Hội chứng Tourette là gì? Biểu hiện và cách điều trị hiệu quả

Hội chứng Tourette là một dạng rối loạn thần kinh biểu hiện bằng các triệu chứng co giật lặp đi lặp lại hoặc phát ra các âm thanh không thể tự kiểm soát. Người bệnh có thể nói tục, nhại theo lời người khác và gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động giao tiếp hằng ngày. Nguyên nhân gây bệnh khá phức tạp và hiện tại cũng chưa có bất cứ biện pháp nào có để điều trị hoàn toàn hội chứng này.

Khái niệm hội chứng Tourette

Hội chứng Tourette (Tourette Syndrome) hay còn gọi là hội chứng Gilles de la Tourette (GTS) là một dạng rối loạn tâm – thần kinh không quá hiếm gặp với các triệu chứng đặc trưng là co giật, giật nháy đột ngột, rập khuôn và không thể tự kiểm soát. Các tật co giật được biểu hiện qua tật máy giật vận động kèm theo ít nhất một tật phát âm. Tình trạng này gây ra ảnh hưởng lớn đến chế độ sinh hoạt, giao tiếp và các khía cạnh khác trong cuộc sống người bệnh.

hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette được đặc trưng bằng tình trạng co giật, lặp lại âm thanh một cách bất thường, khó kiểm soát

Bác sĩ nội trú Georges Albert Édouard Brutus Gilles de la Tourette (1859–1904 là người đầu tiên phát hiện ra các triệu chứng này và xuất bản cuốn sách mô tả về 9 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh vào năm 1885. Sau đó Nhà thần kinh học người Pháp Jean-Martin Charcot (1825–1893) bắt đầu phát triển và nghiên cứu chuyên sâu hơn về tình trạng này và đặt tên theo chính người tìm ra đầu tiên.

Thống kê cho thấy các dấu hiệu ban đầu của hội chứng Tourette thường xuất hiện ngay từ thời thơ ấu, khoảng 5- 6 tuổi, nghiêm trọng nhất vào giai đoạn 10-12 tuổi và giảm dần sau đó, thậm chí có thể biến mất hoàn toàn sau đó. Tỷ lệ nam giới mắc hội chứng này cao hơn nữ giới gấp 4 lần.

Các biểu hiện của GTS diễn ra một cách đột ngột, không báo trước, không đúng hoàn cảnh, tác động đến cả biểu cảm, lời nói và trên toàn bộ cơ thể của người bệnh. Chẳng hạn trẻ đột nhiên nhún vai liên tục, phát ra những âm thanh kỳ lạ hoặc thậm chí là nói tục mất kiểm soát trong khi bản thân trẻ không hề muốn diễn ra những điều này.

Hội chứng Tourette được chia làm dạng chính bao gồm

  • Dạng Tourette đơn giản: chỉ gây ảnh hưởng đến một nhóm cơ trong từng giai đoạn hoặc mỗi khi xuất hiện. Chẳng hạn bắt đầu bằng tính trạng máy giật ở mắt, chun mũi, trề môi, sau đó giật cơ vai, bị nghẹo đầu sang một bên. Tật phát âm xuất hiện ở tình trạng này chỉ yếu là  khịt mũi, kêu ré và ho liên tục dẫn tới những âm thanh rất kỳ lạ.
  • Dạng Tourette phức tạp: Thường sẽ gây ra các phản ứng cùng lúc trên một nhóm cơ, chẳng hạn như vừa nháy mắt, giật vai và kêu ré, nói chung có thể kết hợp cùng lúc giữa bất cứ các dạng máy giật nào. Tính chất mức độ các triệu chứng hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian và hướng cải thiện.

Mặc dù các chuyên gia khẳng định hội chứng Tourette hầu như không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển về thể chất, trí não và cũng không làm giảm tuổi thọ của người bệnh, tuy nhiên nó lại gây ra rất nhiều cản trở đến việc hòa nhập vào cuộc sống mỗi ngày. Trẻ mắc tình trạng này có thể muốn đi học, bị cô lập hay mắc một số tình trạng tâm lý, tâm thần khác đồng thời.

Một điều thú vị là nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Mozart cũng là một trong những người được đặt giả thuyết mắc hội chứng Tourette. Những triệu chứng Tic của ông được biểu hiện một cách rõ rệt, lúc tăng, lúc giảm và được những người thân thiết quanh ông xác nhận. Mặt khác có đến 12% trong 371 bức thư được viết bởi Mozart đều xuất hiện các từ ngữ tục tĩu không phù hợp với hoàn cảnh ( nhưng khá phổ biến thời bấy giờ). Người ta cũng cho rằng căn bệnh này chính là nền tảng cho nguồn ý tưởng âm nhạc vô tận, kiệt xuất của nhạc sĩ này.

Biểu hiện hội chứng Tourette

Một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong hội chứng Tourette là rối loạn Tic. Đây là thuật ngữ được lấy từ tiếng Pháp, dùng để mô tả về sự co giật của một hoặc nhiều nhóm cơ xảy ra một cách rập khuôn, lặp lại, ngắt quãng, ngắn, khó kiểm soát – đây chính là triệu chứng điển hình của GTS. Ngoài ra tại Việt Nam người ta cũng hay dùng cụm “máy giật, máy cơ” thay thế cho Tic.

hội chứng Tourette
Trẻ có thể nói lắp, nhại lại lời người khác, nháy mắt, gật động một cách đột ngột không tự chủ trong một giai đoạn ngắn nhưng lặp lại nhiều lần trong ngày

Bên cạnh đó các nghiên cứu cũng chia ra làm hai nhóm Tic dựa trên tính chất chuyển động gồm vận động (motor tic) với các triệu chứng điển hình như chớp mắt, nhăn mặt, giật vai và giật đầu và tạo âm (vocal tic) với các biểu hiện như ho, hắng giọng, nhại lời, la hét.. Tic đơn giản sẽ chỉ biểu hiện trên một nhóm cơ còn Tic phức tạp sẽ gây ra phản ứng trên các nhóm cơ đồng thời, chẳng hạn vừa nhăn mặt vừa giật vai…

Hiểu về khái niệm Tic sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các biểu hiện của hội chứng Tourette. Cụ thể, các triệu chứng đặc trưng của tình trạng này bao gồm

  • Nháy giật mắt
  • Ho, hắng giọng, tiếng rít và tạo ra các âm thanh kỳ lạ
  • Nhún vai
  • Giật đầu và nghẹo cổ, lắc lư đầu liên tục
  • Đảo mắt liên tục
  • Khịt mũi hay hít ngửi liên tục
  • Cơ miệng giật
  • Nhại giọng người khác (echolalia) hoặc tự lặp đi lặp lại các âm thanh của chính mình (palilalia)
  • Nói tục, chửi thề, sử dụng các các từ ngữ thiếu văn hóa (coprolalia)
  • Liếm môi
  • Rên rỉ, khạc nhổ nước bọt vô tội vạ
  • Một số còn có xu hướng phát ra các âm thanh kỳ lạ, chẳng hạn như sủa ẳng ẳng
  • Một số người bệnh cũng có các rối loạn Tic vận động bất thường làm hại đến bản thân, chẳng hạn như tự đấm vào mặt mình

Theo các chuyên gia, các biểu hiện của hội chứng Tourette sẽ tăng lên nếu người bệnh có xu hướng mất bình tĩnh, mệt mỏi, lo lắng hay phấn khích quá mức. Thông thường các biểu hiện máy giật vận động hay thể chất sẽ xuất hiện trước âm thanh  và hoàn toàn có thể xuất hiện ngay cả khi người đó ngủ. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn vào những năm đầu thiếu niên và có xu hướng giảm nhẹ hơn sau đó.

Một vài bệnh nhân cũng có thể đoán trước các triệu chứng co giật có thể xuất hiện thông qua các đặc điểm như  cơ thể đột nhiên cảm thấy khó chịu, bị ngứa, nhột hoặc căng thẳng, tuy nhiên sau khi giai đoạn Tics qua đi họ lại cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn.

Cần hiểu rằng, các triệu chứng này xuất hiện, bao gồm cả việc nhại lời hay nói tục đều không phải là chủ đích hay mong muốn của người bệnh, tuy nhiên bản thân họ không thể kiểm soát được. Những triệu chứng này nếu không nhanh chóng kiểm soát có thể gây ra rất nhiều phiền toái đến cuộc sống, sinh hoạt hay các mối quan hệ thường ngày của người bệnh.

Hội chứng Tourette do nguyên nhân nào gây ra?

Các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân gây ra các rối loạn Tic hay hội chứng Tourette đều khá phức tạp và chưa thể khẳng định một cách rõ ràng. Đây có thể là sự phối hợp giữa rất nhiều yếu tố tác động, bao gồm cả yếu tố di truyền hay những tác động từ môi trường. Việc chưa xác định được hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh cũng khiến khả năng phòng tránh hội chứng ngày gặp nhiều khó khăn hơn.

hội chứng Tourette
Một số vấn đề ở não bộ được cho là nguyên nhân chính gây ra các rối loạn tic bất thường

Cụ thể, một vài yếu tố được cho là có liên quan đến nguyên nhân gây hội chứng Tourette bao gồm

  • Yếu tố di truyền: hội chứng Tourette có tính di truyền nên những người có cha mẹ mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó nếu cha mẹ hay ông bà từng có tiền sử mắc các bệnh co giật hay một số rối loạn thần kinh khác cũng có thể mắc bệnh.
  • Các vấn đề ở não bộ: các nghiên cứu cũng đã chỉ ra những bất thường trong não bộ ở các bệnh nhân Tourette, chẳng hạn như sự rối loạn của các hóa chất thần kinh như dopamine và serotonin.. hay một số khu vực khác của não bộ.
  • Giới tính: Cứ 100 bé trai thì có 1 trẻ mắc hội chứng Tourette trong khi 300 bé gái mới có 1 trẻ mắc bệnh. Do đó giới tính nam cũng là một yếu tố nguy cơ cần kiểm soát.

Các bệnh lý liên quan

Hầu hết hội chứng Tourette đều xuất hiện đi kèm với một vài rối loạn bất thường khác, tình trạng này càng làm trầm trọng hơn các triệu chứng và khiến việc điều trị khó khăn hơn. Đồng thời các rối loạn này cũng gây ra các ảnh hưởng lớn đến các hoạt động và quá trình hòa nhập với xã hội của người bệnh.

Một số rối loạn xuất hiện đồng thời với hội chứng Tourette bao gồm

  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) làm gia tăng các hành vi thiếu tập trung, bốc đồng, các hành vi quá khích có thể gây hại cho bản thân và những người xung quanh
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) làm gia tăng xu hướng hình thành các hành vi có tính nghi thức, lặp đi lặp lại, chẳng hạn rửa tay liên tục, đếm liên tục, sắp xếp các đồ vật..
  • Rối loạn trầm cảm chủ yếu hay Rối loạn lo âu khiến người bệnh dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, chán nản, tuyệt vọng, tách biệt bản thân với xã hội
  • Rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối cũng là các rối loạn xuất hiện đồng thời với Tourette Syndrome

Hội chứng Tourette có nguy hiểm không?

Không có bất cứ các biện pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn hội chứng Tourette, trừ khi nó tự biến mất đến giai đoạn trưởng thành. Một số có thể biến mất, một số khác cũng có thể nghiêm trọng hơn làm hình thành hội chứng Tourette mãn tính kèm theo rất nhiều ảnh hưởng khác.

hội chứng Tourette
hội chứng Tourette có thể gây ra nhiều cản trở trong quá trình hòa nhập với cuộc sống của người bệnh

Thực tế mặc dù các bác sĩ nói rằng, đa phần các triệu chứng đều có xu hướng giảm dần theo thời gian hay không ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, tuổi thọ nhưng rối loạn này có thể gây ra hàng loạt ảnh hưởng khác. Chất lượng cuộc sống, tinh thần của người bệnh suy giảm đáng kể vì các triệu chứng bất thường này.

Một đứa trẻ mắc hội chứng Tourette có thể gặp khó khăn lớn khi đến trường, thậm chí một số nơi không chấp nhận trẻ bởi các triệu chứng này có thể làm ảnh hưởng đến lớp học, làm phiền đến các bạn bè xung quanh. Trẻ đi học hay tham gia các hoạt động ngoài xã hội cũng rất dễ bị cô lập, trêu ghẹo nên dần mất tự tin, khép mình, không muốn đi học hay ra ngoài khiến quá trình tiếp thu nhận thức bị cản trở đáng kể.

Mặt khác trong các trạng thái co giật về vận động hay âm thanh, đặc biệt khi kèm theo các triệu chứng tăng động, người bệnh hoàn toàn có thể có các hành vi làm tổn thương bản thân hay những người xung quanh, xa rời các mối quan hệ. Chẳng hạn tấn công hay chửi rủa một ai đó không trong một tình huống phù hợp.

Người mắc hội chứng Tourette nếu mắc đồng thời với trầm cảm cũng có nguy cơ tự sát khá cao, đặc biệt nếu trước đó họ bị bắt nạt, cô lập hay không hòa nhập được với môi trường xung quanh. Do đó vẫn có rất nhiều yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn liên quan đến Tourette mà người bệnh tuyệt đối không được chủ quan.

Chẩn đoán hội chứng Tourette

Hiện nay chưa có bất cứ phương pháp hay thiết bị nào dùng để chẩn đoán đặc hiệu cho hội chứng Tourette. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm chuyên sâu về não bộ, hỏi về tiền sử bệnh lý, quan sát các biểu hiện của bệnh nhân để đưa ra kết luận và hướng điều trị cuối cùng.

hội chứng Tourette
Điện não đồ EEG nhằm đo sóng não được chỉ định chính trong chẩn đoán cho hội chứng Tourette

Các tiêu chuẩn cần thiết để chẩn đoán hội chứng Tourette bao gồm

  • Tồn tại cả hai tics vận động và âm thanh, không yêu cầu phải xuất hiện cùng lúc
  • Các tật co giật xuất hiện nhiều lần trong ngày, có thể không liên tục
  • Các triệu chứng nghi ngờ đã kéo dài hơn một năm và bắt đầu trước năm 18 tuổi
  • Tật co giật không xuất hiện bởi việc dùng thuốc, chất kích thích hay các vấn đề bệnh lý khác
  • Phải có sự thay đổi thời gian về tần suất xuất hiện, loại, vị trí, mức độ phức tạp hay tình trạng nghiêm trọng

Các biện pháp được dùng trong chẩn đoán hội chứng Tourette bao gồm

  • Kiểm tra lâm sàng bằng cách yêu cầu người bệnh ngồi im một chỗ và xem xét các phản ứng co giật xuất hiện
  • Xét nghiệm máu
  • Chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như MRI
  • Điện não đồ EEG nhằm đo sóng não

Hướng điều trị chứng Tourette

Như đã nói, hiện nay chưa có bất cứ biện pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn các biểu hiện của hội chứng Tourette, trừ khi nó tự biến mất khi đến giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên một vài loại thuốc hay các liệu pháp tâm lý cần thiết có thể được chỉ định để kiểm soát mức độ các hành vi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Việc điều trị có thể kéo dài đến suốt cuộc đời hoặc đến khi các triệu chứng biến mất.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc thường được chỉ định cho những người có các triệu chứng quá phức tạp, máy giật cùng lúc trên nhiều cơ quan, vị trí làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày. Với các triệu chứng tic nhẹ có thể không cần dùng thuốc bởi nhìn chung, đa phần các nhóm thuốc này luôn kèm theo nhiều tác dụng phụ không thực sự tốt cho hệ thần kinh cũng như toàn bộ cơ thể.

hội chứng Tourette
Pimozide có thể giúp ích trong việc cân bằng các hóa chất cần thiết cho não bộ

Thuốc an thần là nhóm thuốc chủ yếu được chỉ định nhằm hạn chế một số trạng thái co giật, ổn định thần kinh cho người mắc hội chứng Tourette, tuy nhiên cũng có thể khiến người bệnh mệt mỏi và uể oải hơn. Ngoài ra nhóm thuốc làm giảm nồng độ dopamin như Pimozide, Haloperidol, Fluphenazine, Risperidone nằm cân bằng lại các hóa chất cần thiết cho hệ thống thần kinh.

Nếu người bệnh mắc đồng thời các dạng rối loạn tăng động giảm chú ý, trầm cảm hay một số dạng rối loạn lo âu khác cũng sẽ được chỉ định các nhóm thuốc cần thiết. Chẳng hạn Methylphenidate hoặc Dextroamphetamine ( nếu kèm ADHD); Thuốc chống động kinh ( giảm các triệu chứng co giật); Thuốc chẹn alpha 1 ( giảm hành vi hung hăng quá khích); Tiêm botox ( làm teo nhỏ cơ và giảm tic) cùng một số nhóm thuốc trầm cảm nếu có triệu chứng.

Trị liệu tâm lý

Một số liệu pháp tâm lý có thể giúp ích trong việc điều chỉnh hành vi, tăng cường nhận thức và giúp người mắc hội chứng Tourette có thể thư giãn phần nào. Tất nhiên ngay cả các liệu pháp tâm lý cũng không thể can thiệp loại bỏ các trạng thái co giật bất thường này mà chỉ giúp hạn chế phần nào mức độ ảnh hưởng của nó lên các hoạt động khác.

Một số liệu pháp tâm lý thường được chỉ định cho hội chứng Tourette bao gồm

  • Liệu pháp đảo ngược hành vi: nằm hướng dẫn trẻ cách điều hướng sự chú ý khi cảm thấy các Tic sắp xuất hiện. Bởi việc thực hiện một hành vi thay thế nào đó có thể làm giảm sự thôi thúc trong trạng thái co giật. Tuy nhiên người bệnh cần phải ý thức được các biểu khi tic sắp xuất hiện.
  • Tiếp xúc và dự phòng đáp ứng: khi gần xảy ra rối loạn tic, người bệnh thường có cảm giác bồn chồn, khó chịu, cảm giác thôi thúc khiến tic xảy ra nhiều hơn để tạo sự dễ chịu hơn. Liệu pháp này được xây dựng dựa trên mối quan hệ nào, giảm mức độ thôi thúc, từ chối mong muốn xảy ra tich trên cơ thể, điều này được cho là có thể giúp giảm tần suất xuất hiện của tic.

Trị liệu tâm lý cũng giúp người mắc hội chứng Tourette cảm thấy thư giãn, dễ chịu hơn, gia tăng niềm tin vào bản thân, tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động tập thể hay ít nhất là giúp trẻ có thể đến trường và học tập. Người bệnh đáp ứng tốt với các liệu pháp trị liệu có thể mang lại rất nhiều thay đổi tích cực trong giao tiếp, hành vi, học tập, công việc hay các khía cạnh khác trong đời sống người bệnh.

Một số phương pháp điều trị khác

Tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ hay các chuyên gia cũng đề nghị một vài liệu pháp cần thiết khác để can thiệp giảm tối đa các triệu chứng co giật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Phối hợp giữa các phương pháp này đều cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn, có sự hỗ trợ từ chuyên gia để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

hội chứng Tourette
Âm ngữ trị liệu có thể cần thiết để trẻ có thể giao tiếp hiệu quả hơn

Cụ thể, một vài phương pháp khác cũng được chỉ định can thiệp với hội chứng Tourette bao gồm

  • Kích thích não sâu ( deep brain stimulation -DBS) : hầu hết chỉ được chỉ định cho các trường hợp nặng, bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc nhằm kiểm soát các rối loạn tic quá mức. Phương pháp này được thực hiện bằng các que kim loại chuyên dụng ( điện cực) được cắm sâu vào đúng vị trí bên trong cấu trúc não. Bác sĩ sẽ nối các que này với một dây dẫn ra khỏi não được luồn phía dưới da, kéo dài từ đầu đến ngực rồi kết nối với máy tạo nhịp đã được đặt ở ngực.
  • Vật lý trị liệu: các tình trạng máy giật nếu xuất hiện từ giai đoạn sớm có thể làm ảnh hưởng đến một số chức năng vận động nên vật lý trị liệu sẽ được áp dụng trong trường hợp này
  • Chức năng trị liệu: giúp người mắc hội chứng Tourette gia tăng thêm một số kỹ năng cần thiết để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày mà không quá bị ảnh hưởng bởi tình trạng co giật
  • Âm ngữ trị liệu: can thiệp giải quyết các triệu chứng liên quan đến tật vận động, chẳng hạn như chảy nước dãi, khó phát âm, phát âm không rõ ràng, nhại lời, lặp lại lời nói..

Bên cạnh đó, trẻ mắc hội chứng Tourette cũng được đề nghị xem xét tham gia giáo dục đặc biệt từ giai đoạn sớm. Tất nhiên mặc dù hội chứng này không ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ hay tiếp thu nhận thức, tuy nhiên các triệu chứng của nó lại khiến trẻ khó theo kịp bạn bè, không kịp viết lách cùng một số ảnh hưởng khác.

Giáo dục đặc biệt từ giai đoạn sớm có thể giúp trẻ học cách tiếp nhận thông tin, ghi chép hay hòa nhập với bạn bè dễ dàng hơn. Trẻ sau đó vẫn có thể tham gia giáo dục truyền thống như bình thường, tất nhiên vẫn cần có sự theo dõi và hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè để con có thể theo kịp các bạn đồng trang lứa.

Các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ tại nhà

Hội chứng Tourette có thể gây ra các ảnh hưởng đến suốt đời nếu nó không tự biến mất. Nhìn chung nếu người bệnh dần học được cách kiểm soát thì vẫn có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động trong đời sống như người bình thường. Dù vậy trên thực tế, những trạng thái co giật bất thường vẫn làm cản trở rất nhiều đến người bệnh, chẳng hạn như khó khăn trong tìm kiếm các công việc khi trưởng thành.

Một số biện pháp được bác sĩ và chuyên gia khuyến khích cho các bệnh nhân hội chứng Tourette để cải thiện các triệu chứng và tự chăm sóc đời sống tốt hơn như

  • Duy trì lối sống lành mạnh, tích cực, tránh xa tiêu cực, căng thẳng, mệt mỏi
  • Tuyệt đối không được sử dụng bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác
  • Bổ sung dinh dưỡng phù hợp, xây dựng chế độ thực phẩm lành mạnh từ rau xanh, trái cây, các loại hạt, cá béo và tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn, chất tạo ngọt nhân tạo, đồ ăn nhiều đường hay nhiều dầu mỡ
  • Duy trì thói quen vận động hằng ngày để tăng cường thể chất và một số hormone cần thiết cho não bộ
  • Thiền, yoga hay các liệu pháp hít thở có thể giúp trẻ học cách thư giãn, thả lỏng, nhờ đó kiểm soát được phần nào trạng thái bốc đồng hay quá khích
  • Người thân nên tạo cơ hội, điều kiện giúp người mắc hội chứng Tourette bằng cách hướng dẫn họ thuần thục các kỹ năng cần thiết phục vụ cho đời sống hằng ngày thay vì làm giúp họ tất cả mọi thứ. Chẳng hạn như các kỹ năng vệ sinh cá nhân, tự giao tiếp, tự gọi món, tự ăn uống..
  • Tìm kiếm và phát triển các thế mạnh cá nhân để khiến trẻ tập trung vào các vấn đề khác, gia tăng lòng tự tin thay vì suy nghĩ đến các rối loạn tic quá nhiều. Chẳng hạn như vẽ tranh, đọc sách, chơi thể thao đều là các hoạt động có thể giúp ích cho trẻ
  • Trẻ đến độ tuổi đến trường gia đình cũng nên trao đổi với nhà trường, thầy cô giáo hay các bạn bè xung quanh để giúp đỡ con đúng cách, tránh tối đa tình trạng trẻ bị bắt nạt vì những khác biệt của mình

Hiện nay với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và công nghệ thông tin đã tạo ra rất nhiều cơ hội tích cực cho những người mắc hội chứng Tourette. Chẳng hạn như nhiều người mắc bệnh này đã thành lập các kênh Tiktok, Youtube giới thiệu về cuộc sống của mình. Hay trên mạng cũng cung cấp khá đầy đủ các thông tin để giúp những người xung quanh có thể hiểu và giúp đỡ những người mắc bệnh đúng cách hơn.

Hội chứng Tourette là một dạng rối loạn thần kinh phức tạp, mặc dù được cho là không ảnh hưởng đến não bộ hay tuổi thọ nhưng lại gây ra rất nhiều cản trở đến cuộc sống hằng ngày. Hiện cũng chưa có biện pháp nào phòng tránh hoàn toàn tình trạng này, tuy nhiên một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, tích cực, không lạm dụng thuốc hay chất kích thích có hại chính là điều các bà bầu nên làm để hạn chế mọi tác động tiêu cực đến thai nhi.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *