Cười không tự chủ là bị gì? Làm sao khắc phục?

Nụ cười là biểu hiện của sự vui vẻ, thoải mái, thân thiện và đây còn được xem như “liều thuốc bổ” đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nếu cứ cười suốt cả ngày, cười không tự chủ thì chắc hẳn đây không phải là một tình trạng bình thường, thậm chí nó còn là biểu hiện của sự bất ổn về não bộ, hệ thần kinh. 

Cười không tự chủ
Cười không tự chủ, cười liên tục có thể là một biểu hiện cảnh báo về một bệnh lý nào đó.

Cười không tự chủ là bị gì? Có phải là bệnh không?

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, từ xưa đến nay, nụ cười luôn được xem là một điều gì đó tốt đẹp, nó thể hiện sự hạnh phúc, vui sướng và cũng là phương tiện để chúng ta giao tiếp, tạo được nhiều thiện cảm với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào nụ cười cũng mang lại nhiều lợi ích mà đôi khi nụ cười nếu đặt không đúng chỗ lại gây cho bạn rất nhiều phiền toái.

Như nhân vật Fleck trong bộ phim Joker là một ví dụ điển hình về hiện tượng cười mất tự chủ, cười không thể kiểm soát, không đúng thời điểm. Điều này gây nên nhiều sự phiền phức đối với cuộc sống hàng ngày, nó khiến anh bắt buộc phải đem theo bên mình một chiếc thẻ thông tin để có thể giải thích cho mọi người hiểu được tình trạng sức khỏe và bệnh lý mà mình đang gặp phải.

Như vậy có thể thấy rằng, cười là một biểu hiện tốt nhưng nếu cười quá nhiều, cười mất tự chủ thì nó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Vậy biểu hiện cười không tự chủ là bị gì? Nó có phải là bệnh không? Dưới đây là một số vấn đề mà bạn có thể gặp phải nếu liên tiếp xuất hiện các cơn cười không tự chủ.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

1. Nhiễu loạn cảm xúc

Khóc cười với cường độ mạnh và không thể kiểm soát là một trong các biểu hiện đặc trưng của chứng nhiễu loạn cảm xúc. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) thì chứng nhiễu loạn này là tình trạng làm cho người bệnh đột ngột xuất hiện các cơn khóc cười không tự chủ và không phù hợp thời điểm. Chủ tịch Khoa Khoa học Thần kinh và Thần kinh học thuộc Viện Ung thư John Wayne tại Trung tâm Y tế Providence Saint John – Thạc sĩ Santosh Kesari cho biết, nhiễu loạn cảm xúc có thể kéo dài liên tục, bất cứ thời điểm nào và gây nên nhiều ảnh hưởng đối với đời sống của người bệnh.

Nếu tình trạng này không được khắc phục tốt sẽ gây nên những cảm giác khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và khiến người bệnh trở nên bối rối, đau khổ, bị xã hội cô lập. Tuy rằng đây không phải là một vấn đề quá phổ biến nhưng nó cũng không phải là dạng cực kỳ hiếm gặp bởi tại Hoa Kỳ đã có hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi nhiễu loạn cảm xúc.

Một số triệu chứng giúp nhận biết bạn đang bị nhiễu loạn cảm xúc:

  • Đột ngột cười hoặc khóc với cường độ mạnh và khó có thể kiểm soát tốt.
  • Những cơn bùng phát kéo dài từ vài giây đến vài phút hoặc có thể dài hơn bạn nghĩ.
  • Bùng phát cảm giác tức giận, kích động, thất vọng.
  • Những biểu hiện trên gương mặt không phù hợp với cảm xúc.
  • Những cơn bùng phát xảy ra bất chợt với tần suất nhiều lần trong ngày hoặc trong tháng.

Do các triệu chứng của nhiễu loạn cảm xúc khá giống với các chứng rối loạn tâm thần khác nên thường bị nhầm lẫn với các chứng trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, nếu có thể chẩn đoán chính xác bệnh thì các triệu chứng nhiễu loạn vấn có thể được khắc phục tốt, giúp người bệnh dần kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

2. Cười không tự chủ – coi chừng mắc bệnh động kinh

Cười không tự chủ là gì? Theo chia sẻ của các chuyên gia thần kinh thì những trường hợp cười bất thường, không kiểm soát ở trẻ có thể là dấu hiệu cảnh báo về chứng động kinh cười hay còn gọi là động kinh thể cười. Trẻ có thể cười vào bất cứ thời điểm nào, kể cả khi không có sự việc hay hiện tượng đáng cười nào xảy ra hoặc đôi lúc đó là trong thời gian đang thực hiện các sinh hoạt bình thường như học, ăn, ngủ, nghỉ ngơi.

Những cơn cười của trẻ bị động kinh thường có thể kéo dài từ 30 giây cho đến 1 phút và mỗi ngày có thể xuất hiện từ 4 đến 10 cơn cười kéo dài như thế. Ngoài ra, trẻ bị động kinh cười còn có kèm theo các dấu hiệu nhận biết như thường hay vỗ tay, dễ bị kích động, hiếu động quá mức, mất tập trung, giảm thời gian ngủ so với những đứa trẻ khác.

Nếu tình trạng bệnh không được sớm phát hiện và kéo dài lâu ngày sẽ tiến triển nặng nề hơn. Trẻ có thể gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm như khó khăn trong việc đi lại, không thể giữ thăng bằng, bị rối loạn ý thức, phát triển thể động kinh như co cứng, co giật, động kinh vắng ý thức, động kinh múa giật,…Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, thậm chí có trường hợp có thể đe dọa đến cả tính mạng của trẻ.

Một ví dụ điển hình về tình trạng này đó chính là trường hợp của bé Nguyễn Đình Phúc ở Nghệ An. Bé thường xuyên có những cơn cười không tự chủ, kèm theo đó là một số biểu hiện của cơn vắng ý thức. Theo như chia sẻ của bố bé thì từ khi bé được 4 tháng tuổi đã có xuất hiện những cơn cười bất thường, bé hay cười khi đang chơi một mình nhưng cả nhà thường không để ý. Cho đến khi bé được tròn 1 tuổi thì các triệu chứng này càng nghiêm trọng hơn, bé bắt đầu nôn trớ sau khi cười quá mức.

Cười không tự chủ
Bé Nguyễn Đình Phúc ở Nghệ An – trường hợp mắc chứng động kinh cười đã được điều trị thành công.

Khi bé được 2 tuổi thì gia đình mới bắt đầu cho bé Phúc đến thăm khám nhưng suốt 6 năm vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân. Mãi cho đến năm 2016 thì những cơn cười bất chợt xuất hiện nhiều hơn, có khi 1 ngày bé cười đến 5 lần hoặc thậm chí đỉnh điểm là 16 lần. Mỗi cơn cười kéo dài hơn 30 giây, ngoài đó thì bé Phúc hoàn toàn tỉnh táo.

Lúc này gia đình đưa bé Phúc đến thăm khám tại bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội trong tình trạng cứ 1 tiếng là bé lại xuất hiện một cơn cười không tự chủ. Lúc đầu các bác sĩ ở đây cũng không thể xác định được nguyên nhân qua hình ảnh trên phim chụp cộng hưởng. Tuy nhiên, sau đó GS.TS Đồng Văn Hệ Giám đốc bệnh viện cũng đã phát hiện một khối mô não thừa cực nhỏ (khoảng 5mm) chèn ép ở vùng dưới đồi, đây cũng chính là lý do vì sau cậu bé này lại liên tục xuất hiện các cơn động kinh cười.

Sau đó, bệnh viện cũng đã  mời GS.TS Olivier Delalande – Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật động kinh Nhi của Pháp sang Việt Nam để thực hiện cuộc mổ nội soi cắt bỏ khối u cho bé Phúc và hiện nay bé đã ổn định được cảm xúc, thuyên giảm hẳn những cơn cười bất chợt và mất kiểm soát. Các chuyên gia còn cho biết thêm, theo số liệu thống kê hiện nay trên toàn thế giới thì động kinh cười là một bệnh hiếm gặp, cứ 1000 trẻ bị động kinh mới có 1 trẻ mắc chứng động kinh cười.

Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có con số cụ thể về tình trạng bệnh lý này và hiện nó vẫn còn khá xa lạ nên ít người có thể tự nhận biết được triệu chứng của bệnh. Chính vì thế, nhiều gia đình khi nhận thấy trẻ có biểu hiện cười không tự chủ thường sẽ đưa trẻ đến khoa tâm thần vì nghĩ trẻ đang mắc phải các vấn đề rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý phức tạp và cần phải được điều trị tại chuyên khoa thần kinh với sự kết hợp của các bác sĩ nội ngoại thần kinh chứ không phải các bác sĩ tâm thần.

3. Hội chứng thiên thần

Hội chứng thiên thần còn có tên tiếng anh là Angelman syndrome, đây là một chứng rối loạn di truyền có sự liên quan đến những bất ổn trong cấu trúc của nhiễm sắc thể số 15. Nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh và tạo nên những sự khiếm khuyết về cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ nhỏ.

Những đứa trẻ mắc phải hội chứng này thường sẽ luôn mĩm cười và cười không tự chủ, tính cách vui vẻ, gần gũi nhưng dễ bị kích động. Khi bị hội chứng thiên thần, trẻ sẽ chậm phát triển khoảng từ 6 đến 12 tháng tuổi, tần suất xuất hiện các cơn cười cũng gia tăng nhưng không có sự liên quan đến những cơn động kinh. Đây là sự kích thích quá mức của những nơron vận động trên cơ mặt.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thì hội chứng thiên thần là một bệnh lý cực kỳ hiếm, xác suất chỉ chiếm khoảng 1/12.000 đến 1/20.000. Thông thường thì những đứa trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng này đều rơi vào độ tuổi từ 3 đến 7 tuổi. Lúc này các biểu hiện của trẻ cũng dần trở nên rõ ràng và dễ nhận biết hơn.

Bên cạnh đó, hầu như đa số những bệnh nhân Angelman đều có dấu hiệu bị thiểu năng trí tuệ, chậm hoặc thậm chí là không phát triển về kỹ năng ngôn ngữ. Dường như trẻ chỉ có thể nói được 15 đến 20 từ, khả năng giao tiếp hết sức hạn hẹp và gặp nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp.

4. Cười nhiều, mất kiểm soát là dấu hiệu của bệnh tâm thần

Theo đánh giá của các chuyên gia thì tình trạng cười nhiều, cười không tự chủ có chính là những triệu chứng ban đầu của rối loạn tâm thần. Thông thường, người bệnh sẽ gặp khó khăn hoặc thậm chí là không thể kiểm soát và làm chủ được hành vi, lời nói, cảm xúc của chính mình. Triệu chứng này thường sẽ xuất hiện nhiều ở những người bị tâm thần phân liệt, mất trí nhớ hoặc sau khi chấn thương ở não bộ.

Cười không tự chủ
Cười nhiều, cười không kiểm soát có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần.

Các chuyên gia còn cho biết thêm, đối với những trường hợp bị rối loạn tâm thần thường sẽ dễ gặp phải ảo giác, hay nói nhảm, cười vô cớ, hoang tưởng, suy nghĩ viển vông, ngại tiếp xúc với người lạ, luôn thu mình và chỉ muốn ở một mình. Nếu người bệnh không được quan tâm và chăm sóc chu đáo rất có thể làm gia tăng khả năng suy nghĩ tiêu cực, thực hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc thậm chí là tự sát.

Làm sao để khắc phục tình trạng cười không tự chủ?

Cười không tự chủ có thể khiến cho chúng ta bật ra tiếng cười vào những tình huống không phù hợp làm cho cả bản thân và những người xung quanh cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ, khó chịu. Nếu hành vi này đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và cả các mối quan hệ của bạn thì tốt nhất bạn cần có biện pháp khắc phục và kiềm chế cơn cười của bản thân.

Tùy vào nguyên nhân khiến bạn bật cười không thể kiểm soát mà các biện pháp khắc phục cũng sẽ khác nhau. Nếu tiếng cười của bạn biểu hiện cho những bệnh lý nêu trên thì cần phải được tiến hành thăm khám và điều trị theo phác đồ riêng biệt. Thông thường, đối với những vấn đề liên quan đến sức khỏe hệ thần kinh, não bộ sẽ được ưu tiên kết hợp trị liệu bằng liệu pháp tâm lý và sử dụng một số loại thuốc thích hợp.

Bên cạnh đó, để tạm thời kiểm soát cơn cười của bản thân, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:

1. Đánh lạc hướng bản thân khỏi cơn cười

Để có thể kiểm soát cơn cười cần phải có một thời gian dài, đặc biệt nếu nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý nêu trên. Tuy nhiên, bạn có thể thử áp dụng một số mẹo đánh lạc hướng nhanh để giảm bớt những trận cười vô nghĩa và không phù hợp của bản thân. Hãy thử tự vấu vào cơ thể, cảm giác đau có khả năng sẽ làm bạn phân tâm. Hoặc bắt đầu đếm ngược, hát nhẩm một bài hát,…

2. Xác định được yếu tố, nguyên nhân khiến bạn cười

Hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân, có phải bạn đang cười vì lo lắng hoặc cười để đối với những nỗi đau đang đối mặt. Dù nguyên nhân đến từ đầu thì một trận cười không đúng lúc cũng khiến bạn phải gặp nhiều rắc rối. Chính vì thế, hãy tìm cách xem xét và xác định thời gian, địa điểm, tình huống khiến bạn có những cơn cười mất kiểm soát. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng trong việc xử lý những thói quen của mình.

3. Thay thế cơn cười bằng các hành vi khác

Thay vì cười, bạn có thể thực hiện một hành vi khác nhằm thay thế cho tiếng cười của mình, chẳng hạn như hít thở thật sâu, bấm bút, liếm môi, gật đầu, nháy mắt,….Tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm xuất hiện các cơn cười mà bạn nên lựa chọn hành vi thay thế cho phù hợp. Ví dụ như bạn bắt đầu xuất hiện những cơn cười trong những khoảnh khắc quan trọng thì hãy cố gắng hít thở thật chậm và sâu thay vì bật cười.

4. Thư giãn cơ thể, giảm bớt lo âu

Trạng thái cơ thể căng thẳng, lo lắng quá mức cũng có thể khiến cho cơn cười xuất hiện và dần trở nên mất kiểm soát. Vì thế bạn có thể kiềm chế tiếng cười không thích hợp của mình bằng cách học cách đối phó và chấp nhận với những nỗi lo âu. Lúc này bạn cần thả lỏng cơ thể hoặc thay đổi tư thế, cố gắng loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí.

Cười không tự chủ
Để kiểm soát tốt cơn cười không phù hợp, bạn nên thả lỏng và thư giãn cơ thể.

5. Đi ra nơi khác khi bạn bắt đầu cười

Nếu bạn không thể dừng được những trận cười vô nghĩa, đôi khi là kém duyên tại các sự kiện quan trọng, những thời điểm cần sự trang nghiêm thì cách tốt nhất là nên xin phép để rời khỏi nơi đó. Như vậy sẽ giúp bạn có thời gian để bình tĩnh trở lại và không làm gián đoạn công việc của mọi người xung quanh. Ví dụ như bạn có thể xin phép đi vệ sinh nếu chuẩn bị xuất hiện cơn cười trong một đám tang, cuộc họp quan trọng.

6. Xin lỗi ngay sau khi bạn đã bật ra tiếng cười không phù hợp

Nếu không thể ngăn cản được tiếng cười của bản thân và cũng không thể thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại thì cách tốt nhất là bạn nên xin lỗi ngay sau khi đã bật ra tiếng cười không đúng lúc hoặc bạn cũng có thể giải thích cho mọi người hiểu về tình trạng bệnh mà bạn đang gặp phải. Sự chân thành và lịch sự của bạn sẽ giúp mọi người dễ dàng thông cảm hơn và tránh được những rắc rối trong các mối quan hệ xã hội.

7. Tìm gặp chuyên gia trị liệu

Nếu bạn cứ liên tục xuất hiện các trận cười không tự chủ thì cách tốt nhất là nên tiến hành thăm khám và chẩn đoán tình trạng sức khỏe tại các cơ sở chuyên khoa uy tín. Tùy vào từng trường hợp bệnh khác nhau mà các chuyên gia sẽ có phương pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp này dù đã xử lý tốt các vấn đề ở não bộ bằng những thủ thuật chuyên khoa thì người bệnh cũng cần được trị liệu cùng với chuyên gia để giải quyết sâu hơn về vấn đề này. Một chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn xác định được nguyên nhân và đề ra phương pháp khắc phục, kiểm soát cảm xúc hiệu quả hơn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

8. Sử dụng thuốc

Đối với một số trường hợp cười không tự chủ xuất phát từ chứng nhiễu loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần,….thì người bệnh có thể được chỉ định để sử dụng thêm một số loại thuốc khác. Bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất đối với từng trường hợp khác nhau. Thông thường thì các loại thuốc nhóm ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI) có thể được kê đơn nhằm giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các cơn cười bất chợt của mình.

Cười không tự chủ có thể là một vấn đề bình thường nhưng nếu nó xuất hiện với tần suất cao thì đây cũng có khả năng là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý. Chính vì thế, nếu bạn liên tục có những cơn cười mất kiểm soát, không đúng hoàn cảnh và bản thân không tự khắc phục được thì tốt nhất nên đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *