Rối loạn tâm thần: Nguyên nhân, biểu hiện và chữa trị

Rối loạn tâm thần là một dạng bệnh tâm thần thường gặp có liên quan đến những suy nghĩ và nhận thức lệch lạc về thực tế. Chứng bệnh này được đặc trưng bởi hai triệu chứng đó là ảo tưởng và ảo giác. 

Rối Loạn Tâm Thần
Rối loạn tâm thần có sự liên quan đến các nhận thức, suy nghĩ sai lệch về cuộc sống

Rối loạn tâm thần là gì?

Rối loạn tâm thần là một trạng thái tâm trí có sự liên quan đến việc nhầm lẫn giữa những điều không có thực và những điều có thực. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến hầu hết các giác quan, cảm xúc và hành vi của người bệnh. Khi bệnh nhân đang ở trong một giai đoạn của rối loạn tâm thần thì tâm trí của họ sẽ mất đi một số liên lạc với thế giới thực tại. Họ có thể xuất hiện các trải nghiệm đáng sợ và vô cùng khó hiểu không chỉ riêng với bản thân mà còn đối với những người bên cạnh.

Nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần

Cũng giống như các bệnh tâm thần khác, hiện nay rối loạn tâm thần vẫn chưa thể xác định được chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết rằng căn bệnh này thường sẽ khởi phát do sự kết hợp của yếu tố di truyền và các kinh nghiệm sống của mỗi đối tượng.

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm xuất hiện tình trạng rối loạn tâm thần ở một vài đối tượng như:

  • Các sự kiện gây căng thẳng quá mức hoặc stress trong khoảng thời gian kéo dài.
  • Do sử dụng chất kích thích quá nhiều. Việc lạm dụng nhiều rượu bia, ma túy cũng có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần hay còn được gọi là rối loạn tâm thần do chất gây nghiện.
  • Sự ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe thể chất như Parkinson, sa sút trí tuệ,…

Theo báo cáo từ Viện sức khỏe tâm thần quốc gia nhận thấy, hiện nay cứ khoảng 100 người thì sẽ có khoảng 3 người từng trải qua ít nhất một giai đoạn của chứng rối loạn tâm thần trong cuộc đời. Đôi lúc các trải nghiệm cực đoan trong cuộc sống có thể khiến cho một người phải đối diện với một giai đoạn rối loạn tâm thần ngắn hạn (các triệu chứng thường chỉ kéo dài trong khoảng vài ngày và không xuất hiện lại nữa).

Đối với một số trường hợp khác, rối loạn tâm thần có khả năng là một đặc điểm về tình trạng sức khỏe tâm thần. Cụ thể như rối loạn phân liệt, tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực hay còn gọi là hưng trầm cảm.

Biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần

Các triệu chứng của rối loạn tâm thần rất đa dạng nhưng ảo giác và ảo tưởng là hai triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh. Cụ thể như sau:

Rối Loạn Tâm Thần
Ảo giác và ảo tưởng là hai triệu chứng đặc trưng của tình trạng rối loạn tâm thần
  • Ảo giác: Khi người bệnh xuất hiện ảo giác có nghĩa là họ sẽ nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy, ngửi thấy hoặc nếm một thứ gì đó không có thực trong thực tế. Những gì người bệnh trải nghiệm tuy không có cơ sở cụ thể trong thực tế nhưng nó lại diễn ra rất thực đối với cá nhân bệnh nhân.
  • Ảo tưởng: Người bệnh sẽ duy trì và cố định một niềm tin vào vấn đề nào đó mà xã hội cho rằng đó không có thực hoặc hoàn toàn không tồn tại trên thực tế. Mặc dù có bằng chứng cho sự sai lầm này nhưng người bệnh vẫn luôn chấp nhận nó là đúng.

Tuy nhiên, không phải bất kì người bệnh rối loạn tâm thần nào cũng sẽ trải qua các triệu chứng giống nhau. Ngoài tình trạng ảo giác và ảo tưởng thì người bệnh cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu như sau:

  • Cơ thể chuyển động bất thường
  • Biểu hiện cảm xúc bị giảm
  • Lời nói không rõ ràng, lộn xộn.
  • Mất tập trung, không thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày.
  • Có những suy nghĩ và ý tưởng lạ thường
  • Mất dần các hứng thú đối với những hoạt động xã hội.
  • Thói quen ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, ăn uống kém.

Cách chữa trị rối loạn tâm thần hiệu quả

Hiện nay cũng có rất nhiều lựa chọn về phương pháp điều trị bệnh rối loạn tâm thần. Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh và sự đáp ứng của bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Thông thường, biện pháp trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc sẽ được ưu tiên áp dụng nhiều hơn. Hai phương pháp này cũng mang lại kết quả rất tốt đối với những người mắc bệnh rối loạn tâm thần.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp thường được ưu tiên áp dụng đối với các trường hợp mắc bệnh tâm thần, trong đó có tình trạng rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng,….Các chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện và trao đổi với thân chủ của mình để có thể hiểu được các triệu chứng của họ, đồng thời tìm hiểu về nguyên nhân gây ra bệnh. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng giúp cho thân chủ biết được các suy nghĩ, nhận định, hành vi sai trái của mình để họ có thể dần thay đổi chúng theo chiều hướng tích cực và đúng đắn hơn.

Tùy thuộc vào từng mức độ bệnh và các biểu hiện của thân chủ mà chuyên gia tâm lý sẽ cân nhắc để lựa chọn liệu pháp trị liệu phù hợp nhất. Đối với tình trạng rối loạn tâm thần thường sẽ được áp dụng các liệu pháp như liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp trị liệu theo nhóm hoặc gia đình, sử dụng liệu pháp âm thanh – hình vẽ,….

Thông qua quá trình trị liệu tâm lý, các triệu chứng của rối loạn tâm thần sẽ dần thuyên giảm một cách tự nhiên. Đồng thời chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp cho thân chủ của mình cải thiện các kỹ năng cần thiết, kiểm soát tốt cảm xúc, hành vi để dễ dàng đối mặt hơn với những khó khăn xảy ra trong cuộc sống, nhờ đó hạn chế tốt tình trạng tái phát về sau.

2. Điều trị bằng thuốc

Mặc dù hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được khẳng định về tác dụng điều trị dứt điểm tình trạng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể giúp kiểm soát và khống chế các triệu chứng của bệnh, hỗ trợ tốt cho quá trình trị liệu tâm lý.

Một số loại thuốc có thể được chỉ định sử dụng cho người bệnh rối loạn tâm thần như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống loạn thần,…Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, nhất là trong giai đoạn đầu tiên khi mới sử dụng. Vì thế người bệnh cần phải thật cẩn trọng và tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thông tin của bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về tình trạng rối loạn tâm thần. Các triệu chứng của bệnh có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu có thể sớm phát hiện và can thiệp kịp thời thì người bệnh vẫn có nhiều cơ hội để kiểm soát bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *