Nên Làm Gì Khi Bị Áp Lực Từ Bạn Bè?
Bất cứ ai cũng phải đối mặt với áp lực từ bạn bè đồng trang lứa. Nếu không biết cách tiết chế, áp lực dai dẳng sẽ khiến cho tâm trạng trở nên nặng nề và căng thẳng. Những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn biết nên làm gì khi bị áp lực từ bạn bè.
Cần làm gì khi bị áp lực từ bạn bè?
Trẻ trong độ tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi rất dễ bị áp lực từ bạn bè. Áp lực từ bạn bè đồng trang lứa không hẳn chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực mà ngược lại, đây cũng có thể là động lực để mỗi người nỗ lực hơn trong việc hoàn thiện và khẳng định bản thân. Vì khi ở trong một nhóm bạn ưu tú, bản thân chúng ta sẽ dễ bị áp lực trước thành công và những thế mạnh của bạn bè.
Tuy nhiên, áp lực từ bạn bè cũng có thể gây ra nhiều hậu quả nếu bạn bè có tính cách không tốt, thích đua đòi và hưởng thụ hơn so với lao động và học tập. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến trẻ vị thành niên vì trẻ chưa có hiểu biết sâu sắc về những khía cạnh trong cuộc sống nên dễ bị nhiễm thói hư tật xấu. Trong khi đó, người trẻ tuổi đã bước vào giai đoạn trưởng thành nên phần nào nhận thức được đâu là điều nên làm và nên tránh.
Thực tế, bất cứ ai cũng phải đối mặt với áp lực từ bạn bè nhưng trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi thường bị ảnh hưởng với mức độ lớn hơn. Nếu không biết tiết chế, bạn có thể bị áp lực đè nặng trong một thời gian dài và hậu quả là bị stress, lo lắng, bi quan, mệt mỏi,… Thậm chí, không ít người cảm thấy thiếu tự tin và ngại gặp bạn bè vì bị áp lực quá mức trước thành công của người khác.
Nên làm gì khi bị áp lực từ bạn bè là mối băn khoăn của nhiều bạn đọc. Nếu đang lăn tăn về vấn đề này, bạn có thể tham khảo và áp dụng một số giải pháp khắc phục sau:
1. Đừng so sánh bản thân với bất cứ ai
Khi chứng kiến sự thành công của bạn bè, chúng ta khó có thể không so sánh bản thân với người khác – nhất là khi cả hai đồng trang lứa nhưng bản thân chưa có bất cứ thành tựu gì. Tuy nhiên, việc so sánh thực sự là điều không nên làm. Bởi mỗi người đều có thế mạnh và hạn chế nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Hơn nữa, năng lực của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực mà còn nhờ vào yếu tố di truyền. Chính vì vậy, một số người trẻ đã đạt được thành công từ rất sớm trong khi bạn chật vật khi tìm kiếm công việc và định hướng tương lai. Vì xuất phát điểm là khác nhau nên hướng đi của mỗi người sẽ không giống nhau.
Dừng việc so sánh bản thân với bạn bè sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Việc so sánh hoàn toàn không mang lại ý nghĩa gì, đồng thời khiến bạn tự tạo áp lực và gây ra sự nặng nề cho chính mình. Hơn nữa, so sánh bản thân với người khác là hành động thể hiện việc bạn không yêu thương và tôn trọng chính mình. Thay vào đó, hãy soi chiếu bản thân ở hiện tại với quá khứ để biết bản thân có đang tiến bộ hay không.
Đối với trẻ vị thành niên, gia đình nên tránh việc so sánh con trẻ với những bạn bè khác. Điều này sẽ khiến trẻ bị tổn thương và phải đối mặt với áp lực học tập. Nếu trẻ thường xuyên tự so sánh mình với người khác, gia đình nên tìm cách trò chuyện để trẻ hiểu rằng mỗi người đều có một thế mạnh riêng và việc mà trẻ cần làm là cải thiện bản thân mỗi ngày.
2. Xác định mục tiêu riêng
Nhiều người trẻ đặt mục tiêu cho bản thân giống như bạn bè đồng trang lứa vì cho rằng đây là hướng duy nhất để thành công. Tuy nhiên, thế mạnh và sở thích của mỗi người là khác nhau. Nếu đi theo mục tiêu của người khác, bạn có thể sẽ thất bại. Vì vậy khi bị áp lực từ bạn bè, bạn nên đánh giá lại bản thân và xác định mục tiêu riêng phù hợp thay vì đi theo hướng đi của người khác.
Trẻ vị thành niên cũng có thể bị ảnh hưởng từ bạn bè trong việc định hướng tương lai và xác định mục tiêu. Nếu gia đình nhận thấy trẻ lựa chọn trường, ngành học tương tự như nhóm bạn, nên trò chuyện để hiểu đây là mong muốn thật sự của con hay vì con bị ảnh hưởng bởi bạn bè. Trong quá trình học tập, bố mẹ cũng nên theo sát để hiểu được thế mạnh, hạn chế của con, từ đó đưa ra lời khuyên phù hợp giúp con định hướng tương lai một cách đúng đắn hơn.
3. Nỗ lực để hoàn thiện bản thân
Khi bị áp lực từ bạn bè, nên lấy thành công của người khác làm động lực để hoàn thiện bản thân. Như đã đề cập, xuất phát điểm và năng lực của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình bằng cách nỗ lực mỗi ngày.
Nếu còn đi học, hãy cố gắng học tập một cách say mê để có hành trang vững vàng trước khi bước vào đời. Bên cạnh đó, nên trau dồi thêm cho bản thân những kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng tin học, ngoại ngữ,…
Đối với những người đã đi làm, nên cố gắng làm tốt công việc của mình thay vì than vãn và chán chường. Bên cạnh hoàn thành tốt công việc, nên bổ sung kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng mềm để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Tinh thần cầu tiến và học hỏi chính là “chìa khóa” dẫn đến thành công. Vì vậy, hãy dừng việc so sánh và tự trách bản thân. Thay vào đó, nên nỗ lực mỗi ngày để bản thân trở nên hoàn thiện hơn, từ đó bạn có thể đạt được thành công và thoát khỏi áp lực từ bạn bè.
4. Chia sẻ với bạn bè và người thân
Khi đối mặt với áp lực từ bạn bè, chúng ta khó tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng,… Vì vậy nếu cảm thấy không vui, bạn nên chia sẻ với bạn bè và người thân trong gia đình. Khi chia sẻ, bày tỏ hết những suy nghĩ của bản thân, tâm trạng của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Bên cạnh đó, những người xung quanh cũng sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích nếu đang mơ hồ về định hướng và mục tiêu trong tương lai. Thói quen chia sẻ là cách để giải tỏa căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực hiệu quả. Ngược lại, việc giữ kín mọi thứ trong lòng sẽ khiến bạn phải đối mặt với stress – căng thẳng thần kinh cùng với nhiều vấn đề tâm lý khác.
5. Tham vấn tâm lý khi cần thiết
Nếu không thoải mái khi chia sẻ với mọi người hoặc đang cảm thấy bế tắc trước áp lực từ bạn bè, bạn nên xem xét tham vấn tâm lý. Tham vấn tâm lý được thực hiện bằng hình thành trò chuyện và chia sẻ. Khi gặp các chuyên gia, bạn sẽ được lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu. Thực tế, người thân và bạn bè đôi khi không hiểu được bạn. Vì vậy trong các cuộc trò chuyện, thứ bạn nhận lại không phải sự thấu cảm, chia sẻ mà là những lời khuyên cứng nhắc.
Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn đánh giá khách quan lại bản thân và những vấn đề trong cuộc sống. Từ đó điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực và hình thành lối suy nghĩ tích cực, tốt đẹp hơn. Ngoài ra, tham vấn tâm lý còn tạo động lực để mỗi cá nhân có động lực cố gắng, hoàn thiện bản thân và hướng đến lối sống lành mạnh.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đã biết Nên làm gì khi bị áp lực từ bạn bè. Việc giải tỏa bản thân khỏi áp lực sẽ giúp bạn suy nghĩ tích cực và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn hơn. Trong khi đó, giữ áp lực trong thời gian dài sẽ gây ra sự nặng nề, mệt mỏi và gia tăng các vấn đề tâm lý.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!