Bài Test Overthinking – Kiểm tra xem bạn có bị Overthinking
Overthinking là tình trạng khi ai đó liên tục lặp đi lặp lại suy nghĩ trong đầu mà không thể ngừng được. Vì vậy các nhà nghiên cứu đã thiết kế bài test overthinking để cá nhân tự kiểm tra mức độ suy nghĩ của mình, từ đó tìm ra cách giải quyết phù hợp nhằm thoát khỏi tình trạng tiêu cực.
Overthinking là gì?
Overthinking, hay còn gọi là suy nghĩ quá nhiều là khi tâm trí không ngừng xoay quanh những vấn đề nhỏ nhặt không cần thiết. Thay vì tìm ra giải pháp, cá nhân liên tục đánh giá, phân tích và tâm trạng dường như luôn bất an. Điều này khiến bản thân không chỉ mất nhiều thời gian mà còn gây áp lực lên tinh thần, làm cản trở cuộc sống hàng ngày.
Hiện tượng này thường được chia thành hai hướng: suy nghĩ về những chuyện đã qua và lo lắng về tương lai. Dù ở khía cạnh nào, overthinking đều gây ra những tình trạng lo âu vô cớ, khiến người ta “chìm đắm” trong những tưởng tượng về những lo lắng không có thật.
Khi nào cần test xem bạn có bị Overthinking không?
Overthinking là trạng thái tâm lý khiến nhiều người khó kiểm soát những luồng suy nghĩ trong đầu. Mặc dù đôi lúc cũng có người hay suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề nào đó, nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và gây ảnh hưởng đến cuộc sống thì cá nhân nên chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần của mình.
Việc nhận biết các dấu hiệu của overthinking sẽ giúp bản thân đánh giá tình trạng hiện tại và quyết định liệu có cần phải làm bài test để kiểm tra hay không. Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy một người nên làm bài test overthinking:
- Quá phân tích, suy nghĩ về mọi khía cạnh của vấn đề mà không thể dừng lại
- Khó ra quyết định vì lo lắng về các hậu quả tiềm ẩn
- Dành nhiều thời gian lo lắng về quá khứ hoặc tương lai, khó sống cho hiện tại
- Khó ngủ, khó thư giãn do suy nghĩ quá nhiều
- Mất tập trung, hiệu suất công việc và học tập giảm sút
- Có cảm giác mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất
- Thường xuyên cảm thấy lo lắng mà không rõ lý do
Các bài test kiểm tra Overthinking online
Trong cuộc sống hiện đại, overthinking đã trở thành một vấn đề khá phổ biến gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của nhiều người. Việc phát hiện và kiểm soát tình trạng suy nghĩ quá mức là rất quan trọng để duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.
Làm bài test overthinking vừa giúp mọi người nhận ra liệu mình có đang suy nghĩ quá mức hay không, vừa là phương thức để hiểu rõ cách cá nhân đối phó với căng thẳng trong cuộc sống. Các bài test còn giúp người suy nghĩ quá nhiều đánh giá toàn diện về thói quen này của mình để biết điều chỉnh tư duy và nâng cao sức khỏe. Nhờ vào đó, cá nhân tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục hiệu quả trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
1. Câu hỏi kiểm tra của nhà tâm lý học David A. Clark
David A. Clark là một nhà tâm lý học nổi tiếng với các nghiên cứu về suy nghĩ tiêu cực, rối loạn tâm lý và phương pháp trị liệu tâm lý nhận thức hành vi (CBT). Bài kiểm tra do ông xây dựng giúp đánh giá mức độ suy nghĩ quá mức của người tham gia thông qua các câu hỏi liên quan đến thói quen suy nghĩ của mình.
Câu hỏi có trong bài kiểm tra, cụ thể gồm:
- Bạn có thường tự hỏi tại sao mình lại có những suy nghĩ tiêu cực này không?
- Bạn có cố tìm hiểu, theo đuổi những suy nghĩ sâu xa đằng sau các suy nghĩ ban đầu không?
- Khi tâm trạng tệ, bạn có suy nghĩ nhiều hơn bình thường không?
- Bạn có thường ngồi suy nghĩ lung tung về mọi thứ không?
- Bạn có gặp khó khăn trong việc kiểm soát những suy nghĩ của mình không?
- Bạn có đặt nặng vấn đề kiểm soát suy nghĩ của bản thân?
- Bạn có tự hỏi não bộ mình hoạt động thế nào khi có suy nghĩ tiêu cực không?
Nếu đa số câu trả lời là “có”, điều này cho thấy bạn đang suy nghĩ quá nhiều và cần thay đổi thói quen này để cải thiện sức khỏe tinh thần.
2. Bài Test Maladaptive Daydreaming Scale (MDS)
Bài test Maladaptive Daydreaming Scale (MDS) giúp đánh giá mức độ mộng mơ quá mức, một trong những thói quen có thể ảnh hưởng tiêu cực đến học tập, công việc và các mối qua hệ.
Bài test này gồm 16 câu hỏi, yêu cầu người tham gia trả lời dựa trên thang điểm từ 0% (không bao giờ) cho đến 100% (luôn luôn). Các câu hỏi được thiết kế để tìm hiểu về tần suất bạn mơ mộng và mức độ ảnh hưởng của chúng trong đời sống.
Bộ 16 câu hỏi bao gồm:
- Bạn có nhận thấy rằng một số thể loại nhạc khiến bạn dễ dàng mơ mộng hơn không?
- Khi một sự kiện trong thực tế làm gián đoạn giấc mơ ban ngày của bạn, bạn có cảm thấy cần phải tiếp tục giấc mơ đó càng sớm càng tốt không?
- Trong khi mơ mộng, bạn có thường xuyên thể hiện cảm xúc như cười, nói, lẩm bẩm không?
- Bạn cảm thấy thế nào khi không có thời gian để mơ mộng như thường lệ vì các trách nhiệm phải sống cho thực tế?
- Việc mơ mộng có ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc hàng ngày của bạn không?
- Bạn cảm thấy thế nào về lượng thời gian bạn dành cho việc mơ mộng?
- Khi bạn cần tập trung vào một công việc quan trọng, bạn thấy khó khăn như thế nào trong việc ngừng mơ mộng?
- Mơ mộng có ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu lớn trong cuộc sống của bạn không?
- Bạn có gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoặc giảm bớt việc mơ mộng của mình không?
- Bạn cảm thấy thế nào khi một sự kiện thực tế làm gián đoạn giấc mơ ban ngày của bạn?
- Mơ mộng có ảnh hưởng đến thành công trong học tập hoặc nghề nghiệp của bạn không?
- Bạn thích mơ mộng hơn là tham gia các hoạt động xã hội hoặc sở thích đến mức nào?
- Khi mới thức dậy vào buổi sáng, bạn có cảm thấy muốn mơ mộng ngay lập tức không?
- Tần suất bạn mơ mộng kèm theo hoạt động thể chất như đi lại, lắc tay là bao nhiêu?
- Khi mơ mộng, bạn thấy thoải mái và thú vị đến mức nào?
- Mơ mộng của bạn có phụ thuộc vào việc nghe nhạc không?
- Điểm thấp: Cho thấy bạn có ít hoặc không gặp vấn đề với việc mộng mơ quá mức.
- Điểm cao: Nếu điểm cao, điều này có thể là dấu hiệu bạn thường xuyên mơ mộng thái quá và cần xem xét điều chỉnh để cân bằng.
Làm gì khi test ra bạn là người Overthinking?
Nếu bạn vừa hoàn thành bài test và phát hiện mình là người overthinking thì cũng đừng lo lắng. Tuy đây là một thói quen không tốt, nhưng nó hoàn toàn có thể được cải thiện với những phương pháp và thói quen lành mạnh.
1. Gặp gỡ chuyên gia tâm lý
Việc gặp gỡ chuyên gia tâm lý là một cách hữu ích để có được cái nhìn chính xác hơn về tình trạng của bản thân. Chuyên gia sẽ lắng nghe, phân tích và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp, từ đó hiểu rõ hơn về nguồn gốc của overthinking. Với liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), trò chuyện trị liệu thì mọi cách suy nghĩ và phản ứng với các tình huống gây căng thẳng dần được thay đổi.
Không chỉ dừng lại ở việc chẩn đoán, chuyên gia tâm lý còn có thể hướng dẫn học hỏi kỹ thuật trị liệu để thực hành hàng ngày nhằm giảm bớt suy nghĩ quá mức. Chẳng hạn, chuyên gia sẽ dạy cách thở sâu, thực hành mindfulness (chánh niệm) và đặt ra mục tiêu thực tế để tập trung vào hiện tại và giải tỏa tâm trí khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
2. Ngồi thiền
Ngồi thiền được biết đến là phương pháp hiệu quả để xoa dịu tâm trí và giảm thiểu overthinking. Thiền giúp một người trở nên tĩnh tâm hơn để thoát khỏi suy nghĩ liên tục bằng cách tập trung vào hiện tại. Chỉ cần 10 – 15 phút mỗi ngày, việc ngồi thiền có thể cải thiện rõ rệt khả năng kiểm soát cảm xúc, khiến tâm trí suy nghĩ sáng suốt hơn và ít bị cuốn vào những lo âu vô cớ.
Duy trì thói quen thiền không khó, chỉ cần kiên trì thực hành bắt đầu từ những buổi thiền ngắn, sau đó tăng dần thời gian. Hãy chọn một không gian yên tĩnh và cố gắng thiền vào cùng một khung giờ mỗi ngày để biến nó thành thói quen lâu dài.
3. Hòa mình vào thiên nhiên
Thiên nhiên luôn mang đến “sức mạnh” kỳ diệu để xoa dịu tâm hồn và cải thiện sức khỏe tinh thần cho con người. Việc dành thời gian đi dạo trong công viên, ngắm nhìn cây cối, nghe tiếng chim hót có thể giúp cơ thể được thư giãn. Ngoài không gian yên bình, nó còn giúp não bộ hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.
Hãy thử dành thời gian ra ngoài hòa mình với thiên nhiên bằng một chuyến dã ngoại, một buổi đi bộ ngắn để tận hưởng sự bình yên. Không khí trong lành và cảnh quan tự nhiên sẽ giúp tâm trí được thư giãn nhiều hơn và làm dịu cảm xúc bất ổn để dễ dàng tập trung vào những điều tích cực hơn.
4. Tham gia hoạt động giải trí
Giải trí cũng là cách hiệu quả để giúp cá nhân thoát khỏi việc bị overthinking Khi bạn tham gia vào các hoạt động vui chơi, bộ não sẽ chuyển sự tập trung từ các lo âu sang niềm vui, qua đó giảm bớt gánh nặng tâm trí. Những hoạt động như xem phim, nghe nhạc, tham gia các trò chơi đều giúp cải thiện tinh thần cực kỳ hữu ích.
Nếu thường xuyên suy nghĩ quá nhiều, hãy cân nhắc tham gia vào những hoạt động giải trí tích cực như thể thao, hội họa cũng như bất kỳ sở thích nào phù hợp. Chúng không chỉ giúp bản thân cảm thấy vui vẻ hơn mà còn tạm thời quên đi những lo lắng không cần thiết để kết nối lại với chính mình.
5. Tìm kiếm những điều tích cực
Thay vì để suy nghĩ tiêu cực chi phối, hãy cố gắng tìm kiếm và ghi nhận những điều tốt đẹp xung quanh mình, Những điều tích cực đó có thể là một lời khen từ người khác, một thành tựu cá nhân hay đơn giản chỉ là cảm giác vui vẻ khi hoàn thành bất kỳ công việc nào đó.
Ngoài ra, những điều tích cực có thể tiềm ẩn trong những mối quan hệ, sở thích cá nhân, hay thậm chí là những khoảnh khắc bình yên. Chỉ cần tập trung vào chúng, bạn sẽ dần xây dựng thói quen suy nghĩ lạc quan với cảm giác hạnh phúc và biết ơn.
Đừng để overthinking ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bản thân, hãy tìm cách giải quyết vấn đề ngay từ bây giờ với những bài test overthinking dễ dàng tại nhà. Một tâm trí bình tĩnh, thoải mái sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn một cách dễ dàng hơn.
Các bài test overthinking là công cụ hỗ trợ để cá nhân nhận diện và đánh giá tình trạng của mình. Tuy nhiên, chúng không thay thế được chẩn đoán y tế chính thức. Tạp chí tâm lý học xin MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM đối với việc sử dụng thông tin từ các bài test để thay thế cho sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu overthinking, hãy tìm đến chuyên gia y tế để được hỗ trợ đầy đủ và chính xác.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn suy nghĩ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
- Suy nghĩ quá nhiều có phải là bệnh? Phân tích ảnh hưởng đến sức khỏe
- 5 bài test kiểm tra mức độ Stress nhanh chóng chính xác
Các nguồn tham khảo:
- https://www.discussingpsychology.com/quizzes/maladaptive-daydreaming-test/
- https://www.verywellmind.com/how-to-know-when-youre-overthinking-5077069
- soyte.namdinh.gov.vn,…..
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!