Nhiễu loạn cảm xúc: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Nhiễu loạn cảm xúc (PBA) là rối loạn tâm thần thường gặp ở người bị đột quỵ, Alzheimer, Parkinson, xơ cứng rải rác,… Dấu hiệu nhận biết bệnh là tình trạng cười/ khóc một cách bộc phát không chủ đích, đột ngột. PBA là tình trạng mãn tính, kéo dài suốt đời và hiện chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm.
Nhiễu loạn cảm xúc là gì?
Nhiễu loạn cảm xúc – Pseudobulbar Affect (PBA) là hình thái cảm xúc bất thường, điển hình bởi các đợt cười hoặc khóc vô cớ, xảy ra đột ngột và không thể kiểm soát. Tình trạng này thường xảy ra ở những người có vấn đề về thần kinh (chấn thương sọ não, xơ cứng rải rác, u não,…) và tổn thương thần kinh trung ương là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hình thái cảm xúc bất thường, nhiễu loạn.
Trên thực tế, đôi khi chúng ta có thể cười hoặc khóc đột ngột khi có yếu tố tác động (xem phim hài, chứng kiến những tình huống hài hước hay trải qua cú sốc lớn). Tuy nhiên, tình trạng cười và khóc đột ngột ở người bị nhiễu loạn cảm xúc hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý.
Đa phần những người bị nhiễu loạn cảm xúc đều tiềm ẩn các vấn đề liên quan đến thần kinh như Parkinson, Alzheimer, đột quỵ, hội chứng ALS (bệnh xơ cứng teo cơ một bên), chấn thương sọ não, xơ cứng rải rác,… Do đó, hầu hết những người mắc chứng bệnh này đều có cải thiện tích cực sau khi điều trị bằng thuốc.
Nhiều trường hợp nhiễu loạn cảm xúc không được chẩn đoán và đôi khi bị chẩn đoán nhầm với rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm. Tuy nhiên, các bệnh lý này ít khi xảy ra do tổn thương thần kinh. Trong khi đó, nhiễu loạn cảm xúc thường có mối liên hệ mật thiết với tổn thương thần kinh trung ương và hầu như không có liên quan đến các yếu tố tâm lý (stress, trải qua biến cố lớn trong cuộc sống,…).
Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về nhiễu loạn cảm xúc và cách gọi cũng chưa thống nhất. Ngoài tên gọi Pseudobulbar Affect (PBA), tình trạng này còn được biết đến với một số tên gọi khác như:
- Pathological laughing and crying (Khóc cười bệnh lý)
- Emotional lability (Cảm xúc không ổn định)
- Involuntary emotional expression disorder (Tạm dịch: Rối loạn cảm xúc không ổn định thực tổn)
- Emotional incontinence (Mất kiểm soát cảm xúc)
- Compulsive laughing or weeping (Khóc/ cười một cách cưỡng chế)
Dù chưa thống nhất về tên gọi nhưng rõ ràng, nhiễu loạn cảm xúc gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với chất lượng cuộc sống. Không chỉ riêng người bệnh mà những người xung quanh cũng phải đối mặt với những phiền toái do chứng bệnh này gây ra.
Dấu hiệu nhận biết nhiễu loạn cảm xúc
Theo thống kê của các chuyên gia, có khoảng 1 triệu dân số của Hoa Kỳ từng có biểu hiện nhiễu loạn cảm xúc. Tuy nhiên, con số chính xác có thể cao hơn do tình trạng này có thể bị nhầm lẫn với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.
Điểm khác biệt của nhiễu loạn cảm xúc với các rối loạn cảm xúc (trầm cảm, rối loạn lưỡng cực) là tình trạng cười và khóc đột ngột, vô cớ không phù hợp với cảm xúc và tâm lý. Trạng thái này xuất hiện một cách bất ngờ và không thể kiểm soát. Bệnh nhân có thể đột nhiên cười/ khóc mà không có bất cứ yếu tố nào kích thích. Trong khi đó, tình trạng khóc/ cười ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc thường có liên quan đến tâm lý.
Biểu hiện của nhiễu loạn cảm xúc tương đối đa dạng và triệu chứng có sự khác biệt ở từng trường hợp. Tuy nhiên nhìn chung, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng điển hình sau:
- Dấu hiệu đặc trưng nhất của nhiễu loạn cảm xúc là cười hoặc khóc một cách bộc phát, đột ngột, không tự chủ và không thể kiểm soát
- Trạng thái khóc, cười thường bị phóng đại quá mức và không phù hợp với trạng thái cảm xúc
- Khi đang cười, bệnh nhân có thể chuyển sang khóc một cách đột ngột. Theo thống kê, khóc là triệu chứng thường thấy hơn so với cười.
- Bệnh nhân nhiễu loạn cảm xúc thường có cường độ cảm xúc rất mạnh. Người bệnh có thể khóc, cười dữ dội liên tục trong vài phút, điều này rất bất thường so với tâm lý thông thường.
- Một số bệnh nhân có biểu hiện thất vọng, bi quan và tức giận không kiểm soát, bộc phát đột ngột
Vì tình trạng khóc xảy ra nhiều hơn cười nên nhiễu loạn cảm xúc rất hay bị nhầm lẫn với trầm cảm. Tuy nhiên, người mắc chứng bệnh này thiếu đi các triệu chứng điển hình của trầm cảm như chán ăn, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, mất năng lượng,…
Ngoài những thời điểm phát bệnh, biên độ cảm xúc của bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Điều này khác hoàn toàn với trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, vì người mắc các chứng bệnh này sẽ phải đối mặt với những rối loạn về cảm xúc hầu hết thời gian trong ngày.
Nguyên nhân gây nhiễu loạn cảm xúc
Theo thống kê dịch tễ học, nhiễu loạn cảm xúc (PBA) ảnh hưởng chủ yếu đến người có các vấn đề thần kinh. Những vấn đề này làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, từ đó gây ra sự nhiễu loạn và mất kiểm soát cảm xúc.
Vì chưa được nghiên cứu sâu nên vẫn còn nhiều tranh cãi liệu nhiễu loạn cảm xúc có phải là rối loạn tâm thần hay không. Phần đông các chuyên gia cho rằng, chứng bệnh này nên được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần do cảm xúc bất ổn, mất kiểm soát diễn ra thường xuyên và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người bệnh.
Đến nay các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây nhiễu loạn cảm xúc là gì. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ủng hộ giả thuyết tổn thương thần kinh gây ra sự gián đoạn dẫn truyền bên trong não bộ, kết quả là mất kiểm soát cảm xúc.
Một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến chứng nhiễu loạn cảm xúc:
- Mất kết nối giữa thân não, tiểu não (các vùng điều hòa phản xạ) và thùy trán (vùng điều khiển cảm xúc)
- Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như glutamate, acetylcholin, dopamine, norepinephrine, serotonin,…
Các chuyên gia tin rằng, bất thường bên trong não bộ ở bệnh nhân nhiễu loạn cảm xúc có liên quan đến các bệnh lý sau:
- Hội chứng Wilson
- Động kinh
- U não
- Đột quỵ
- Bệnh Parkinson
- Bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác
- Chấn thương sọ não
- Xơ cứng rải rác
- Bệnh xơ cứng teo cơ một bên
Trong một vài nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy 50% người bị nhiễu loạn cảm xúc mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, 46% trường hợp bị xơ cứng rải rác và 48% trường hợp bị chấn thương sọ não. Kết quả từ các nghiên cứu này phần nào cho thấy PBA thực sự có liên quan đến tổn thương thực thể ở não bộ.
Biến chứng của nhiễu loạn cảm xúc
Về cơ bản, nhiễu loạn cảm xúc không quá trầm trọng như trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Các cơn bệnh chỉ kéo dài khoảng vài phút, sau đó biên độ cảm xúc trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, tình trạng khóc/ cười một cách đột ngột, không kiểm soát có thể khiến công việc và thói quen sinh hoạt bị đảo lộn.
Người bệnh khó có thể duy trì hiệu suất làm việc như trước và có xu hướng tự cách ly. Về lâu dài, nhiễu loạn cảm xúc có thể gia tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu. Lúc này, các triệu chứng sẽ trở nên nhập nhằng, khó chẩn đoán và điều trị cũng phức tạp hơn.
Nếu được điều trị đúng cách, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát các triệu chứng do nhiễu loạn cảm xúc gây ra. Tuy nhiên, vì các vấn đề thần kinh gần như là mãn tính nên cần điều trị duy trì và chủ động phòng ngừa để tránh tái phát.
Với những bệnh nhân Alzheimer và đa xơ cứng, nhiễu loạn cảm xúc là vấn đề mãn tính phải sống chung suốt đời. Dù không thể điều trị nhưng chất lượng cuộc sống của người bệnh vẫn sẽ được đảm bảo nếu điều trị đúng cách và có lối sống khoa học.
Chẩn đoán nhiễu loạn cảm xúc bằng cách nào?
Như đã đề cập, nhiễu loạn cảm xúc dễ bị nhầm lẫn với trầm cảm. Tuy nhiên, các triệu chứng của PBA có tính chất bộc phát, đột ngột và mạnh mẽ hơn. Mỗi cơn phát bệnh chỉ kéo dài khoảng vài phút, không dai dẳng như trầm cảm. Đặc biệt, biên độ cảm xúc ở bệnh nhân PBA dường như không liên quan đến tâm lý.
Để chẩn đoán nhiễu loạn cảm xúc, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh lý (các vấn đề thần kinh, tâm thần). Bệnh nhân cũng được kiểm tra sức khỏe thể chất để phát hiện các vấn đề thần kinh tiềm ẩn.
Các phương pháp điều trị nhiễu loạn cảm xúc (PBA)
Hiện tại, không có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm chứng nhiễu loạn cảm xúc. Nguyên nhân gốc rễ của bệnh lý này là do tổn thương thực thể ở thần kinh trung ương. Vì thế nếu mắc các bệnh thần kinh mãn tính, người bệnh sẽ phải điều trị lâu dài và sống chung với bệnh suốt đời.
Mặc dù vậy, điều trị PBA vẫn rất có triển vọng. Đa phần bệnh nhân sử dụng thuốc đều đặn và có những cải thiện về lối sống có thể hạn chế các cơn phát bệnh. Đồng thời có thể ngăn chặn được những biến chứng như lo âu, trầm cảm,…
Một số phương pháp điều trị nhiễu loạn cảm xúc được áp dụng hiện nay:
1. Liệu pháp hóa dược
Hiện nay, dùng thuốc vẫn là phương pháp điều trị chính đối với nhiễu loạn cảm xúc (PBA). Liệu pháp hóa dược giúp kiểm soát tốt tình trạng khóc, cười đột ngột, vô vớ. Khi các triệu chứng giảm đi, tâm lý của bệnh nhân cũng trở nên thoải mái hơn, qua đó giảm nguy cơ trầm cảm, stress, lo âu.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị nhiễu loạn cảm xúc:
- Dextromethorphan – Quinidine sulfate: Dextromethorphan (thuốc điều trị ho) và Quinidine sulfate (thuốc điều trị rối loạn nhịp tim) khi sử dụng đồng thời có thể làm giảm triệu chứng của PBA. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc không quá cao. Nghiên cứu cho thấy, chỉ khoảng 50% trường hợp nhiễu loạn cảm xúc do xơ cứng rải rác và xơ cứng teo cơ một bên có cải thiện khi dùng thuốc.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm cũng là lựa chọn phổ biến khi điều trị nhiễu loạn cảm xúc. Bệnh nhân PBA có cải thiện khi sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) và thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine/ serotonin.
Sử dụng thuốc không phải là giải pháp tối ưu cho nhiễu loạn cảm xúc. Thứ nhất là vì hiệu quả không quá cao, thứ hai là vì thuốc tiềm ẩn khá nhiều tác dụng phụ. Dù vậy trước khi có phương pháp triển vọng hơn, liệu pháp hóa dược vẫn là lựa chọn ưu tiên.
2. Các biện pháp kiểm soát cơn bệnh tạm thời
Các cơn bệnh có thể bộc phát một cách bất ngờ, đột ngột và không thể kiểm soát. Để giảm bớt cường độ trong các cơn phát bệnh, bệnh nhân có thể thử một số biện pháp tạm thời sau:
- Tìm cách phân tán bằng cách nghĩ đến vấn đề gì đó hoặc có thể đếm số. Cách này sẽ giúp cơn bệnh qua nhanh hơn và biên độ cảm xúc cũng giảm đi đáng kể.
- Không nên hoảng loạn trong các cơn bệnh, thay vào đó nên hít thở sâu và chậm.
- Thư giãn vai và cổ có thể giảm căng thẳng đáng kể trong các cơn phát bệnh.
Khi tình trạng khóc/ cười đột ngột qua đi, bệnh nhân nên cởi mở chia sẻ về tình trạng sức khỏe của bản thân. Việc cởi mở sẽ giúp bệnh nhân nhận được sự giúp đỡ khi cần, tránh tình trạng cô lập và cách ly xã hội. Đây là một trong những bước đầu tiên giúp bệnh nhân “hòa hợp” với chứng nhiễu loạn cảm xúc.
3. Lối sống khoa học
Vì chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nên lối sống khoa học sẽ đóng góp một phần rất lớn vào việc kiểm soát và phòng ngừa tái phát. Do đó, bệnh nhân nên điều chỉnh những thói quen xấu và thiết lập lối sống khoa học, lành mạnh:
- Kiêng cữ hoàn toàn bia rượu, thuốc lá và các loại thức uống chứa cồn khác.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh, hạn chế đường, muối và chất béo bão hòa.
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là yoga. Bộ môn này vừa giúp giảm stress vừa giúp bệnh nhân học cách phân tán suy nghĩ khi cơn bệnh bùng phát.
- Chia sẻ với bạn bè và người thân để được thấu hiểu, đồng cảm. Sự cởi mở sẽ giúp bệnh nhân chấp nhận vấn đề bản thân đang phải đối mặt và học cách sống chung với chứng PBA.
- Kiểm soát các vấn đề thần kinh để giảm tần suất và triệu chứng của bệnh.
Nhiễu loạn cảm xúc (PBA) gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với chất lượng cuộc sống và tinh thần. Để tạo động lực cho người bệnh, những người xung quanh nên tìm hiểu về PBA để giúp đỡ khi cần. Chủ động chia sẻ, khuyến khích người bệnh tích cực điều trị và giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì? Biểu hiện và cách phòng ngừa
- Cười không tự chủ là bị gì? Làm sao khắc phục?
- Cười nhiều là dấu hiệu của bệnh gì? Có phải bệnh tâm thần?
- Tự nhiên cười một mình là bệnh gì? Bình thường hay bất ổn?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!