Chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia): cản trở gì khi giao tiếp

Chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) thường gây ra khó khăn trong giao tiếp do suy giảm hoặc mất hoàn toàn ngôn ngữ. Hội chứng này có xu hướng xảy ra đột ngột, thường liên quan đến tổn thương thực thể ở não bộ do đột quỵ, nhiễm trùng não, chấn thương sọ não hoặc u não.

chứng bất lực ngôn ngữ
Chứng bất lực ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp kéo theo rất nhiều phiền toái khác

Chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) là gì?

Chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) còn được gọi là hội chứng mất ngôn ngữ. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng suy giảm hoặc mất hoàn toàn ngôn ngữ do các tổn thương thực thể ở não bộ. Aphasia gặp chủ yếu ở người cao tuổi, thường xảy ra sau khi bị đột quỵ, chấn thương não, u não hoặc viêm não.

Aphasia là một loại rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến người bệnh theo nhiều cách khác nhau. Điều này còn tùy thuộc vào vùng não kiểm soát ngôn ngữ bị tổn thương. Nếu một trong các vùng ngôn ngữ bị tổn thương nhưng các vùng ngôn ngữ khác vẫn khỏe mạnh thì một số chức năng ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó các chức năng khác vẫn sẽ được giữ nguyên.

Những người mắc hội chứng Aphasia có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra từ, hiểu ngôn ngữ, đọc hoặc viết. Điều này gây ra nhiều phiền toái, cản trở học tập/ công việc và các mối quan hệ xã hội. Từ đó khiến cho chất lượng cuộc sống bị suy giảm một cách đáng quan ngại. Do đó việc can thiệp điều trị sớm được cho là rất cần thiết.

Các dạng bất lực ngôn ngữ và biểu hiện cụ thể

Chứng bất lực ngôn ngữ ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Trong đó, hầu hết mọi người sẽ gặp phải khó khăn trong việt biểu đạt suy nghĩ và ý tưởng của bản thân hoặc hiểu những điều họ nghe, đọc.

Trường hợp bị bất lực ngôn ngữ do chấn thương não đột ngột, chẳng hạn như chấn thương nặng ở đầu hoặc đột quỵ thì các triệu chứng thường có xu hướng phát triển ngay sau chấn thương.

Còn nếu não dần dần bị tổn thương do các vấn đề sức khỏe trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, ví dụ như khối u não hoặc chứng mất trí nhớ thì các triệu chứng có thể phát triển từ từ.

Dưới đây là biểu hiện cụ thể của các dạng bất lực ngôn ngữ thường gặp:

1. Bất lực ngôn ngữ biểu đạt

Một người nào đó mắc hội chứng bất lực ngôn ngữ biểu đạt sẽ gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý tưởng, suy nghĩ và thông điệp của họ cho người khác. Điều này có thể ảnh hưởng tới lời nói, chữ viết, cử chỉ,… Đồng thời gây ra các vấn đề trong công việc hằng ngày như viết email, sử dụng điện thoại hay nói chuyện với gia đình và bạn bè.

mất ngôn ngữ biểu đạt
Bất lực ngôn ngữ biểu đạt thường liên quan đến tổn thương não ở vùng Broca

Những người bị bất lực ngôn ngữ biểu đạt có một số dấu hiệu sau:

  • Khó xây dựng câu, giọng nói thường chậm và bị ngắt quãng
  • Rất khó khăn để hiểu một số từ nhất định, chẳng hạn như tên người, tên của đồ vật hoặc địa điểm
  • Chỉ sử dụng các danh từ và động từ cơ bản
  • Mắc lỗi chính tả hoặc lỗi ngữ pháp
  • Sử dụng một từ sai nhưng có liên quan, ví dụ như nói “bàn” thay vì nói “ghế”
  • Thường nói những từ vô nghĩa hoặc lời nói của họ không có nghĩa

2. Bất lực ngôn ngữ tiếp thu

Một người mắc chứng bất lực ngôn ngữ tiếp thu thường gặp khó khăn trong việc hiểu những gì họ nghe hoặc đọc. Ngoài ra họ cũng có thể gặp khó khăn khi giải thích hình vẽ, con số và cử chỉ.

Điều này thường ảnh hưởng tới các hoạt động hằng ngày như quản lý tài chính, trò chuyện, đọc email, nghe đài hoặc theo dõi các chương trình trên TV.

Dưới đây là một số dấu hiệu thường thấy ở những người mắc hội chứng bất lực ngôn ngữ tiếp thu:

  • Khó hiểu những gì mọi người nói
  • Khó hiểu ngôn ngữ viết
  • Hiểu sai ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, cử chỉ hoặc tranh vẽ
  • Đưa ra các câu trả lời không có ý nghĩa nếu họ hiểu sai câu hỏi
  • Không nhận thức được những khó khăn trong việc hiểu hoặc lỗi diễn đạt của chính bản thân mình

3. Bất lực ngôn ngữ tiến triển nguyên phát

Đây được cho là một dạng sa sút trí tuệ hiếm gặp, trong đó ngôn ngữ bị ảnh hưởng nặng nề. Các triệu chứng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Thông thường, vấn đề đầu tiên mà những người bị mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát nhận thấy đó là khó tìm đúng từ hoặc gặp khó khăn khi nhớ tên ai đó.

Mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát
Người bị mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát có thể dần quên đi nghĩa của từ

Các vấn đề sẽ dần trở nên tồi tệ hơn, có thể bao gồm:

  • Lời nói trở nên ngập ngừng và khó khăn, thường mắc lỗi phát âm từ hoặc ngữ pháp.
  • Nói chậm với những câu ngắn và đơn giản.
  • Quên nghĩa của những từ phức tạp, sau đó là những từ đơn giản. Điều này khiến họ trở nên khó hiểu hơn đối với người khác.
  • Lời nói trở nên mơ hồ hơn, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nói chi tiết hoặc làm rõ những gì họ đang nói.
  • Ít có khả năng tham gia hoặc bắt đầu các cuộc trò chuyện.

Ngoài các dạng bất lực ngôn ngữ thường gặp ở trên thì hội chứng Aphasia còn bao gồm nhiều dạng khác. Chẳng hạn như mất ngôn ngữ vận động xuyên vỏ, mất ngôn ngữ dẫn truyền, mất ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ, mất ngôn ngữ hỗn hợp qua vỏ não, mất ngôn ngữ định danh,…

Hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) là tình trạng suy giảm ngôn ngữ có biểu hiện đa dạng. Mức độ triệu chứng có thể khác biệt ở từng người tùy thuộc vào vị trí vùng não tổn thương. Không dễ dàng khi sống chung với hội chứng Aphasia, việc can thiệp điều trị sớm là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân gây ra hội chứng bất lực ngôn ngữ

Nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) là do tổn thương não liên quan đến đột quỵ (tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu trong não). Mất máu lên não dẫn tới tế bào thần kinh ở các khu vực kiểm soát ngôn ngữ bị chết hoặc tổn thương.

Tổn thương não do chấn thương nặng ở đầu, nhiễm trùng, khối u hoặc quá trình thoái hóa cũng có thể là nguyên nhân của chứng mất ngôn ngữ. Trong các trường hợp này, chứng mất ngôn ngữ thường xảy ra cùng với các dạng nhận thức khác. Chẳng hạn như nhầm lẫn hoặc các vấn đề về trí nhớ.

Hội chứng Aphasia sơ cấp là thuật ngữ được dùng cho tình trạng khó khăn về ngôn ngữ phát triển từ từ. Điều này thường do sự thoái hóa dần dần của các tế bào não nằm trong vùng kiểm soát ngôn ngữ. Đôi khi loại mất ngôn ngữ này sẽ tiến triển thành một chứng sa sút trí tuệ tổng quát hơn.

nguyên nhân gây bất lực ngôn ngữ
Hội chứng bất lực ngôn ngữ là một dạng rối loạn ngôn ngữ xảy ra do tổn thương thực thể của não bộ

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải các giai đoạn mất ngôn ngữ tạm thời. Đây có thể là do một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), chứng đau nửa đầu hoặc động kinh. Trong đó, TIA xảy ra khi dòng máu đến một vùng của não tạm thời bị chặn. Những người đã từng bị TIA thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn trong tương lai gần.

Chứng bất lực ngôn ngữ gây ra những cản trở gì?

Hầu hết mọi người đều biết, ngôn ngữ chính là phương tiện giao tiếp và bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Do đó, hội chứng bất lực ngôn ngữ mặc dù không đe dọa tới sức khỏe nhưng lại khiến cho người bệnh gặp phải rất nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Khó khăn trong giao tiếp có thể ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như các mối quan hệ, nghề nghiệp cũng như các chức năng hằng ngày. Những thách thức này về lâu dài còn ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Rào cản ngôn ngữ có thể dẫn tới lo âu, trầm cảm, cô lập và cách ly xã hội.

Vấn đề có thể trở nên đáng quan ngại hơn nữa khi đối tượng mắc hội chứng bất lực ngôn ngữ là trẻ em và những người trẻ tuổi. Chứng bệnh này có thể khiến cho người bệnh mất đi khả năng học tập và làm việc. Trong các trường hợp bị bất lực ngôn ngữ ở mức độ nặng thì người bệnh có thể sẽ phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.

Chẩn đoán chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia)

Chứng bất lực ngôn ngữ thường được chẩn đoán sau khi các bài kiểm tra và xét nghiệm được thực hiện. Trong đó, bài kiểm tra thường bao gồm các bài tập đơn giản, có thể là yêu cầu mọi người lặp lại các từ và câu, gọi tên các đồ vật trong phòng, đọc và viết.

Mục đích của các bài kiểm tra này là để hiểu khả năng của một người về các khía cạnh:

  • Hiểu những gì người khác nói
  • Hiểu ngữ pháp cơ bản
  • Diễn đạt các từ, cụm từ và câu
  • Giao tiếp xã hội (tham gia vào cuộc trò chuyện hoặc hiểu một câu chuyện cười)
  • Đọc và viết các chữ cái, từ và câu
chẩn đoán chứng bất lực ngôn ngữ
Kiểm tra chức năng ngôn ngữ sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán về hội chứng Aphasia

Ngoài ra, một số xét nghiệm hình ảnh cũng có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện. Chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI có thể được dùng để đánh giá tổn thương não. Từ đó xác định được căn nguyên của vấn đề và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Cách điều trị hội chứng bất lực ngôn ngữ

Phương pháp điều trị mà người bệnh nhận được sẽ phụ thuộc vào những khó khăn gặp phải với kỹ năng nói, ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội và tình trạng sức khỏe chung. Liệu pháp ngôn ngữ được cho là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong điều trị hội chứng bất lực ngôn ngữ:

1. Liệu pháp ngôn ngữ

Liệu pháp ngôn ngữ là phương pháp điều trị được khuyến nghị cho hội chứng bất lực ngôn ngữ. Phương pháp này sẽ được thực hiện bởi một nhà trị liệu ngôn ngữ. Người bệnh thường sẽ được yêu cầu nhập viện để được hỗ trợ tốt nhất.

Đối với những người mắc hội chứng Aphasia, liệu pháp ngôn ngữ và lời nói sẽ nhàm vào các mục đích:

  • Khôi phục càng nhiều khả năng nói và ngôn ngữ càng tốt
  • Giúp người bệnh giao tiếp hết khả năng của mình
  • Tìm các cách giao tiếp thay thế
  • Cung cấp thông tin cho cả người bệnh và người thân về hội chứng Aphasia

Tùy thuộc vào mức độ bệnh cùng các vấn đề liên quan khác mà liệu pháp sẽ được thực hiện với các cách thức khác nhau trong từng trường hợp cụ thể. Một số người có thể được khuyến nghị một khóa học chuyên sâu về trị liệu ngôn ngữ.

Tuy nhiên, liệu pháp ngôn ngữ và lời nói có thể gây mệt mỏi. Do đó, một quá trình điều trị chuyên sâu có thể sẽ không phù hợp với tất cả mọi người. Thay vào đó, một số người sẽ được cung cấp các khóa học ngắn hơn và ít chuyên sâu hơn. Trị liệu có thể theo hình thức cá nhân, theo nhóm hoặc sử dụng các công nghệ như chương trình hay ứng dụng máy tính.

Đối với nhiều người mắc chứng bất lực ngôn ngữ do đột quỵ thì những thay đổi nhanh nhất sẽ được thấy rõ trong những tuần đầu hoặc vài tháng sau khi họ bị đột quỵ. Tuy nhiên những cái thiện có thể tiếp tục được nhìn thấy rõ rệt trong nhiều năm sau đó.

2. Kỹ thuật nói và trị liệu ngôn ngữ

Các kỹ thuật cụ thể sẽ được sử dụng để nhanh chóng đạt được mục đích điều trị. Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc hiểu các từ thì nhà trị liệu có thể yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ như nối từ với hình ảnh hay sắp xếp các từ theo nghĩa của chúng. Từ đó giúp người bệnh cải thiện khả năng ghi nhớ ý nghĩa của từ và sự liên kết với các từ khác.

điều trị chứng mất ngôn ngữ
Liệu pháp ngôn ngữ là lựa chọn ưu tiên trong điều trị hội chứng bất lực ngôn ngữ

Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc diễn đạt thì nhà trị liệu có thể yêu cầu thực hành đặt tên cho các bức tranh. Hoặc đánh giá xem liệu một số từ có vần điệu hay không. Ngoài ra, nhà trị liệu cũng có thể yêu cầu người bệnh lặp lại những từ họ nói, kèm theo đó là lời nhắc nếu cần.

Trường hợp người bệnh có thể hoàn thành nhiệm vụ với những từ đơn lẻ thì nhà trị liệu sẽ bắt đầu phát huy khả năng xây dựng câu cho người bệnh. Một số kỹ thuật có thể liên quan tới làm việc với máy tính.

Ngoài ra, các phương pháp các có thể bao gồm trị liệu nhóm với những người mắc hội chứng Aphasia khác hoặc làm việc với các thành viên trong gia đình. Điều này sẽ cho phép người bệnh thực hành các kỹ năng đàm thoại hoặc diễn tập các tình huống thông thường, ví dụ như gọi điện thoại.

3. Các phương pháp giao tiếp thay thế

Các phương pháp giao tiếp thay thế được cho là một phần của liệu pháp ngôn ngữ. Nó bao gồm việc tìm ra những cách khác nhau để giúp người mắc hội chứng Aphasia giao tiếp hiệu quả hơn.

Chuyên gia trị liệu sẽ giúp người bệnh phát triển các lựa chọn thay thế cho việc nói chuyện. Chẳng hạn như viết, vẽ, sử dụng cử chỉ hoặc biểu đồ giao tiếp. Biểu đồ giao tiếp chính là một mạng lưới chứa các chữ cái, từ hoặc hình ảnh. Chúng sẽ cho phép người mắc chứng Aphasia giao tiếp bằng cách chỉ tay vào từ hoặc chữ cái để diễn tả những gì họ muốn nói.

Đối với một số người, các thiết bị điện tử được thiết kế đặc biệt, ví dụ như thiết bị tạo giọng nói có thể hữu ích. Thiết bị này sử dụng giọng nói do máy tính tạo ra để truyền tải nội dung của tin nhắn. Điều này rất hữu ích với những người bệnh gặp khó khăn khi nói nhưng có thể viết hoặc đánh máy.

Mẹo giao tiếp tốt với người mắc chứng bất lực ngôn ngữ

Sống cùng hoặc chăm sóc một người thân, họ hàng hoặc bạn bè mắc chứng bất lực ngôn ngữ có thể là một trải nghiệm rất khó khăn và đầy thử thách. Nhất là trong vài tháng đầu, khi triệu chứng của người bệnh bắt đầu xảy ra.

Những người mắc hội chứng Aphasia thường có nhu cầu phức tạp. Hơn nữa, tình trạng này còn khiến cho họ dễ bị thay đổi tâm trạng và có các hành vi thách thức. Lúc này, người thân và người chăm sóc cần chú ý đến cách giao tiếp với người bệnh.

sống chung với người mắc chứng bất lực ngôn ngữ
Sống chung với người mắc hội chứng bất lực ngôn ngữ là một trải nghiệm đầy thử thách

Dưới đây là một số lời khuyên có thể hữu ích:

  • Sau khi bạn nói, hãy cho phép người có có thêm thời gian để trả lời. Nếu người bệnh cảm thấy gấp gáp hoặc áp lực khi nói thì họ thường trở nên lo lắng và căng thẳng. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp của họ.
  • Hãy sử dụng những câu ngắn gọn và không phức tạp để giao tiếp với người mắc hội chứng Aphasia. Đồng thời chú ý không thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện một cách quá nhanh.
  • Tránh sử dụng những câu hỏi mở. Thay vào đó, câu hỏi đóng có một câu trả lời đúng hoặc cung cấp các lựa chọn hạn chế sẽ tốt hơn.
  • Tránh nói hết câu hoặc sửa bất cứ lỗi nào trong ngôn ngữ của người mắc hội chứng Aphasia. Điều này có thể gây ra sự khó chịu và bực bội cho người bệnh.
  • Cần hạn chế tối đa các yếu tố có thể gây mất tập trung. Chẳng hạn như radio hoặc tiếng ồn từ TV.
  • Sử dụng giấy và bút để viết ra các từ chính hoặc có thể vẽ sơ đồ, hình ảnh để giúp củng cố thông điệp của bạn và hỗ trợ sự hiểu biết của người bệnh.
  • Nếu bạn không hiểu điều gì đó mà một người mắc hội chứng Aphasia đang cố gắng truyền đạt thì đừng giả vờ như bạn hiểu. Bởi họ có thể cảm thấy được điều này và bị khó chịu.
  • Có thể sử dụng các tham chiếu trực quan, chẳng hạn như cử chỉ, chỉ tay và đồ vật nhằm hỗ trợ sự tiếp thu của người bệnh.
  • Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc tìm từ thích hợp thì bạn có thể nhắc họ. Hãy yêu cầu họ mô tả từ đó, cố gắng hình dung nó, nghĩ về một từ tương tự hoặc nghĩ về âm tiết mà từ đó bắt đầu. Bạn cũng có thể yêu cầu người bệnh sử dụng cử chỉ hoặc cố gắng viết từ đó ra.

Việc thăm khám và can thiệp điều trị sớm khi nhận thấy các dấu hiệu của hội chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia) là rất cần thiết. Điều này giúp cải thiện khả năng giao tiếp của người bệnh và giúp quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó thoát khỏi những phiền toái và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *