Các rối loạn liên quan đến Stress bạn cần cảnh giác

Rate this post

Các rối loạn liên quan đến stress thường xảy ra sau khi trải qua một hoặc nhiều sự kiện gây sang chấn tâm lý. Các rối loạn này có thể xảy ra cấp tính hoặc mãn tính tùy theo mức độ, số lượng của sự kiện và yếu tố nội sinh.

Các rối loạn liên quan đến Stress
Stress (căng thẳng) là nguồn cơn gây ra nhiều rối loạn tâm lý, tâm thần

Tìm hiểu các rối loạn liên quan đến stress

Stress (căng thẳng) là phản ứng của cơ thể nhằm thích nghi về mặt sinh học, hành vi và tâm lý với những tình huống hoặc vấn đề xảy trong cuộc sống. Trên thực tế, tất cả sự việc, đối tượng và mối quan hệ phức tạp đều có thể gây ra sự căng thẳng nhất định. Biểu hiện thường thấy nhất của stress là sự tức giận, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, buồn bã, ghen tuông,…

Về cơ bản, stress là một phần tất yếu của cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này. Nếu là các sự kiện thông thường, căng thẳng thường chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, stress kéo dài và stress xảy ra ngắn hạn nhưng có mức độ nghiêm trọng có thể làm thay đổi tâm lý, thể chất và hành vi dẫn đến nhiều rối loạn khác nhau.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Bất cứ ai cũng có thể bị stress với mức độ và thời gian tiến triển khác nhau. Điều này phụ thuộc vào mức độ của sự kiện, đặc điểm nhân cách và các vấn đề sức khỏe sẵn có. Theo các chuyên gia, nữ giới và trẻ em có khả năng bị stress và các rối loạn liên quan đến stress cao hơn do nhân cách yếu, hệ thần kinh nhạy cảm và ngưỡng chịu đựng với stress thấp hơn nam giới.

Stress được xem là nguồn cơn của nhiều rối loạn tâm lý, tâm thần. Dưới đây là một số rối loạn liên quan đến stress thường gặp nhất:

1. Phản ứng cấp với stress (Rối loạn stress cấp tính)

Rối loạn stress cấp tính (ASD) là một trong những rối loạn liên quan đến stress khá phổ biến. Rối loạn này thường xảy ra sau khi trải qua hoặc chứng kiến những sự việc có tính chất nghiêm trọng gây tổn thương tâm lý nặng nề như mất người thân, thảm họa thiên nhiên, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, bị bắt cóc, suýt bị ám sát,…

Các triệu chứng của ASD thường khởi phát đột ngột sau 2 – 4 ngày trải qua sự kiện. Tùy theo tình trạng của từng người, rối loạn này có thể tiến triển trong vài ngày đến 1 tháng. Trong phản ứng cấp với stress, các sự kiện gây sang chấn mạnh là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đặc điểm nhân cách, độ tuổi, giới tính, kinh nghiệm sống,… là yếu tố gia tăng nguy cơ bị ASD.

Các rối loạn liên quan đến Stress
Phản ứng cấp với stress (Rối loạn stress cấp tính) là rối loạn liên quan đến stress khá phổ biến

Các biểu hiện của phản ứng cấp với stress (ASD):

  • Sự hồi tưởng ký ức có tính chất thâm nhập như giấc mơ, ác mộng, ảo tưởng hoặc các ý nghĩ xuất hiện một cách không chủ ý
  • Sự thu hẹp về ý thức, mất định hướng, cảm thấy bản thân lạc lõng, tách biệt với mọi người xung quanh và đôi khi có cảm giác mọi thứ xung quanh không có thực
  • Người bệnh luôn có cảm giác đau khổ, vô vọng, bi quan, đánh giá thấp bản thân, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh và gần như không có bất cứ cảm xúc tích cực nào.
  • Rất dễ kích động – nhất là khi có ai đó yêu cầu kể lại sự kiện cùng với suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Hành vi kích động thường là nổi giận, gây hấn, đôi khi người bệnh có thể chạy trốn và rời khỏi hoàn cảnh hiện tại.
  • Thường có hiện tượng quên phân ly (quên một phần ký ức về sự kiện gây sang chấn – thường là phần quan trọng nhất)
  • Đi kèm với các triệu chứng thần kinh thực vật như vã mồ hôi, nóng bừng, tim đập nhanh,…
  • Phản ứng cấp với stress đôi khi đi kèm với rối loạn lo âu và các biểu hiện trầm cảm

Các biểu hiện của rối loạn stress cấp tính thường biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tiến triển trong nhiều ngày nhưng không bao giờ kéo dài hơn 1 tháng. Các triệu chứng của bệnh lý này cần được chẩn đoán phân biệt với chấn thương tâm lý ở người có sẵn các vấn đề tâm thần như trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt, loạn thần, rối loạn tâm thần do chấn thương đầu,…

2. Rối loạn stress sau chấn thương (PTSD)

Rối loạn stress sau chấn thương (PTSD) có biểu hiện tương tự như rối loạn stress cấp tính. Tuy nhiên, PTSD là phản ứng muộn và dai dẳng hơn khi trải qua/ chứng kiến sự kiện gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng như bị khủng bố, cưỡng hiếp, tra tấn, cháy nhà, thiên tai, tham gia chiến tranh,… Rối loạn này thường xuất hiện sau vài tuần hoặc vài tháng trải qua sự kiện gây sang chấn.

Các chuyên gia nhận thấy, người có tiền sử gia đình bị loạn thần và nhân cách yếu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ước tính, khoảng 0.5% nam giới, 1.2% trẻ em – phụ nữ mắc phải chứng bệnh này. Trong đó, nguy cơ cao hơn ở người trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Các rối loạn liên quan đến Stress
Rối loạn stress sau chấn thương (PTSD) có triệu chứng nghiêm trọng và thường tiến triển trong khoảng 6 tháng

Các biểu hiện của rối loạn stress sau chấn thương (PTSD) thường kéo dài trong vòng 6 tháng nhưng cũng có những trường hợp tiến triển dai dẳng hơn. Ở những trường hợp tiến triển mãn tính và dai dẳng, nhân cách của người bệnh có thể bị biến đổi. Đồng thời gia tăng nguy cơ phát triển thêm một số rối loạn tâm lý khác như trầm cảm và rối loạn lo âu.

Các triệu chứng của rối loạn stress sau chấn thương (PTSD):

  • Xuất hiện những cơn tái hiện lại sự kiện gây sang chấn thông qua giấc mơ, ác mộng, ý nghĩ không tự chủ. Sự tái hiện có tính chất thâm nhập khiến bệnh nhân cảm nhận rõ sự đau đớn, tuyệt vọng và kinh sợ như sự kiện đó đang xảy ra trước mắt.
  • Né tránh các tình huống, hoạt động và đối tượng gợi nhắc lại sự kiện gây tổn thương tâm lý.
  • Tách rời, xa lánh với mọi người.
  • Giảm hứng thú hoặc mất hoàn toàn sự quan tâm đến các hoạt động xung quanh.
  • Người bệnh dễ bị hoảng loạn, giật mình, sợ hãi và có thể gây hấn khi gặp phải những kích thích gợi nhắc đến các sự kiện đã xảy ra.
  • Khả năng tập trung kém.
  • Xuất hiện các hành vi thiếu suy nghĩ như đua xe, sử dụng rượu bia, chất kích thích,…
  • Dễ kích động và có các hành vi gây hấn nếu những người xung quanh đề cập đến sự kiện gây tổn thương tâm lý.
  • Có các triệu chứng phân ly như quên phân ly (mất một phần ký ức về sự kiện, mất cảm giác với thực tại, có cảm giác suy nghĩ và cảm xúc gần như không thuộc về bản thân, giảm nhận thức với môi trường xung quanh,…)
  • Quan sát mọi thứ xung quanh với tâm thế đề phòng.

Các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD đều có mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, mức độ của ASD phụ thuộc vào ngưỡng chiu đựng của từng người nên đôi khi không quá nghiêm trọng và thuyên giảm nhanh. Trong một số trường hợp, ASD có thể kéo dài quá 1 tháng sẽ được chẩn đoán là PTSD.

Rối loạn stress sau sang chấn gây nhiễu loạn cuộc sống của người bệnh và gia tăng nguy cơ tự sát, tự hại. Do đó, bệnh nhân cần phải điều trị tích cực để ngăn chặn biến chứng nặng nề. Với chứng bệnh này, điều trị bao gồm sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Thông thường, người bị rối loạn stress sau sang chấn sẽ được điều trị ngoại trú nhưng đôi khi phải nhập viện do có hành vi hung hăng, đe dọa đến chính bản thân người bệnh và những người xung quanh.

3. Các rối loạn điều chỉnh

Các rối loạn điều chỉnh là rối loạn liên quan đến stress tương đối phổ biến bên cạnh ASD và PTSD. Biểu hiện của các rối loạn điều chỉnh là sự rối loạn rõ rệt của hành vi, cảm xúc sau khi trải qua một hoặc nhiều sang chấn tâm lý. Những rối loạn này có tính chất dai dẳng, ảnh hưởng đáng kể đến việc học, nghề nghiệp, các hoạt động xã hội và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Các rối loạn điều chỉnh thường có triệu chứng là khí sắc trầm buồn, lo âu, các hành vi chống đối xã hội, hành vi (thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên),… Trẻ nhỏ có thể gặp phải các hiện tượng thoái hóa như mút ngón tay, nói năng bập bẹ và đái dầm.

Các rối loạn điều chỉnh thường xảy ra trong vòng 1 tháng kể từ khi trải qua sự kiện gây sang chấn và thường không kéo dài quá 6 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể tiến triển hơn 6 tháng do sang chấn trường diễn (ly hôn, khó khăn về tài chính, mâu thuẫn trong gia đình, bệnh tật, gánh nặng con cái,…).

Các rối loạn điều chỉnh thường gặp nhất bao gồm:

  • Phản ứng trầm cảm ngắn: Là một dạng trầm cảm tạm thời với triệu chứng kéo dài không quá 1 tháng.
  • Phản ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm: Đặc trưng bởi các triệu chứng trầm cảm xen kẽ với lo âu rõ rệt nhưng không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán rối loạn lo âu.
  • Phản ứng trầm cảm kéo dài: Là trạng thái trầm cảm nhẹ có tính chất dai dẳng, kéo dài sau khi trải qua một sự kiện gây sang chấn. Tuy nhiên, biểu hiện thường không kéo dài quá 2 năm.
  • Rối loạn cư xử: Đặc trưng bởi các hành vi hung hăng, tàn bạo xâm phạm nghiêm trọng đến người khác. Rối loạn này thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Rối loạn cảm xúc: Khi đối mặt với stress, không ít người gặp phải các rối loạn về cảm xúc như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, tức giận, hoảng loạn,…
  • Rối loạn hỗn hợp cảm xúc và cư xử: Xuất hiện đồng thời các rối loạn về cư xử và cảm xúc đều có triệu chứng rõ rệt.

Ngoài các rối loạn trên, rối loạn điều chỉnh sau stress còn bao gồm các bệnh lý khác như bệnh tâm căn Hysteria, chứng nghi bệnh, hội chứng TIC, bệnh cơ thể tâm sinh (hen phế quản, cao huyết áp, loét dạ dày – tá tràng, viêm loét đại tràng, viêm da thần kinh,…), rối loạn phân ly,…

Hậu quả của các rối loạn liên quan đến stress

Stress là một phần tất yếu của cuộc sống. Trong một số trường hợp, stress tạo ra nguồn năng lượng dồi dào, tăng động lực giúp con người vượt qua khó khăn và thử thách. Thực tế cho thấy, những người phải đối mặt với căng thẳng thường xuyên thường có tính cách mạnh mẽ, giỏi giang và chủ động hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, stress nặng và stress trường diễn có thể gây ra những rối loạn liên quan đến stress. Các rối loạn này dù có mức độ nhẹ hay nghiêm trọng đến ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh.

Các rối loạn liên quan đến Stress
Các rối loạn liên quan đến stress làm gia tăng nguy cơ nghiện rượu, sử dụng chất gây nghiện,…

Những ảnh hưởng của các rối loạn liên quan đến stress:

  • Gây rối loạn các cơ quan trong cơ thể do sự thay đổi của các tuyến nội tiết. Tình trạng này kéo dài dẫn đến nhiều bệnh lý liên quan đến dị ứng, miễn dịch, sinh dục, tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp, tim mạch,…
  • Trạng thái loạn thần cấp
  • Trầm cảm
  • Rối loạn lo âu
  • Gia tăng lối sống thiếu lành mạnh như bỏ bê công việc, sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, đua xe và tham gia vào các tệ nạn xã hội
  • Gây bùng phát hoặc làm nghiêm trọng hơn các bệnh lý cơ thể và rối loạn tâm thần sẵn có

Các rối loạn liên quan đến stress cũng khiến cho người bệnh gặp phải phiền toái trong cuộc sống, việc học và công việc bị ảnh hưởng, gián đoạn. Đồng thời gia tăng xung đột, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, tài chính không ổn định,…

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trong những năm gần đây, stress và các rối loạn liên quan đến stress có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, sự hiểu biết của cộng đồng về các rối loạn này còn hạn chế nên ít người chủ động thăm khám và điều trị. Hiện nay, giải pháp cho các rối loạn liên quan đến stress là chăm sóc tâm lý và sử dụng thuốc để ổn định tâm trạng, hành vi,… Qua đó giúp người bệnh lấy lại trạng thái tâm lý, thể chất tốt nhất và duy trì được chất lượng cuộc sống.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *