7 Điều nên làm khi có cảm giác bản thân vô dụng, vô giá trị
Khi nhìn thấy bạn bè, những người thân bên cạnh có những sự nghiệp vẻ vang, đạt được những thành tựu và vị trí đáng ngưỡng mộ trong cuộc sống và khi nhìn lại chính mình, nhiều người không khỏi xuất hiện cảm giác vô dụng về bản thân. Đây được xem như một phản ứng tâm lý bình thường và phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên, nếu nó cứ liên tục kéo dài và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống thì nhiều khả năng đó là dấu hiệu của một bệnh lý tâm thần nào đó.
Cảm giác bản thân vô dụng xuất phát từ đâu?
Trong cuộc sống, chắc hẳn sẽ có những thời điểm bạn đã cảm thấy chênh vênh và không thể tìm ra được giá trị của chính bản thân mình. Bạn trở nên mơ hồ về ý nghĩa cuộc sống, về mục đích tồn tại của bản thân và về những điều mà mình đã đem lại cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các cảm giác nhất thời và bình thường của mỗi con người. Bạn hoàn toàn có thể nhanh chóng vượt qua nó và tiếp tục những ước mơ, hoài bão của mình.
Tuy nhiên, cảm giác bản thân vô dụng cũng đem lại những sự buồn phiền và tổn thương nhất định cho mỗi con người. Đây là một loại cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta cảm thấy bản thân trở nên tầm thường hoặc đáng bị xem thường. Lúc này bạn sẽ tự dằn vặt bản thân, tự trách móc chính mình và cho rằng mình đang là gánh nặng của mọi người xung quanh.
Thông thường, cảm giác bản thân vô dụng, vô giá trị thường sẽ kèm theo sự thiếu tự tin vào năng lực của chính mình. Nhiều người dần thu mình lại và không dám tiếp xúc, giao tiếp với bất kì ai vì họ lo sợ sẽ bị người khác cười nhạo, khinh khi. Điều này gây nên những áp lực to lớn về mặt tinh thần khiến con người dần trở nên bé nhỏ hơn.
Vậy làm sao để có thể thoát khỏi cảm giác tồi tệ này? Trước tiên bạn cần biết rõ vì sao bản thân lại cảm thấy vô dụng và vô giá trị. Xác định chính xác về nguyên nhân sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tìm ra giải pháp. Cụ thể một số lý do có thể khiến bạn cảm thấy bản thân vô dụng như:
1. Sự phê bình, chỉ trích
Trong thực tế, chẳng ai muốn nghe người khác phê bình về bản thân và việc phải lắng nghe những điều này đôi khi khiến họ trở nên tiêu cực, hình thành hàng loạt các cảm giác bi quan, chán ghét chính mình. Đặc biệt là nếu như những lời chỉ trích này thường xuyên xảy ra hoặc đã liên tục xuất hiện trong quá khứ thì nó chính là một sự ám ảnh khiến nhiều người nghĩ rằng mình thực sự là kẻ vô dụng, không có giá trị.
Ví dụ như, lúc nhỏ do muốn con cố gắng học tập, hi vọng con sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai nên có nhiều bố mẹ liên tục la rầy, phê bình khi con làm sai cũng có thể khiến con cảm thấy mình kém cỏi, cho rằng bản thân thực sự không có năng lực và vô dụng. Hoặc cũng có nhiều bậc bố mẹ độc hại thường xuyên sử dụng những lời nói chửi mắng nhằm hạ nhục giá trị và nhân phẩm của trẻ nhỏ. Chẳng hạn như “Con chẳng thể làm được việc gì tốt”, “Con chính là gánh nặng của gia đình”, “Việc đơn giản thế này cũng chẳng làm được”,…
Khi liên tục đối diện với những lời chỉ trích, phê bình thậm tệ từ chính người thân hoặc kể cả những bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên sẽ khiến cho một người bắt đầu hoài nghi về năng lực thực sự của mình. Họ sẽ dần chìm vào những lời nói tiêu cực đó và tự cho mình là kẻ vô dụng, là người không có giá trị và trở nên đau khổ, tuyệt vọng đến cùng cực.
2. Từng bị chấn thương khi còn bé
Có thể bạn đã từng phải trải qua những sự kiện tổn thương nghiêm trọng từ thời thơ ấu và nó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng cho đến hiện nay. Việc từng bị bỏ rơi, bạo hành, lạm dụng tình dục, ngược đãi khi còn bé có thể là yếu tố góp phần lớn để hình thành nên cảm giác vô dụng của bản thân. Một đứa trẻ từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục sẽ luôn cảm thấy tự ti và xấu hổ về chính mình. Nếu không nhận được sự quan tâm, bảo vệ tốt từ gia đình và toàn xã hội sẽ khiến cho trẻ dần phát triển nên những cảm xúc tiêu cực, trong đó cảm giác vô giá trị được biểu hiện rõ ràng nhất.
Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, những tổn thương tâm lý được hình thành giữa các cá nhân ban đầu có thể là tiền đề và yếu tố thúc đẩy sự hình thành của cảm giác vô dụng trong tương lai. Trong thực tế, hầu hết những người có cảm giác này chia sẻ rằng họ đã từng có những quá khứ không được tốt đẹp và bản thân họ cảm thấy tự ti, xấu hổ về điều đó, họ nghĩ rằng bản thân không thể đem đến bất kì giá trị nào cho những người bên cạnh.
3. Tính cách nhút nhát, thiếu tự tin, lòng tự trọng thấp
Cảm giác bản thân vô dụng cũng có thể xuất phát từ tính cách của mỗi con người. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì những người có tính cách nhút nhát, rụt rè, tự ti và có lòng tự trọng thấp sẽ dễ hình thành nên cảm giác tiêu cực này. Cũng bởi, họ dễ bị tác động từ những yếu tố bên ngoài, chỉ cần một sự thất bại nhỏ trong cuộc sống cũng khiến họ bắt đầu nghi ngờ và dò xét về khả năng của bản thân và cho rằng mình chính là kẻ tồi tệ, là người vô dụng.
Không chỉ thế, những người tự ti, nhút nhát còn không dám công nhận vào chính năng lực của bản thân mình. Họ luôn tự nhận mình là kẻ kém cỏi, luôn chấp nhận đứng phía sau người khác và sợ sệt khi bắt đầu làm điều gì đó. Những người này dù có năng lực tốt nhưng vẫn không thể phát huy và tự bản thân họ cũng chấp nhận đánh mất những cơ hội quý giá để có thể gặt hái được những thành công trong cuộc sống.
4. Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure)
Áp lực đồng trang lứa là lý do lớn nhất khiến cho nhiều người cảm thấy bản thân mình vô dụng, vô giá trị. Đặc biệt là trong xã hội công nghệ phát triển ngày nay, chỉ cần vài phút lướt facebook, instagram cũng đủ khiến bạn bị choáng ngợp bởi hàng loạt các status sang chảnh của hội bạn. Trong khi bạn bè bằng tuổi đã có sự nghiệp ổn định, có gia đình, có nhà cửa, xe cộ và chăm lo tốt cho bố mẹ mà bản thân vẫn chưa có gì trong tay sẽ khiến bạn cảm thấy mình thật sự là kẻ vô dụng, bất tài.
Biết rằng mỗi người sẽ có những năng lực, hoàn cảnh riêng nhưng khi thấy bạn bè xung quanh đều có được sự nghiệp tốt thì bản thân ai cũng sẽ cảm thấy chạnh lòng, nghĩ rằng do mình là kẻ vô dụng nên mới không thể có được những điều mà người khác đang sở hữu. Áp lực đồng tiền ngày càng lớn, khiến cho thế hệ trẻ dần phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn, điều này khiến họ dần bị suy kiệt về cả mặt tinh thần lẫn thể chất.
5. Thiếu kỹ năng
Thiếu hụt kỹ năng cũng chính là một trong các lý do khiến nhiều người cảm thấy mình trở thành kẻ vô dụng, kém cỏi. Ví dụ như bạn không có kỹ năng để xử lý căng thẳng, điều này khiến bạn dễ chìm sâu vào trong những cảm xúc tiêu cực và dần trở nên thua kém so với những người khác.
Trong cuộc sống, bạn không thể nào tránh khỏi những lúc khó khăn, những lần vấp ngã, thất bại và nếu bạn không có kỹ năng để đối phó với nó, vượt qua những sự căng thẳng, đau khổ và tuyệt vọng thì bạn sẽ dần rơi vào trạng thái bế tắt, suy nghĩ tiêu cực về chính mình. Bạn có thể cảm thấy mình vô cùng vô dụng sau khi trải qua một thất bại nào đó, chẳng hạn như thất nghiệp, ly hôn, phá sản, rớt đại học,…
6. Cảm giác vô dụng có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần
Cảm giác bản thân vô dụng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một vấn đề sức khỏe tâm thần và phổ biến nhất chính là chứng trầm cảm. Người bệnh trầm cảm thường được đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, tội lỗi, luôn cho rằng bản thân là người kém cỏi, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Chính vì thế mà người bệnh có xu hướng thu mình, ngại giao tiếp, không muốn trò chuyện, tiếp xúc với bất kì ai và tự tạo khoảng cách, tách biệt với xã hội.
Nếu cảm giác vô dụng của bạn liên tục kéo dài và có kèm theo các biểu hiện nêu trên, bạn cảm thấy không còn hứng thú với bất kì hoạt động nào trong đời sống thì có nhiều khả năng bạn đang mắc phải căn bệnh trầm cảm. Tốt nhất bạn nên tìm gặp chuyên gia để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể về tình trạng sức khỏe tâm thần, từ đó có được biện pháp khắc phục phù hợp nhất.
Nên làm gì để thoát khỏi cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân?
Cảm giác vô dụng, vô giá trị về bản thân là một trạng thái vô cùng tồi tệ khiến bạn dần nghi ngờ về chính năng lực của mình, không còn đủ sự tự tin để thực hiện bất kì điều gì. Đây được xem là một phản ứng tâm lý bình thường và hầu hết ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu cảm giác này liên tục kéo dài cũng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, làm giảm đi động lực để bạn có thể phấn đấu và nỗ lực cho tương lai.
Nếu bạn đang trải qua cảm giác cho rằng bản thân vô dụng thì các mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn thoát ra được trạng thái tiêu cực này:
1. Tìm kiếm và liệt kê những điều khiến bạn cảm thấy bản thân vô dụng
Để có thể đánh bại được cảm giác vô dụng về bản thân thì điều đầu tiên mà bạn cần làm đó chính là xác định được cụ thể về nguyên nhân và các yếu tố khiến bạn hình thành nên cảm xúc tồi tệ này. Nó thể đến từ những lý do nêu trên hoặc xuất hiện một cách bất chợt bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài hoặc do chính những suy nghĩ tiêu cực, bi quan từ trong chính bản thân bạn.
Hãy bắt đầu ngồi xuống và suy nghĩ về những thứ mà bạn chưa thực sự hài lòng về chính mình, nó có thể là ngoại hình, về kỹ năng giao tiếp, về sự nghiệp, tài chính, tình yêu hay bất kì vấn đề nào đó xoay quanh cuộc sống. Bạn cứ thoải mái liệt kê chúng ra và sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng để có thể từng bước giải quyết và khắc phục từng yếu tố.
2. Hãy tự đối thoại với bản thân
Những người thường xuyên có cảm giác vô dụng và vô giá trị về bản thân thường sẽ tự độc thoại với chính bản thân mình thay vì nói ra điều đó. Họ tự đưa ra những lập luận và lý lẽ để tự nhấn chìm bản thân. Thậm chí còn có nhiều người tự sử dụng những lời nói chửi bới, chê trách, chỉ trích đối với chính mình.
Sẽ rất khó khăn trong việc điều chỉnh lối suy nghĩ trong tâm trí, nhưng hãy bắt đầu từng bước một với việc tự độc thoại với bản thân và dần khoan dung với chính mình hơn. Mỗi khi các suy nghĩ tiêu cực dần xuất hiện trong đầu, bạn hãy từ từ thay đổi nó bằng những lời nói tích cực hơn. Hãy tự động viên bản thân bằng những lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe. Tốt nhất bạn hãy liệt kê sẵn một loạt câu nói mang tính động viên, khích lệ để có thể sử dụng ngay khi các suy nghĩ vô dụng dần xâm chiếm lấy tâm trí.
Ví dụ như khi bạn thi trượt đại học và bạn vô cùng thất vọng về điều đó, bạn cho rằng bản thân thực sự bất tài, vô dụng và luôn bị dằn vặt về điều này. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, đại học không phải là con đường duy nhất để bạn có thể gặt hái được thành công trong tương lai. Bạn có thể tìm kiếm một ngôi trường khác với chỉ tiêu thấp hơn phù hợp với năng lực hiện tại hoặc có thể vạch ra một con đường mới đúng với sở trường của bạn. Dù bạn làm bất kể công việc gì, bắt đầu ở những vị trí nào, chỉ cần bạn có sự nỗ lực và kiên trì thì chắc chắn sẽ đạt được những thành công nhất định.
3. Chia sẻ với người mà bạn tin cậy
Thay vì cứ phải chịu đựng và che giấu cảm xúc tồi tệ này một mình thì bạn hãy thử bày tỏ nó với những người mà bạn thực sự tin tưởng. Việc có thể nói ra được những khó khăn, trở ngại và những lo lắng của bản thân sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Đồng thời, những người thân bên cạnh cũng có thể dành cho bạn những lời khuyên hữu ích. Họ có thể sáng suốt hơn để nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng khách quan và cho bạn những hướng giải pháp hữu hiệu.
Đồng thời, bạn cũng nên loại bỏ và hạn chế với những mối quan hệ độc hại. Trong thực tế, những sự tổn thương tinh thần thường đến từ những người thân thiết mà bạn đặt nhiều sự yêu thương, quý trọng. Tuy nhiên, nếu họ chính là yếu tố khiến bạn trở nên mặc cảm hơn về bản thân mình hoặc thậm chí họ luôn dành những lời cay độc, đay nghiến để chà đạp bạn thì bạn cũng đừng ngần ngại để chấm dứt ngay các mối quan hệ tồi tệ này.
4. Giúp đỡ một ai đó
Cảm giác vô dụng và vô giá trị có thể xuất phát từ việc bản thân nhận thấy chính mình không có đóng góp gì cho gia đình và xã hội. Để có thể thoát khỏi trạng thái này, bạn hãy bắt đầu làm những điều tốt đẹp cho những người bên cạnh, giúp đỡ một ai đó mà không cần họ phải hồi đáp. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải làm những thứ lớn lao, vĩ đại. Đơn giản chỉ cần là giúp đỡ một cụ già qua đường, gửi một ít tiền hay thức ăn cho người ăn xin hoặc bạn có thể đăng kí tham gia các chương trình thiện nguyện để chung tay giúp đỡ những cảnh đời khó khăn.
Việc có thể giúp đỡ cho những người xung quanh và nhận được những lời cảm ơn, những nụ cười hạnh phúc cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống, cảm thấy bản thân có những đóng góp nho nhỏ trong xã hội và dần vơi đi cảm giác vô dụng. Thậm chí đây cũng là cách để bạn cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc khi “cho đi” và đôi lúc nó giúp bạn tìm ra mục tiêu sống thực sự của chính mình.
5. Ngừng so sánh
Cách tốt nhất để bạn có thể thoát ra khỏi cảm giác vô dụng và kém cỏi về bản thân là hãy ngừng so sánh chính mình với bất kì ai. Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, bạn và tôi có những sở trường và năng lực khác nhau. Chính vì thế, đừng cứ mãi chạy đua với những thành tích, những sự thành công mà người khác đang đạt được để chôn vùi ý chí của bản thân. Nhìn nhận những kết quả vượt trội của người khác cũng là một trong các cách để giúp bạn có thêm nhiều động lực để phấn đấu. Tuy nhiên, đừng đem điều đó ra để tự tạo áp lực cho chính mình và tự hạ thấp tài năng của bản thân.
