Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư – Cách giúp bạn vượt qua

5/5 - (1 bình chọn)

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư là tình trạng rất nhiều người gặp phải do những căng thẳng, lo lắng quá mức về sức khỏe hay tương lai của chính mình. Gia đình cần là điểm tựa vững chắc trong thời gian này để người bệnh có thêm sức mạnh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một lối sống lành mạnh, tích cực, khoa học hơn cũng giúp ích rất nhiều để nâng cao cả thể chất và tinh thần cho bệnh nhân ung thư.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư là gì?

Rối loạn lo âu là một vấn đề tâm lý phổ biến được đặc trưng bằng tình trạng lo lắng, sợ hãi quá mức về một vấn đề nào đó. Các trạng thái này được bộc lộ quá mức, lặp đi lặp lại kéo dài với các biểu hiện điển hình như run rẩy, khô miệng, tăng nhịp tim, toát mồ hôi hay thậm chí là ngất xỉu. Do đó rối loạn lo âu có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống hằng ngày ( tùy theo đối tượng gây lo âu).

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư là tình trạng rất nhiều bệnh nhân gặp phải bởi những ám ảnh về cái chết, về những di chứng mà căn bệnh này để lại

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư là một tình trạng phổ biến ở rất nhiều bệnh nhân sau khi phát hiện bản thân mắc bệnh ung thư hay người đang trong quá trình điều trị. Nỗi ám ảnh về việc mình sẽ chết, sợ đau đớn mệt mỏi trong quá trình điều trị, cảm thấy bản thân là gánh nặng, không còn hy vọng chính là một trong những yếu tố khiến tinh thần suy sụp và không ngừng lo âu hơn mỗi ngày.

Thực tế, bất cứ ai trong chúng ta, dù tinh thần có mạnh mẽ đến đâu thì khi mắc ung thư, cảm giác lo lắng, sợ hãi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên khi được các y bác sĩ chẩn đoán và đưa ra lời giải thích, tiên lượng, hướng điều trị hay đưa các lời khuyên thì mức độ này có thể được cải thiện. Trong khi đó người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư sẽ không ngừng lo âu, thậm chí cả với các trường hợp đã điều trị thành công căn bệnh nan y này.

Một số vấn đề gây căng thẳng, lo lắng, sợ hãi quá mức ở những người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư như

  • Lo lắng rằng bệnh ung thư không thể điều trị, sợ rằng mình sẽ chết
  • Sợ sức khỏe suy giảm, gặp các di chứng sau khi điều trị
  • Lo lắng việc điều trị tiêu tốn nhiều chi phí, không có tiền điều trị hoặc mình sẽ thành gánh nặng của người thân
  • Căng thẳng về việc phản đến bệnh viện thường xuyên, phải thực hiện các thủ thuật y tế hay phẫu thuật
  • Lo lắng, suy nghĩ về việc ung thư tái phát
  • Lo lắng về các vấn đề sau điều trị ung thư
  • Lo sợ về việc con cái hay những người thân trong gia đình có thể mắc bệnh
  • Những người sau điều trị ung thư cũng có thể mắc rối loạn lo âu, trở nên ám ảnh quá mức với các vấn đề về sức khỏe vì sợ rằng bản thân có thể mắc bệnh trở lại

Một nghiên cứu tại Mỹ đã cho thấy có đến 35-50% số bệnh nhân ung thư mắc phải các rối loạn tâm thần, trong đó  khoảng 66% liên quan đến lo âu và trầm cảm. Tinh thần căng thẳng có thể gây ra nhiều tác động xấu không mong muốn cho quá trình điều trị ung thư nên cần nhanh chóng có hướng điều trị và cải thiện càng sớm càng tốt.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư

Vốn dĩ người bị ung thư đã có vô vàn nỗi lo và những người xung quanh cũng có thể cảm thấy những cảm xúc lo lắng đó là bình thường. Hơn hết những đau đớn do các khối u gây ra, những mệt mỏi trong quá trình điều trị khiến những người xung quanh có thể bỏ qua những triệu chứng bất thường về mặt tâm lý của người bệnh.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
Người bệnh luôn có những suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi quá mức khi nghĩ về căn bệnh quái ác của bản thân

Một số biểu hiện của mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư như

  • Cảm giác căng thẳng, lo lắng đến mức run rẩy, khô miệng, nhịp tim đập nhanh không kiểm soát, toát mồ hôi, huyết áp tăng nhanh, khô miệng, khó thở, cứng cơ, chóng mặt…
  • Trong trạng thái căng thẳng quá mức một số người thậm chí có thể ngất xỉu
  • Rối loạn tiêu hóa, khó chịu ở bụng ở một số người lo lắng trong thời gian dài
  • Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, thao thức hoặc thường xuyên gặp ác mộng cũng là vấn đề thường gặp ở rất nhiều người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
  • Khó tập trung, lơ đãng, mệt mỏi kéo dài
  • Luôn suy nghĩ về những điều tiêu cực
  • Phản ứng kích động và dữ dội trong một số trường hợp, chẳng hạn khi ai đó nhắc đến tình trạng bệnh của họ.
  • Ở những người sau điều trị ung thư dù thành công nếu mắc rối loạn lo âu có thể có xu hướng quan trọng hóa quá mức các vấn đề liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn như luôn kiểm tra liên tục các loại thực phẩm, không ăn ngoài, ăn đúng một chế độ nghiêm ngặt để phòng tránh nguy cơ ung thư tái phát
  • Lo lắng quá mức về sức khỏe, cho dù đã được bác sĩ hay những người có chuyên môn giải thích nhưng cũng không làm giảm đi nỗi lo lắng ở những bệnh nhân này
  • Tính tình thay đổi, dễ cáu gắt và khó chịu hơn

Nguyên nhân khiến người bệnh mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư

Trước đây ung thư vốn được coi là “cửa tử” bởi hi vọng sống rất ít, khả năng điều trị chưa cao hoặc sức khỏe cũng có xu hướng suy giảm nghiêm trọng sau khi điều trị, do đó khi nghe bản thân mắc ung thư ai cũng không tránh khỏi sự lo lắng. Tuy nhiên để hình thành chứng rối loạn lo âu có thể cần liên quan đến một số vấn đề khác tác động đến tâm trí của những người bệnh.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
Không phải ai cũng có tinh thần vững vàng khi đón nhận bản thân đang mắc bệnh ung thư

Cơ chế chính xác gây nên những nỗi lo âu quá mức ở những người mắc bệnh ung thư cũng chưa được xác định hoàn toàn, tuy nhiên theo các chuyên gia, nó có thể liên quan đến các vấn đề sau

  • Tâm lý yếu: mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư rất thường gặp ở những người có tâm lý yếu, đặc biệt là phụ nữ và người già. Bởi có tâm lý yếu và suy nghĩ quá nhiều khiến những người này luôn lo xa, tưởng tưởng đến các tình huống xấu, chẳng hạn như không thể điều trị ung thư nên mới khiến tâm trí bí bách và hình thành nỗi lo âu quá mức.
  • Tình trạng sức khỏe: ở những người có tiên lượng không tốt, tỉ lệ chữa khỏi thấp hoặc cảm thấy quá đau đớn, mệt mỏi trong suốt quá trình điều trị cũng dễ mắc phải các rối loạn tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
  • Các thông tin tiêu cực: những người thường xuyên đọc các thông tin tiêu cực về việc ung thư không thể chữa khỏi, các di chứng để lại sau khi điều trị cũng làm tăng nỗi căng thẳng lo lắng và tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
  • Các vấn đề tâm lý trước đó: ở như người từng có tiền sử mắc các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu cũng có nguy cơ tái phát trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn sau khi được chẩn đoán ung thư.
  • Các vấn đề trong điều trị y tế: nếu người bệnh ung thư thăm khám và điều trị ở các môi trường không tốt, chẳng hạn như bác sĩ không giải thích rõ tình trạng bệnh, bác sĩ thiếu kiến thức, y tá vô trách nhiệm hoàn toàn cũng làm tăng mức độ ám ảnh, căng thẳng họ người bệnh mỗi khi đi khám, cảm thấy rằng bản thân đang gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và không ngừng lo lắng hơn.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư và những hệ lụy khó lường

Cả rối loạn lo âu và ung thư khi tách biệt đã vốn là hai bệnh lý nguy hiểm, gây ra rất nhiều tác động xấu đến sức khỏe và cuộc sống mỗi người. Trong đó rối loạn lo âu là căn bệnh làm tinh thần tụt giảm về khí sắc, mất hứng thú với cuộc sống còn ung thư là căn bệnh tàn phá nghiêm trọng về mặt thể chất. Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư cùng lúc sẽ tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
Trạng thái căng thẳng, tuyệt vọng của bệnh nhân gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư

Thực tế trong điều trị ung thư, yếu tố tinh thần đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ khi tinh thần tích cực, lạc quan, hướng về tương lai tươi sáng, chấp nhận các chỉ định từ bác sĩ thì tình trạng bệnh mới được cải thiện tốt nhất. Trong khi đó nếu lúc nào bệnh nhân cũng ủ rũ, u sầu, tinh thần tiêu cực, dễ kích động thì việc điều trị mang những kết quả xấu hơn hẳn.

Rất nhiều các nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh điều này, trong đó đều cho thấy việc một người có tinh thần tích cực, ngủ ngon luôn đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị hơn so với các bệnh nhân chỉ luôn lo lắng. Điều này có nghĩa là mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư nếu đang trong quá trình điều trị có thể khiến sức khỏe người bệnh tồi tệ hơn.

Mặt khác khi tinh thần, sức khỏe một người bị suy giảm thì cuộc sống của họ cũng có chất lượng kém hơn. Một số khác có thể gặp rắc rối về các mối quan hệ, công việc hay cả vấn đề tài chính để chữa bệnh do luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và cạn kiệt năng lượng. Chưa kể một số bệnh nhân vì lo lắng đến việc mình là gánh nặng gia đình, lo lắng về tài chính, sợ cảm giác đến bệnh viện, sợ cảm giác đau đớn khi điều trị ung thư nên đã chọn các tiêu cực nhất là tự tử để giải thoát cho chính mình.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư nên làm thế nào?

Như đã nói, cảm xúc lo âu của người bệnh rất dễ bị bỏ qua các các triệu chứng ung thư được biểu hiện mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tuy nhiên bản thân người bệnh khi thấy tâm lý mình bất ổn, luôn bồn chồn không yên, thường xuyên căng thẳng, ngủ không ngon giấc rất nên chủ động thăm khám bác sĩ. Mặt khác ở một số người bệnh khi đang điều trị ung thư nếu bác sĩ thấy có các vấn đề bất ổn cũng được chỉ định khám tâm lý để kiểm soát kịp thời.

Người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư cũng được chẩn đoán thông qua trao đổi trực tiếp và thực hiện các bài test tâm lý để xác định chính xác của từng người. Tùy vào các triệu chứng và mức độ, việc các liệu pháp điều trị sẽ được lên kế hoạch phù hợp để mang đến những kết quả tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý đang là phương pháp được hướng đến chủ yếu cho những người gặp các vấn đề tâm lý, bao gồm cả người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư. Mục tiêu của các liệu pháp này chính là giải tỏa tâm lý căng thẳng cho bệnh nhân, hướng người bệnh đến sự thoải mái, tích cực, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp phía trước sau khi điều trị ung thư.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
Các liệu pháp tâm lý sẽ trấn an tinh thần và giúp bệnh nhân tin tưởng hơn về tương lai tương sáng

Thực tế hiện nay rất nhiều bệnh viện đã đưa vào ứng dụng các liệu pháp tâm lý song song cho rất nhiều bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị để mang lại tiên lượng tốt hơn, điều này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những hiệu quả mà các phương pháp này đem lại. Nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh nhìn nhận rõ được bản chất vấn đề, xoa dịu những cảm xúc lo âu quá mức mà người bệnh đang phải chịu đựng mỗi ngày.

Một số liệu pháp được đánh giá mang đến những lợi ích tích cực cho người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư như

  • Liệu pháp hành vi biện chứng (dialectical behavior therapy – DBT)
  • Liệu pháp giáo dục tâm lý (psychoeducational therapy)
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT)
  • Liệu pháp mở rộng tâm lý – tinh thần (psycho-spiritual integrative therapy – PSIT)
  • Liệu pháp giải quyết vấn đề (problems solving therapy – PST)
  • Liệu pháp hành vi thích hợp cảm xúc (rational-emotive behavior therapy – REBT)
  • Liệu pháp tâm lý phối hợp (Adjuvant psychological therapy – APT)

Mục đích chung của các liệu pháp này đều nhằm xoa dịu tâm trí, giảm cảm giác căng thẳng lo âu quá mức, chấp nhận thực tại, gia tăng giá trị về bản thân, giảm cảm giác đau khổ. Khi các vướng mắc, các suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí bệnh nhân được loại bỏ thì những cảm xúc lo âu quá mức cũng được giảm thiểu đáng kể.

Bên cạnh đó bệnh nhân cũng có thể được tổ chức các buổi trị liệu nhóm với những người có tình trạng tương tự ( đang bị ung thư và rối loạn lo âu đồng thời) để tạo ra các môi trường mà người bệnh có thể chia sẻ với nhau, gia tăng sự đồng cảm, nhờ đó tinh thần cũng thoải mái hơn rất nhiều.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Điều trị bằng thuốc

Một vấn đề khó khăn khi điều trị cho những người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư chính là không phải lúc nào cũng dùng thuốc được. Bởi để tiêu diệt được các tế bào ung thư ác tính người bệnh đã phải dùng rất nhiều loại thuốc, xạ trị, hóa trị cùng hàng loạt các liệu pháp khác. Việc dùng các loại thuốc trong rối loạn lo âu nếu không đúng cách có thể làm giảm kết quả của việc điều trị ung thư nên cần thực sự thận trọng.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, để xoa dịu các cảm xúc của người bệnh, tránh các cảm xúc kích thích dẫn tới các hành vi tiêu cực thì bác sĩ cũng có thể chỉ định các loại thuốc phù hợp. Bản thân các biện pháp hóa trị hay xạ trị cũng mang đến nhiều tác dụng phụ và các nhóm thuốc điều trị rối loạn lo âu cũng gây ra rất nhiều phản ứng không mong muốn nên người bệnh chỉ nên sử dụng khi có các chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.

Các biện pháp điều trị không dùng thuốc khác

Người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư không thể phụ thuộc hoàn toàn vào trị liệu tâm lý hay bác sĩ mà cần quyết tâm, chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân. Đặc biệt với những người gặp các rối loạn tâm lý sau khi mắc ung thư, sự hỗ trợ từ gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng không kém để người bệnh có thêm sức mạnh chiến thắng căn bệnh quái ác này.

Mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư
Xây dựng một cuộc sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày sẽ giúp người bệnh ung thư và rối loạn lo âu lạc quan, tích cực hơn

Một số biện pháp sẽ giúp ích cho những người mắc ung thư đồng thời với rối loạn lo âu như

  • Trao đổi với bác sĩ chi tiết về tình trạng sức khỏe của bản thân chẳng hạn như mức độ, tiên lượng, hướng điều trị. Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng, sợ rằng bản thân không hiểu hết ý từ bác sĩ hãy đi cùng người thân để được hỗ trợ.
  • Đảm bảo thực hiện các biện pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe theo đúng chỉ định của bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.
  • Dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, tránh xa căng thẳng stress hay các vấn đề tiêu cực khác
  • Xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh là điều cực kỳ cần thiết cho người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư để sớm lấy lại sức khỏe và tinh thần.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, tăng cường các nhóm thực phẩm lành mạnh nhưng vẫn đầy đủ dưỡng chất từ rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc, các loại hạt. Người bị ung thư cũng nên ưu tiên các nhóm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
  • Thiền, dưỡng sinh hay yoga đều là các liệu pháp được đánh giá cực kỳ tốt cho các bệnh nhân ung thư và rối loạn lo âu để nâng cao sức khỏe, xoa dịu tinh thần, cải thiện giấc ngủ mỗi ngày
  • Tránh tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, gây căng thẳng cố liên quan đến ung thư. Thực tế tìm hiểu về tiên lượng hay các di chứng mà ung thư để lại là không sai nhưng hãy tiếp nhận nguồn thông tin uy tín, chính xác từ chính bác sĩ đang điều trị chứ không nên tìm hiểu và tin tưởng quá nhiều trên mạng sẽ chỉ khiến chính bạn hoang mang hơn.
  • Người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư cần học cách hướng về tương lai, luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước, nhìn nhận các vấn đề một cách thoải mái hơn, lạc quan hơn.
  • Làm mọi điều mà bản thân yêu thích. Cho dù kết quả ung thư có như thế nào thì bạn cũng cần sống hết mình, hãy tranh thủ làm tất cả những thứ mà mình yêu thích để không phải hối hận.
  • Chia sẻ nỗi lo lắng của bản thân với những người thân trong gia đình, bạn bè hoặc bất cứ ai mà bạn thấy tin cậy. Khi bạn lo lắng điều gì mà không nói ra để được giải đáp sẽ chỉ khiến bạn thêm lo lắng và căng thẳng mà không giải quyết được bất cứ vấn đề nào.

Gia đình cần là người đồng hành cùng bệnh nhân để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cho dù là người mạnh mẽ và tích cực thế nào thì việc chấp nhận bản thân bị ung thư chắc chắn cũng không phải là điều dễ dàng. Dành thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ, lắng nghe những cảm xúc của bệnh nhân, luôn bên cạnh trong suốt quá trình điều trị hay tạo một môi trường sống lành mạnh nhất cho người bệnh ung thư lúc này chính là nguồn sức mạnh lớn lao để bệnh nhân tự tin chiến thắng bệnh tật.

Hiện nay với sự phát triển của y tế, đã có thêm rất nhiều kỹ thuật tiên tiến có thể giúp ích cho bệnh nhân ung thư, đem lại tiên lượng tốt hơn và kéo dài sự sống cho rất nhiều người. Tất nhiên đôi lúc bạn vẫn cần phải chấp nhận rằng mình bị bệnh và kể cả việc tiên lượng sống của bản thân là không tốt nhưng chỉ cần bạn sống hết mình, làm được mọi điều mà mình mong muốn thì chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hối hận hay tiếc nuối.

Cho dù tương lai vẫn chưa thể nào biết trước rằng liệu bạn có khỏi bệnh không nhưng chỉ cần bạn quyết tâm, bạn tích cực, bạn luôn sẵn sàng đối diện với sự thật thì cũng đã chứng tỏ bạn chiến thắng rồi. Người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư tuyệt đối không được tuyệt vọng, không được gục ngã vì chẳng biết chừng, phép màu sẽ mỉm cười với bạn thì sao.

Tỷ lệ số người mắc rối loạn lo âu khi bị ung thư không phải là nhỏ nhưng chính bản thân họ cũng không nhận ra rằng mình đang bất ổn. Thay đổi một lối sống tích cực hơn, tuân thủ theo các chỉ định từ bác sĩ, thả lỏng cơ thể, dành thời gian cho chính mình chính là lời khuyên mà Tạp chí tâm lý học dành cho bệnh nhân ung thư nhiều giá trị tích cực để chiến thắng bệnh tật.

 Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *