Căng thẳng stress ảnh hưởng đến dạ dày bạn như thế nào?

4.3/5 - (53 bình chọn)

Không chỉ tác động tiêu cực đến tâm trạng, stress còn ảnh hưởng đến dạ dày cùng với các cơ quan tiêu hóa khác. Tâm lý căng thẳng đã được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản và gia tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.

Stress có ảnh hưởng đến dạ dày không?

Dạ dày là cơ quan tiêu hóa quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên, đây cũng là cơ quan rất dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe như đau dạ dày, viêm dạ dày, loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh những nguyên nhân như ăn uống không hợp lý, lạm dụng thuốc NSAID và nhiễm vi khuẩn Hp, các vấn đề của dạ dày đôi khi bắt nguồn từ stress – căng thẳng thần kinh.

Stress là một loạt các phản ứng xảy ra khi cơ thể cố gắng thích nghi, vượt qua những vấn đề nan giải và khó khăn trong cuộc sống. Nếu chỉ xảy ra ngắn hạn, tình trạng này hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại còn tạo ra những tác động tích cực như tạo động lực, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ và giúp cơ thể tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, stress kéo dài lại chính là nguyên nhân sâu xa của nhiều bệnh lý thể chất và tâm thần – đặc biệt là các vấn đề sức khỏe liên quan đến dạ dày.

stress có ảnh hưởng đến dạ dày không
Căng thẳng, stress gây ra nhiều ảnh hưởng đến dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác

Hệ tiêu hóa và não bộ là hai cơ quan có mối liên hệ mật thiết với nhau. Não bộ căng thẳng tác động tiêu cực đến dạ dày, đường ruột, gan,… Và ngược lại, các vấn đề mãn tính xảy ra ở những cơ quan này cũng là tác nhân gây stress. Do đó, có thể khẳng định stress gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với dạ dày và một số cơ quan tiêu hóa khác.

Hệ thần kinh ruột chịu trách nhiệm chi phối hoạt động của dạ dày và đường ruột. Cơ quan này sẽ được điều khiển bởi hệ thần kinh trung ương ở não bộ. Nếu như hệ thần kinh bị căng thẳng, tín hiệu từ hệ thần kinh ruột có thể bị gián đoạn và rối loạn. Hậu quả là dạ dày tăng tiết axit và co bóp bất thường.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với các cơ quan tiêu hóa khác như gan, tuyến tụy và đường ruột. Vì vậy ngoài những triệu chứng điển hình như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi,… stress còn gây rối loạn tiêu hóa với biểu hiện chính là đầy hơi, khó tiêu và đau dạ dày.

Hệ thần kinh ruột có mối liên hệ mật thiết với thần kinh trung ương. Do đó, stress được xem là yếu tố gây tái phát nhiều các vấn đề sức khỏe mãn tính như trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng mãn tính,…

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Căng thẳng, stress ảnh hưởng đến dạ dày như thế nào?

Stress – căng thẳng ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những ảnh hưởng này. Hiểu được cơ chế tác động của stress sẽ giúp bạn chủ động trong việc giải tỏa căng thẳng và có chế độ sinh hoạt hợp lý hơn.

Những ảnh hưởng tiêu cực của stress đối với dạ dày:

1. Stress khiến dạ dày bị rối loạn nhu động và tăng bài tiết axit

Khi bị stress, hệ thần kinh trung ương sẽ giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến ống tiêu hóa và những cơ quan không-thực-sự cần cho sự sống. Thay vào đó, máu sẽ được tập trung về tim mạch và phổi nên khi bị stress, bạn thường gặp phải tình trạng tim đập nhanh, đau thắt ngực, vã mồ hôi, tăng nhịp thở và nóng bừng.

Tình trạng giảm lượng máu đột ngột khiến cho dạ dày và đường ruột co thắt bất thường. Nhu động tiêu hóa là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Hiện tượng co thắt dạ dày quá mức khiến dạ dày sản sinh nhiều dịch vị và gặp vấn đề trong việc tiêu hóa thức ăn. Biểu hiện rõ rệt nhất cho hiện tượng này là đau vùng thượng vị, khó chịu, ợ hơi, ợ chua, bụng đầy trướng và khó tiêu hóa.

Khi bị stress, hormone cortisol sẽ tăng lên quá mức và kéo dài. Hormone này được tuyến thượng thận sản sinh mỗi ngày để ổn định đường huyết và huyết áp. Tuy nhiên, tình trạng cortisol tăng đột ngột ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe – đặc biệt là dạ dày.

