Chứng sợ lái xe (Amaxophobia) do đâu? Làm sao vượt qua?
Chứng sợ lái xe (Amaxophobia) được đặc trưng bởi cảm giác run rẩy, sợ hãi, hoảng loạn quá mức, cảm giác ngộp thở như đang nhìn thấy những điều chết chóc. Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến các sang chấn tâm lý, chẳng hạn như là nạn nhân của vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Trị liệu phục hồi tâm lý chính là biện pháp tốt nhất để người bệnh vượt qua bóng đen tâm lý của chính mình.
Chứng sợ lái xe (Amaxophobia) là gì?
Chứng sợ lái xe có tên khoa học là Amaxophobia, được ghép từ hai thuật ngữ Hy Lạp cổ đại gồm “amaxos” có nghĩa là xe ngựa và “phobia” có nghĩa là nỗi sợ hãi vô lý. Bệnh được xếp vào nhóm rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt với những đặc trưng điển hình về nỗi sợ hãi như toát mồ hôi, run rẩy, buồn nôn, khó thở và có gây ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người.
Thống kê cho thấy chứng sợ lái xe có tỷ lệ người mắc phải đông hơn chúng ra suy nghĩ, có thể chiếm tới 33% dân số. Theo Tiến sĩ Antonio García Infanzón đang làm việc tại Viện MAPFRE, có khoảng 7.2 triệu người lái xe Tây Ban Nha có triệu chứng mắc căn bệnh này với mức độ khác nhau. Trong đó khoảng 82% người vẫn có thể lái nhưng luôn trong trạng thái lo lắng, hoảng sợ trong khi khoảng 6% người bệnh mất hoàn toàn khả năng lái xe.
Chứng sợ lái xe đã chính thức được đề cập trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần DSM-5 vào năm 2015 và Tổ chức Y tế Thế giới, 2011 (ICD-10). Căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh do các phương tiện giao thông hiện tại cũng đóng phần quan trọng trong cuộc sống nên cần sớm tìm cách thăm khám và điều trị.
Biểu hiện chứng sợ lái xe
Theo thống kê, tỷ lệ số người mắc phải chứng Amaxophobia đa phần đều là phụ nữ. Các triệu chứng của bệnh cũng cực kỳ đa dạng, được biểu hiện theo nhiều cấp độ khác nhau. Có người chỉ đơn giản là không dám lái xe nhưng cũng có người cảm thấy sợ hãi khi phải ngồi trên xe người khác hoặc chỉ cần nhìn thấy xe thôi tâm trí họ cũng đã trở nên hoảng loạn.
Tùy cấp độ mà các triệu chứng sẽ được biểu hiện khác nhau nhưng đa phần đều có chung các dấu hiệu sau đây
- Cảm giác sợ hãi điển hình được biểu hiện như nhịp tim tăng, huyết áp tăng, chân tay run rẩy, đau tức ngực, nhịp thở gấp gáp, choáng váng, đứng không vững, đổ mồ hôi…
- Bắt đầu có rất nhiều suy tưởng xuất hiện, chẳng hạn những nguy hiểm khi lái xe, những vụ tai nạn giao thông,..
- Tâm trạng cực kỳ kích thích, hoảng loạn, nếu đang trên xe sẽ muốn tìm cách xuống xe và bỏ chạy ngay lập tức
- Trong trạng thái kích thích có thể xuất hiện cả các vấn đề như buồn nôn, nôn, đau dạ dày..
- Luôn tìm cách để tránh xa những chiếc xe hay từ chối việc lái xe
- Ở một số bệnh nhân, chứng sợ lái xe còn nghiêm trọng đến mức họ từ chối ngay cả việc ngồi lên xe và lựa chọn cách đi bộ, trên những tuyến đường ít người qua lại.
Bên cạnh đó, ở một số người mắc Amaxophobia ở mức độ nhẹ, họ vẫn có thể lái xe nhưng luôn mang tâm lý căng thẳng, sợ hãi. Một số ít khác không thể lái xe trong các tình trạng thời tiết hay địa hình không thuận lợi chẳng hạn như mưa to, tuyết, sấm chớp, đường dốc hay trong rừng.. Các triệu chứng này khác nhau chính là do ảnh hưởng từ các nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân hội chứng sợ lái xe
Amaxophobia thuộc nhóm rối loạn lo âu có có liên quan mật thiết đến các sự kiện gây sang chấn tâm lý, ám ảnh từ quá khứ. Hoặc những người có tâm lý yếu, dễ cảm thấy lo lắng cũng rất dễ mắc chứng sợ lái xe do không tin tưởng vào chính minh. Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị đạt kết quả nhanh chóng, chính xác hơn.
Cụ thể, một số yếu tố tác động gây nên hội chứng sợ lái xe bao gồm
- Sang chấn tâm lý: nạn nhân của tai nạn giao thông thảm khốc, chứng kiến các vụ tai nạn kinh hoàng hoặc bản thân chính là người đã gây tai nạn cho người khác khi điều khiển phương tiện giao thông đều có thể là nguyên nhân khiến rất nhiều người bị ám ảnh không thể quên được. Đặc biệt nếu các tai nạn này có để lại chấn thương về thể chất, chẳng hạn như gãy tay chân, để lại sẹo, mất trí nhớ hay có người tử vong sẽ càng khiến nỗi ám ảnh này in sâu và khiến họ mắc chứng sợ lái xe.
- Tâm lý yếu: hầu hết ngày nay tất cả mọi người đều sử dụng các phương tiện giao thông riêng để thuận tiện hơn cho việc di chuyển, tuy nhiên với những người có tâm lý yếu khi nhìn thấy xe cộ quá đông đúc họ cũng thường không dám lái xe vì sợ gây tai nạn giao thông cho bản thân hay những người xung quanh. Do đó họ thường làm mọi cách để trốn tránh việc lái xe hoặc nếu cần phải lái sẽ trở nên cực kỳ run rẩy, đi không vững dẫn tới các tai nạn và càng khiến họ thêm sợ hãi.
- Bị chỉ trích: ở những người đang trong thời gian học lái xe nhưng luôn bị chỉ trích về cách lái, bị người khác cho rằng quá kém cỏi cũng rất dễ khiến cho nhiều người mất lòng tin vào bản thân, luôn cho rằng mình sẽ không thể làm được nên mới tìm cách trốn tránh.
- Ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực: thực tế một số người mắc chứng sợ lái xe nhưng họ lại chưa hề gặp tai nạn giao thông, tuy nhiên việc thường xuyên xem các thông tin về các vụ tai nạn khi lái xe có thể khiến họ bị tác động và có những suy nghĩ chưa đúng đắn về việc này.
Như đã nói, nguyên nhân gây chứng sợ lái xe có liên quan đến biểu hiện của bệnh. Chẳng hạn ở những người đã bị tai nạn giao thông trong mưa thì anh ta sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn tột độ, toàn thân cứng đơ không thể lái xe trong mưa, trong khi đó nếu thời tiết khô ráo thoáng mát thuận lợi anh ta vẫn rất tin vào tay lái của mình.
Hội chứng sợ lái xe gây ảnh hưởng như thế nào?
Không thể phủ nhận sự ra đời của các loại phương tiện giao thông từ xe máy, xe đạp hay ô tô đã mang đến cho cuộc sống mỗi người vô vàn hữu ích. Từ việc mất 6 tiếng đồng hồ với về đến quê bằng xe máy thì đi ô tô bạn có thể chỉ mất 3- 4 tiếng đồ hồ. Khi chủ động lái xe, bạn vừa có thể thuận tiện khám phá được rất nhiều cảnh đẹp, tự do tự tại làm những điều mình yêu thích.
Trong khi đó, với những người mắc chứng sợ lái xe, họ gần như phải phụ thuộc vào người khác trong việc di chuyển, chẳng hạn nhờ bạn bè, nhờ người thân đưa đi. Tất nhiên với sự phát triển về công nghệ như hiện nay, các app xe ôm đã được ra đời để bạn thoải mái di chuyển khi không có xe, tuy nhiên lại tốn kém rất nhiều về tài chính và cũng không thể tự làm chủ được những nơi mình muốn đến.
Amaxophobia gây ra rất nhiều cản trở về cuộc sống, công việc, tài chính cùng rất nhiều vấn đề khác của mỗi người bệnh. Ngoài ra những bệnh nhân này thường gặp nhiều căng thẳng, stress do ảnh hưởng từ những ám ảnh trong quá khứ hoặc bị áp lực từ chính những người xung quanh thường xuyên bị những người xung quanh chỉ trích, đàm tiếu về việc không biết đi xe.
Hướng điều trị hội chứng sợ lái xe
Nếu các triệu chứng hoảng loạn, lo lắng, căng thẳng khi lái xe đã kéo dài 6 tháng, trong đó đã từng gặp các sang chấn tâm lý liên quan đến tai nạn giao thông thì rất nên sớm đến gặp gỡ các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được thăm khám và có hướng điều trị hiệu quả nhất.
Trị liệu tâm lý
Giống như các vấn đề tâm lý khác, người mắc chứng sợ lái xe cũng được hướng tới các liệu pháp chăm sóc tâm lý để loại bỏ những bóng đen tâm lý trong quá khứ, khôi phục nhận thức để nhìn nhận vấn đề một cách chính xác hơn. Người đáp ứng tốt với các liệu pháp chăm sóc tâm lý thực sự có thể có rất nhiều cải thiện tích cực không chỉ ở hiện tại mà còn ở cả tương lai.
Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng với các bệnh nhân mắc Amaxophobia như
- Liệu pháp phơi nhiễm: nhà trị liệu sẽ tạo một môi trường phù hợp để người bệnh tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ hãi nhằm tăng khả năng thích nghi khi phải đối diện với nỗi ám ảnh này. Với hội chứng sợ lái xe, nhà trị liệu có thể áp dụng các phương pháp lái xe trong cabin công nghệ 3D, lái các dạng xe đồ chơi để lấy lại cảm giác an tâm khi lái xe trước khi trực tiếp ứng dụng vào đời sống. Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn thân chủ cách đối diện với căng thẳng để thực hành khi đứng trước các nỗi ám ảnh này, từ đó cảm giác lo âu sẽ giảm đi khi bước vào thực tế.
- Liệu pháp nhận thức hành vi: đây cũng là một trong những phương pháp được áp dụng cho rất nhiều bệnh nhân thuộc nhóm rối loạn lo âu. Nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh nhìn nhận rõ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân không phù hợp và thay thế bằng những nhận thức, hành vi đúng đắn hơn. Chẳng hạn giúp người bệnh hiểu được lợi ích của việc lái xe và thực tế lái xe không nguy hiểm đến như vậy.
- Các liệu pháp khác: kỹ thuật thôi miên, thư giãn và tái cấu trúc nhận thức cũng được áp dụng cho người mắc chứng sợ lái xe để thay đổi niềm tin của người bệnh về vấn đề này, loại bỏ nỗi ám ảnh vô căn cứ.
Bên cạnh đó, nhà trị liệu tâm lý cũng sẽ tham gia vào việc hỗ trợ người bệnh cải thiện lại kỹ thuật lái xe với các chuyên gia. Các bước này sẽ được tiến triển từ từ theo từng giai đoạn, đối mặt với các thách thức theo mức độ tăng dần. Nhà trị liệu cần đồng hành để kiểm soát trạng thái của người bệnh, hạn chế các trạng thái kích động quá mức của người bệnh trong nỗi sợ hãi.
Dùng thuốc
Thuốc an thần, thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm là những nhóm thuốc được chỉ định chính cho các bệnh nhân mắc chứng sợ lái xe để kiểm soát trạng thái, xoa dịu thần kinh cho người bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng các nhóm thuốc này chỉ mang tính chất hỗ trợ, không giúp loại bỏ bệnh hoàn toàn nên vẫn cần kết hợp với các liệu pháp tâm lý.
Các nhóm thuốc này cũng thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ nên thường chỉ được khuyến khích dùng khi có sự chỉ định từ bác sĩ thần kinh chuyên môn. Người bệnh cần đảm bảo tuyệt đối về liều lượng, loại thuốc, cách sử dụng để đảm bảo đúng hiệu quả mong muốn của bác sĩ.
Các phương pháp hỗ trợ khác
Hầu hết những người mắc hội chứng sợ lái xe thường mất niềm tin vào tay lái của mình nên mới dẫn tới những ám ảnh, lo lắng khi lái xe. Do đó bên cạnh dùng thuốc hay các phương pháp trị liệu, việc phục hồi kỹ năng lái xe hoặc nâng cao trình độ cũng đóng vai trò quan trọng để người bệnh nhanh chóng khôi phục nhận thức, lấy lại sự tự tin và can đảm để lái xe.
Một số phương pháp hữu ích có thể giúp ích cho những người mắc hội chứng sợ lái xe như
- Để có những trải nghiệm thực tế nhất, người bệnh có thể chơi các trò chơi tập lái xe, đặc biệt các trò có ứng dụng công nghệ 3D để tạo cảm giác chân thật nhất.
- Tìm kiếm người đồng hành, hãy bắt đầu bằng việc đi cùng một người có tay lái cứng, có kinh nghiệm để hỗ trợ bạn các kinh nghiệm xử lý khi lái xe khi có sự cố
- Tập cách hít thở sâu trước khi lái xe để lấy lại sự bĩnh tĩnh, ổn định tâm trạng, hạn chế các trạng thái kích thích sẽ không điều khiển được tay lái một cách chắc chắn
- Thực hành phương pháp thư giãn động, căng – chùng cơ (PMR) bằng cách Siết chặt và thả lỏng các nhóm cơ trong 7- 10s, thậm chí khi quen thuộc bạn có thể duy trì trong 20 phút để giảm cảm giác lo âu quá mức khi phải đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân
- Khiến cho chiếc xe giảm bớt sự đáng sợ thông qua việc trang trí, gắn các đồ vật dễ thương hoặc nếu đi ô tô bạn có thể đem theo chú gấu bông yêu thích của mình
- Hãy bắt đầu cải thiện tay lái bằng cách đi ở những khu vực trống, sau đó mới dần tiến ra các khu vực có người, cần cua, quẹo nhiều và ra tới đường chính đông người khi đã thực sự sẵn sàng
- Luyện tập các liệu pháp như thiền, yoga hay hít thở sẽ giúp gia tăng khả năng kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh khi lái xe cho người bệnh
- Duy trì thói quen tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh mỗi ngày để nâng cao sức khỏe cả về mặt tinh thần lẫn thể chất
- Chia sẻ nỗi lo âu với những người xung quanh để được tư vấn và hỗ trợ ngay khi cần thiết.
Việc điều trị chứng sợ lái xe có thể phải mất một thời gian dài để người bệnh thực sự tin tưởng vào bản thân và hòa nhập trở lại với cuộc sống. Mỗi người cần tự nâng cao tinh thần quyết tâm muốn điều trị bệnh, vượt qua được bóng đen của quá khứ, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn để thấy được những lợi ích vô cùng tuyệt vời mà mỗi chiếc xe đem đến cho chúng ta.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ tiếng ồn (Misophonia): khắc phục như thế nào?
- Hội chứng sợ máu: một nỗi sợ hãi thái quá của con người
- Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia): nỗi sợ đáng lo ngại
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!