Chứng sợ nuốt (Phagophobia): Gây ám ảnh mỗi khi ăn
Chứng sợ nuốt (Phagophobia) là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi rất hiếm gặp. Người mắc hội chứng này luôn thường trực cảm giác sợ hãi, lo lắng khi nuốt thức ăn. Vì gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất, tinh thần nên chứng Phagophobia cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hội chứng sợ nuốt (Phagophobia) là gì?
Nuốt là hoạt động để đẩy thức ăn từ trong khoang miệng xuống thực quản, sau đó thức ăn di chuyển xuống dạ dày và đường ruột để tiêu hóa. Tuy nhiên, một số người lại có nỗi sợ vô lý về hoạt động này. Đây là biểu hiện đặc trưng của hội chứng sợ nuốt (Phagophobia).
Chứng sợ nuốt (Phagophobia) là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hiếm gặp, đặc trưng bởi nỗi sợ vô lý và tột độ về việc “nuốt” thức ăn. Hội chứng này thường bị nhầm lẫn với chứng khó nuốt. Tuy nhiên, chứng khó nuốt thường có liên quan đến tổn thương ở thực quản, hệ thần kinh hoặc rối loạn não bộ. Trong khi đó, chứng sợ nuốt có mối liên hệ mật thiết với tổn thương tâm lý.
Thuật ngữ Phagophobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với “phagein” nghĩa là ăn/ nuốt và “phobos” là nỗi sợ hãi. Tỷ lệ mắc hội chứng này là rất hiếm nhưng người bệnh sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, chứng sợ nuốt có thể gây ra các rối loạn ăn uống và nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần khác.
Biểu hiện của chứng sợ nuốt
Chứng sợ nuốt có triệu chứng giống với các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Biểu hiện điển hình nhất của hội chứng này là cảm giác sợ hãi quá mức và vô lý về hành động nuốt. Nỗi sợ sẽ kéo dài dai dẳng, đồng thời sẽ chi phối hành vi và gây ra các triệu chứng thể chất cho người bệnh.
Các biểu hiện nhận biết hội chứng sợ nuốt bao gồm:
1. Triệu chứng thể chất
Đặc điểm chung của người bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là né tránh các tình huống/ đối tượng gây ra nỗi sợ. Tuy nhiên, việc né tránh hành động “nuốt” gần như là không thể. Do đó, người mắc hội chứng sợ nuốt sẽ phải đối mặt với các phản ứng thể chất thường xuyên hơn so với các hội chứng ám ảnh sợ khác.
Người bệnh thường miễn cưỡng ăn uống và có xu hướng nhai rất kỹ thức ăn. Khi nuốt thức ăn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng thể chất do sợ hãi và lo lắng quá mức. Các triệu chứng thể chất gặp phải sẽ có sự khác biệt tùy theo mức độ của nỗi sợ.
Các triệu chứng thể chất bệnh nhân mắc chứng sợ nuốt có thể gặp phải bao gồm:
- Tăng nhịp tim
- Đau thắt ngực
- Nhức đầu
- Tăng nhịp thở, thở nông
- Có cảm giác nghẹt thở, khó thở
- Tăng tiết mồ hôi
- Buồn nôn, nôn mửa
- Chóng mặt, choáng váng
- Khó chịu ở dạ dày
- Ngất xỉu
Các triệu chứng này thường sẽ xuất hiện trong bữa ăn. Do đó, người bệnh thường chọn cách ăn rất ít và nhanh chóng rời khỏi bàn ăn để giảm các triệu chứng thể chất kể trên.
2. Biểu hiện về cảm xúc, nhận thức
Ngoài các triệu chứng thực thể, hội chứng sợ nuốt (Phagophobia) còn gây ra các biểu hiện về cảm xúc và nhận thức.
Các triệu chứng về mặt cảm xúc, nhận thức thường gặp ở người mắc hội chứng sợ nuốt (Phagophobia):
- Thường trực sự lo lắng, sợ hãi về việc nuốt thức ăn
- Ý nghĩ về việc phải ăn uống cũng khiến người bệnh cảm thấy bất an, lo sợ
- Có những suy nghĩ sai lầm về việc nuốt thức ăn như tin rằng bản thân sẽ bị nghẹn nếu ăn uống hoặc bị tổn thương thực quản, dạ dày
- Nỗi sợ dai dẳng khiến người bệnh luôn căng thẳng, bất an, lo lắng
3. Các dấu hiệu về hành vi
Tương tự như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, chứng Phagophobia cũng gây ra các hành vi né tránh. Mục tiêu của các hành vi này là ngăn chặn cảm giác sợ hãi quá mức, hoảng loạn cùng với các triệu chứng thể chất. Tuy nhiên, hành vi né tránh dẫn đến rất nhiều phiền toái và rào cản trong cuộc sống.
Các hành vi né tránh thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng sợ nuốt:
- Miễn cưỡng ăn uống và luôn muốn rời khỏi bàn ăn càng nhanh càng tốt
- Ăn từng miếng rất nhỏ và nhai kỹ để giảm bớt sự sợ hãi khi nuốt
- Bệnh nhân thường ưu tiên các món nước để tránh phải nuốt thức ăn. Bởi người bệnh tin rằng uống nước sẽ ít bị nghẹn và không gây tổn thương thực quản, dạ dày như thức ăn cứng, khô.
- Một số bệnh nhân sử dụng hoàn toàn các món ăn lỏng như súp, cháo, sinh tố, nước ép,… để giảm cảm giác sợ hãi và lo lắng về việc nuốt thức ăn.
- Thường né tránh ăn uống cùng với người khác vì sợ rằng mọi người sẽ phát hiện hành vi bất thường của bản thân. Mặt khác khi ăn uống cùng, người bệnh lo sợ bản thân sẽ bùng phát các cơn hoảng loạn.
Mặc dù không phải là triệu chứng chính nhưng đa số người bị chứng sợ nuốt đều sụt cân, cơ thể gầy gò và xanh xao do thiếu chất dinh dưỡng. Nếu để lâu dài, một số người có thể bị chán ăn tâm thần.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ nuốt (Phagophobia)
Hội chứng sợ nuốt là một rối loạn tâm lý, tâm thần hiếm gặp. Do đó, nguyên nhân gây ra hội chứng này chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, chứng Phagophobia là kết quả của một loạt các yếu tố kết hợp như di truyền, các vấn đề sức khỏe tâm thần và trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.
Các yếu tố gây ra hội chứng sợ nuốt:
1. Do mắc hội chứng sợ thức ăn (Cibophobia)
Hội chứng sợ thức ăn có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng sợ nuốt. Người mắc chứng Cibophobia thường sợ hãi vô lý với một số lại thức ăn. Do nỗi sợ quá mức nên người bệnh thường cảm thấy lo lắng, bất an khi nuốt thức ăn vào cơ thể. Ngoài ra, hội chứng sợ thức ăn cũng có thể gia tăng nguy cơ bị chứng chán ăn tâm thần.
2. Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ
Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc chứng sợ nuốt. Những người từng bị nghẹn, dị ứng thức ăn nghiêm trọng,… có thể phát triển nỗi sợ mãnh liệt và vô lý về hành động “nuốt”. Trong trường hợp này, nỗi sợ là dấu hiệu cảnh báo mối nguy hiểm tiềm ẩn để con người có thể né tránh tình huống/ đối tượng có thể gây ra nguy hiểm.
Những người từng có các trải nghiệm tiêu cực liên quan đến việc nuốt thức ăn thường giữ những suy nghĩ sai lầm về việc ăn uống. Do đó, bệnh nhân sẽ hạn chế tối đa hành động nuốt, thay vào đó là sử dụng các món ăn lỏng và thức uống để giảm cảm giác sợ hãi, lo lắng khi nuốt.
3. Một số yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân trên, hội chứng sợ nuốt (Phagophobia) có thể liên quan đến những yếu tố khác như:
- Căng thẳng mãn tính: Những người bị căng thẳng mãn tính thường gặp phải tình trạng nghẹn cổ họng, khô miệng do ảnh hưởng của hormone cortisol và adrenalin. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nỗi sợ vô lý, mãnh liệt về việc nuốt thức ăn.
- Di truyền: Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng sợ nuốt có thể di truyền từ gia đình. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra gen gây bệnh cũng như chưa hiểu được cách thức di truyền. Tuy nhiên, nghiên cứu dịch tễ cho thấy, tiền sử gia đình mắc bệnh là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng này.
- Ảnh hưởng từ gia đình: Nỗi sợ vô lý về việc nuốt thức ăn có thể là hành vi học được từ những người thân trong gia đình. Nếu sống cùng với một người mắc chứng sợ nuốt, trẻ lớn lên sẽ có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn so với bình thường.
Chứng sợ nuốt có nguy hiểm không?
Các hội chứng ám ảnh sợ nói chung và chứng sợ nuốt nói riêng đều không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, các hội chứng này sẽ gây ra không ít phiền toái và cản trở trong cuộc sống. Người mắc chứng bệnh này thường có xu hướng cách ly xã hội vì không cảm thấy thoải mái khi ăn uống cùng với mọi người. Ngoài ra, bệnh nhân cũng thường xuyên né tránh ăn trước mặt người khác vì lo sợ mọi người sẽ nhìn thấy hành vi bất thường của bản thân.
Người mắc chứng sợ nuốt thường ăn rất ít và ưu tiên dùng các loại thực phẩm dạng lỏng như sữa, sữa chua,… để tránh phải nuốt một lượng lớn thức ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sụt cân, suy nhược cơ thể.
Bên cạnh đó, chứng sợ nuốt cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần, rối loạn né tránh tiếp nhận thức ăn,… Ngoài ra, hội chứng này cũng gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn lo âu xã hội.
Chẩn đoán hội chứng sợ nuốt
Hội chứng sợ nuốt đã được công nhận là một rối loạn ám ảnh cụ thể trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về các rối loạn tâm thần ấn bản lần thứ 5 (DSM-5). Giống như các rối loạn ám ảnh cụ thể khác, hội chứng Phagophobia được chẩn đoán khi đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
- Thường trực nỗi sợ về một tình huống/ đối tượng không thực sự nguy hiểm mà ở đây là hành động “nuốt” thức ăn.
- Chứng sợ nuốt phải kéo dài ít nhất 6 tháng và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chất lượng cuộc sống.
- Nỗi sợ phải đủ lớn để dẫn đến các hành vi né tránh như ưu tiên sử dụng thực phẩm ở dạng lỏng, né tránh ăn cùng với mọi người và nhai từng miếng thức ăn rất nhỏ.
Chứng sợ nuốt dễ bị nhầm lẫn với chứng khó nuốt. Chính vì vậy, bác sĩ cũng sẽ loại trừ một số khả năng dẫn đến chứng khó nuốt như trào ngược dạ dày thực quản, u thực quản và bệnh khô miệng. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ loại trừ một số khả năng khác như rối loạn lo âu xã hội (SAD), rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ăn uống và rối loạn hoảng sợ.
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ nuốt (Phagophobia)
Hội chứng sợ nuốt ảnh hưởng nhiều đến thói quen ăn uống và về lâu dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù đa số các trường hợp mắc bệnh đều không có nguyên nhân rõ ràng nhưng can thiệp điều trị đều mang lại kết quả khả quan.
Các phương pháp điều trị được xem xét trong quá trình điều trị hội chứng sợ nuốt bao gồm:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp chính đối với hội chứng sợ nuốt. Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt nỗi sợ vô lý về việc nuốt thức ăn, từ đó có thể giảm các hành vi né tránh và ăn uống một cách bình thường. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý cũng sẽ giúp chữa lành tổn thương tâm lý từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.
Các liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả trong điều trị hội chứng sợ nuốt:
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc là phương pháp mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói chung và chứng sợ nuốt nói riêng. Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ đề cập đến nỗi sợ “nuốt” và yêu cầu bệnh nhân nuốt thức ăn để bộc lộ nỗi sợ hãi của bản thân. Với sự hỗ trợ của chuyên gia, bệnh nhân có thể đối phó với tình huống gây ra sự sợ hãi và bình thường hóa việc ăn uống.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT cũng là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị hội chứng sợ nuốt. Phương pháp này hướng đến mục tiêu thay đổi suy nghĩ sai lầm của người bệnh về hành động “nuốt”, đồng thời trang bị kỹ năng đánh lạc hướng bản thân và cách kiểm soát cảm xúc để có thể quản lý chứng sợ nuốt thành công. Hiện nay, CBT là liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả toàn diện và tối ưu nhất.
- Giải mẫn cảm và xử lý lại bằng cử động mắt (EMDR): EMDR thường được áp dụng trong điều trị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và một số rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Phương pháp này được thực hiện để giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác căng thẳng, đau khổ.
- Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên ít khi được thực hiện vì phần lớn người bệnh đều không chấp nhận trị liệu. Tuy nhiên, liệu pháp này được đánh giá cao về hiệu quả trong quá trình điều trị chứng sợ nuốt. Liệu pháp thôi miên giúp tìm ra nguồn gốc của nỗi sợ hãi, đồng thời khiến bệnh nhân cởi mở hơn trong việc thay đổi những suy nghĩ không phù hợp.
Sau khi can thiệp trị liệu, bệnh nhân có thể bình thường hóa việc ăn uống và không còn cảm thấy quá căng thẳng hay lo lắng. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý cũng sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về bản thân và trang bị được các kỹ năng thư giãn, giải tỏa stress hữu hiệu.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc có thể được sử dụng để giảm bớt cảm giác căng thẳng, lo lắng và các triệu chứng thể chất có liên quan đến chứng sợ nuốt. Một số loại thuốc được cân nhắc sử dụng bao gồm:
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc an thần
- Thuốc chống trầm cảm
Các loại thuốc điều trị chỉ mang lại hiệu quả tạm thời chứ không thể loại bỏ nỗi sợ vô lý về việc nuốt thức ăn. Do đó, người bệnh bắt buộc phải can thiệp trị liệu tâm lý và chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
3. Các biện pháp tự cải thiện
Ngoài trị liệu tâm lý và dùng thuốc hỗ trợ, một số biện pháp tự cải thiện cũng giúp ích rất nhiều trong việc giảm nỗi sợ vô lý về việc nuốt thức ăn. Các biện pháp tự cải thiện còn giúp bệnh nhân kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Bởi mức độ căng thẳng có mối liên hệ mật thiết với tình trạng nghẹn, vướng và khó nuốt.
Các biện pháp tự cải thiện dành cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ nuốt:
- Khi ăn uống, người bệnh nên nghe nhạc, đọc báo hoặc xem ti vi để phân tâm bản thân. Như vậy, cảm giác sợ hãi, lo lắng và căng thẳng về việc nuốt thức ăn sẽ thuyên giảm đáng kể.
- Bệnh nhân nên nhai kỹ thức ăn và dùng các món ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp, sinh tố,… để giảm cảm giác sợ hãi, lo lắng khi ăn uống.
- Tự tìm hiểu về hội chứng sợ nuốt để hiểu rõ vì sao bản thân lại có nỗi sợ vô lý về việc nuốt. Thông qua việc tìm hiểu về vấn đề sức khỏe bản thân đang phải đối mặt, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì biết rằng cũng có rất nhiều người đang gặp phải tình trạng tương tự.
- Trang bị các kỹ năng thư giãn, giảm căng thẳng như tập yoga, ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách, tập thể dục, xoa bóp,…
- Tổ chức lại lối sống sao cho lành mạnh và khoa học để nâng cao thể chất và tinh thần. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt căng thẳng và có thể dễ dàng vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.
Chứng sợ nuốt (Phagophobia) là tình trạng rất hiếm gặp. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, hội chứng này cần phải được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Dù nguyên nhân có nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng đa phần trường hợp mắc chứng sợ nuốt đều có đáp ứng tốt với điều trị.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng Burnout: khiến cơ thể thấy kiệt sức nơi làm việc
- Hội chứng sợ gà (Alektorophobia): căn bệnh hiếm ở người
- Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia): Liệu pháp khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!