Thay vì cứ mãi so sánh với những gì người khác có được thì bạn hãy dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào những gì mà bản thân đang có được và cố gắng phát huy nó. Có thể người khác thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhưng bạn lại là người thiên về nghệ thuật. Không ai là hoàn hảo và cũng không có ai giỏi về tất cả mọi mặt. Do đó, đừng nhìn vào ưu điểm của người khác để tự hạ thấp các khuyết điểm của bản thân mình.
6. Trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng
Học hỏi và trao dồi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức là một trong những điều nên làm để bạn có thể tránh khỏi những cảm xúc tồi tệ, mau chóng vượt qua được sự mặc cảm của bản thân. Khi bạn không có được những kỹ năng cần thiết (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng xử lý căng thẳng,….) và những kiến thức về lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi thì việc cảm thấy vô giá trị là điều dễ hiểu.
Do đó, để có được thành công nhất định trong các ngành nghề và lĩnh vực nào đó, bạn cần phải có sự đầu tư về chất xám và luôn trao dồi cho mình những kỹ năng mềm. Đôi khi việc chỉ biết về chuyên môn vẫn chưa thực sự đủ để bạn gặt hái được những thành tựu tốt trong bất kì ngành nghề nào. Học hỏi là điều chưa bao giờ là muộn và dư thừa đối với bất kì ai. Khi bạn có được những kỹ năng và kiến thức vững chắc thì bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn về năng lực của chính mình.
7. Tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý
Trong một vài trường hợp, cảm giác cho rằng bản thân vô dụng, bất tài không chỉ là trạng thái tạm thời mà nó có thể kéo dài dai dẳng và là cảnh báo của một vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm nào đó. Chính vì thế, nếu bạn liên tục xuất hiện cảm giác này và không thể khống chế, khắc phục được nó thì bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ tốt hơn.
Đối với các trường hợp xuất phát từ trầm cảm sẽ được cân nhắc áp dụng các liệu pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức và hành vi (CBT), luyện tập chánh niệm để có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ, nhận thực và các hành vi sai lệch về giá trị của bản thân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định sử dụng kết hợp cùng với một số loại thuốc chống trầm cảm để có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống.
Cảm thấy bản thân vô dụng, vô giá trị có thể xuất hiện ở bất kì ai và hầu hết chúng ta cũng sẽ trải qua nó ít nhất một lần trong cuộc đời. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn đọc có thể tìm ra giải pháp riêng cho mình để có thể mau chóng thoát khỏi trạng thái tiêu cực này để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao trong cuộc sống.
Tham khảm thêm:
- Người hay khóc một mình là yếu đuối hay mắc bệnh đáng lo?
- 10 Tác hại của cô đơn đến cuộc sống có thể làm bạn bất ngờ
- 10 Cách vượt qua cú sốc tâm lý dễ dàng giúp lấy lại cuộc sống
Bản thân tôi từ lúc ra đời đi làm đến giờ cảm giác như là người thiếu hiểu biết không có chứng kiến lúc nào cũng lo sợ nói chuyện không đâu vào đâu nhiều khi tự suy nghĩ bản thân sống trên đời này có ý nghĩa gì nữa
Cảm giác tồi tệ nhất là người bạn đời của bạn khinh khi bạn coi bạn không ra gì trong lúc bạn đang mất phương hướng trong cuộc sống
Tôi chẳng biết mình sinh ra để được hạnh phúc hay không nữa, khi mà mọi thứ đối với tôi thật sự rất tệ. Có lẽ tôi đã chọn sai con đường của mình rồi, tôi đi theo con đường của tôi thì cha mẹ khổ còn đi theo con đường của cha mẹ thì tôi và gia đình đều khổ. Áp lực đồng tiền đã phá đi toàn bộ hoài bão ước mơ của tôi để bây giờ tôi phải đi vào con đường mà bản thân tôi rất ghét. Cuộc đời của tôi là 1 vở kịch hài, khi nào tôi trả được nợ đời thì vở kịch của cuộc đời cũng sẽ kết thúc.