Stress có làm giảm cân không? Cách khắc phục
Nhiều người nhận thấy cân nặng của mình thay đổi trong những giai đoạn căng thẳng do áp lực từ cuộc sống và điều này dẫn đến câu hỏi phổ biến “Stress có làm giảm cân không?”
Stress có làm giảm cân không? Chuyên gia giải đáp
Stress là phản ứng tự nhiên của cá nhân đối với áp lực hoặc thay đổi trong cuộc sống, khi mà cơ thể tiết ra hormone cortisol và adrenaline để đối phó với căng thẳng đang diễn ra. Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài và quá mức, stress có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Stress không chỉ là cảm giác lo lắng hay là căng thẳng tạm thời mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ tâm trí và chức năng sinh lý. Stress có thể làm giảm cân thông qua nhiều cơ chế phức tạp trong cơ thể. Mặc dù cortisol thường liên quan đến việc tăng cân nhưng trong một số trường hợp nó cũng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, khiến bản thân ăn ít hơn.
Ngoài ra, stress có thể dẫn đến những thay đổi trong hành vi ăn uống và thói quen hàng ngày. Một số người có xu hướng bỏ bữa hoặc ăn uống không đều đặn khi căng thẳng, dẫn đến giảm cân. Cùng với đó, các cảm giác lo lắng và bồn chồn do stress cũng có thể làm tiêu hao năng lượng nhiều, khiến cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn.
Khi cơ thể chịu áp lực từ stress, hệ thống thần kinh giao cảm được kích hoạt, làm tăng nhịp tim và tốc độ trao đổi chất. Điều này có thể dẫn đến việc tiêu hao nhiều năng lượng hơn, ngay cả khi không thực hiện vận động mạnh. Kết hợp với việc ăn uống kém và giấc ngủ không đủ, tất cả những yếu tố trên có thể góp phần vào việc giảm cân khi stress kéo dài.
Stress còn làm giảm cân trong những trường hợp sau đây:
- Stress làm giảm cân thường xảy ra khi căng thẳng kéo dài và không được quản lý hiệu quả. Những người phải đối mặt với áp lực công việc lớn, mối quan hệ trở nên căng thẳng, gặp vấn đề tài chính thường dễ rơi vào tình trạng này, làm cho cơ thể phản ứng bằng cách thay đổi cách thức xử lý năng lượng và dưỡng chất.
- Những trường hợp căng thẳng cấp tính như sau khi trải qua một sự kiện đau buồn, chấn thương tâm lý cũng có thể dẫn đến giảm cân nhanh chóng do cảm giác chán ăn và sự thay đổi trong thói quen ăn uống. Lúc này, cơ thể tập trung năng lượng đối phó với stress, dẫn đến việc tiêu hao calo nhiều hơn so với bình thường.
- Các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm đi kèm với stress có thể ảnh hưởng đến cân nặng. Những người trải qua các rối loạn này có thể mất hứng thú với ăn uống, cảm thấy khó duy trì chế độ ăn uống lành mạnh càng làm cho việc giảm cân trở nên phổ biến hơn.
Tác động của việc stress làm giảm cân
Việc giảm cân không lành mạnh thường đi kèm với thiếu hụt dinh dưỡng, khiến cơ thể trở nên yếu ớt và dễ mắc bệnh. Khi cơ thể không nhận đủ dưỡng chất, hệ miễn dịch bị suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, giảm cân do stress có thể dẫn đến đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, chán ăn. Cơ thể cũng có thể trải qua tình trạng mệt mỏi mãn tính và suy giảm năng lượng, khiến người bệnh cảm thấy kiệt quệ và khó tập trung thực hiện hoạt động hàng ngày.
Hơn nữa, việc giảm cân đột ngột và không kiểm soát có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm. Đồng thời, cảm giác mất kiểm soát đối với cân nặng và sức khỏe của mình có thể làm tăng sự bất an và lo lắng.
Việc giảm cân do stress khiến não bộ hoạt động không hiệu quả, dẫn đến giảm khả năng tập trung và ghi nhớ. Điều này có thể làm giảm hiệu quả học tập, khiến người bệnh khó hoàn thành bài tập và đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Trong môi trường công việc, sự mệt mỏi và thiếu tập trung do stress làm giảm cân có thể khiến người lao động không hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn hoặc không đạt được chất lượng công việc như mong đợi.
Cách khắc phục tình trạng stress làm giảm cân
Những biện pháp, thói quen lành mạnh sau đây có thể giúp giảm căng thẳng, duy trì cân nặng ổn định và cải thiện sức khỏe tổng thể:
1. Phơi nắng
Phơi nắng là một cách tự nhiên làm giảm bớt tác động tiêu cực của stress lên cân nặng. Bởi ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, một dưỡng chất quan trọng giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và cân bằng hormone. Vitamin D cũng làm tăng sự hấp thụ canxi, giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ tâm trạng, làm giảm các triệu chứng của lo âu và trầm cảm.
Để tận dụng lợi ích của ánh nắng mặt trời, người bệnh nên phơi nắng vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, khi ánh nắng không quá gắt và ít có hại cho da. Mỗi lần phơi nắng nên kéo dài từ 15 – 30 phút, tùy thuộc mức độ tiếp xúc với ánh nắng của mỗi người. Trong thời gian phơi nắng, hãy để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng như tay, chân, mặt để cơ thể hấp thụ được lượng vitamin D cần thiết.
Ngoài ra, việc phơi nắng đều đặn còn giúp cải thiện giấc ngủ bằng cách điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Giấc ngủ đủ và chất lượng sẽ giúp cơ thể có năng lượng dồi dào hơn, từ đó giảm bớt căng thẳng và cải thiện khả năng duy trì cân nặng ổn định. Đặc biệt, hãy nhớ sử dụng kem chống nắng khi phơi nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
2. Tắm thảo dược
Khi tắm thảo dược, cơ thể được hấp thụ các dưỡng chất từ thảo dược thông qua da và đường hô hấp, giúp làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng và làm tăng sức đề kháng. Đồng thời nó cũng giúp cải thiện tuần hoàn máu và làm sạch da, mang lại cảm giác thư giãn.
Có nhiều loại thảo dược có thể sử dụng để tắm, trong đó phổ biến nhất là lá sả, lá tía tô, lá bạc hà, hoa cúc. Các loại thảo dược này có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn và làm dịu da. Để chuẩn bị nước tắm thảo dược, có thể đun sôi các loại lá này trong nước khoảng 10 – 15 phút, sau đó pha nước đã đun với nước lạnh để có nhiệt độ tắm phù hợp.
Thời gian tắm thảo dược lý tưởng là từ 15 – 30 phút và đều đặn 2 – 3 lần mỗi tuần không chỉ giúp giảm stress mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như tinh thần, hỗ trợ quá trình phục hồi cân nặng và sức khỏe tổng thể.
3. Thực hành chánh niệm trong ăn uống
Thực hành chánh niệm trong ăn uống là quá trình tập trung hoàn toàn vào việc ăn uống, nhận thức rõ ràng về mùi vị, kết cấu và mùi hương của thực phẩm. Thay vì ăn uống vội vàng, chánh niệm giúp mọi người thưởng thức từng miếng ăn và nhận biết cơ thể khi nào đã đủ no. Việc này giúp cá nhân ăn uống một cách lành mạnh hơn, tránh tình trạng ăn quá ít hoặc quá nhiều do stress.
Để ăn uống thoải mái, nên tạo ra không gian ăn uống yên tĩnh, không bị phân tâm bởi thiết bị điện tử như TV, điện thoại. Hãy tập trung vào bữa ăn của mình bằng cách ăn chậm rãi, nhai kỹ và cảm nhận hương vị của thực phẩm, từ đó giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn và nhận biết khi nào đã no.
Tránh ăn uống lơ đễnh bằng cách thiết lập thời gian và không gian cụ thể cho bữa ăn. Không nên ăn khi đang làm việc, học tập, lái xe. Thay vào đó, hãy dành thời gian ngắn trong ngày để ngồi xuống và tập trung ăn uống. Hơn nữa, có thể ghi chú về cảm giác của mình sau mỗi bữa ăn để nhận biết thói quen ăn uống và điều chỉnh khi cần thiết.
Tìm hiểu thêm: Chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Mạnh Chính chia sẻ cách thực hành chánh niệm
4. Cải thiện vệ sinh cá nhân
Các hoạt động hàng ngày như tắm rửa, đánh răng, rửa mặt và chăm sóc cơ thể không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng mà còn mang lại cảm giác thoải mái, tự tin và giảm căng thẳng. Thông qua duy trì vệ sinh cá nhân tốt, cá nhân tự tạo ra thói quen chăm sóc bản thân nhằm cải thiện tinh thần và tâm trạng. Trước tiên, tắm nước ấm mỗi ngày có thể giúp cơ thể thư giãn, giảm căng cơ và loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trên da. Cùng với đó, việc rửa mặt và chăm sóc da mặt hàng ngày giúp da khỏe mạnh, ngăn ngừa mụn và mang lại cảm giác dễ chịu.
Ngoài ra, chăm sóc vệ sinh cá nhân cũng bao gồm việc giữ gìn môi trường sống sạch sẽ. Dọn dẹp phòng ở, giữ quần áo sạch sẽ và sắp xếp gọn gàng không gian sống giúp tạo ra một nơi ở thoải mái, giảm thiểu căng thẳng. Khi không gian sống sạch sẽ và ngăn nắp, mọi người sẽ cảm thấy bình yên hơn, dễ dàng tập trung vào công việc và học tập, từ đó giảm stress cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể.
5. Vận động thể chất hàng ngày
Các bộ môn như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội, đạp xe không chỉ hữu ích vì giúp đốt cháy calo mà còn giúp cơ thể sản sinh ra endorphin, một loại hormone giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Lợi ích của việc vận động thể chất không chỉ dừng lại ở việc giảm cân. Khi tham gia vào các hoạt động thể chất đều đặn, cơ thể sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn, tăng cường sức đề kháng và cải thiện giấc ngủ. Một giấc ngủ tốt là yếu tố quan trọng giúp cơ thể phục hồi và giảm stress hiệu quả. Hơn nữa, việc vận động còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện chức năng tim mạch cũng như hô hấp, góp phần vào việc duy trì sức khỏe tổng thể.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên dành ít nhất 30 phút/ngày cho các hoạt động thể chất. Nếu là người mới, hãy bắt đầu với các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, sau đó dần dần tăng cường độ và thời gian vận động.
Stress có làm giảm cân không? Câu trả lời chính là có, nhưng không phải lúc nào cũng diễn ra và cũng không phải là cách giảm cân lành mạnh. Việc giảm cân do stress thường xuất phát từ những thay đổi tiêu cực trong chế độ ăn uống và sinh hoạt. Để giảm thiểu tác động này, mọi người cần tìm ra biện pháp hiệu quả để quản lý stress, đảm bảo kiểm soát tốt cân nặng và nâng cao sức khỏe tổng thể thêm chất lượng.
Có thể bạn quan tâm:
- Áp lực, stress bởi Tết: Nguyên nhân và Cách giải tỏa căng thẳng
- 5 Tác hại khi bị stress kéo dài bạn nên đề phòng
- Stress mệt mỏi ở người cao tuổi: Nguyên nhân và phòng ngừa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!