khỏe yếu kém
  • Nhân cách dễ phản ứng, dễ bị tác động bởi bên ngoài.
  • Hệ thần kinh đã bị tổn thương hoặc suy yếu trước khi bị stress.
  • Khả năng đề kháng của sức khỏe tinh tâm thần không được đảm bảo.
  • Gặp phải khủng hoảng tâm lý, nhất là trong giai đoạn tuổi dậy thì hoặc tiền mãn kinh, mãn kinh.

1.3 Lâm sàng

Phản ứng stress cấp sẽ diễn ra ngay khi xuất hiện các cú sốc tâm thần, nó có thể bắt đầu từ trạng thái bất động và dần chuyển sang kích động trong một khoảng thời gian rất ngắn. Lúc nào cũng sẽ có kèm theo các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật. Thông thường thời gian kéo dài chỉ từ khoảng vài phút và tối đa là vài ngày.

Thể bất động:

  • Người bệnh sẽ không cử động, giữ nguyên một tư thế, không nói, không hành động cho dù nguy hiểm đang dần tiến lại gần.
  • Không còn khả năng phản ứng cảm xúc, mất dần khả năng phản ứng lại với ngoại cảnh, bị thu hẹp về mặt ý thức, rối loạn định hướng và chú ý.
  • Tình trạng này có thể duy trì kéo dài trong khoảng từ 2 đến 3 ngày, tiếp đến sẽ là thời gian hồi phục, suy nhược cơ thể và bị suy giảm hoặc mất trí nhớ.

Thể kích động:

  • Người bệnh sẽ cảm thấy hưng phấn, kích động về cả ngôn ngữ và vận động, chẳng hạn như thực hiện các hành vi không có ý nghĩa, bất ngờ la hét, bỏ chạy,…
  • Bị rối loạn chú ý và định hướng, ý thức dần bị thu hẹp đi.
  • Thông thường các cơn kích động sẽ xảy ra một cách nhanh chóng, kéo dài từ khoảng vài phút cho đến tối đa 20 phút.
  • Sau các cơn kích động thì người bệnh sẽ rơi vào trạng thái suy sụp và hay quên.

Rối loạn thần kinh thực vật: Tình trạng này bao giờ cũng sẽ xuất hiện, người bệnh sẽ có kèm theo các trạng thái bất động hay kích động. Ví dụ như mạch nhanh, vã mồ hôi, đái dầm, co cứng cơ,….

1.4 Chẩn đoán

Thông thường, để có thể chẩn đoán chính xác về tình trạng phản ứng stress cấp thì các chuyên gia, bác sĩ sẽ dựa vào những đặc điểm nhận dạng như:

  • Các triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát ngay sau khi xảy ra sự kiện gây stress hoặc sau đó một khoảng thời gian rất ngắn (vài ngày).
  • Nội dung của các biểu hiện loạn thần sẽ có mối liên quan trực tiếp và phản ảnh chân thực, sâu sắc nhất về nội dung của stress.
  • Các yếu tố stress sẽ ở mức độ nghiêm trọng, vượt quá sức chịu đựng của một người, xảy ra một cách đột ngột hoặc tình trạng stress quen thuộc nhưng kéo dài dai dẳng, bệnh nhân không có khả năng giải quyết và chống đỡ.
  • Tiền sử đã có lần phản ứng nhẹ đối với stress hoặc sở hữu các yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ phát bệnh như cơ thể suy kiệt, yếu ớt, cao tuổi,…

1.5 Điều trị

Nếu có thể phát hiện được các triệu chứng bệnh và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp thì tình trạng phản ứng stress cấp sẽ nhanh chóng được kiểm soát và khắc phục hoàn toàn. Những cách bạn nên thực hiện khi xuất hiện các biểu hiện bệnh như:

  • Cách li hoặc tìm cách thoát khỏi những sự kiện, hoạt động gây stress.
  • Hỗ trợ và động viên tâm lý cho người bệnh.
  • Loại bỏ các yếu tố làm thúc đẩy rối loạn stress, gia tăng sức đề kháng cho người bệnh.
  • Nếu cần thiết có thể sử dụng thêm các loại thuốc bình thần trong khoảng thời gian ngắn.

2. Rối loạn stress sau sang chấn

2.1 Định nghĩa

Rối loạn stress sau sang chấn là những rối loạn phát sinh như một đáp ứng trì hoãn, kéo dài sau sự kiện chấn thương tâm lý mang tính chất thảm họa hoặc đe dọa với mức độ nghiêm trọng. Chẳng hạn như bị lạm dụng tình dục, hiếp dâm, thiên tai, chiến tranh, khủng bố,….Nó có thể để lại rất nhiều sự tổn thương, đau khổ đối với bất kì đối tượng nào và sẽ khởi phát trong khoảng vài tuần hoặc có thể là vài tháng, tuy nhiên không kéo dài hơn 6 tháng tính từ thời điểm xảy ra stress.

Hầu hết các tình trạng rối loạn stress sau sang chấn có thể tiến triển bệnh một cách thuận lợi, khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên cũng có một số ít dao động, gia tăng tình trạng tái phát và tiến triển bệnh theo hướng mãn tính, lâu ngày sẽ khiến cho nhân cách người bệnh bị biến đổi nghiêm trọng. Một số khác có thể biến chuyển bệnh thành các chứng rối loạn trầm cảm. Xét trong các yếu tố phù trợ thì đặc điểm nhân cách sẽ được chú ý nhiều hơn và có vai trò quan trọng đối với việc tiến triển và phát sinh bệnh.

2.2. Lâm sàng

Các biểu hiện, triệu chứng lâm sàng của tình trạng rối loạn stress phát triển sẽ có sự liên quan lớn đối với những yếu tố gây chấn thương tâm lý nặng nề, nó sẽ tác động trực tiếp đến bệnh nhân, cụ thể như:

  • Gây thương tích hoặc đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của bệnh nhân.
  • Đe dọa làm tổn thương hoặc cướp đi tính mạng của các thành viên trong gia đình hoặc của một người thân thiết nào đó.
  • Bạo lực gây tổn thương nặng nề hoặc xảy ra án mạng.
  • Chứng kiến các sự kiện gây chết người hoặc đe dọa làm tổn thương đến sự sống của con người.
  • Đối với người bệnh là trẻ em, các sự kiện lạm dụng tình dục, gây hoảng sự dữ dội, không còn sự giúp đỡ, hỗ trợ,…

Rối loạn stress sau sang chấn sẽ có những triệu chứng vô cùng đa dạng, tùy thuộc vào từng đối tượng bệnh khác nhau mà các biểu hiện cũng sẽ có phần khác nhau. Cụ thể như:

  • “Mảnh hồi tưởng” chính là tình trạng liên tưởng, nhớ lại một cách miễn cưỡng, ép buộc về hoàn cảnh đã từng gây sang chấn, tình trạng này sẽ thường xuyên xuất hiện và lặp đi lặp lại rất nhiều lần, các cơn ác mộng, khủng hoảng sẽ dần sống lại trên nền tảng “tê cóng”. Bệnh nhân sẽ bị mất dần cảm xúc, không còn sự hứng thú và cố gắng tránh né, xa lánh với mọi người xung quanh cũng như các hoàn cảnh, hình ảnh gợi nhớ lại sự kiện chấn thương. Người bệnh dường như hoàn toàn không đáp ứng lại được với môi trường bên ngoài, đây cũng được xem là triệu chứng đặc trưng và điển hình nhất của tình trạng rối loạn stress sau sang chấn.
  • Cảm giác đa cảm, buồn bã, ủ rũ, không còn sự hứng thú với thế giới xung quanh, hình thành các triệu chứng của rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu kết hợp cùng với nhau.
  • Tư duy bị ứ đọng hoặc chậm lại, luôn tập trung vào các tình huống gây chấn thương, đôi lúc xuất hiện các hành vi gây hại, ý tưởng tự đổ lỗi, muốn tự sát.
  • Có thể xuất hiện các cơn hoảng sợ hoặc đột ngột tấn công người khác khi nhớ lại các hình ảnh, hoàn cảnh gây sang chấn.
  • Hệ thần kinh thực vật bị mất cân bằng, ví dụ như bị mất ngủ liên tục, có cảm giác hay bị giật mình.
  • Có xu hướng lạm dụng các chất gây nghiện, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy, thuốc lắc,…để giải tỏa căng thẳng, lo lắng.

2.3 Chẩn đoán

Khi tiến hành chẩn đoán tình trạng rối loạn stress sau sang chấn, các bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ dựa vào những đặc điểm chủ yếu như:

  • Các yếu tố stress xuất hiện trong khoảng 6 tháng gần đây.
  • Người bệnh có tồn tại triệu chứng điển hình “mảnh hồi tưởng” về stress.
  • Cảm xúc trở nên tê liệt, thờ ơ, vô cảm và có xu hướng muốn trốn tránh các kích thích liên quan đến sự hồi tưởng về sự việc gây sang chấn.
  • Có sự góp mặt của các triệu chứng của rối loạn hành vi, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn khí sắc,…nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.

2.4 Điều trị

Tình trạng rối loạn stress sau sang chấn nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tiến triển thành dạng mãn tính quá nhiều năm và dần làm thay đổi nhân cách của người bệnh. Tuy nhiên nếu có thể phát hiện bệnh sớm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp thì triệu chứng bệnh sẽ dần phục hồi tốt hơn.

Liệu pháp tâm lý – biện pháp điều trị rất quan trọng:

  • Giúp ngăn chặn các cơn hoảng loạn, hồi tưởng.
  • Cô lập các tình trạng gây sang chấn.
  • Giúp người bệnh dần tái tạo lại niềm tin của bản thân.
  • Học cách đối diện và chấp nhận sự thật
  • Biết cách kiểm soát cảm xúc.

Sử dụng thuốc:

Đối với một số trường hợp cần thiết, người bệnh thường xuyên mất ngủ, lo lắng quá mức thì các chuyên gia sẽ cân nhắc để áp dụng một số loại thuốc điều trị rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ trong thời gian ngắn. Các loại thuốc thường được sử dụng như diazepam, alprazolam, nitrazepam, clonazepam,….

Ngoài ra, một vài trường hợp đặc biệt còn có thể sử dụng những loại thuốc tăng cường thể trạng nhằm giúp cho người bệnh gia tăng được sức đề kháng. Một số đối tượng khác có xuất hiện các triệu chứng buồn bã, chán nản, suy sụp cũng có thể được chỉ định dùng các loại thuốc chống trầm cảm.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

3. Các rối loạn sự thích ứng

3.1 Định nghĩa

Các rối loạn sự thích ứng là những trạng thái đau khổ, tổn thương chủ quan của người bệnh cùng với các rối loạn cảm xúc. Tình trạng này sẽ gây ra nhiều trở ngại cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, hiệu suất công việc, lao động cũng sẽ bị suy giảm. Những rối loạn này sẽ xuất hiện trong thời gian kích ứng với sự biến đổi đáng kể xảy ra trong cuộc sống hay các hệ quả đến từ những sự kiện gây stress.

Những yếu tố gây stress có thể tác động tiêu cực đến sự toàn vẹn của những mối quan hệ đời sống xã hội của bệnh nhân hoặc ảnh hưởng đến hệ thống quy mô lớn hơn, ví dụ như những phúc lợi của xã hội. Những tác nhân gây stress không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh mà còn có khả năng lan rộng trong cộng đồng.  Tố bẩm cá thể hoặc tính cách dễ tổn thương sẽ đóng vai trò nhất định đối với nguy cơ mắc chứng bệnh này.

3.2 Lâm sàng

Rối loạn khí sắc là một trong các đặc điểm lâm sàng đặc trưng của các rối loạn sự thích ứng. Chúng sẽ thường xuyên xuất hiện và kéo dài trong khoảng vài ngày cho đến vài tháng sau khi xảy ra các sự kiện gây stress và duy trì tối đa trong khoảng 6 tháng.

Bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy buồn chán, bất an, lo lắng, cảm thấy bản thân không còn đủ năng lực, khả năng để đối phó tốt với những hoàn cảnh của thực tại. Bên cạnh đó, tình trạng này còn ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc, lao động của người bệnh, làm cho họ gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Người bệnh có thể thay đổi cảm xúc hoặc bùng nổ tâm trạng bất kì thời điểm nào trong ngày. Đối với người bệnh là trẻ em thì thường sẽ có những hành vi chống đối, phản kháng nhưng không mang tính đặc hiệu.

Người bệnh bị rối loạn sự thích ứng có thể tồn tại một số triệu chứng trầm cảm, lo âu như:

  • Phản ứng trầm cảm ngắn hạn: Thường sẽ xuất hiện và duy trì tối đa 30 ngày.
  • Phản ứng trầm cảm kéo dài dai dẳng: Các triệu chứng trầm cảm sẽ khởi phát và kéo dài trong khoảng 2 năm trở lại.
  • Phản ứng hỗn hợp giữa trầm cảm và lo âu.
  • Phản ứng với những rối loạn cảm xúc khác chiếm ưu thế
  • Phản ứng với những rối loạn hành vi chiếm ưu thế.
  • Phản ứng với những triệu chứng ưu thế biệt định khác.

3.3 Chẩn đoán

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành chẩn đoán rối loạn sự kích thích dựa vào những yếu tố sau:

  • Nhân cách và tiền sử bệnh lý của mỗi người.
  • Các yếu tố gây sang chấn trong khoảng 3 tháng trước đó.
  • Các rối loạn cảm xúc và hành vi có liên quan đến tình huống gây stress.

3.4 Điều trị

Đối với với tình trạng này thường sẽ được điều trị bằng các loại thuốc như:

  • Thuốc chống trầm cảm, chống lo âu.
  • Thuốc giúp bình thần, hỗ trợ điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ, điển hình như các loại thuốc của nhóm benzodiazepin.
  • Thuốc tăng cường thể trạng, giúp gia tăng sức đề kháng cho người bệnh, ví dụ như các loại vitamin.

Song song với đó người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cách ly với các môi trường gây stress và tiến hành áp dụng các liệu pháp tâm lý cá nhân, nhóm hoặc gia đình.

Thông tin bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về các phản ứng với stress và rối loạn sự thích ứng. Các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát tốt nếu người bệnh kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *