Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia): Liệu pháp khắc phục
Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) thường bị nhầm lẫn với cảm giác thù hận, căm ghét đàn ông sau khi thất bại trong tình yêu. Tuy nhiên, hội chứng này là vấn đề tâm lý cần phải được điều trị do người bệnh luôn sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy nam giới.
Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) là gì?
Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Người mắc hội chứng này thường trực sự sợ hãi tột độ, mãnh liệt và dai dẳng về đàn ông. Nỗi sợ chi phối khiến bệnh nhân luôn cố gắng né tránh gặp gỡ và làm việc với nam giới. Nghe có vẻ vô lý nhưng hội chứng sợ đàn ông có thể gặp ở cả nam và nữ giới.
Hội chứng sợ đàn ông thường bị nhầm lẫn với cảm giác căm ghét và thù hận với đàn ông. Thực tế, nhiều phụ nữ có thể chán ghét nam giới sau khi thất bại trong hôn nhân. Tuy nhiên, cảm giác này không được xem là hội chứng sợ đàn ông.
Người mắc hội chứng Androphobia không thể kiểm soát sự sợ hãi, lo lắng tột độ khi nhìn thấy đàn ông (ngay cả qua hình ảnh và video clip). Nhiều bệnh nhân ý thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý và tìm mọi cách kiểm soát nhưng bất thành.
Thuật ngữ Androphobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó “andros” có nghĩa là nam giới và “phobia” nghĩa là sợ hãi, ám ảnh. Mặc dù thuật ngữ này được đề cập rất phổ biến nhưng chưa được công nhận trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Dù vậy, nếu chứng sợ đàn ông gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bệnh nhân vẫn sẽ được chỉ định điều trị.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đàn ông (Androphobia)
Hội chứng sợ đàn ông gây ra nỗi sợ vô lý và mạnh mẽ khi nhìn thấy đàn ông. Hội chứng này không giống với Misandry – thuật ngữ đề cập đến sự căm ghét, thành kiến và khinh miệt đàn ông. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra nỗi sợ vô lý về đàn ông. Dù vậy, một số yếu tố đã được xác định có thể góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố, nguyên nhân có thể gây hội chứng sợ đàn ông:
- Trải nghiệm tiêu cực: Những người trải qua hoặc chứng kiến những trải nghiệm tiêu cực về nam giới như lạm dụng trẻ em, bạo lực gia đình, cưỡng bức, quấy rối tình dục,… sẽ có nguy cơ phát triển nỗi sợ vô lý về đàn ông. Ngoài ra, câu chuyện về những người đàn ông độc tài, hống hách cũng vô tình gây ra sự ám ảnh tột độ.
- Ảnh hưởng từ người thân: Nếu sống với người bị hội chứng sợ đàn ông, trẻ nhỏ có thể phát triển phản ứng và cảm giác sợ hãi tương tự. Bên cạnh đó, người mắc hội chứng này cũng có thể gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực về đàn ông cho những người xung quanh. Kết quả là trẻ trở nên sợ hãi, căng thẳng và lo lắng tột độ khi nhìn thấy nam giới.
- Ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý, tâm thần khác: Chứng sợ đàn ông (Androphobia) thường gặp ở người bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ và rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện. Ngoài ra, người mắc các hội chứng ám ảnh sợ khác cũng có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này.
- Nữ giới: Mặc dù chứng sợ đàn ông có thể gặp ở cả nam và nữ giới nhưng phụ nữ có nguy cơ cao hơn gấp 2 lần. Các chuyên gia cho rằng, những định kiến, quan niệm về mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ khiến nhiều người sợ hãi đàn ông quá mức. Những người phụ nữ mắc hội chứng này thường không có các mối quan hệ tình cảm với người khác giới và lựa chọn sống độc thân hoặc kết hôn đồng giới.
Hội chứng sợ đàn ông có biểu hiện như thế nào?
Trên thực tế, cảm giác run sợ và ghét bỏ đàn ông có thể xuất hiện thoáng qua khi chứng kiến cảnh đàn ông bạo hành bạn đời, con cái, cưỡng bức phụ nữ,… Đồng thời cảm xúc này chỉ xảy ra với những đối tượng cụ thể. Trong khi đó, người mắc hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) luôn sợ hãi, lo lắng và hoảng loạn khi nhìn thấy bất cứ người đàn ông nào (trừ những người thân thiết).
Các biểu hiện của hội chứng sợ đàn ông bao gồm:
- Sợ hãi khi nhìn thấy hoặc gặp gỡ đàn ông (ngoại trừ những người thân thiết như ông, bố, anh/ em, bạn đời,…)
- Nhìn thấy video clip hoặc hình ảnh nam giới cũng có thể gây ra cảm giác bất an, lo lắng nhất định,.
- Cảm thấy run sợ, lo lắng dữ dội và hoảng loạn khi suy nghĩ về đàn ông. Nỗi sợ có thể gia tăng khi nhìn thấy hoặc phải trò chuyện với người đàn ông không thân thiết.
- Né tránh các tình huống sẽ phải trò chuyện, gặp gỡ với đàn ông như các buổi tiệc của công ty, chọn tính tiền ở nơi có nhân viên nữ, từ chối trò chuyện với người đàn ông xa lạ,…
- Người mắc hội chứng sợ đàn ông thường chọn các công việc dành riêng cho nữ giới như giáo viên mầm non, bác sĩ phụ sản, y tá,… để giảm tối đa tần suất phải gặp gỡ đàn ông.
Khi phải tiếp xúc gần với đàn ông hoặc thậm chí ý nghĩ về đàn ông cũng có thể làm bùng phát cơn hoảng loạn. Lúc này, hạch hạnh nhân sẽ “kích hoạt” phản ứng sợ hãi, hoảng loạn cực độ đi kèm theo đó các triệu chứng thể chất.
Các triệu chứng có thể gặp phải khi tiếp xúc, gặp gỡ với đàn ông:
- Lo lắng tột độ
- Sợ hãi
- Hoảng loạn
- Tức ngực
- Khó thở
- Tim đập nhanh, đau thắt ngực
- Đổ mồ hôi
- Run rẩy
- Mất kiểm soát
- Khô miệng
- Đau đầu, choáng váng
Triệu chứng sẽ có sự khác biệt tùy theo mức độ sợ hãi của từng bệnh nhân. Trẻ nhỏ mắc hội chứng sợ đàn ông thường la hét, khóc lóc, né tránh và bỏ chạy khi nhìn thấy nam giới.
Người trưởng thành mắc hội chứng Androphobia ý thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý. Tuy nhiên, ngay cả khi ý thức được điều này, bệnh nhân vẫn không thể kiểm soát nỗi sợ, sự lo lắng và không thể ngăn chặn những triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, khô miệng, choáng váng, run rẩy,…
Ảnh hưởng của hội chứng sợ đàn ông
Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) không đơn thuần là cảm giác sợ hãi hay lo lắng khi nhìn thấy đàn ông. Hội chứng này gây ra nỗi ám ảnh dữ dội, hoảng loạn đi kèm với các triệu chứng thể chất và hành vi né tránh. Nếu không được điều trị, sự sợ hãi có thể lớn dần lên gây ra rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Nam giới chiếm khoảng 50% dân số thế giới. Do đó, việc né tránh đàn ông sẽ khiến người bệnh giới hạn phạm vi nghề nghiệp, khó thăng tiến, gặp vấn đề trong quá trình học tập và khó có thể trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn. Ngoài ra, thường xuyên nhìn thấy đàn ông ở nơi công cộng có thể khiến bệnh nhân hoảng loạn, mất kiểm soát,… Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh có xu hướng cách ly và tự cô lập chính mình.
Nhiều bệnh nhân mắc hội chứng sợ đàn ông cảm thấy mơ hồ, không hiểu vì sao bản thân lại hình thành nỗi sợ vô lý như vậy. Cảm giác bất lực khiến nhiều người tìm đến rượu bia, chất gây nghiện và thuốc lá để giải tỏa cảm xúc. Tuy nhiên, những thói quen này càng làm nghiêm trọng sự bất thường của hạch hạnh nhân và gia tăng mức độ lo lắng, sợ hãi.
Chẩn đoán hội chứng sợ đàn ông
Nếu nỗi sợ vô lý về đàn ông gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ tâm lý. Như đã đề cập, hội chứng Androphobia chưa được công nhận chính thức. Do đó, bác sĩ sẽ sử dụng thuật ngữ “rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi” hoặc “chứng ám ảnh cụ thể” để đưa ra chẩn đoán tổng quát.
Mặc dù khác nhau về nguyên nhân gây ra nỗi sợ nhưng nhìn chung hội chứng sợ đàn ông có biểu hiện, cơ chế và cách điều trị tương tự các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Hội chứng này sẽ được chẩn đoán khi bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng như sau:
- Nỗi sợ mãnh liệt về đàn ông phải kéo dài ít nhất 6 tháng
- Cảm giác sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn xuất hiện ngay khi nhìn thấy hoặc nghĩ đến đàn ông
- Luôn có cảm giác sợ với mọi đàn ông (trừ người thân) – kể cả những người không gây nguy hiểm cho bản thân như nhân viên bán hàng, nhân viên y tế,…
- Nỗi sợ chi phối dẫn đến các hành vi né tránh mọi tình huống có thể có sự xuất hiện của đàn ông
- Nỗi sợ vô lý về đàn ông gây ra những cản trở trong cuộc sống từ học tập, làm việc, các hoạt động thường ngày và làm giới hạn việc tận hưởng cuộc sống
Cách khắc phục hội chứng sợ đàn ông
Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) thường phát triển từ tổn thương tâm lý trong quá khứ. Chính vì vậy, liệu pháp tâm lý sẽ là phương pháp chính đối với hội chứng này. Can thiệp trị liệu tâm lý có thể làm giảm nỗi sợ vô lý với đàn ông và giúp bệnh nhân thoải mái hơn trong cuộc sống hằng ngày. Điều trị sớm còn giúp ngăn chặn những ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp điều trị được xem xét cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ đàn ông:
1. Liệu pháp tâm lý
Đa phần người bị hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) đều có đáp ứng tốt sau khi trị liệu tâm lý. Phương pháp này tập trung vào việc thay đổi phản ứng của người bệnh khi nghĩ đến, nghe thấy hoặc nhìn thấy đàn ông. Có khá nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị hội chứng Androphobia. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp sẽ được kết hợp nhiều liệu pháp để mang lại kết quả tốt nhất.
Các phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ đàn ông:
– Liệu pháp tiếp xúc:
Liệu pháp tiếp xúc là phương pháp phổ biến và mang lại hiệu quả cao. Liệu pháp này được phát triển dựa trên quan điểm nỗi sợ có thể giảm dần và biến mất nếu tiếp xúc thường xuyên. Trong liệu pháp này, bệnh nhân sẽ tiếp xúc với hình ảnh, video clip và suy nghĩ về việc bản thân sẽ gặp gỡ một người đàn ông nào đó.
Tiếp xúc với nỗi sợ sẽ khiến bệnh nhân hoảng loạn, sợ hãi và lo lắng. Chuyên gia sẽ hướng dẫn cách đối phó, quản lý để người bệnh có thể kiểm soát các cảm xúc tiêu cực. Khi đã quen dần, người bệnh sẽ không còn sợ hãi thái quá khi nhìn thấy đàn ông và có thể gặp gỡ, trò chuyện với nam giới. Thống kê cho thấy, khoảng 90% bệnh nhân có đáp ứng tốt với liệu pháp này.
– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trò chuyện. Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ trò chuyện để hiểu được nguồn gốc gây ra nỗi sợ hãi về đàn ông. Từ đó giúp bệnh nhân thay đổi những suy nghĩ tiêu cực về nam giới.
Việc điều chỉnh suy nghĩ sẽ mất nhiều thời gian và có thể gây ra sự căng thẳng, lo lắng cho người bệnh. Vì vậy trong quá trình trị liệu, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân các kỹ năng giải tỏa căng thẳng và cách tổ chức lối sống khoa học. Các biện pháp này giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát cảm xúc tiêu cực do chứng Androphobia gây ra.
Tâm lý trị liệu là giải pháp vàng đối với các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ đàn ông nói riêng. Nếu can thiệp sớm, bệnh nhân có thể vượt qua nỗi sợ một cách dễ dàng mà không cần đến sự hỗ trợ của thuốc.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc không được khuyến cáo dùng trong điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Bởi không có bất cứ loại thuốc nào có thể làm giảm nỗi sợ vô lý. Hơn nữa, lợi ích mà thuốc mang lại thường thấp hơn so với rủi ro tiềm tàng. Vì lý do này, thuốc chỉ được dùng trong những trường hợp thật sự cần thiết.
Thuốc có thể được dùng ngắn hạn để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng và cải thiện các triệu chứng thể chất có liên quan đến hội chứng sợ đàn ông. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta thường được dùng để điều trị các vấn đề liên quan đến tim mạch. Nhóm thuốc này cũng có thể dùng để giảm các triệu chứng thể chất liên quan đến lo lắng, sợ hãi như tăng nhịp tim, đau thắt ngực, đau đầu,… Tuy nhiên, thuốc chẹn beta gây ra khá nhiều tác dụng phụ nên chỉ được cân nhắc sử dung khi cần thiết.
- Thuốc an thần: Thuốc an thần được sử dụng để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng, đồng thời giúp người bệnh bình tĩnh và dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây nghiện nên chỉ được dùng ngắn hạn. Nếu dùng loại thuốc này, tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột mà chỉ được ngưng thuốc khi có chỉ định.
3. Các biện pháp thư giãn
Việc né tránh đàn ông thường không khả thi. Vì vậy, dù không mong muốn, bệnh nhân vẫn phải thường xuyên nhìn thấy nam giới. Tình trạng này khiến cho người bệnh phải đối mặt với căng thẳng, lo âu và bất an dai dẳng. Do đó, các biện pháp thư giãn được xem là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị.
Các biện pháp thư giãn dành cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ đàn ông:
- Yoga
- Hít thở sâu
- Massage, bấm huyệt
- Liệu pháp mùi hương
- Sử dụng trà thảo mộc
- Dành thời gian cho các hoạt động yêu thích như nghe nhạc, vẽ tranh, chăm sóc cây cối,…
Các biện pháp thư giãn sẽ giúp giải tỏa tinh thần, giảm lo lắng, căng thẳng và ổn định tâm trạng. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát nỗi sợ vô lý khi nhìn thấy đàn ông. Ngoài ra, người mắc các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác cũng có thể thực hiện các biện pháp thư giãn để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
4. Tổ chức lại lối sống
Lối sống khoa học sẽ hỗ trợ đáng kể cho quá trình điều trị. Do đó, bệnh nhân mắc hội chứng sợ đàn ông (Androphobia) cần lên kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Lối sống dành riêng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ đàn ông:
- Thiếu ngủ, mất ngủ có thể gia tăng mức độ lo lắng và hoảng loạn. Do đó, hãy cố gắng ngủ đúng giờ và đủ giấc. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp tinh thần sảng khoái và bản thân người bệnh cũng sẽ kiểm soát tốt sự sợ hãi khi nhìn thấy đàn ông.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng.
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện,… Ngoài ra, nên hạn chế dung nạp quá nhiều caffeine vì caffeine sẽ gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng.
- Stress có thể làm nghiêm trọng hội chứng sợ đàn ông (đặc biệt là các triệu chứng thể chất). Vì vậy, nên trang bị các biện pháp giải tỏa căng thẳng và tránh làm việc, học tập quá mức.
- Tập thể dục thường xuyên là cách kiểm soát cảm xúc và giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Ngoài ra, thói quen này còn giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện các triệu chứng thể chất có liên quan.
Hội chứng sợ đàn ông gây ra nhiều cản trở, khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ vô lý của bản thân sau khi trị liệu. Điều trị hội chứng này có thể mất nhiều thời gian nên cần sự kiên trì và nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ yêu (Philophobia): Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội Chứng Hoang Tưởng Người Khác Yêu Mình (Erotomania) Là Gì?
- 7 Món Ăn Giảm Căng Thẳng Stress Giúp Tinh Thần Thoải Mái
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!