Rối loạn nhân cách tránh né: Biểu hiện và liệu pháp điều trị

Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) là một dạng rối loạn nhân cách khá phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh là 2.5% dân số Hoa Kỳ. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh khá cao nhưng những hiểu biết về bệnh lý này rất hạn chế. Điều này khiến cho nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời và phải đối mặt với các biến chứng nặng nề.

rối loạn nhân cách né tránh
Rối loạn nhân cách né tránh (AVPD) được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm C

Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) là gì?

Rối loạn nhân cách tránh né (Avoidant Personality Disorder – AVPD) là một dạng rối loạn nhân cách. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, dạng nhân cách này được xếp vào rối loạn nhân cách nhóm C bên cạnh rối loạn nhân cách phụ thuộc và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế.

Thuật ngữ rối loạn nhân cách né tránh (AVPD) đề cập đến một hình thái nhân cách mà bệnh nhân có xu hướng né tránh các tình huống xã hội – đặc biệt là những tình huống có khả năng bị từ chối, đánh giá và phê bình. Biểu hiện của bệnh khá giống với rối loạn lo âu xã hội nhưng mức độ nhẹ hơn.

Dù vậy, rối loạn nhân cách né tránh vẫn phải điều trị để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và ngăn chặn kịp thời các vấn đề tâm thần nghiêm trọng hơn. Bởi việc né tránh một số tình huống xã hội khiến cho bệnh nhân rơi vào trạng thái căng thẳng và đau khổ dai dẳng.

Theo khảo sát, có khoảng 2.4% dân số Mỹ mắc phải chứng rối loạn nhân cách né tránh với tỷ lệ ngang nhau ở cả nam và nữ giới. Giống như các rối loạn nhân cách khác, triệu chứng của rối loạn nhân cách né tránh bắt đầu từ giai đoạn thơ ấu và trở nên rõ ràng hơn trong giai đoạn thanh thiếu niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành.

Rối loạn nhân cách tránh né thường xảy ra đồng thời với nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có thể mắc phải các rối loạn nhân cách khác như rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách phụ thuộc.

Biểu hiện của rối loạn nhân cách né tránh

Các chuyên gia cho rằng, các triệu chứng của AVPD có thể đã bắt đầu xuất hiện từ thời thơ ấu. Đến giai đoạn thanh thiếu hoặc đầu giai đoạn trưởng thành, các triệu chứng mới trở nên rõ rệt. Nếu không thật sự chú ý, rối loạn nhân cách né tránh có thể bị nhầm lẫn với các tính cách thiếu tự tin và nhút nhát.

Đặc điểm rõ ràng nhất của rối loạn nhân cách né tránh là nỗi sợ bị từ chối, phê bình, chỉ trích dẫn đến hành vi né tránh một số tình huống xã hội. Bản thân người mắc chứng bệnh này có thể không phát hiện sự bất thường của chính mình. Do đó, những người xung quanh cần chú ý để giúp bệnh nhân có cơ hội thăm khám và điều trị kịp thời.

rối loạn nhân cách né tránh là gì
Người bị rối loạn nhân cách né tránh thường tránh tham gia các tình huống xã hội mà bản thân có thể bị từ chối, chỉ trích

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách tránh né (AVPD):

  • Quá nhạy cảm với những lời bình phẩm, chỉ trích, từ chối hoặc phản đối.
  • Do tính cách dễ bị tổn thương và nhạy cảm quá mức khi bị từ chối nên bệnh nhân thường tránh các tình huống mà bản thân có khả năng sẽ bị chỉ trích, đánh giá (bày tỏ quan điểm, bắt chuyện hoặc chủ động mời người khác,…).
  • Bệnh nhân hầu như chỉ chủ động trong những tình huống mà chắc chắn bản thân sẽ được chấp nhận và yêu thích (chủ yếu là những mối quan hệ thân thiết như gia đình, bạn bè, một số người đồng nghiệp thân thiết,…).
  • Khi phải tham gia các tình huống xã hội, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái căng thẳng và sợ hãi.
  • Do nỗi sợ bị từ chối và chỉ trích nên người bệnh thường chọn các công việc không yêu cầu quá cao. Đồng thời không có mong muốn được thăng chức hay khẳng định bản thân. Một số người còn từ chối thăng chức vì lo sợ những người xung quanh chỉ trích bản thân.
  • Bệnh nhân thường rơi vào trạng thái lúng túng, nhút nhát và bất an khi bị đặt vào những tình huống mà bản thân có thể làm sai hoặc bị từ chối, chỉ trích.
  • Luôn lo lắng và phóng đại về những rủi ro tiềm ẩn trong các tình huống xã hội (bị từ chối, chỉ trích, bẽ mặt,…)
  • Sống trong vùng an toàn và rất hiếm khi thử bất cứ điều gì mới mẻ.
  • Tự nhận thức bản thân kém cỏi, yếu đuối và thua kém so với những người khác.
  • Người bệnh không thật sự thư giãn, thoải mái và gần như không có niềm vui trong công việc hay các hoạt động xã hội bởi sự lo lắng và nỗi sợ quá lớn chi phối.
  • Cố gắng làm hài lòng mọi người bằng cách nhận lời giúp đỡ và không phản biện quan điểm/ suy nghĩ của người khác. Nhìn chung, người bị rối loạn nhân cách né tránh luôn hạn chế xung đột trong tất cả các mối quan hệ.
  • Không dám thân thiết với người khác vì lo sợ người khác sẽ đánh giá bản thân. Tuy nhiên, bản thân người bệnh vẫn có nhu cầu tình cảm và mong muốn có các mối quan hệ thân thiết. Điều này khác hẳn với rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách dạng phân liệt.
  • Do lo sợ bản thân sẽ làm sai và bị chỉ trích nên người bệnh cố ý tránh né những tình huống phải đưa ra quyết định.
  • Khi bị chỉ trích và từ chối, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng và đau khổ. Về lâu dài, người bệnh có thể tự cô lập bản thân, đồng thời né tránh hầu hết các tình huống xã hội không cần thiết.
  • Thiếu quyết đoán, lòng tự trọng thấp, tự ti và nhút nhát.

Với đặc điểm tính cách như trên, những người bị rối loạn nhân cách né tránh gần như không thể thành công trong cuộc sống – mặc dù có thể họ là người có năng lực. Tuy nhiên, vì lo sợ bị chỉ trích nên người bệnh thường từ chối nhiều cơ hội trong công việc và không muốn cạnh tranh với bất cứ ai.

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách né tránh (AVPD)

Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, nguyên nhân gây rối loạn nhân cách né tránh vẫn chưa được biết rõ. Các chuyên gia tin rằng, đặc điểm tính cách là kết quả của nhiều yếu tố tác động như di truyền, yếu tố gia đình và các sự kiện diễn ra trong cuộc sống.

Một số yếu tố được xác định có liên quan đến rối loạn nhân cách né tránh bao gồm:

  • Di truyền: Người bị rối loạn nhân cách né tránh thường có người thân trong gia đình mắc chứng bệnh này hoặc các rối loạn nhân cách khác. Ngoài ra, nguy cơ mắc chứng AVPD cũng có thể gia tăng nếu gia đình bị rối loạn lo âu xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ,…
  • Yếu tố gia đình: Các chuyên gia cho rằng, trẻ có thể hình thành tính cách giống với những người thân trong gia đình. Nếu chung sống với người bị rối loạn nhân cách né tránh hoặc rối loạn lo âu xã hội, trẻ lớn lên sẽ có nguy cơ phát triển các hình thái nhân cách bất thường. Thực tế cho thấy, có khá nhiều trường hợp không cùng huyết thống nhưng vẫn bị AVPD nếu chung sống với người mắc chứng bệnh này.
  • Trải nghiệm tiêu cực: Rối loạn nhân cách né tránh có thể phát triển từ những trải nghiệm tiêu cực như từng bị tẩy chay, bị từ chối, thường xuyên bị ba mẹ la mắng và đánh giá thấp về năng lực. Những sự việc này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến trẻ hình thành tính cách nhút nhát, tự ti, lòng tự trọng thấp và nhạy cảm quá mức với những lời chỉ trích, đánh giá từ người khác.
  • Mắc các vấn đề tâm thần: Nguy cơ phát triển rối loạn nhân cách né tránh sẽ gia tăng đáng kể đối với người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách phụ thuộc. Đây cũng là lý do đa phần những trường hợp bị rối loạn nhân cách né tránh đều mắc đồng thời với các bệnh tâm lý, tâm thần khác.

Nhìn chung, các yếu tố gây ra rối loạn nhân cách né tránh khá tương đồng với những dạng rối loạn nhân cách khác. Tuy nhiên, với người bị AVPD, các chuyên gia nhận thấy vai trò rõ rệt của trải nghiệm tiêu cực và yếu tố di truyền.

Ảnh hưởng của chứng rối loạn nhân cách tránh né

Tất cả các rối loạn nhân cách đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở một mức độ nào đó. Với rối loạn nhân cách tránh né (AVPD), bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những hạn chế trong việc giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ. Người có dạng nhân cách này tin rằng bản thân không có năng lực giao tiếp và nhạy cảm quá mức với những lời chỉ trích, do đó bệnh nhân thường sẽ có rất ít các mối quan hệ thân thiết (thường là các mối quan hệ từ khi còn đi học).

rối loạn nhân cách né tránh là gì
Bệnh nhân có thể tự cô lập bản thân và phát triển chứng rối loạn lo âu xã hội nếu không được điều trị

Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ có xu hướng cô lập xã hội dẫn đến phát triển chứng rối loạn lo âu xã hội. Bên cạnh đó, sự căng thẳng, đau khổ và tổn thương khi bị từ chối cũng gia tăng nguy cơ trầm cảm. Nhiều bệnh nhân có xu hướng lạm dụng rượu bia và tìm đến chất kích thích để giải tỏa tâm trạng. Tuy nhiên, những thói quen này sẽ khiến cho cả sức khỏe thể chất và tâm thần của người bệnh suy giảm nghiêm trọng.

Ngoài những ảnh hưởng trên, bệnh nhân bị rối loạn nhân cách tránh né cũng khó có thể thành công trong cuộc sống. Tính cách nhút nhát, tự ti và lòng tự trọng thấp khiến người bệnh bỏ lỡ nhiều cơ hội để khẳng định bản thân. Bệnh nhân cũng thường lựa chọn các công việc không tương xứng với năng lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng mà không gặp phải sai sót.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách tránh né

Hiện tại, rối loạn nhân cách tránh né đã công nhận là một rối loạn nhân cách chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Các bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định và loại trừ một số vấn đề có biểu hiện tương tự.

Nhân cách chỉ phát triển hoàn thiện khi đủ 18 tuổi. Do đó, rối loạn nhân cách tránh né và các rối loạn nhân cách khác sẽ chỉ được chẩn đoán cho người từ 18 tuổi trở lên. Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) sẽ được chẩn đoán nếu bệnh nhân có hành vi né tránh các tình huống xã hội và nhạy cảm, dễ tổn thương với những lời chỉ trích. Đồng thời phải đáp ứng được ít nhất 4 tiêu chí sau đây:

  • Né tránh các hoạt động trong công việc vì sợ người khác từ chối, chỉ trích hoặc phê bình.
  • Dè dặt trong các mối quan hệ và hầu như không thân thiết, gần gũi với người khác bị sợ bị bẽ mặt, chế giễu.
  • Bệnh nhân chỉ tham gia các tình huống xã hội nếu biết chắc chắn bản thân sẽ được đồng ý/ yêu thích.
  • Bận tâm quá mức về việc bị chỉ trích, đánh giá trong các tình huống xã hội.
  • Cảm thấy căng thẳng, lo lắng cực độ và lúng túng khi phải tham gia các tình huống xã hội.
  • Lòng tự trọng thấp (cho rằng bản thân có năng lực và ngoại hình thua kém người khác)
  • Miễn cưỡng tham gia các hoạt động, tình huống có thể bị xấu hổ hoặc từ chối.

Các triệu chứng của rối loạn nhân cách tránh né phải xuất hiện ở giai đoạn đầu của thời kỳ trưởng thành. Nếu xuất hiện muộn hơn, bác sĩ sẽ xem xét những khả năng khác có thể xảy ra. Bác sĩ cũng sẽ sử dụng tiêu chí trong DSM-5 để phân biệt AVPD với rối loạn ám ảnh sợ xã hội và rối loạn nhân cách phân liệt.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách tránh né

Hiện tại, các chuyên gia/ bác sĩ chưa tìm ra phương pháp tối ưu cho rối loạn nhân cách tránh né (AVPD). Tuy nhiên, việc can thiệp điều trị có thể giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Dù vậy, một số người bệnh gần như không có cải thiện rõ rệt sau khi can thiệp tất cả các phương pháp.

Các phương pháp điều trị được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn nhân cách tránh né:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý luôn là lựa chọn đầu tay cho bệnh nhân rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách tránh né nói riêng. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức trò chuyện nhằm thay đổi suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của người bệnh. Trước khi đưa ra hướng can thiệp, chuyên gia sẽ trò chuyện để đánh giá tâm lý cũng như tính cách của bệnh nhân.

rối loạn nhân cách né tránh là gì
Trị liệu tâm lý được đánh giá là phương pháp khả quan nhất đối với chứng rối loạn nhân cách né tránh

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách tránh né:

  • Liệu pháp tâm động học
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
  • Liệu pháp giản đồ

Mục tiêu chung của các liệu pháp tâm lý là giúp bệnh nhân kiểm soát sự lo lắng, nỗi sợ và sự nhạy cảm quá mức với những lời đánh giá, chỉ trích, lời từ chối,… Bên cạnh đó, liệu pháp này cũng giúp người bệnh cải thiện kỹ năng giao tiếp và tự tin hơn trong các tình huống xã hội. Nếu rối loạn nhân cách tránh né có liên quan đến trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, chuyên gia sẽ tìm hiểu sự xung đột tâm lý và giúp bệnh nhân giải tỏa những trải nghiệm tiêu cực này.

Ngoài trị liệu cá nhân, bệnh nhân cũng có thể trị liệu theo nhóm để học cách giao tiếp và chủ động hơn trong các tình huống xã hội. Trị liệu tâm lý cho người bị rối loạn nhân cách tránh né không hề đơn giản. Trên thực tế, chuyên gia gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh nhân tỏ ra dè dặt và thiếu cởi mở trong quá trình trị liệu.

2. Sử dụng thuốc

Đa số bệnh nhân bị rối loạn nhân cách tránh né đều né tránh việc điều trị. Trong thời gian đầu, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái căng thẳng và đau khổ cực độ. Do đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số loại thuốc để cải thiện tâm trạng như:

  • Thuốc ức chế serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Thuốc an thần nhóm benzodiazepin
  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs)

Sử dụng thuốc chỉ giúp giảm tình trạng đau khổ, căng thẳng tạm thời. Gốc rễ của những cảm xúc tiêu cực này chính là nỗi sợ quá mức về việc bị chỉ trích, đánh giá và hành vi né tránh các tình huống xã hội. Chính vì vậy, tâm lý trị liệu vẫn là phương pháp chính đối với bệnh nhân rối loạn nhân cách tránh né và thuốc chỉ được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ.

3. Các biện pháp tự cải thiện

Người bị rối loạn nhân cách tránh né hầu như không nhận ra sự bất thường của bản thân và luôn né tránh việc điều trị. Do đó, rất ít bệnh nhân chủ động thực hiện các biện pháp tự cải thiện. Để quá trình điều trị mang lại hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của bác sĩ rất cần sự hỗ trợ của gia đình và chính bệnh nhân.

Các biện pháp tự cải thiện dành cho bệnh nhân rối loạn nhân cách tránh né:

  • Chăm sóc sức khỏe thể chất và nâng đỡ tinh thần bằng lối sống lành mạnh. Tránh xa những thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất kích thích và tránh lạm dụng thuốc.
  • Tìm cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng bằng những biện pháp đơn giản như tập yoga, hít thở sâu, uống trà thảo mộc, ngồi thiền,…
  • Kiên trì trong quá trình trị liệu và cởi mở hơn với chuyên gia tâm lý.
  • Ghi chép lại những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, nên ghi chú những thay đổi mà bản thân cảm nhận được để chuyên gia tâm lý có hướng trị liệu phù hợp.
  • Tham gia hội nhóm của những người bị rối loạn nhân cách tránh né. Khi tiếp xúc với những người gặp phải tình trạng tương tự, người bệnh sẽ thoải mái hơn khi giao tiếp và có thêm kinh nghiệm để vượt qua chứng bệnh này.

Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) là một dạng rối loạn nhân cách khá phổ biến nhưng chưa được quan tâm nhiều. Nếu nghi ngờ người thân và bạn bè mắc chứng bệnh này, bạn nên khuyến khích họ thăm khám sớm. Bởi can thiệp điều trị kịp thời là giải pháp duy nhất có thể cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *