Cảm giác tội lỗi: Biểu hiện và cách vượt qua
Cảm giác tội lỗi, buồn bã, ủ rũ, tuyệt vọng là những cảm xúc mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần trải qua. Cho dù cảm giác này không xuất phát từ mong muốn của bạn nhưng nếu không biết cách kiểm soát và loại bỏ nó nhanh chóng thì bạn chính là người phải đối diện với những tác hại nghiêm trọng mà nó gây ra.
Cảm giác tội lỗi là gì?
Cảm giác tội lỗi là một loại cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện sau khi bản thân gây ra một điều sai trái nào đó hoặc đơn giản là luôn day dứt về những lỗi lầm đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây được xem là một trong các loại cảm xúc vô cùng phức tạp được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Có những người sẽ luôn dằn vặt, tự trách bản thân và cảm thấy buồn bã, ủ rũ nhưng có trường hợp trở nên phẫn uất, cáu giận, kích động một cách dữ dội.
Những người có cảm giác tội lỗi thường sẽ không đề cao giá trị của bản thân mình, thậm chí họ luôn tự ti, xem mình là gánh nặng, là sự cản trở của mọi người xung quanh. Chính vì thế họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, e ngại và bế tắc khiến cho bản thân không thể giữ được sự bình tĩnh mà dễ trở nên nóng giận.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì tội lỗi được xem như một loại cảm xúc đạo đức, xã hội làm cho mọi người có xu hướng xấu hổ, e ngại hoặc thậm chí là liên tục phủ nhận về những lỗi lầm của bản thân. Đây được xem như một sự tự trừng phạt bản thân khi làm một điều gì đó không đúng đắn, sai trái.
Cảm giác này thường không hình thành bởi duy nhất một sự kiện nào đó mà nó chính là vết thương lòng của mỗi chúng ta. Đôi khi bản thân không làm điều gì sai trái nhưng cảm giác có lỗi sẽ thôi thúc bạn suy nghĩ về những điều gì đó chưa đúng đắn, chưa phù hợp hoặc sự xấu hổ, sỉ nhục khi đã từng mắc phải những sai lầm.
Trong kết quả của nhiều cuộc khoa học nhận thấy rằng, những người có cảm giác tội lỗi thường tự cảm thấy bản thân vô dụng, nhỏ bé và học có xu hướng không muốn tiếp xúc, giao tiếp hay tâm sự với bất kì người nào khác. Cảm giác tội lỗi có thể kéo dài từ ngày này qua ngày khác, thậm chí là suốt đời nếu chúng ta áp đặt nó vào sâu bên trong nội tâm của chính mình. Nếu không được kiểm soát và khắc phục tốt thì cảm giác tiêu cực này có thể gây nên nhiều tác hại tiêu cực đối với sức khỏe, cuộc sống hoặc thậm chí làm phát triển các bệnh lý tâm thần nguy hiểm, phổ biến nhất là trầm cảm.
Vì sao xuất hiện cảm giác tội lỗi?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cảm giác tội lỗi. Thông thường là xuất phát từ việc bản thân đã gây ra một lỗi lầm nào đó và cảm thấy hổ thẹn, xấu hổ, ngại ngùng trước những lời nói, hành vi sai trái của mình đã từng gây ra. Cảm xúc tội lỗi thường sẽ xuất hiện khi một người hiểu và nhận biết được những sai lầm của bản thân và thấy hối hận về điều đó.
Cụ thể một số nguyên nhân có thể gây ra cảm giác tội lỗi như:
- Do sợ hãi và lo lắng: Cảm giác tội lỗi thường không xuất hiện ngay sau khi xảy ra một sự kiện, tình huống mà thường sẽ hình thành sau đó một thời gian. Chúng ta thường sẽ bắt đầu nghĩ về những điều mà bản thân đã làm và tự đặt ra câu hỏi cho các sự cố đó. Sự lo lắng quá mức có thể khiến chúng ta không thể tiếp tục kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình, dễ có những suy nghĩ lệch lạc và hình thành cảm giác tội lỗi, bi quan.
- Do sự mất mát quá lớn: Nhiều người có thể cảm thấy tội lỗi, tự dằn vặt bản thân sau khi một người thân qua đời, sau chia tay người yêu,…Đây thực sự là một sự mất mát lớn đối với nhiều người và họ không thể chấp nhận được sự thật, cảm thấy ân hận và cho rằng mọi sự mất mát đó điều xuất phát từ bản thân.
- Tính cách cá nhân: Cảm giác tội lỗi thường sẽ dễ hình thành ở những người có tính cách nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin. Do không quá tin tưởng vào bản thân của mình nên họ sẽ luôn ở trong trạng thái lo lắng, sợ hãi về tất cả những hành vi, lời nói của bản thân. Họ luôn sợ sai trong tất cả mọi tình huống về dễ cảm thấy có lỗi với mọi người xung quanh dù đó có thực sự là sai lầm của họ hay không.
Trong thực tế, cảm giác tội lỗi có thể hình thành vào bất cứ lúc nào, nó có thể xuất phát từ những nguyên nhân chính đáng nhưng cũng đôi lúc tồn tại phi lý do những suy nghĩ sai lệch của bản thân. Nếu bạn phạm phải một sai lầm nào đó, các hành vi của bạn không phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, quy tắc chung thì bạn hoàn toàn có thể cảm thấy tội lỗi và day dứt về điều đó.
Tuy nhiên, cũng có một vài người cảm thấy tội lỗi do chính nhận thức của chính mình. Họ có xu hướng thổi phồng mọi việc lên và khiến cho bản thân phải liên tục vật lộn với những suy nghĩ hỗn độn, những điều tiêu cực. Nếu không biết cách kiểm soát nhận thức của chính mình bạn sẽ liên tục phải đối diện với những cảm xúc tội lỗi, bi quan.
Thường xuyên có cảm giác tội lỗi – Dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm
Việc bạn có cảm giác tội lỗi khi mắc phải một sai lầm gì đó là điều hoàn toàn bình thường. Chẳng hạn như bạn vô tình làm rơi cà phê lên quần áo của một người đồng nghiệp thì việc bạn cảm giác có lỗi sẽ xuất hiện nhưng cũng nhanh chóng được tan biến sau khi bạn xin lỗi và nhận được sự tha thứ của họ. Tuy nhiên, nếu cảm giác này cứ mãi tồn tại và gây nên nhiều ảnh hưởng, cản trở đối với đời sống hàng ngày thì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề tâm lý nguy hiểm nào đó, thường thấy nhất đó chính là trầm cảm.
Cảm giác tội lỗi cũng chính là một trong các biểu hiện đặc trưng thường gặp nhất của những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm. Họ luôn có xu hướng cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và từ dằn vặt chính bản thân. Những người mắc phải chứng rối loạn tâm thần này thường sẽ luôn mặc cảm, họ tự ti về bản thân, cho rằng mình là người vô dụng và lo sợ về mọi thứ xung quanh. Theo đó họ sẽ luôn nghi ngờ về khả năng của mình và lo sợ bản thân sẽ trở thành gánh nặng, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Ngược lại, những người luôn tồn tại cảm giác có lỗi và liên tục kéo dài trong một khoảng thời gian sẽ có nguy cơ cao phát triển chứng trầm cảm hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Trong kết quả nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, những người có xu hướng luôn nhận lỗi hoặc thường xuyên cảm thấy có lỗi với người khác sẽ có khoảng cách liên kết SCSR và thùy thái dương lớn hơn so với thông thường, sức khỏe tâm thần không được ổn định.
Tác hại của cảm giác tội lỗi
Trong thực tế, cảm giác tội lỗi không quá đáng sợ, đôi khi nó cũng chính là điều kiện tốt để bạn có thể tự nhận ra những lỗi lầm của mình và tìm cách để khắc phục, sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, nếu bạn phải liên tục đối diện và chịu đựng chúng trong một khoảng thời gian dài dai dẳng thì nó có thể gây nên rất nhiều hệ lụy và tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, cảm giác này cũng có thể làm cản trở đến cuộc sống, khiến bạn không thể tự tin và thoải mái làm những điều mà bản thân mong muốn.
Theo nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy rằng, nếu cảm giác tội lỗi không được kiểm soát và cứ kéo dài thì sẽ gây ra nhiều sự bất cảm về mặt thể chất. Bạn có thể phải đối mặt với những triệu chứng như căng thẳng, mệt mỏi, đau nửa đầu, đau thắt dạ dày từng cơn, buồn nôn, choáng váng, chóng mặt, cảm giác khó chịu, cảm lạnh, bứt rứt. Bên cạnh đó, cảm giác tội lỗi cũng có thể trở thành yếu tố làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý thực thể.
Bên cạnh đó, nếu cứ mãi tồn tại cảm giác tội lỗi, bạn sẽ mãi đắm chìm vào những suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống và chắc hẳn không thể nào cảm nhận được trọn vẹn sự hạnh phúc và những niềm vui sướng trong cuộc sống. Ngoài ra, cảm xúc này cũng chính là thủ phạm dần mài mòn đi sự tự tin của bản thân, đánh mất lòng tự trọng của chính mình.
Cảm giác tiêu cực này cũng có thể làm thay đổi hành vi của bạn, khiến bạn trở thành một người nhút nhát, e dè và sợ sệt mọi thứ xung quanh. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, công việc, các mối quan hệ xã hội của mỗi người.
Đặc biệt hơn, nếu cảm giác tội lỗi được hình thành từ một sự kiện tồi tệ từng xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như sống sót sau một vụ tai nạn thương tâm thì tác hại của nó càng trở nên mạnh mẽ và đáng sợ hơn. Người còn sống sót ở lại sẽ phải gánh chịu sự mất mát to lớn và cảm giác tội lỗi sẽ bao trùm lấy tâm trí của họ. Họ có thể nghĩ rằng mình không xứng đáng để sống, mình phải là người hi sinh.
Cảm giác tội lỗi sẽ dần chiếm lấy tâm trí của họ và khiến họ rơi xuống đáy vực sâu của sự đau khổ, tuyệt vọng. Có người vì không tự giải tỏa được cảm giác tiêu cực của mình nên thường xuyên tìm đến bia rượu, các chất độc hại như một cách để thả lỏng bản thân. Nhiều người còn có xu hướng tự trừng phạt bản thân vì những “tội lỗi” của mình. Họ có thể tự đánh chính mình, cắt cổ tay, đập đầu, hành hạ bản thân không thương tiếc, thậm chí là tự tử vì không thể nào chịu đựng được cảm giác tồi tệ này.
Làm sao để vượt qua cảm giác tội lỗi?
Cảm giác tội lỗi cứ kéo dài dai dẳng sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe lẫn cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, rất may mắn vì cảm giác tiêu cực này hoàn toàn có thể được loại bỏ bởi nhiều cách khác nhau. Nếu đang loay hoay với những cảm xúc tiêu cực, tội lỗi của mình thì bạn hãy thử áp dụng các cách sau đây để dần thoát ra được những sự bi quan, mặc cảm.
1. Thừa nhận lỗi lầm của bản thân
Mục đích chính của cảm giác tội lỗi là giúp bạn xác định được cảm giác sai lầm của mình và rút ra được bài học quý báu từ đó. Tuy nhiên, cũng có một số người cố gắng tìm cách né tránh, không suy nghĩ hoặc thậm chí là phớt lờ về tội lỗi của mình. Nhiều người cho rằng việc bỏ qua sai lầm là cách tốt nhất để có thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi. Tuy nhiên, càng cố gắng che giấu và từ chối thì càng khiến bạn mãi không thể thoát ra được sự dằn vặt, xấu hổ.
Chính vì thế, bước đầu tiên mà bạn cần phải làm để có thể vượt qua được cảm giác tội lỗi đó chính là đối diện và thừa nhận nó. Hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian yên tĩnh để có thể ngẫm nghĩ về những điều đã xảy ra. Hoặc bạn cũng có thể ghi chép lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình về sai lầm đó, viết ra những điều có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Thay vì cứ mãi phán xét hoặc chạy trốn khỏi cảm giác tội lỗi thì bạn hãy bắt đầu suy nghĩ tháo đáo hơn về nó. Tìm cách để bản thân có thể chấp nhận những sai lầm của mình, thừa nhận và biết cách xin lỗi, sửa chữa lỗi lầm. Nếu có thể sống thật với cảm xúc của bản thân, bạn sẽ dễ dàng vượt qua được những cảm xúc khiến bạn khó chịu, bất lực nhất.
2. Nói lời xin lỗi và sửa chữa sai lầm
Một lời xin lỗi tuy không thể khiến cho lỗi lầm của bạn biến mất nhưng nó có thể xoa dịu đi những tổn thương và dễ dàng nhận được sự tha thứ của những người xung quanh và cả chính bản thân bạn. Một lời xin lỗi chân thành cũng là sự thể hiện tốt nhất về cảm giác hối hận, ăn năn và biết rõ về những sai lầm của mình.
Đôi khi những sự mất mát, những điều đang xảy ra hoàn toàn không phải do sai lầm của bạn. Tuy nhiên, nếu cảm thấy có lỗi, hãy cứ nói xin lỗi, xin lỗi với chính bản thân mình. Cảm giác tội lỗi có thể cứ mãi bám lấy bạn vì bạn cho rằng bản thân đáng phải gánh chịu nỗi đau này. Hãy đối xử nhẹ nhàng hơn với chính mình, học cách tha thứ và chân thành sửa chữa những lỗi lầm.
Nếu cảm giác tội lỗi xuất hiện từ những nguyên nhân chính đáng thì bạn cũng enen dần loại bỏ nó bằng những hành động thiết thực. Hãy cố gắng khắc phục và sửa đổi những lỗi lầm mà mình đã gây ra, càng sớm càng tốt. Đôi khi những tội lỗi không được giải quyết và sửa chữa sớm sẽ khiến cho tâm lý của bạn không thể nào buông bỏ sự tiêu cực, khiến bạn không thể tiếp tục làm bất cứ điều gì.
3. Rút ra bài học từ sai lầm
Không phải bất kì tình huống hay sai lầm nào cũng có thể sửa chữa và khắc phục tốt. Đôi khi bạn phải trả giá cho những lỗi sai của mình và phải biết cách rút ra kinh nghiệm, bài học quý báu từ đó. Để bản thân thôi không dằn vặt và đau khổ vì những điều đã xảy ra trong quá khứ thì bạn cần phải chỉ ra được những điểm chưa tốt và có được hướng đi mới đúng đắn hơn cho bản thân mình.
Trước khi rời quá khứ, bạn cần phải trả lời các câu hỏi sau đây:
- Điều gì khiến bạn phạm phải sai lầm?
- Bạn đã từng gặp phải lỗi sai tương tự?
- Bạn sẽ làm gì để thay đổi bản thân?
- Bạn nhận thấy bản thân cần sửa đổi ở điểm nào?
4. Tự tạo động lực cho bản thân
Không ai là hoàn hảo và mỗi chúng ta không thể tránh khỏi những lúc phạm phải sai lầm. Việc gây ra một lỗi lầm không thể khiến bạn biến thành một người xấu. Đặc biệt những người có cảm giác tội lỗi cũng chính là người biết được những điều chưa tốt ở bản thân, họ hiểu rõ về những điều sai trái mà mình đã gây nên.
Những người thường xuyên có cảm giác tội lỗi sẽ rất khắt khe với bản thân mình, họ có xu hướng chỉ trích một cách gay gắt và thậm chí khó tha thứ cho những gì mình đã làm ra. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, sai lầm là điều không thể tránh khỏi và việc bạn cần phải làm hiện tại đó chính là khắc phục lỗi sai thay vì cứ mãi buồn chán, tuyệt vọng.
Hãy tự nhắc nhở bản thân về những giá trị mà mình đang có, thúc đẩy sự tự tin và xem xét, đánh giá mọi việc một cách khách quan, tích cực hơn. Tự tạo động lực cho bản thân bằng cách tham gia vào các hoạt động lành mạnh, tạo thêm cho bản thân những sở thích, niềm vui mới trong cuộc sống.
5. Trò chuyện và chia sẻ với người bạn tin tưởng
Bạn có thể gặp phải nhiều khó khăn trong việc nói ra những sai lầm và cảm giác tội lỗi của mình với những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu cứ che giấu và vật lộn với nó sẽ càng khiến bạn trở nên mệt mỏi, bế tắc. Chính vì thế hãy chủ động trò chuyện và chia sẻ cảm giác này với những ai mà bạn cảm thấy tin tưởng nhất.
Việc nói ra những cảm xúc tiêu cực, khó chịu trong lòng sẽ giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng và có được sự thoải mái, dễ chịu nhất định. Những người bạn, gia đình chính là chỗ dựa tốt nhất để giúp bạn có thể trút hết nỗi lòng của mình. Đồng thời, họ cũng có thể dành cho bạn nhiều lời động viên, chia sẻ về những kinh nghiệm mà họ đã từng trải qua để giúp bạn dần thoát khỏi cảm giác tội lỗi của mình.
6. Nhờ sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý
Cảm giác tội lỗi thông thường có thể dễ dàng loại bỏ sau vài ngày hoặc sau khi sửa chữa được lỗi lầm. Tuy nhiên, có những loại cảm giác tội lỗi lại kéo dài dai dẳng và không thể nào thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, những sự dằn xé trong tâm hồn. Thông thường, các trường hợp này đều là do sự xâm nhập mãnh liệt của suy nghĩ, sự phiền muộn kéo dài dai dẳng hoặc đã từng gặp phải chấn thương tâm lý nghiêm trọng trong quá khứ.
Lâu dần, cảm giác tội lỗi sẽ càng xâm lấn vào trong tiềm thức của mỗi người bà gây nên những ảnh hưởng to lớn đối với sức khỏe và cuộc sống của họ. Nó có thể khiến nhiều người dần trở nên suy kiệt, hao mòn về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, làm rạn nứt các mối quan hệ và khiến cho chất lượng cuộc sống dần trở nên tồi tệ.
Lúc này bạn cần tìm kiếm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý, họ là những người có chuyên môn, có kinh nghiệm và sẽ giúp bạn tháo gỡ được những khúc mắc, buồn phiền trong lòng. Việc được trò chuyện cùng với chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra cảm giác tội lỗi, từ đó có thể khắc phục và tháo gỡ nút thắt tâm lý này.
Đồng thời, nhà trị liệu cũng sẽ giúp cho bạn cân bằng tốt trạng thái tâm lý, xây dựng những kỹ năng cần thiết để ứng phó hiệu quả đối với vấn đề khó khăn, cản trở xảy ra trong cuộc sống. Nhờ đó mà cảm giác tội lỗi dần được loại bỏ và hạn chế được tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra.
Chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm, việc phạm lỗi sẽ giúp ta rút ra được nhiều bài học quý để có thể trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Những sai lầm dù lớn hay nhỏ cũng có thể mang đến cho ta cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và tự trách bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng đó chính là bản thân cần biết nhận ra lỗi lầm và cố gắng sửa đổi, hoàn thiện hơn.
Tham khảo thêm:
- Chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia): cản trở gì khi giao tiếp
- Vượt Qua Cảm Giác Bị Quê Trước Mặt Bạn Bè
- Lười biếng xã hội (Social Loafing) là gì? Ảnh hưởng thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!