Cortisol làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin – chất trung gian trong phản ứng gây viêm. Tuy nhiên, prostaglandin lại chịu trách nhiệm bảo vệ niêm mạc dạ dày và ngăn chặn sự xâm lấn của dịch vị. Khi bị stress, prostaglandin giảm khiến niêm mạc dạ dày bị kích thích và xuất hiện tình trạng viêm. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, niêm mạc dạ dày rất dễ bị xung huyết, loét, thậm chí là xuất huyết và thủng dạ dày.

2. Căng thẳng, stress gây trào ngược dạ dày

Dạ dày và đường ruột co bóp nhịp nhàng để đảm bảo thức ăn được tiêu hóa, hấp thu tốt. Tuy nhiên khi bị stress, dạ dày thường có hiện tượng tăng tiết dịch vị và co bóp quá mức. Trong khi đó, đường ruột dễ bị rối loạn nhu động dẫn đến tiêu hóa kém. Tình trạng này không chỉ khiến sức khỏe suy giảm mà còn gia tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Tại sao căng thẳng lại đau dạ dày
Căng thẳng làm tăng tiết dịch vị và rối loạn co bóp dẫn đến hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

GERD là hiện tượng dịch vị cùng với thức ăn bên trong dạ dày trào ngược lên phía trên thực quản thay vì di chuyển xuống môn vị, ruột non và ruột già. Các nghiên cứu cho thấy, stress là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này. Với những người đã có tiền sử trào ngược dạ dày, căng thẳng chính là yếu tố gây tái phát bệnh và làm nghiêm trọng các triệu chứng trào ngược sẵn có.

Trào ngược dạ dày thực quản đặc trưng bởi triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng,… Nếu để kéo dài, bệnh lý này có thể gây viêm thực quản, viêm họng mãn tính và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.

3. Stress gây loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh tiêu hóa rất phổ biến. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị viêm, loét. Có khá nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng như nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc chống viêm, chế độ ăn không lành mạnh, uống quá nhiều bia rượu,… và không thể bỏ qua vai trò của stress.

Khi căng thẳng, dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị nhiều hơn bình thường. Dịch vị có tính axit nên có thể ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc và xâm lấn vào bên trong gây viêm, loét. Ngoài ra, hormone cortisol tăng cao cũng làm giảm quá trình sinh tổng hợp prostaglandin – thành phần quan trọng có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày.

stress ảnh hưởng đến dạ dày
Stress đã được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng

Bên cạnh đó, stress cũng kích thích giải phóng chất cytokine gây viêm vào tất cả các cơ quan trong cơ thể bao gồm cả dạ dày và đường ruột. Tất cả những tác động này cộng hưởng dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Với những trường hợp có sẵn bệnh lý này, stress sẽ khiến cho vết loét tiến triển nặng hơn và gia tăng nguy cơ gặp phải biến chứng.

4. Tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là tình trạng mạch máu bị vỡ dẫn đến hiện tượng chảy máu vào bên trong lòng dạ dày. Tình trạng này thường là biến chứng của viêm loét dạ dày hoặc do uống một lượng lớn rượu trong thời gian ngắn, lạm dụng NSAID, corticoid và sang chấn tâm lý mạnh.

Ngoài những nguyên nhân chính, stress cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày – đặc biệt là với người đã bị viêm loét dạ dày và có tiền sử xuất huyết tiêu hóa. Chính vì vậy khi điều trị các bệnh lý về dạ dày, bệnh nhân phải có chế độ ăn uống hợp lý và hạn chế tối đa các yếu tố gây stress.

Tác hại của stress đối với dạ dày là rất lớn. Tuy nhiên, rất nhiều người không có hiểu biết về ảnh hưởng của căng thẳng thần kinh đối với các cơ quan tiêu hóa. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến loét dạ dày, trào ngược dạ dày và thậm chí là xuất huyết dạ dày.

Làm sao để giảm ảnh hưởng của stress lên dạ dày?

Trên thực tế, tất cả các cơ quan đều phải chịu ảnh hưởng tiêu cực khi đối mặt với stress. Tuy nhiên, dạ dày và đường ruột là các cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để giảm ảnh hưởng của stress lên dạ dày, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

1. Thực hiện các biện pháp thư giãn

Stress là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe liên quan đến dạ dày. Chính vì vậy, cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ quan tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng là giải tỏa căng thẳng. Thực tế, stress không chỉ xảy ra khi phải đối mặt với những sự kiện sang chấn mà tích tụ từ những áp lực trong công việc, học tập, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, vấn đề tài chính,…

Học cách giảm stress sẽ giúp bạn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày và giữ cho tinh thần luôn thoải mái, lạc quan. Đây chính là chìa khóa để giữ cho sức khỏe luôn luôn ổn định.

stress có ảnh hưởng đến dạ dày không
Thực hiện các biện pháp thư giãn giúp giải tỏa stress và giảm ảnh hưởng của căng thẳng thần kinh lên dạ dày

Các biện pháp thư giãn giúp giải tỏa căng thẳng bạn có thể áp dụng:

  • Ngồi thiền: Ngồi thiền đã được chứng minh là liệu pháp giảm stress hữu hiệu. Hiện tại, liệu pháp này đã được ứng dụng trong quá trình điều trị stress mãn tính, cấp tính, trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề tâm lý khác. Bạn có thể ngồi thiền từ 10 – 15 phút hoặc ngồi thiền trong nhiều giờ. Sau khi thiền định, tâm trí sẽ trở về trạng thái cân bằng và bạn có thể gạt đi những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, bi quan, buồn bã, cáu kỉnh,…
  • Tắm nước ấm: Sau một ngày làm việc căng thẳng, bạn có thể giải tỏa tâm trạng bằng cách tắm nước ấm. Nước ấm giúp thư giãn cơ bắp, tăng tuần hoàn máu và làm dịu hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, cách này cũng giúp bạn có một giấc ngủ ngon và lấy lại tinh thần sảng khoái ngay sau khi thức dậy.
  • Dùng trà thảo mộc: Các loại trà thảo mộc có thể giải tỏa căng thẳng và mang đến nhiều lợi ích đối với giấc ngủ. Ngoài ra, một số loại trà còn có tác dụng làm dịu dạ dày, trung hòa dịch vị và hỗ trợ tiêu hóa. Để giảm ảnh hưởng của stress đến dạ dày, bạn nên dùng trà bạc hà, mật ong, trà gừng hoặc trà hoa cúc.
  • Liệu pháp mùi hương: Một cách đơn giản khác để giảm stress và hạn chế ảnh hưởng đến dạ dày là liệu pháp mùi hương. Thông qua việc ngửi mùi hương yêu thích, tín hiệu thần kinh từ khứu giác sẽ truyền về hệ thần kinh trung ương giúp giảm căng thẳng và tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu. Liệu pháp mùi hương có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như ngửi trực tiếp tinh dầu, dùng trà thảo mộc, massage với tinh dầu, cho tinh dầu vào máy khuếch tán,…

Thực hiện các biện pháp thư giãn hằng ngày sẽ giúp bạn giải tỏa stress, tránh tình trạng căng thẳng tích tụ gây ra nhiều vấn đề về thể chất và tâm thần. Ngoài ra, những người có kỹ năng kiểm soát stress cũng sẽ dễ dàng vượt qua tổn thương tâm lý khi đối mặt với những sự việc có tính chất sang chấn.

2. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dạ dày và các cơ quan tiêu hóa. Khi bị stress, việc điều chỉnh thói quen ăn uống sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa loét dạ dày, trào ngược thực quản,… Ngoài ra, một số loại thực phẩm lành mạnh cũng có hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng và nâng đỡ tinh thần.

Tại sao căng thẳng lại đau dạ dày
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa các vấn đề dạ dày do stress

Chế độ ăn uống hợp lý giúp cải thiện stress và hạn chế những ảnh hưởng đến dạ dày:

  • Tránh tuyệt đối các món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, thực phẩm có nhiều axit như chanh, me, cóc, xoài,… Các loại thực phẩm này làm nghiêm trọng triệu chứng rối loạn tiêu hóa do stress và gia tăng nguy cơ trào ngược, loét dạ dày tá tràng.
  • Không sử dụng rượu bia và cà phê trong thời gian căng thẳng thần kinh. Bởi các thức uống này đã được chứng minh có thể làm tăng mức độ lo âu, căng thẳng. Ngoài ra, caffeine và cồn cũng khiến cho dạ dày co bóp quá mức và tăng tiết dịch vị bất thường. Đây đều là những yếu tố gây hại cho sức khỏe của đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng.
  • Căng thẳng thần kinh sẽ khiến cho quá trình tiêu hóa bị ngưng trệ. Vì vậy, bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành 4 – 5 bữa thay vì 3 bữa như thông thường. Ngoài ra, nên chế biến món ăn dạng mềm, lỏng và sử dụng ít dầu mỡ, gia vị để dạ dày dễ dàng tiêu hóa thức ăn.
  • Để giảm tình trạng tăng tiết dịch vị do stress, nên tăng cường bổ sung rau xanh và các loại trái cây không chứa axit như thanh long, quả bơ, lê, chuối, dưa hấu,… Ngoài cách ăn trực tiếp, bạn nên dùng nước ép từ các loại rau củ tươi uống hằng ngày để trung hòa dịch vị dạ dày và cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
  • Ưu tiên các loại thực phẩm có khả năng hấp thu dịch vị tốt như cơm trắng, bánh mì, các loại rau, hạt chia, yến mạch,… Thêm các loại thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày sẽ giúp giảm đáng kể những triệu chứng khó chịu như đầy hơi, khó tiêu, trào ngược, ợ hơi, ợ chua, đau dạ dày.
  • Bạn nên chuẩn bị các món ăn vặt lành mạnh như sữa chua, ngũ cốc sấy khô, các loại hạt, sinh tố,… để ăn vào giữa các bữa phụ. Các bữa ăn nhẹ không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn giúp hấp thu axit dư thừa, từ đó có thể bảo vệ dạ dày và phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý như loét dạ dày, trào ngược thực quản.

Chế độ ăn ảnh hưởng rất nhiều đến dạ dày và đường ruột. Nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn có thể giảm đáng kể những ảnh hưởng của stress đến dạ dày cùng với các cơ quan tiêu hóa khác. Hơn nữa, thực đơn ăn uống khoa học cũng giúp nâng cao sức khỏe và tăng khả năng chống chịu với stress. Ngược lại, thói quen ăn uống không lành mạnh khiến sức khỏe suy giảm và gia tăng nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng thần kinh.

3. Lối sống lành mạnh, khoa học

Ngoài chế độ ăn uống, bạn cũng nên điều chỉnh lối sống để giảm thiểu ảnh hưởng của stress đến dạ dày. Bên cạnh đó, lối sống khoa học cũng giúp giảm stress và giữ cho bạn tinh thần thoải mái nhất.

Tại sao căng thẳng lại đau dạ dày
Tập thể dục mỗi ngày giúp giảm stress và hỗ trợ điều chỉnh những bất thường ở dạ dày như co bóp quá mức, tăng bài tiết dịch vị,…

Lối sống khoa học giúp giảm thiểu ảnh hưởng của stress đối với dạ dày:

  • Tập thể dục là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm ảnh hưởng của stress đến dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác. Dành 15 – 30 phút tập thể dục mỗi ngày có thể điều hòa nhu động ống tiêu hóa và giảm hiện tượng tăng tiết dịch vị quá mức. Qua đó giúp cải thiện tình trạng đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi và ợ nóng.
  • Tập thể dục cũng góp phần cải thiện những vấn đề tiêu hóa do stress gây ra như giảm hấp thu dinh dưỡng, táo bón, giảm vị giác và ăn uống kém.
  • Hormone endorphin được tạo ra trong quá trình luyện tập có tác dụng thư giãn cơ, giải tỏa căng thẳng và mang lại cảm giác phấn chấn. Do đó nếu tập thể dục thường xuyên, bạn có thể kiểm soát stress và giữ cho bản thân tinh thần khỏe mạnh.
  • Tất cả các bộ môn thể dục đều tốt cho người bị căng thẳng. Tuy nhiên nếu đã có vấn đề về dạ dày, bạn nên chọn các bộ môn có cường độ vừa phải như yoga, đạp xe, đi bộ, chạy bộ, đánh cầu lông,… Bởi luyện tập quá mức có thể khiến dạ dày bị kích thích và phát sinh cơn đau.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc và chỉ nên làm việc tối đa 8 – 9 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ sẽ giúp điều hòa lại hoạt động của dạ dày và giải tỏa áp lực. Ngoài ra, bạn nên dành 20 – 30 phút để nghỉ ngơi vào buổi trưa nếu có thể.

4. Sử dụng thuốc khi cần thiết

Stress là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề liên quan đến dạ dày. Để ngăn chặn tình trạng chuyển biến xấu, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa khi nhận thấy tình trạng nghiêm trọng dần theo thời gian. Thông qua chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của dạ dày và chỉ định một số loại thuốc để giảm triệu chứng, bảo vệ niêm mạc dạ dày và phục hồi vết loét.

Các loại thuốc được sử dụng để cải thiện các vấn đề dạ dày liên quan đến stress:

  • Thuốc kháng axit
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
  • Thuốc ức chế tiết dịch vị dạ dày (bao gồm thuốc kháng histamin H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton)
  • Kháng sinh (trong trường hợp dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori)
  • Bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm viên uống bổ sung vitamin, khoáng chất để nâng đỡ thể trạng

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Căng thẳng (stress) ảnh hưởng rất nhiều đến dạ dày cùng với các cơ quan tiêu hóa khác. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề này và chủ động trong việc giải tỏa stress để bảo vệ sức khỏe. Nếu cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn các biện pháp điều trị stress nặng.

Tham khảo thêm:

4.3/5 - (53 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *