Hội chứng Stockholm: Cách chẩn đoán và khắc phục hiệu quả
Hội chứng Stockholm là một trong những căn bệnh vô cùng kỳ lạ, khi mà những người bị bắt cóc hoặc lạm dụng lại trở nên có tình cảm và muốn bảo vệ hung thủ. Nguyên nhân gây gây ra hội chứng này có thể xuất phát từ sự đồng cảm, cơ chế phản vệ tự đối phó để bảo vệ bản thân khi bị bắt cóc hoặc ảnh hưởng bởi việc những kẻ xấu lại không làm tổn hại đến thể chất của họ.
Hội chứng Stockholm là gì?
Hội chứng Stockholm (Stockholm Syndrome) được coi như một phản ứng tâm lý xảy ra ở những nạn nhân bị lạm dụng, bắt cóc. Theo đó, khi những nạn nhân này được cứu ra lại hình thành sự “gắn kết” với hung thủ nên luôn tìm cách bao che hoặc xin giảm tội cho người đó. Thậm chí những người này còn tìm cách chối bỏ nếu có ai đó muốn giúp họ tìm cách trốn thoát khỏi nơi giam cầm, muốn sống cuộc sống đó mãi mãi.
Tâm lý này có thể hình thành sau vài giờ, vài ngày, vài tháng sau hay nhiều năm sau khi bị giam cầm và lạm dụng. Nạn nhân dần hình thành những cảm xúc tích cực, không còn thấy sợ hãi hoảng loạn với hung thủ mà được thay thế bằng những cảm xúc đồng cảm, tích cực, dần chấp nhận cuộc sống bị giam cầm và lạm dụng ở hiện tại.
Diễn biến tâm lý của những nạn nhân mắc hội chứng Stockholm cực kỳ phức tạp, khó đoán, thậm chí có những người gia nhập vào đội nhóm của những kẻ bắt cóc. Đây là một hội chứng khiến người bệnh phải mất một thời gian rất dài sau đó mới có thể phục hồi, hòa nhập trở lại với xã hội. Thống kê cho thấy có khoảng 5% người sau khi bị bắt cóc mắc hội chứng này.
Hội chứng Stockholm có thể đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước đó nhưng đến năm 1973 mới chính thức được ghi nhận và đặt tên sau sự kiện cướp ngân hàng Kreditbanken, thuộc hội trường Norrmalmstorg – thủ đô Stockholm – Thụy Điển. Vụ cướp lừng danh này có tên là Norrmalmstorg và thậm chí đã được tái hiện thành phim vì những tình tiết có thật quá bất ngờ của sự kiện này.
Cần chú ý rằng, tâm lý Stockholm không chỉ xảy ra với nạn nhân bị bắt cóc mà còn xảy ra trong các tình huống như bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục, mối quan hệ độc hại, huấn luyện thể thao… Tất nhiên với các trường hợp này nạn nhân thường không lên tiếng và cố gắng tìm cách giấu giếm, bảo vệ hung thủ.
Tuy nhiên trên thực tế, dù có rất nhiều trường hợp căn bệnh kỳ lạ này nhưng hội chứng Stockholm vẫn chưa được đưa vào Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM ấn bản mới nhất. Mặt khác dù có “Syndrome” trong tên gọi khoa học nhưng đây không được coi là một rối loạn tâm thần và cách điều trị cũng có thể gặp nhiều khó khăn.
Biểu hiện hội chứng Stockholm
Các biểu hiện hội chứng Stockholm cực kỳ đa dạng, được thể hiện rõ nhất sau khi được giải thoát ra ngoài. Những người này dần hình thành xu hướng muốn che dấu hung thủ, kể cả khi trong quá trình bị giam giữ họ đã bị bạo hành nghiêm trọng. Do đó không ít người cảm thấy khó hiểu với tâm lý của các nạn nhân này sau khi bị bắt cóc, lạm dụng.
3 nhóm tâm lý đặc trưng ở những người mắc chứng Stockholm bao gồm
- Nạn nhân có những cảm xúc tích cực với hung thủ – kẻ bắt cóc, giam giữ và bạo hành họ. Một số người có xu hướng tìm cách bao che, không công nhận về tội lỗi của thủ phạm, phủ nhận mọi hành vi sai trái của hung thủ. Một số khác có xu hướng phụ thuộc vào kẻ bắt cóc, đặc biệt với những người không có gia đình.
- Nạn nhân cảm thấy tức giận với những người giúp đỡ, người đã đưa họ thoát khỏi cảnh “địa ngục”, đặc biệt là cảnh sát hoặc những người làm nhiệm vụ tra khảo, đưa ra phán quyết xử phạt. Họ có thể trở nên kích động khi bị được giải thoát và có thể có xu hướng từ chối hợp tác với cảnh sát hoặc nói tốt, khai gian thông tin để bảo vệ hung thủ.
- Nạn nhân có cảm xúc đồng cảm, hay thậm chí là tôn thờ, ngưỡng mộ về kẻ bắt giữ. Họ cho rằng đây là những người có nhân cách cao đẹp và cảm thấy có cùng mục tiêu, chí hướng, giá trị với hung thủ.
Bên cạnh đó, một số vấn đề khác mà những người hội chứng Stockholm cũng gặp phải như
- Luôn trong trạng thái căng thẳng stress vì phải tìm cách bảo vệ hung thủ, cảm thấy oan ức khi “người đó” bị bắt giữ
- Cố gắng làm vui lòng hung thủ, kể cả khi đã được giải thoát
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, thường xuyên gặp ác mộng
- Thường xuyên hồi tưởng về quá khứ, tuy nhiên đó có thể lại là cảm giác tiếc nuối nhớ nhung khi bị bắt cóc chứ không phải cảm giác lo lắng, hoảng sợ
- Luôn trong trạng thái lơ đãng, mất tập trung, cảm giác như không ở trong thực tại
- Xung đột với những người xung quanh, chẳng hạn khi có ai đó cố làm cho họ hiểu rằng họ là nạn nhân của một vụ bắt cóc, bạo hành nghiêm trọng
Một số nạn nhân phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi tâm lý, hiểu được rằng đó là kẻ xấu. Những cảm xúc này của nạn nhân được hình thành từ sự áp chế, “tẩy não” của hung thủ, dần dần khiến nhận thức của nạn nhân trở nên méo mó, xa rời thực tại. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, tương lai, hạnh phúc của những nạn nhân này nếu không sớm có biện pháp chăm sóc tâm lý phù hợp.
Nguyên nhân hội chứng Stockholm
Diễn biến tâm lý của những nạn nhân bị bắt cóc cực kỳ phức tạp. Từ cảm giác chống đối, sợ hãi, kích động ban đầu họ phải thay đổi nhằm bảo vệ mạng sống cho chính mình. Chỉ khi khiến hung thủ không tức giận họ mới có cơ hội sống sót, biết đâu có thể tìm cách trốn thoát để quay về. Cơ chế thích nghi này có thể chính là nguyên nhân gây ra hội chứng Stockholm.
Thực tế các nguyên nhân cụ thể dẫn tới sự chuyển biến trái ngược nghiêm trọng về tâm lý này vẫn chưa hoàn toàn được khẳng định chính xác. Tuy nhiên theo các chuyên gia tâm lý và các chuyên gia về y tế, sự hình thành của hội chứng này chính là cơ chế đối phó để bảo vệ cơ thể hoặc chính là cách để nạn nhân vượt qua chấn thương về tâm lý.
Một số yếu tố được cho là có liên quan đến nguyên nhân hình thành hội chứng Stockholm bao gồm
- Sự thích nghi: hầu hết các nạn nhân bị bắt cóc, bạo hành đều nhận ra rằng, càng cố phản kháng, càng chống cự thì họ càng bị hành hạ, đánh đập nghiêm trọng hơn. Do đó họ chọn các thích nghi bằng việc đối xử nhẹ nhàng, làm theo những gì được hung thủ sai bảo để bảo vệ chính mình. Dần dần họ bị tâm lý này chiếm lĩnh hoàn toàn, dần phát triển thành sự gắn bó với kẻ thù. Kể cả khi đã thoát ra nhưng họ vẫn lo lắng rằng nếu mình nói sự thật sẽ bị quay lại trả thù và bạo hành nghiêm trọng hơn.
- Sự đồng cảm: Trong hoàn cảnh bị giam cầm, những nạn nhân này chỉ giới hạn môi trường tiếp xúc, trò chuyện với kẻ đã bắt cóc, bạo hành mình. Thông qua những trao đổi thẳng thắn, chia sẻ nạn nhân bỗng nhiên cảm thấy đồng cảm với hung thủ, họ cho rằng mình có thể hiểu được vì sao “người đó” lại làm như vậy nên không còn thấy sợ hãi. Chẳng hạn nếu hung thủ chia sẻ rằng khi nhỏ thường bị cha mẹ bạo hành, đánh đập thì nạn nhân cũng có thể nảy sinh cảm xúc thương hại với các nguyên nhân phạm tội này.
- Được đối xử tốt: thông thường nạn nhân bị bắt cóc thường suy nghĩ rằng mình sẽ bị hành hạ, bạo lực, bị đánh đập nhưng nếu được kẻ bắt cóc tạo một môi trường tốt để sinh sống, cung cấp đầy đủ thực phẩm, vệ sinh sẽ khiến họ dần có cảm xúc tích cực, có thiện cảm hơn. Mặt khác ở những người bị bạo hành, đôi lúc nếu được những kẻ đó đối xử tốt thì tâm trạng họ bỗng nhiên sẽ hình thành cảm xúc “biết ơn”, cho rằng thì ra người đó cũng không quá xấu xa như vậy, đây chính là tâm lý của người mắc hội chứng Stockholm.
Có rất nhiều trường hợp, nạn nhân đã bị “tẩy não” bởi kẻ bắt cóc trong quá trình cùng nhau sinh hoạt, sử dụng lợi ích chung. Trong một môi trường khi mà họ không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài nên những lời nói, hành động của hung thủ dần xâm chiếm tâm trí của nạn nhân, thay thế các nhận thức đúng đắn ban đầu và khiến họ không còn dám trở về với hiện thực.
Chẳng hạn ở một số nạn nhân nữ bị bắt cóc và lạm dụng tình dục, hung thủ thường “tẩy não” họ bằng cách nói những lời như không ai đi tìm họ, không ai cần họ, họ chỉ có thể ở đây mà thôi. Dần dần khi cảm thấy rằng thực sự không có ai tìm kiếm mình (mặc dù thực tế không phải vậy), họ chuyển sang lệ thuộc, phục tùng hung thủ vì ít nhất cho rằng ở đây mình còn có nơi trú ngụ, thậm chí dù có cơ hội bỏ trốn những nạn nhân này vẫn chấp nhận ở lại.
Hay với các trường hợp khác, chính là trong huấn luyện thể thao. Cho dù việc huấn luyện cực kỳ gian khổ, thậm chí có xu hướng lạm dụng sức lực, tiêu cực, khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể chất nhưng khi nghe huấn luyện viên nói rằng làm như vậy để tốt cho vận động viên, những người đã dành chiến thắng khác đều trải qua chương trình rèn luyện như vậy. Dần dần các vận động viên cũng thực sự tin điều này và luôn cố gắng chịu đựng mọi khó khăn, cảm thấy rằng người huấn luyện viên đó thật tốt.
Bên cạnh đó, ở một số nạn nhân mắc hội chứng Stockholm bị lạm dụng và có cả con chung với hung thủ, họ cũng có thể hình thành tâm lý muốn bảo vệ con, không muốn xa con nên chấp nhận sống cuộc đời bị bạo hành, giam cầm. Các trường hợp này không hề hiếm, đặc biệt ở các trường hợp bạo hành gia đình.
Những nạn nhân của hội chứng Stockholm nổi tiếng
Để hiểu rõ hơn về diễn biến tâm lý và sự thay đổi của những nạn nhân mắc hội chứng Stockholm, cùng tìm hiểu thêm về các trường hợp sau đây.
Vụ cướp Ngân hàng Kreditbanken
Vụ cướp Ngân hàng Kreditbanken xảy ra tại khu vực gần quảng trường Norrmalmstorg ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào 23/8/1973 chính là khởi nguồn của hội chứng Stockholm. Người gây ra vụ cướp này là tên tù vượt ngục Jan Erik Olsson. Sau khi xả súng vào các nhân viên ngân hàng và tuyên bố “cuộc vui mới chỉ bắt đầu”, hắn ta đã thực hiện bắt giữ 4 con tin gồm 3 phụ nữ và 1 nam giới ( gồm Birgitta Lundblad, Elisabeth Oldgren, Kristin Ehnmark và Sven Safstrom) trong 131 giờ đồng hồ.
Jan Erik Olsson đã gắn thuốc nổ vào người các con tin, giam giữ tại kho đựng tiền và yêu cầu chính quyền phải đưa cho hắn 3 triệu Krona tiền chuộc đồng thời phải thả tự do cho bạn cùng phòng giam Clark Olofsson thì mới đảm bảo an toàn cho con tin.
Tuy nhiên điều gây bất ngờ ở đây chính là chỉ ngày thứ 2 sau khi bị bắt cóc, khi được kết nối trực tiếp với chính quyền, nạn nhân Kristin Ehnmark lại khiển trách các nhà chức trách, cho rằng mình không sợ Jan Erik Olsson và muốn được rời Thụy Điển cùng hắn ta. Với mọi nỗ lực cung cấp lương thực và đáp ứng nguyện vọng của Jan Erik Olsson từ chính quyền nhưng đến ngày thứ 6 hắn ta vẫn trở nên tức giận và làm bị thương 1 cảnh sát.
Ngay cả khi đã được giải cứu, các nạn nhân vẫn cố gắng che chắn, bảo vệ cho Jan Erik Olsson không bị bắn. Thậm chí Kristin Ehnmark còn hét lên với cảnh sát đừng làm hại hắn ta, cho rằng hắn là “một Thiên Chúa” và đi thăm Jan Erik Olsson thường xuyên, kể cả khi hắn đã kết hôn với một phạm nhân người Bỉ sau song sắt. Chuyên gia tâm thần Nils Bejerot đã dựa trên sự kiện này để đặt tên cho hội chứng Stockholm.
Tất nhiên đến hiện nay, Kristin Ehnmark đã nhận thức được về điều này sau khi được chăm sóc phục hồi tâm lý, bà thậm chí đã cho ra mắt cuốn sách “Tôi bị mắc Hội chứng Stockholm”. Jan Erik Olsson cũng đã được ân xá ra tù và chuyển đến Thái Lan sinh sống, sự kiện này cũng đã trở thành “huyền thoại”, tạo cảm hứng cho rất nhiều bộ phim và tiểu thuyết ra đời.
Vụ án Patty Hearst
Một trong những nạn nhân mắc hội chứng Stockholm nổi tiếng nhất chắc chắn phải nhắc đến nữ triệu phú Patty Hearst cách đây gần 50 năm. Khi đó Patty Hearst- cháu gái của William Randolph Hearst – một cái tên cực kỳ quyền lực trong ngành xuất bản báo chí của Mỹ bị bắt cóc chỉ khi mới 19 tuổi. Những kẻ thực hiện vụ bắt cóc này thuộc tổ chức cực tả “Symbionese Liberation Army” (SLA) (một tổ chức cực đoan chống đối người giàu).
SLA đòi gia đình Patty 70 triệu đô la để cung cấp lương thực thực phẩm cho những gia đình nghèo đói ở California nếu muốn giữ an toàn cho con tin. Mặc dù đã thỏa thuận con số xuống còn 6 triệu đô la nhưng những kẻ này vẫn không hài lòng và cho rằng những loại lương thực này có chất lượng quá kém.
Điều bất ngờ ở chính là chỉ sau 2 tháng bị bắt giữ, Patty Hearst đã tuyên bố chính thức gia nhập vào SLA, không muốn về nhà và chỉ 2 tuần sau đó cô ta đã tham gia vụ cướp ngân hàng Hibernia ở San Francisco. Camera ghi nhận cô ta thậm chí còn không bịt mặt, cầm súng cướp với biểu hiện cực kỳ hào hứng và phấn khích. Họ chỉ chính thức bị bắt sau khi lẩn trốn đến Los Angeles. FBI đã tìm thấy Patty cùng 2 thành viên SLA trốn trong 1 căn bếp sau khi 6 đồng đội khác đã bỏ mạng sau cuộc đấu súng.
Sau này ngay cả trong các cuộn băng ghi âm bằng chứng, Patty vẫn nhận mình là một thành viên của SLA khiến cô phải lên hầu hầu tòa cho dù bản thân vốn là nạn nhân của một vụ bắt cóc. Dưới sự biện hộ của luật sư danh tiếng F. Lee Bailey cho rằng Patty mắc phải hội chứng Stockholm nghiêm trọng, cô vẫn phải chấp nhận phán quyết ngồi tù 7 năm.
2001 cô được ân xá sớm hơn và mãi đến 2002 cô ta mới chính thức đoạn tuyệt với SLA và ra tòa với tư cách nhân chứng để xác nhận tổ chức này hoạt động theo cách của tổ chức hồi giáo cực đoan “Dschihad” và có tư tưởng lật đổ Chính phủ.
Vụ án Collen Stan
Collen Stan cũng là một nạn nhân của hội chứng Stockholm, khi mà cô ta đã yêu chính kẻ bắt cóc và bạo hành mình một cách cực kỳ tàn bạo. Kẻ gây ra vụ án này là Cameron Hooker và vợ của hắn ta. Vào ngày 19-5-1977, vợ chồng Cameron Hooker đã cho Collen Stan quá giang đến bữa tiệc sinh nhật trên xe oto của mình, sau đó hắn đã khống chế, nhốt cô vào một chiếc thùng gỗ đã được đặt sẵn trên xe.
Chuỗi bi kịch của cuộc đời cô gái trẻ bắt đầu khi mà cô bị nhốt trong một chiếc thùng gỗ, có kích thước như một chiếc quan tài, thậm chí không thể duỗi thẳng chân trong suốt 23 tiếng mỗi ngày. 1 tiếng được ra ngoài cũng là lúc cô bị bạo hành và cưỡng bức, thậm chí bị ép ký một bản “hợp đồng nô lệ” với gia đình chủ nhân Cameron Hooker để buộc tuân thủ mọi luật lệ của hắn ta, từ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái hay phục vụ tình dục.
Cameron Hooker khống chế tinh thần Collen Stan bằng cách nói rằng hắn ta là thành viên của tổ chức “The Company”, nếu cô muốn chạy trốn sẽ bị bắn vào đầu hoặc gây nguy hiểm tới gia đình. Nạn nhân đã bị “tẩy não” nghiêm trọng tới mức, 4 năm sau đó cô được cho phép về thăm gia đình 1 mình nhưng không dám nói sự thật cho người thân mà nói dối rằng Cameron Hooker là bạn trai mình, thậm chí còn quay trở lại đó và thực sự coi mình là vợ hai của kẻ thù.
Cameron Hooker bị bắt vào năm 1985 và bị tuyên phạt đến 105 năm tù vì tội bắt cóc, cưỡng hiếp, bạo hành và gây tổn thương vĩnh viễn cho rất nhiều vị trí trên cơ thể của Collen Stan. Cô cũng được chẩn đoán là nạn nhân mắc chứng hội chứng Stockholm điển hình vì đã có tình cảm, thậm chí không bỏ trốn dù có rất nhiều cơ hội.
Chẩn đoán hội chứng Stockholm
Rõ ràng có thể thấy mức độ ảnh hưởng từ hội chứng Stockholm đến nạn nhân bị bắt cóc, lạm dụng. Nhận thức bị méo mó cùng những sang chấm tâm lý nghiêm trọng khiến họ dần trở nên xa rời với cuộc sống, đánh mất chính mình và không biết làm như thế nào để hòa nhập với cuộc sống trở lại. Việc hung thủ bị bắt cóc thậm chí còn làm họ đau khổ suốt một thời gian dài.
Do chưa chính thức được đưa vào trong DSM nên việc chẩn đoán hội chứng này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý thường dựa trên các chẩn đoán liên quan đến rối loạn stress cấp tính (ASD) hay PTSD để đưa ra kết luận chính xác cuối cùng.
Hướng điều trị hội chứng Stockholm
Việc điều trị cho các nạn nhân mắc hội chứng Stockholm cũng gặp vô vàn khó khăn bởi họ thường có xu hướng chống đối, niềm tin mãnh liệt vào nhận thức của mình và tự chối điều trị. Theo các chuyên gia, một số yếu tố cần quan tâm để hỗ trợ phục hồi tâm lý cho những nạn nhân này gồm tránh đưa ra lời khuyên, không nói xấu hung thủ; chỉ lắng nghe và không phán xét và đặt ra các câu hỏi để nạn nhân trả lời về mối quan hệ chính xác với hung thủ.
Các nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm có thể giúp ích cho các bệnh nhân mắc hội chứng Stockholm để xoa dịu cảm xúc nhưng không phải là tất cả. Chăm sóc trị liệu phục hồi tâm lý mới là phương pháp chính được hướng tới để thay đổi nhận thức méo mó, giải tỏa căng thẳng, loại bỏ ám ảnh từ quá khứ và giúp người bệnh sớm hòa nhập trở lại với cuộc sống.
Phương pháp nhận thức hành vi, liệu pháp phơi nhiễm hay thôi miên có thể giúp ích cho quá trình thay đổi nhận thức đúng đắn cho nạn nhân mắc hội chứng Stockholm. Nhà trị liệu cũng sẽ hướng dẫn thân chủ tái lập các cảm xúc tích cực, hiểu rõ hiện tại bản thân đã thực sự an toàn, đẩy lùi bóng đen tâm lý để nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh xa cái xấu.
Với những người đã bị bắt cóc hay bạo hành trong thời gian dài, bị hung thủ “tẩy não” thì có thể phải mất một thời gian rất dài để điều trị và phục hồi. Sự hỗ trợ từ gia đình và các đơn vị có liên quan để tạo cho các nạn nhân một môi trường sống tích cực, an toàn, lành mạnh, tránh xa căng thẳng, tái hòa nhập xã hội cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Hội chứng Stockholm giống như một cơ chế của cơ thể để đối phó với sang chấn. Tất nhiên không phải nạn nhân nào bị bắt cóc, bị bạo hành cũng mắc chứng này, đây chỉ là một con số rất nhỏ. Cũng không thể nào có biện pháp nào để phòng tránh các tình huống này xảy ra, tuy nhiên mỗi người, đặc biệt là phụ nữ cũng nên trang bị các biện pháp bảo vệ bản thân để giữ an toàn cho mình trong rất nhiều trường hợp khác.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng bác học (Savant) khiến con người phi thường
- Hội chứng Burnout: khiến cơ thể thấy kiệt sức nơi làm việc
- Chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia): cản trở gì khi giao tiếp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!