Gia đình không toàn vẹn ảnh hưởng tâm lý trẻ như thế nào?
Sống trong gia đình không toàn vẹn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý con trẻ. Nếu bố/ mẹ không biết cách quan tâm và có phương pháp giáo dục đúng đắn, trẻ có thể lớn lên với những thiếu sót trong tính cách.
Gia đình không toàn vẹn là như thế nào?
Gia đình không toàn vẹn được hiểu là gia đình không có đủ cấu trúc bao gồm cha – mẹ – con cái. Thường là thiếu 1 trong 2 yếu tố cha hoặc mẹ nhưng cũng có nhiều trường hợp con cái sống cô độc với người thân khác và hoàn toàn không có sự hiện diện của bố mẹ trong cuộc sống.
Trong quá trình hình thành nhân cách, trẻ rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ bố mẹ. Chính vì vậy, việc sống trong gia đình không toàn vẹn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của trẻ trong tương lai. Sự hụt hẫng khi thiếu vắng bố/ mẹ cộng với những thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng về mặt tâm lý.
Ngày nay, những định kiến về ly hôn đã được tháo bỏ phần nào nên nhiều cặp đôi không ngần ngại đi đến quyết định này để thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ly hôn không hẳn là điều tồi tệ nhưng chắc chắn sẽ để lại những tổn thương sâu sắc cho con trẻ. Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn là có tâm lý nhạy cảm và dễ gặp phải các rối loạn cảm xúc, hành vi.
Ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi sống trong gia đình không toàn vẹn
Gia đình không toàn vẹn thường là hệ quả sau khi ly hôn, mất bố/ mẹ hoặc làm mẹ/ bố đơn thân. Dù nguyên nhân do đâu, gia đình không toàn vẹn cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của con trẻ.
Trong đó, trường hợp bố mẹ ly hôn thường có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Vì lúc này, trẻ đã được cảm nhận cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy với cả ba và mẹ nhưng sau đó mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Nhiều trẻ không chấp nhận sự thật này và có những phản ứng quá khích, đặc biệt là khi bố mẹ không có cách ứng xử thấu đáo.
Dưới đây là một số ảnh hưởng tâm lý mà trẻ phải đối mặt khi sống trong gia đình không toàn vẹn:
1. Tâm lý nhạy cảm và bất ổn
Trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn thường có tâm lý nhạy cảm và bất ổn. Vì không có đủ bố mẹ nên trẻ dễ mất cân bằng về mặt tâm lý. Đối với trường hợp bố mẹ ly hôn, trẻ thường có phản ứng thái quá trước những vấn đề như chia tay, chuyển nơi ở, chuyển trường,… Bởi cuộc sống của trẻ sau khi bố mẹ ly dị đã có quá nhiều đổi thay nên trẻ sẽ hình thành tâm lý nhạy cảm với những vấn đề này.
Trẻ nhỏ thường không hiểu được lý do vì sao bố mẹ không còn chung sống với nhau. Sự mơ hồ này khiến trẻ có cảm giác bất an, lo lắng và có suy nghĩ bố/ mẹ có thể bỏ rơi bản thân. Chính vì vậy, đa phần trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn đều có tâm lý bất ổn. Bất ổn về mặt tâm lý cũng có thể xảy ra khi trẻ quá lo lắng về việc tiếp tục mất bố/ mẹ và trở thành trẻ mồ côi.
Mức độ tổn thương tâm lý của trẻ lớn sẽ nhẹ hơn so với trẻ còn nhỏ vì đã phần nào hiểu được lý do vì sao bố mẹ ly hôn và biết cách để vượt qua sự mất mát khi sống trong gia đình không toàn vẹn. Tuy nhiên, tâm lý của trẻ vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Khi lớn lên, trẻ thường lo sợ, dè dặt trong các mối quan hệ tình cảm và có thể lựa chọn cuộc sống độc thân vì sợ phải đối mặt với sự đổ vỡ như cuộc hôn nhân của bố mẹ.
2. Sống xa cách hoặc phụ thuộc quá mức vào bố/ mẹ
Có thể nói, bố mẹ là chuẩn mực đầu tiên của con cái. Do đó, những quyết định của bố mẹ đều ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con. Đối mặt với việc bố mẹ mâu thuẫn và ly dị, trẻ có thể sống khép kín và xa cách vì cho rằng bố mẹ không yêu thương bản thân.
Hơn nữa sau khi bố mẹ ly dị, con cái sẽ có cái nhìn khác về gia đình của mình – đặc biệt là khi một trong hai có hành vi sai lầm, tội lỗi. Chứng kiến điều này, trẻ thường không thẳng thắn trao đổi với bố mẹ mà lựa chọn im lặng và sống thu mình, tách biệt.
Tuy nhiên, những trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn do mất bố/ mẹ vì tai nạn hay bệnh tật không gặp phải tình trạng như trên. Ngược lại, trẻ thường gần gũi, gắn bó hơn vì giờ đây chỉ còn một chỗ dựa tinh thần. Thậm chí, nhiều trẻ còn có xu hướng sống phụ thuộc quá mức vì lo sợ sẽ tiếp tục mất thêm người thân yêu.
3. Trở nên tiêu cực và bi quan
Một đặc điểm thường thấy ở trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn là bi quan, tiêu cực – đặc biệt là về khía cạnh tình cảm và hôn nhân. Khi chứng kiến bố/ mẹ bị tổn thương sâu sắc sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, trẻ sẽ trở nên tiêu cực dù bố/ mẹ có trấn an như thế nào.
Mức độ tiêu cực sẽ tăng lên nếu cả bố, mẹ sau khi ly dị đều không quan tâm đến con cái. Lúc này, trẻ không thể tránh khỏi những suy nghĩ bi quan như không ai quan tâm đến bản thân, bản thân chỉ là người thừa thãi, vô dụng,… Đây là lý do vì sao các cặp đôi cần phải chuẩn bị tâm lý và quan tâm con cái khi cả hai đi đến quyết định chia tay.
Sống trong gia đình không toàn vẹn khiến con trẻ thiếu đi tình yêu thương của bố hoặc mẹ. Ban đầu, trẻ có thể không chú ý đến vấn đề này. Tuy nhiên, khi nhận thấy bản thân đang sống trong gia đình khác hẳn với bạn bè đồng trang lứa, những suy nghĩ tiêu cực sẽ nhen nhóm và lớn dần lên theo thời gian.
4. Có tâm lý và hành vi chống đối
Ngoài những ảnh hưởng tâm lý trên, trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn còn hình thành tâm lý và hành vi chống đối. Đối với trường hợp bố mẹ ly dị, con cái thường có phản ứng chống đối để thể hiện sự tức giận, phẫn uất của bản thân trước quyết định ly dị của bố mẹ. Trẻ cho rằng, bố mẹ không nghĩ đến con cái mà chỉ cho bản thân nên mới quyết định chia tay.
Khi sống trong gia đình không toàn vẹn, bản thân bố/ mẹ phải nỗ lực làm việc hơn để đảm bảo con cái có cuộc sống đủ đầy và được học tập trong điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, quá mải mê với công việc khiến bố/ mẹ ít dành thời gian cho con. Trước thực tế này, trẻ có thể hình thành suy nghĩ bản thân là người thừa và có hành vi chống đối, phá phách.
Ngoài ra, hành vi hung hăng của trẻ có thể bắt nguồn từ việc bị bạn bè trêu chọc về gia đình của chính mình. Vì chưa có hiểu biết sâu sắc về mọi thứ nên trẻ cho rằng, chính bố/ mẹ đã khiến gia đình đổ vỡ và là nguyên nhân khiến bản thân trẻ phải đối mặt những lời trêu chọc. Nếu không tinh tế và thấu đáo trong cách ứng xử, nhiều khả năng trẻ sẽ giữ các hành vi hung hăng và chống đối cho đến khi trưởng thành.
5. Tăng khả năng phạm tội
Ít người biết rằng, sống trong gia đình không toàn vẹn khiến con trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng và có khả năng phạm tội. Ở giai đoạn vị thành niên, tâm lý của trẻ có nhiều thay đổi dưới tác động của nội tiết. Tình trạng này cộng với sự hụt hẫng khi bố mẹ ly dị khiến cho trẻ có phản ứng quá khích và đôi khi giữ thái độ thù địch với bố, mẹ.
Để quên đi nỗi buồn và lấp đầy sự hụt hẫng của bản thân, trẻ có thể sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, đồng thời có các hành vi ngông cuồng và vi phạm pháp luật (đua xe, đánh nhau, gây hấn,…). Khả năng phạm tội tăng lên đáng kể ở trẻ sống trong gia đình không toàn vẹn đã được chứng minh qua nhiều khảo sát.
Nguyên nhân được xác định là do tổn thương tâm lý khi bố mẹ ly hôn, bố/ mẹ đều có gia đình riêng và thiếu sự quan tâm đến con cái,… Ngoài ra, sống trong gia đình không toàn vẹn với điều kiện kinh tế khó khăn cũng có thể gia tăng các hành vi phạm tội với mục đích thỏa mãn bản thân với các thú vui.
6. Phát triển các dạng nhân cách bất thường
Ngoài ra, sống trong gia đình không toàn vẹn cũng gia tăng nguy cơ phát triển các dạng nhân cách bất thường. Như đã đề cập, cha mẹ là chuẩn mực đầu tiên của con. Nếu sống trong gia đình không toàn vẹn và chứng kiến những lỗi lầm của bố mẹ, trẻ sẽ cho rằng việc phạm lỗi trong cuộc sống là điều hiển nhiên. Đây là lý do vì sao cả bố và mẹ đều không nên chì chiết, trách móc lỗi lầm của nhau trước mặt con cái.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sống trong gia đình không toàn vẹn làm gia tăng các dạng rối loạn nhân cách như:
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
- Rối loạn nhân cách né tránh
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
Rối loạn nhân cách gây ra nhiều phiền toái đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất, tinh thần. Chính vì vậy, bố/ mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt để bồi dưỡng nhân cách cho con và hướng con đến cuộc sống lành mạnh, tích cực.
7. Gia tăng các vấn đề tâm lý
Sống trong gia đình không toàn vẹn khiến tâm lý của trẻ trở nên nhạy cảm và mất cân bằng. Nếu không có các biện pháp cải thiện, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, stress, trầm cảm, rối loạn nhân cách, hội chứng Self-Harm,…
Với người lớn, những sự kiện như ly dị, ly thân hay mất người thân cũng gây ra tổn thương nhất định. Tuy nhiên, người trưởng thành có thể vượt qua tình trạng này do đã có kinh nghiệm sống và biết cách giải tỏa cảm xúc. Ngược lại, trẻ nhỏ không có kỹ năng giảm stress và cân bằng cảm xúc. Thay vì thực hiện những cách giải tỏa lành mạnh, trẻ có thể lựa chọn cách tiêu cực nhất như tự làm đau bản thân, suy nghĩ quá nhiều, nhốt mình, sống tách biệt,…
Làm sao giảm tổn thương cho trẻ khi sống trong gia đình không toàn vẹn?
Không ai muốn sinh sống trong gia đình không toàn vẹn. Tuy nhiên, kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc tốt hơn so với việc để con trẻ nhìn thấy bố mẹ bất hòa và tranh cãi mỗi ngày. Do đó trong nhiều trường hợp, nhiều người buộc phải để con cái sống trong gia đình không trọn vẹn.
Có thể thấy, gia đình thiếu đi sự hiện diện của bố và mẹ đều gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với tâm lý của trẻ. Chính vì vậy, bố/ mẹ cần dành sự quan tâm đặc biệt để con hiểu rằng, con vẫn luôn được yêu thương và quan tâm. Đối với những hành vi chống đối của con, bố/ mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa thay vì quy chụp do con cái hư hỏng và nông cạn.
Trẻ sống trong gia đình không trọn vẹn sẽ khó kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân. Do đó, bố, mẹ và những người thân trong gia đình phải có cách cư xử thấu đáo để giúp trẻ phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Nếu cần thiết, nên cho con trẻ tìm gặp chuyên gia tâm lý để được giải tỏa cảm xúc và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Đồng thời giúp trẻ có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để có thể chế ngự cảm xúc tiêu cực và đối mặt, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Gia đình không toàn vẹn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, nếu bố/ mẹ và những người thân trong gia đình biết cách quan tâm và chia sẻ, con trẻ sẽ tránh được những ảnh hưởng tiêu cực và có thể rèn luyện tính cách mạnh mẽ, lạc quan đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Tham khảo thêm:
- Tổn thương khi bị gia đình khinh thường và cách vượt qua
- Thấu hiểu con cái: 10 Điều cha mẹ nên làm
- Bị stress vì hay bị bố mẹ la mắng và 5 cách giúp bạn vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!