Phân biệt giữa rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn
Rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn có nhiều biểu hiện tương đồng. Tuy nhiên, cầu toàn là đặc điểm tính cách trong khi đó rối loạn ám ảnh hoàn hảo là vấn đề tâm lý cần phải điều trị. Thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn đọc biết cách phân biệt hai vấn đề này.
Cách phân biệt chứng rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn
Rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn đều có đặc điểm chung là yêu thích, theo đuổi sự hoàn hảo cả về bản thân và những khía cạnh của cuộc sống. Biểu hiện thường gặp nhất của người cầu toàn và ám ảnh sự hoàn hảo là luôn nỗ lực trong học tập, công việc, đạt nhiều thành tích và đặc biệt là có thói quen sạch sẽ, ngăn nắp.
Tuy nhiên, cầu toàn là đặc điểm tính cách hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là rối loạn tâm lý cần phải được điều trị. Chính vì vậy, việc phân biệt hai vấn đề này rất được quan tâm. Hiểu rõ rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn sẽ giúp bạn đọc nhận biết sớm những dấu hiệu bất thường của bản thân và can thiệp thăm khám, điều trị kịp thời.
Để phân biệt hai vấn đề này, bạn có thể dựa vào một số khía cạnh sau:
1. Phân biệt thông qua khái niệm
Cầu toàn là tính cách thường gặp ở những người thành công và đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Người cầu toàn luôn đặt ra mục tiêu trước khi thực hiện bất cứ kế hoạch nào và luôn nghiêm khắc với bản thân trong mọi hoàn cảnh. Sự kỳ vọng và mục tiêu của người có tính cách cầu toàn thường tương xứng với hoàn cảnh.
Khi đối diện với thất bại và sai lầm, người cầu toàn vẫn có tâm lý chung là buồn bã và thất vọng. Tuy nhiên, những cảm xúc này sẽ được dần thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Sau đó, họ sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần và tiếp tục học tập, làm việc để đạt được những mục tiêu mới.
Ngược lại, rối loạn ám ảnh hoàn hảo hay cầu toàn kiểu rối loạn thần kinh là vấn đề về tâm lý. Đặc điểm chung của người mắc chứng bệnh này là hướng đến sự hoàn hảo tuyệt đối cả về năng lực, ngoại hình, sức khỏe của bản thân, nhà cửa và các vật dụng luôn trong trạng thái sạch sẽ, ngăn nắp và hoàn hảo nhất. Tình trạng ám ảnh về sự hoàn hảo ở bệnh nhân luôn ở mức cực đoan, thái quá và các mục tiêu đặt ra có khi vượt qua mức so với năng lực, hoàn cảnh.
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh hoàn hảo luôn đau khổ, dằn vặt, muộn phiền, căng thẳng khi nghĩ đến hoặc phải đối diện với sự sai lầm, thất bại. Nỗi sợ này khiến bệnh nhân nỗ lực để đạt được thành tựu. Người bệnh luôn tự ti và chê trách bản thân vì những nhược điểm, hạn chế – thậm chí là những khuyết điểm rất nhỏ như răng mọc lệch, giọng nói không truyền cảm, tóc bạc, nếp nhăn,…
Xét về mức độ, người mắc chứng rối loạn ám ảnh hoàn hảo thường có triệu chứng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với người có tính cầu toàn. Tuy nhiên, tính cách cầu toàn là một trong những yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.
2. Phân biệt rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn qua biểu hiện
Biểu hiện của rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn có nhiều điểm tương tự. Tuy nhiên, người cầu toàn có biểu hiện hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh, năng lực và tiêu chuẩn của xã hội. Trong khi đó, người mắc chứng ám ảnh hoàn hảo theo đuổi sự hoàn hảo một cách thái quá, thậm chí là mù quáng.
Những biểu hiện thường thấy ở người cầu toàn:
- Khao khát đạt được thành công và nhận được sự kỳ vọng, khen ngợi cho từ những người xung quanh.
- Nỗ lực học tập, làm việc để đạt được mục tiêu đề ra.
- Dễ bị căng thẳng, phiền muộn khi bản thân mắc phải sai lầm và thất bại. Tuy nhiên tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện sau một thời gian nhất định.
- Luôn đặt ra mục tiêu cao và nghiêm khắc với bản thân. Mục tiêu có thể cao hơn so với dự tính của nhiều người nhưng khá tương xứng với năng lực của bản thân và hoàn cảnh thực tế.
- Năng động, hoạt bát và tích cực trong công việc. Người cầu toàn thường là những người dẫn đầu và có khả năng lãnh đạo tốt.
- Ít khi hài lòng về bản thân và luôn nỗ lực để hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày.
- Người cầu toàn cũng là người có thói quen sạch sẽ, chú ý đến ngoại hình, đồ vật được sắp xếp ngay ngắn và gọn gàng.
Biểu hiện của người bị rối loạn ám ảnh hoàn hảo:
- Ám ảnh quá mức về sự hoàn hảo như cảm thấy khó chịu, bức bối, thậm chí là tức giận khi vật dụng bị thay đổi vị trí, nhà cửa bừa bộn, nhiều bụi bẩn, quần áo không sạch sẽ và nhăn nhúm.
- Người bị rối loạn ám ảnh hoàn hảo thường nỗ lực quá mức trong học tập, làm việc để bản thân đạt được nhiều thành tích. Tuy nhiên, người bệnh phải đối mặt với sự đau khổ, căng thẳng, dằn vặt quá mức khi phải trải qua thất bại.
- Khác với người cầu toàn, người bị rối loạn ám ảnh hoàn hảo luôn có nỗi sợ về việc bản thân mắc phải sai lầm và thất bại. Sự sợ hãi này khiến người bệnh rất ít khi cảm thấy thoải mái, thư giãn, ngược lại tâm trạng luôn rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên nhìn bề ngoài, người bệnh vẫn cười nói, vui vẻ để tạo vỏ bọc hoàn hảo cho bản thân.
- Người mắc chứng rối loạn ám ảnh hoàn hảo cố gắng xây dựng cuộc sống hoàn hảo nhất có thể từ học tập, công việc, nhà cửa, các mối quan hệ, tài chính và sức khỏe. Sự ám ảnh này tạo ra áp lực đè nặng lên người bệnh nhưng bản thân không thể gạt bỏ suy nghĩ ám ảnh về việc phải sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống một cách hoàn hảo nhất.
- Bệnh nhân thường dằn vặt, chê trách và lên án những nhược điểm, hạn chế của bản thân. Thậm chí, một số bệnh nhân thường xuyên nghĩ về sai lầm trong quá khứ và luôn dằn vặt, mặc cảm tội lỗi.
- Sự ám ảnh thái quá khiến bệnh nhân dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu, chứng nghi bệnh, rối loạn khiếm khuyết cơ thể.
Bề ngoài của người bị rối loạn ám ảnh hoàn hảo là vỏ bọc viên mãn, hạnh phúc nhưng sâu bên trong, người bệnh luôn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, phiền muộn, dằn vặt, tuyệt vọng và bi quan. Một số bệnh nhân có thể nhận thấy sự vô lý trong suy nghĩ của bản thân nhưng không thể nào gạt bỏ được.
3. Phân biệt qua ảnh hưởng, biến chứng
Tính cầu toàn ít khi ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống. Thậm chí, tính cách này còn thúc đẩy bản thân nỗ lực hơn khi học tập, làm việc và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Vấn đề người có tính cầu toàn cần phải cải thiện là không nên quá nghiêm khắc với bản thân, tránh tâm lý tuyệt vọng khi không đạt được kỳ vọng và học cách cân bằng mọi thứ.
Thực tế cho thấy, người có tính cầu toàn thường đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống và được mọi người công nhận, tán thưởng. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ trở nên thoải mái hơn khi bạn biết cách cân bằng và không nên nhạy cảm quá mức với lời phê bình từ những người xung quanh.
Ngược lại, người mắc chứng rối loạn ám ảnh hoàn hảo phải đối mặt với nhiều vấn đề. Bệnh nhân xây dựng nhiều mối quan hệ để tạo lập cuộc sống hoàn hảo nhưng không hề có bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào ngoại trừ gia đình. Người mắc chứng bệnh này gần như không chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ thật của bản thân với những người xung quanh.
Với tâm lý căng thẳng, dằn vặt, đau khổ và tuyệt vọng, người bị rối loạn ám ảnh hoàn hảo dễ phát triển chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, chứng nghi bệnh và nhiều vấn đề tâm lý khác. Thậm chí, một số bệnh nhân còn thể tự sát để giải thoát bản thân bởi sự ám ảnh thái quá về việc phải xây dựng cuộc sống hoàn hảo.
Rối loạn ám ảnh hoàn hảo và cầu toàn có biểu hiện khá giống nhau nhưng hoàn toàn khác nhau về đặc điểm, ảnh hưởng và hệ lụy đối với cuộc sống. Nếu nhận thấy bản thân luôn đặt ra mục tiêu quá cao, thường trực nỗi sợ về sự thất bại, nhạy cảm thái quá với những lời phê bình, chê trách, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (mặc cảm ngoại hình) là gì?
- Ám ảnh sợ quá khứ: Dấu hiệu và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!