Bị stress kéo dài: Dấu hiệu, tác hại và cách vượt qua
Stress là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, stress kéo dài lại là một vấn đề nghiêm trọng, có thể gây ra hàng loạt tác hại đối với sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Người bị stress cần nhanh chóng hành động, khắc phục để thư giãn tinh thần, giải tỏa cảm xúc, ngăn ngừa các tác hại do stress kéo dài gây ra.
Dấu hiệu bị stress kéo dài
Stress kéo dài hay stress mãn tính là tình trạng cơ thể liên tục trải qua tình trạng lo lắng, căng thẳng trong thời gian dài, mà không có sự điều chỉnh hoặc giải tỏa. Đây là một phản ứng sinh lý lâu dài, gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Khi một người trải qua căng thẳng, vùng dưới đồi trong não sẽ gửi tín hiệu, kích hoạt hệ thống báo động của cơ thể. Thúc đẩy tuyến thượng thận giải phóng một lượng lớn cortisol và adrenaline. Gây ra tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu, tăng sử dụng chất trong cơ thể để sữa chữa các mô.
Khi hệ thống phản ứng căng thẳng bị kích hoạt thường xuyên, liên tục sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Các dấu hiệu bị stress kéo dài bao gồm:
- Lo lắng, sợ hãi
- Khó tập trung, suy nghĩ hỗn loạn
- Cảm giác mệt mỏi, bất lực, mất kiểm soát, tuyệt vọng
- Thay đổi tâm trạng thất thường, dễ cáu kỉnh
- Đau nửa đầu
- Khó ngủ hoặc mất ngủ
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều, đặc biệt là đồ ngọt
- Giảm ham muốn tình dục
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau dạ dày
- Thường xuyên bị bệnh hoặc nhiễm trùng
- Phục hồi chậm khi mắc bệnh hoặc nhiễm trùng…
5 Tác hại khi bị stress kéo dài
Stress là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể khi đối mặt với căng thẳng. Tuy nhiên, stress kéo dài lại là một vấn đề nghiêm trọng cần được can thiệp. Dưới đây là một số tác hại do stress kéo dài gây ra:
Ảnh hưởng đến ngoại hình
Khi bị stress, chúng ta thường có xu hướng bị mất ngủ làm đôi mắt thường trong trạng thái thâm quầng như “gấu trúc”, da sạm đi và nhăn nheo rõ rệt. Kể cả cho dù bạn có dùng bao nhiêu kem dưỡng da đắt đỏ nhưng nếu thường xuyên thức khuya, mất ngủ trong thời gian dài thì da vẫn không thể nào cải thiện.
Mất ngủ và stress là nguyên nhân hàng đầu đẩy cơ thể đến quá trình lão hóa của tuổi tác nhanh hơn. Chẳng hạn bạn có thể thấy những người có xu hướng lo nghĩ nhiều, căng thẳng stress kéo dài nhìn sẽ chững chạc, già dặn hơn so với tuổi thật, tóc bạc nhiều hơn.
Tác hại khi bị stress kéo dài còn liên quan đến tình trạng béo phì hay gầy yếu quá mức. Một số người khi bị stress thường có xu hướng thèm ngọt, ăn đêm nhiều nên dễ bị béo phì trong khi đó một số khác lại bị chán ăn, ăn không ngon nên ngày càng gầy yếu. Và dù là gầy hay béo thì đều khiến ngoại hình kém hoàn hảo.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra ở những người bị stress cũng thường gặp tình trạng rụng tóc thành từng mảng, dễ bị nổi mụn trứng cá. Những người bị ám ảnh về ngoại hình có thể bị căng thẳng stress nhiều hơn nếu tình trạng này không nhanh chóng giải quyết.
Gia tăng nguy mắc các vấn đề về tâm lý – thần kinh
Một trong những tác hại nghiêm trọng khi bị stress kéo dài chính là gia tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh tâm lý nguy hiểm, chẳng như như trầm cảm, rối loạn lo âu hay alzheimer. Nguyên nhân là khi bị stress cơ thể sẽ tăng sản sinh các hormone adrenaline, noradrenaline khiến chúng ta cảm thấy bồn chồn và lo lắng hơn đồng thời giảm sản sinh dopamine, Endorphin, serotonin khiến chúng ta ít cảm nhận được sự vui vẻ.
Một vài thống kê được thực hiện trên những người thường xuyên bị stress kéo dài (Nhóm A) và những người ít bị stress hoặc chỉ bị trong thời gian ngắn (Nhóm B) thì kết quả cho thấy ở những người nhóm A có xu hướng mất đi khả năng phục hồi trí não đồng thời điểm số các bài test trầm cảm đều rất cao.
Các bệnh tâm lý đều tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy nguy hiểm đến người bệnh mà không ai được chủ quan. Nếu không sớm được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có xu hướng tự làm đau bản thân, tìm cách tự tử như một cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Rất nhiều các trường hợp tương tự đã xảy ra, thậm chí tỷ lệ tự tử do trầm cảm hay rối loạn lo âu đã nằm ở mức đáng báo động nên tuyệt đối không được coi thường các bệnh này.
Tác hại khi bị stress kéo dài – gia tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý
Đừng tưởng rằng stress là một vấn đề về cảm xúc mà lại không nguy hiểm cho thể chất. Các nghiên cứu đã chỉ ra stress là nguyên nhân hàng đầu gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe mà bạn không nên chủ quan. Bởi stress thường kéo theo tình trạng mất ngủ, lo âu, bồn chồn nên cũng khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, những tác hại khi bị stress kéo dài trên mặt thể chất bao gồm:
- Gia tăng các bệnh lý về tim mạch: hormone adrenaline, noradrenaline và cortisol được phóng thích vào máu khi bạn bị căng thẳng dẫn tới huyết áp tăng, nhịp tim tăng nên tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Người bị stress kéo dài rất dễ mắc các bệnh như nhồi máu cơ tim, suy tim hay xơ vữa động mạch..
- Gia tăng các bệnh lý về dạ dày: nguyên nhân là stress và mất ngủ kích thích hệ tiêu hóa tăng sản xuất các acid dạ dày khiến người bệnh dễ bị trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, viêm dạ dày cùng rất vấn đề nghiêm trọng khác.
- Các vấn đề não bộ: adrenalin và cortisol có thể tác động làm giãn mạch máu gây ra các chứng đau đầu, đau nửa đầu. Suy giảm trí nhớ cũng là một tác hại khi bị stress kéo dài mà rất nhiều người đang gặp phải hiện nay, kể cả những người trẻ. Nghiên cứu còn chỉ ra stress khiến lượng oxy đi lên não giảm và gia tăng nguy cơ bị teo não cùng các tổn thương nghiêm trọng khác.
- Các vấn đề về xương khớp: các nghiên cứu cũng đã chỉ ra việc căng thẳng stress có thể làm gia tăng các phản ứng viêm của cơ thể, bao gồm cả hệ thống xương khớp. Đồng thời kết hợp với việc máu huyết lưu thông kém khiến những người này thường xuyên bị căng cơ, tê bì chân tay, khả năng tái tạo kém nên dễ gặp các vấn đề về xương khớp, quá trình lão hóa của xương khớp được đẩy nhanh hơn bình thường.
- Các vấn đề về răng miệng: người bị stress cũng dễ bị viêm nướu, viêm răng miệng hay nhiệt miệng
- Suy giảm hệ miễn dịch: stress khiến cơ thể giảm khả năng chống chọi với các tác nhân lạ xâm nhập từ bên ngoài. Có thể thấy rõ ràng rằng mỗi bạn bận rộn quá mức với áp lực công việc thường dễ bị cảm cúm hơn.
- Tăng nguy cơ bị đái tháo đường: bệnh có thể xuất hiện ở những người có xu hướng lạm dụng đồ ngọt quá mức để giải tỏa cảm xúc. Đồng thời do stress cũng làm gia tăng nồng độ glucose trong máu nên cũng khiến rất nhiều người bị tiểu đường tuýp 2
- Bệnh hen suyễn: Những người bị stress có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng hen suyễn trước đó hoặc nếu bố mẹ gặp tình trạng stress ở giai đoạn mang thai thì nguy cơ con mắc bệnh cũng là rất cao
- Tăng nguy cơ mắc ung thư: stress kéo dài có thể gây ung thư là một trong những nghiên cứu đã được rất nhiều nhà khoa học chỉ ra. Nguyên nhân là do stress làm cơ thể sản sinh nhiều hormone có khả năng bất hoạt quá trình anoikis nên không thể ngăn ngừa được các tác nhân, tế bào ung thư. Đồng thời do khi stress cơ thể dễ mắc nhiều bệnh lý, ăn uống không đầy đủ, hệ miễn dịch suy yếu theo nên nếu tiếp diễn trong thời gian dài thì việc bị ung thư cũng không phải quá lạ.
- Dễ bị đột quỵ: Do có thể gây ra các vấn đề liên quan đến huyết áp, tim mạch nên những người bị stress trong thời gian dài cũng có nguy cơ đột quỵ rất cao.
Thực tế đã chứng minh, những người hay bị stress hoặc bị stress trong thời gian dài thường có tuổi thọ ngắn hơn những người có cuộc sống vui vẻ, lạc quan, tích cực. Nguyên nhân cũng có thể liên quan đến các bệnh lý hoặc do quá trình sản sinh và nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể bị ảnh hưởng nên thường có tuổi thọ ngắn. Với những tác hại khi bị stress kéo dài này thì tuyệt đối không thể chủ quan.
Stress làm ảnh hưởng đến chức năng tình dục
Stress cũng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến rất nhiều người bị suy giảm ham muốn, suy giảm khả năng tình dục, có thể gặp ở cả nam và nữ giới. Nguyên nhân là do khi hệ thần kinh bị ức chế sẽ khiến cho các mạch máu và cơ trơn của thể hang bị co mạch. Tình trạng này làm cho máu và oxy không thể di chuyển thuận lợi giúp nam giới đạt được trạng thái cương dương và khoái cảm.
Mặt khác khi tinh thần cảm thấy mệt mỏi, chán nản, u uất thì cũng không thể nào hào hứng trong việc chăn gối được. Tất nhiên thực tế vẫn rất có thể chọn cách giải tỏa stress bằng việc quan hệ tình dục nhưng đây vẫn chỉ là trạng thái tạm thời, stress kéo dài thì việc suy giảm ham muốn là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là một trong những tác hại khi bị stress kéo dài đã khiến những cặp vợ chồng khó có con lại càng khó hơn.
Tác hại khi bị stress kéo dài – ảnh hưởng đến các mối quan hệ
Khi bị stress chúng ta thường có xu hướng dễ trở nên tiêu cực, dễ cáu kỉnh, tức giận với tất cả mọi thứ, đặc biệt càng là những người thân thiết thì càng dễ trở nên kích động hơn. Đôi khi những lời hỏi thăm từ mọi người xung quanh đều mang hàm ý tốt nhưng do bản thân quá tiêu cực khiến chúng ta nhìn nhận nó theo chiều hướng xấu nên không đón nhận thành ý từ những người đối diện.
Hơn hết việc làm bạn với một người tiêu cực, luôn cáu kỉnh khó chịu là điều không ai mong muốn. Nếu cứ giữ mãi trạng thái này sẽ khiến cho các mối quan hệ xung quanh dần trở nên xa lánh bạn, không có ai bên cạnh để chia sẻ. Những suy nghĩ xấu xí và tiêu cực nếu cứ giữ mãi trong tâm trí sẽ giống như một nhà giam trói buộc bạn khiến bạn ngày càng chán chường, mệt mỏi và cô đơn.
Thực tế thì chính bản thân chúng ta khi bị stress cũng cảm thấy mệt mỏi, chán ghét chính mình. Những cảm xúc tiêu cực cứ chi phối mọi vấn đề quanh cuộc sống khiến chúng ta nhìn mọi thứ đều thấy đen tối, không hiểu vì sao những thứ xui xẻo áp lực cứ đến với mình. Nếu không vượt qua được giai đoạn stress sẽ rất nhanh dẫn đến trầm cảm và việc chọn cách tự tử giống như là bước đường cùng bởi họ không thoát ra khỏi sự khó khăn trong tâm trí của bản thân.
Bị căng thẳng, stress kéo dài làm sao giải toả?
Làm thế nào để có thể loại bỏ stress chính là băn khoăn của rất nhiều người hiện nay, tuy nhiên cũng hề dễ dàng. Bản chất của stress chính là khiến tâm trí chúng ta tích tụ toàn những điều xấu xí nên các hành vi, nhận thức của chúng ta cũng sẽ hoạt động theo cách đó. Nếu bản thân chúng ta không tự nhận thức được và quyết tâm thay đổi thì cũng rất khó để loại bỏ những điều này.
Thực hiện các liệu pháp thư giãn
Chúng ta thấy stress là bởi có quá nhiều điều tiêu cực tích tụ trong đầu, vì thế hãy tìm cách loại bỏ sớm những điều này. Có rất nhiều cách để thư giãn và đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí mà bạn có thể áp dụng để tinh thần luôn trong trạng thái tươi mới, lạc quan trở lại. Cụ thể như
- Thiền, yoga hay chỉ đơn giản là đi bộ, tập thể dục hằng ngày chính là biện pháp có thể giúp cân bằng tâm trí, thư giãn tinh thần, giải tỏa sớm những suy nghĩ tiêu cực
- Tắm với nước nóng vào cuối ngày để giúp toàn thân được thư giãn, thả lỏng
- Âm nhạc cũng là liệu pháp giúp thư giãn tinh thần, kích thích những điều lạc quan cho bạn. Bạn có thể nghe nhạc thiền hay các bản nhạc yêu thích để chăm sóc cho đời sống tinh thần của mình
- Viết nhật ký cũng là một cách hay để loại bỏ những câu chuyện, những suy nghĩ xấu xí vào mỗi cuối ngày
- Đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày để nạp lại năng lượng cho cơ thể, qua đó giúp tinh thần tỉnh táo, lạc quan hơn vào ngày hôm sau
- Xông hơi tinh dầu, dùng nến thơm hay uống các loại trà thảo mộc cũng rất tốt cho tâm trí
- Dành cho bản thân thời gian nghỉ ngơi phù hợp, hạn chế gắng sức làm việc, hãy dành cho bản thân ít nhất 1 tiếng để thư giãn hằng ngày hoặc 1 ngày nghỉ trong tuần để nạp lại năng lượng
- Tìm kiếm những thú vui mới để giải tỏa căng thẳng
- Tránh xa bia rượu, đồ uống có cồn, thuốc lá hay các chất kích thích
- Tự thưởng cho bản thân những món quà xứng đáng với những nỗ lực mà mình đã bỏ ra
- Chia sẻ nhiều hơn với mọi người xung quanh để tìm kiếm những lời khuyên hữu ích. Làm bạn với những người tích cực cũng giúp bạn thấy vui vẻ và có những lời khuyên bổ ích hơn
Coi stress là thử thách
Thực tế thì stress cũng không hẳn là xấu, quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận nó như thế nào. Có một câu nói rằng ” Áp lực tạo ra kim cương”, chính bởi những áp lực, stress ấy khiến chúng ta muốn cố gắng hơn. Chẳng hạn một người bị stress bởi bạn bè thăng tiến nhanh, giàu có sẽ không ngừng nỗ lực làm việc để bằng với các bạn. Như vậy, chẳng phải là stress chính là một chiếc”mô tơ” thúc đẩy chúng ta tiến nhanh hơn hay sao.
Vì vậy thay vì nhìn nhận vào những điều xấu xí mà stress đem lại bạn hãy thử học cách vận dụng nó theo hướng tích cực hơn. Thay vì than vãn rằng “dạo này stress với công việc khiến mình muốn nghỉ việc quá” thì có thể nhìn nhận rằng mình thật tuyệt vời vì có thể vượt qua được khối lượng công việc lớn như thế.
Tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể nhìn nhận stress một cách tích cực nhưng hãy coi nó như một thử thách thú vị mà chúng ta phải vượt qua và giảm tối đa sự tiêu cực cho nó để tránh các tác hại khi bị stress kéo dài xuất hiện.
Gặp gỡ các chuyên gia tâm lý
Từ giai đoạn stress kéo dài tiến tới các bệnh tâm lý là rất ngắn, vì vậy nếu cảm thấy tâm trí bản thân có quá nhiều vướng mắc, nặng nề thì người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý. Stress vẫn chỉ là vấn đề về mặt cảm xúc nên hầu hết không được điều trị bằng thuốc như trầm cảm hay rối loạn lo âu nên tâm lý trị liệu chính là giải pháp hữu ích nhất cho bạn ngay lúc này.
Thông qua việc trò chuyện, chuyên gia tâm lý sẽ tháo gỡ giúp bạn những vướng mắc trong tâm trí để tinh thần bạn thoải mái hơn, không còn lo lắng suy nghĩ quá nhiều. Nhà trị liệu cũng hướng dẫn bạn cách kiểm soát cảm xúc, đối diện với căng thẳng hay thực hiện các liệu pháp chăm sóc tinh thần hằng ngày để tâm trí luôn ở trạng thái tốt nhất. Do đó nếu không làm cách nào để chấm dứt được chuỗi ngày stress của bản thân thì tốt nhất hãy tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý.
Những tác hại khi bị stress kéo dài làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, cuộc sống, tinh thần của mỗi người nên cần tìm cách loại bỏ nhanh chóng. Bản thân mỗi chúng ta cũng cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn, yêu thương bản thân nhiều hơn và học cách suy nghĩ tích cực để hạn chế gặp các cảm xúc xấu xí này trong cuộc sống.
Tham khảo thêm:
- Quy tắc để tránh stress sau khi sinh mẹ nên ghi nhớ
- 10 Loại thảo dược thiên nhiên giúp đánh bay stress hiệu quả
- Căng thẳng stress gây mất ngủ và cách khắc phục hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!