Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia): Nỗi sợ đáng lo ngại
Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia) là nguyên nhân khiến cho nhiều người né tránh tiêm vaccine, lấy máu, truyền dịch và thuốc qua đường tĩnh mạch. May mắn thay, hội chứng này có thể được kiểm soát bằng các liệu pháp tâm lý.
Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia) là gì?
Hầu hết mọi người đều có sự lo lắng nhất định khi nhìn thấy kim tiêm. Tuy nhiên, nỗi sợ kim tiêm thông thường sẽ chỉ xảy ra thoáng qua và hiếm khi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngược lại, những người bị hội chứng sợ kim tiêm sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề cả về cuộc sống lẫn sức khỏe.
Hội chứng sợ kim tiêm còn được biết đến với thuật ngữ Trypanophobia và Belonephobia. Người mắc hội chứng này có nỗi sợ dữ dội, phi lý về kim tiêm. Nỗi sợ quá mức về kim tiêm khiến người bệnh từ chối tiêm ngừa, gây mê, truyền dịch qua đường tĩnh mạch và lựa chọn thuốc uống thay vì thuốc tiêm.
Chứng sợ kim tiêm có thể đi kèm với nỗi sợ về các thủ thuật y tế như sợ máu, sợ bệnh viện, sợ phẫu thuật và sợ uống thuốc. Ngoài ra, người mắc hội chứng sợ vật nhọn (Aichmophobia) cũng có thể phát triển chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia). Tuy nhiên, người mắc hội chứng Trypanophobia không hẳn sẽ sợ hãi các vật nhọn khác như dao, kéo, bút,…
Hội chứng sợ kim tiêm đã được công nhận là rối loạn ám ảnh cụ thể chính thức trong DSM-5 (Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần) vào năm 1994. Theo thống kê, có khoảng 16% dân số Hoa Kỳ phải đối mặt với hội chứng này và 7% trường hợp từ chối tiêm chủng vì bị nỗi sợ chi phối.
Tiêm ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất – đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay. Chính vì vậy hội chứng sợ kim tiêm cần phải được điều trị để tránh những ảnh hưởng lâu dài. Trong một số trường hợp, nỗi sợ hãi quá mức về kim tiêm có thể thuyên giảm khi trưởng thành. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến khích điều trị vì trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine và can thiệp các thủ thuật y tế có sử dụng kim tiêm.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia)
Các chuyên gia chưa thể xác định được nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ kim tiêm nói riêng. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được xác định có thể góp phần phát triển nỗi sợ và sự ám ảnh quá mức về hội chứng này.
Các yếu tố có thể dẫn đến hội chứng sợ kim tiêm:
- Di truyền: Hội chứng sợ kim tiêm và hội chứng sợ máu được xác định đều liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy hội chứng này ít liên quan đến di truyền về mặt sinh học mà chủ yếu là do trẻ học theo phản ứng của bố mẹ, anh chị. Do đó, nếu người thân mắc chứng sợ kim tiêm, trẻ cũng sẽ có phản ứng ám ảnh và sợ hãi khi nhìn thấy kim tiêm.
- Các sự kiện trong quá khứ: Nỗi sợ vô lý, mãnh liệt về kim tiêm có thể liên quan đến những sự kiện như từng bị dị ứng khi tiêm vaccine, gặp phải tình trạng gãy kim tiêm hoặc lây nhiễm bệnh liên quan đến tiêm truyền. Những sự kiện này khiến cho hạch hạnh nhân bên trong não bộ nhạy cảm quá mức với kim tiêm, từ đó dẫn đến phản ứng sợ hãi và ám ảnh cực độ.
- Do quá trình tiến hóa: Các vật sắc nhọn có thể gây trầy xước và chảy máu. Ở một số người, gen sẽ biến đổi để giúp con người nhận thức được mối nguy hiểm từ kim tiêm. Do đó, nhiều người có thể thừa hưởng gen gây ra nỗi sợ về kim tiêm và các vật nhọn khác.
- Quá mẫn cảm với cơn đau: Khả năng chịu đau có sự khác biệt ở từng cá thể. Trong đó, một số người có thể quá mẫn cảm với cơn đau (Hyperalgesia). Những người gặp phải tình trạng này sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng sợ kim tiêm và sợ phẫu thuật do khả năng chịu đau kém.
- Phản xạ thần kinh phế vị: Phản xạ thần kinh phế vị là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ngất xỉu. Khi nhìn thấy máu hoặc kim tiêm, phản ứng này có thể bị kích hoạt. Trong phản ứng này, cơ thể sẽ bị giãn mạch dẫn đến tụt huyết áp và chậm nhịp tim. Những người thường bị ngất do phản xạ thần kinh phế vị sẽ dễ mắc phải chứng sợ kim tiêm và các thủ thuật y tế khác.
- Một số yếu tố khác: Ngoài những yếu tố chính, hội chứng sợ kim tiêm còn có thể liên quan đến những yếu tố khác như tính cách tiêu cực, bi quan, lo lắng và nhạy cảm. Ngoài ra, việc tiếp cận với những thông tin tiêu cực về kim tiêm cũng có thể vô tình “tiêm nhiễm” sự ám ảnh và nỗi sợ vô lý.
Chứng sợ kim tiêm rất hiếm khi xảy ra độc lập mà thường đi kèm với hội chứng sợ máu, sợ phẫu thuật, sợ uống thuốc và sợ vật nhọn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bị trầm cảm và rối loạn lo âu.
Biểu hiện của hội chứng sợ kim tiêm
Về bản chất, các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đều có cùng cơ chế và biểu hiện. Do đó, hội chứng sợ kim tiêm cũng sẽ gây ra nỗi sợ vô lý, mạnh mẽ và tột độ về kim tiêm. Cảm giác sợ hãi quá mức dẫn đến trạng thái căng thẳng, lo âu và kéo theo đó là các hành vi né tránh.
Người mắc hội chứng sợ kim tiêm thường sẽ có những biểu hiện như sau:
- Rất ít khi đề cập đến kim tiêm và các thủ thuật y tế
- Cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi ai đó đề cập đến kim tiêm
- Suy nghĩ về việc bản thân phải tiêm vaccine, lấy máu cũng khiến cho người bệnh cảm thấy hoảng loạn và sợ hãi
- Cố gắng né tránh tất cả những tình huống liên quan đến kim tiêm như từ chối tiêm chủng, sử dụng thuốc uống thay vì thuốc tiêm, từ chối gây mê bằng đường truyền tĩnh mạch,…
- Thậm chí, một số người sợ hãi đến mức không đến các bệnh viện và phòng khám vì lo sợ sẽ phải nhìn thấy kim tiêm.
Khi nhìn thấy kim tiêm hoặc phải tiêm ngừa, người bệnh sẽ sợ hãi quá mức, hoảng loạn dẫn đến tăng hormone adrenaline và cortisol. Trong tình huống này, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các triệu chứng sau đây:
- Ớn lạnh
- Sợ hãi tột độ
- Hoảng loạn
- Choáng váng, đau đầu
- Buồn nôn
- Nhịp tim nhanh
- Đau thắt ngực
- Run rẩy không thể kiểm soát
- Đổ mồ hôi
- Đau đầu
- Đỏ bừng mặt
- Ngất xỉu
Một số người hoảng loạn bỏ chạy khi phải tiêm ngừa hoặc thực hiện các thủ thuật liên quan đến kim tiêm. Nếu là trẻ nhỏ, trẻ thường có phản ứng la hét, quấy khóc và tìm cách bỏ chạy khi nhìn thấy kim tiêm. Hội chứng sợ kim tiêm thường gặp ở trẻ nhỏ và có xu hướng thuyên giảm sau khi trưởng thành. Tuy nhiên, một số người trưởng thành vẫn có thể mắc hội chứng này.
Hội chứng sợ kim tiêm gây ra ảnh hưởng như thế nào?
Trên thực tế, có rất nhiều hội chứng ám ảnh sợ đã được đề cập. Mặc dù đều cần được điều trị nhưng mức độ ảnh hưởng của các hội chứng này là khác nhau. Chẳng hạn như người bị chứng sợ chú hề có thể dễ dàng né tránh chú hề. Tuy nhiên, người mắc chứng Trypanophobia không thể né tránh kim tiêm hoàn toàn vì việc tiêm ngừa và lấy máu là các thủ thuật y tế bắt buộc.
Những người bị hội chứng sợ kim tiêm thường từ chối tiêm vaccine, lấy máu, truyền thuốc và dịch qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, các hành vi né tránh này sẽ gây ra nhiều vấn đề như mắc các bệnh nguy hiểm và chậm trễ trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh. Đây là lý do chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia) cần được điều trị trong thời gian sớm nhất.
Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất, cảm giác lo lắng, sợ hãi và căng thẳng khi nhìn thấy kim tiêm cũng khiến bệnh nhân bị stress mãn tính. Nếu không được điều trị, nhiều khả năng người bệnh sẽ phát triển các vấn đề tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ,…
Ngoài ra, chứng sợ kim tiêm cũng khiến người bệnh có khuynh hướng tự cô lập bản thân. Một phần là vì bệnh nhân cảm thấy mặc cảm, tự ti vì thường xuyên hoảng loạn và mất kiểm soát ở nơi đông người. Một lý do khác là vì người bệnh tin rằng việc hạn chế ra ngoài sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà không cần đến vaccine.
Người trưởng thành mắc chứng sợ kim tiêm (Belonephobia) có thể nhận thức được nỗi sợ vô lý của bản thân. Do đó, nhiều người tìm đến rượu bia và chất gây nghiện để giải tỏa sự bất lực, bức bối. Với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống, chứng sợ kim tiêm phải được chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Chẩn đoán hội chứng sợ kim tiêm
Hội chứng sợ kim tiêm đã được công nhận là rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi trong DSM-5 vào năm 1994. Vì vậy, các bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5 để đưa ra chẩn đoán với hội chứng này. Tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác, chứng sợ kim tiêm chỉ được chẩn đoán khi bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng sau:
- Nỗi sợ về kim tiêm với dữ dội và không tương xứng với mức độ nguy hiểm của tình huống. Tiêu chuẩn này được sử dụng để phân biệt những người bị sợ hãi khi nhìn thấy kim tiêm dính máu của người bị nhiễm bệnh.
- Nỗi sợ chi phối khiến bệnh nhân có các hành vi né tránh
- Trở nên sợ hãi cực độ, hoảng loạn và phát sinh các triệu chứng thể chất khi nhìn thấy kim tiêm
- Nỗi sợ về kim tiêm phải đủ lớn để gây ra những cản trở trong cuộc sống (từ chối tiêm chủng, né tránh đến bệnh viện, không sử dụng thuốc tiêm,…)
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các nguyên nhân khác có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị hội chứng sợ kim tiêm
Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia) sẽ được điều trị giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Trong đó, liệu pháp tâm lý là phương pháp chính và thuốc được xem là biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các biện pháp tự cải thiện cũng giúp ích rất nhiều trong việc quản lý hội chứng này.
1. Liệu pháp tâm lý
Tâm lý trị liệu là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ kim tiêm nói riêng. Liệu pháp này sẽ giúp người bệnh giảm sự sợ hãi vô lý về kim tiêm, từ đó có thể bình thường hóa khi tiêm ngừa và lấy máu. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý cũng sẽ giúp người bệnh học cách giải tỏa cảm xúc, xây dựng thói quen tốt và củng cố nhận thức đúng đắn.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho người bị hội chứng sợ kim tiêm:
- Liệu pháp tiếp xúc/ phơi nhiễm: Liệu pháp tiếp xúc giúp bệnh nhân thay đổi phản ứng khi nhìn thấy kim tiêm bằng cách cho tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ tăng dần (từ hình ảnh, video clip, tưởng tượng và cuối cùng là tiếp xúc trực tiếp). Dần dần, người bệnh sẽ thích nghi được với những tình huống này và không còn thấy sợ hãi khi nhìn thấy kim tiêm.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT cũng được thực hiện với mục tiêu thay đổi phản ứng sợ hãi thái quá khi nhìn thấy kim tiêm. Tuy nhiên trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ chỉ trò chuyện với người bệnh. Chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân thay đổi những suy nghĩ tiêu cực về kim tiêm và nhận thức đúng đắn những lợi ích từ các thủ thuật y tế (lấy máu, tiêm ngừa,…) mang lại. Khi nhận thức thay đổi, cảm xúc và hành vi của người bệnh cũng sẽ có sự điều chỉnh tích cực.
- Liệu pháp thôi miên: Thực tế, một số bệnh nhân không cởi mở với các nhận thức đúng đắn về kim tiêm. Trong trường hợp này, chuyên gia sẽ thực hiện đồng thời với liệu pháp thôi miên. Thôi miên đưa người bệnh vào trạng thái dễ ám thị để có thể tiếp nhận những suy nghĩ, nhận thức phù hợp. Từ đó mang lại hiệu quả cao hơn trong việc đối phó với nỗi sợ hãi và ám ảnh về kim tiêm.
Trị liệu tâm lý có thể giúp bệnh nhân giảm bớt sự sợ hãi hoặc vượt qua nỗi ám ảnh hoàn toàn. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các biện pháp thư giãn và giải tỏa cảm xúc lành mạnh. Với những bệnh nhân có thói quen dùng rượu bia và thuốc lá, chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp người bệnh điều chỉnh thói quen và hình thành lối sống khoa học hơn.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc hiếm khi được sử dụng cho người mắc hội chứng sợ kim tiêm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân quá hoảng loạn và lo lắng, bác sĩ sẽ xem xét việc dùng thuốc. Ngoài ra, thuốc có thể là liệu pháp chính nếu người bệnh bị đồng thời với chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.
Các loại thuốc dùng cho người mắc chứng sợ kim tiêm:
- Thuốc an thần
- Thuốc chống trầm cảm (thường dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc)
- Thuốc chẹn beta
3. Các biện pháp hỗ trợ
Trị liệu tâm lý có thể kiểm soát sự sợ hãi và hoảng loạn khi nhìn thấy kim tiêm. Tuy nhiên, một số người chỉ có thể giảm phần nào nỗi sợ. Vì vậy khi nhìn thấy kim tiêm, bệnh nhân vẫn có cảm giác sợ hãi và lo lắng. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ cần đến một số biện pháp hỗ trợ sau đây:
- Khi tiêm ngừa hoặc truyền tĩnh mạch, nên tránh nhìn vào kim tiêm. Hãy tự làm bản thân phân tâm bằng cách nhắm mắt và tưởng tượng đến những điều làm bản thân cảm thấy dễ chịu.
- Trao đổi với bác sĩ/ nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe để được hỗ trợ. Nếu cảm thấy không thoải mái, bệnh nhân có thể yêu cầu được nằm và bịt mắt khi tiêm.
- Khi tiêm ngừa, nên hít thở sâu và thư giãn cơ để giảm cảm giác đau, hoảng loạn và sợ hãi. Các kỹ thuật này sẽ được chuyên gia tâm lý hướng dẫn cụ thể trong quá trình trị liệu.
- Trang bị cho bản thân các biện pháp thư giãn như ngồi thiền, tập yoga, ngủ đủ giấc, xoa bóp bấm huyệt,… để giảm sự căng thẳng và lo lắng do hội chứng sợ kim tiêm gây ra.
- Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh để hạn chế phải can thiệp các thủ thuật y tế. Bên cạnh đó, lối sống khoa học cũng sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt cảm giác sợ hãi và những cảm xúc tiêu cực có liên quan.
4. Các giải pháp tạm thời
Các thủ thuật y tế như tiêm ngừa, lấy máu, gây mê,… đôi khi cần phải được thực hiện ngay lập tức. Do đó, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những tình huống này ngay cả khi chưa trị liệu. Trong những trường hợp này, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm các giải pháp thay thế.
Dưới đây là một số giải pháp tạm thời cho bệnh nhân bị hội chứng sợ kim tiêm:
- Sử dụng thuốc gây tê để giảm cảm giác đau ở vùng lấy máu, tiêm ngừa.
- Gây mê bằng khí dung thay cho đường tiêm tĩnh mạch
- Sử dụng thuốc an thần để giảm sự lo lắng, căng thẳng trước khi can thiệp các thủ thuật y tế liên quan đến kim tiêm
- Lựa chọn các loại thuốc uống thay cho thuốc tê
Các giải pháp tạm thời sẽ giúp giảm nỗi sợ quá mức về kim tiêm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh sẽ không thể né tránh hoàn toàn. Do đó, bắt buộc phải thăm khám và can thiệp trị liệu theo hướng dẫn.
Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia) là rào cản khiến bệnh nhân từ chối tiêm chủng, lấy máu, truyền dịch/ thuốc qua đường tĩnh mạch,… Vì lý do này, chứng Trypanophobia cần phải được điều trị sớm. Ngoài ra, nếu nghi ngờ trẻ nhỏ mắc hội chứng này, gia đình cần cho trẻ thăm khám kịp thời. Nếu để kéo dài, trẻ có hình thành nỗi sợ vô lý về bệnh viện, thuốc và các thủ thuật y tế khác.
Tham khảo thêm:
- Mách Bạn 20 Cách Giảm Căng Thẳng Tức Thì Cực Đơn Giản
- Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia): khiến bạn khó thành công
- Hội chứng sợ bóng tối: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!