Trầm cảm kháng trị là gì? Chữa trị thế nào?

Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 2/3 số trường bệnh trầm cảm không đáp ứng tốt với những loại thuốc hỗ trợ điều trị đầu tiên mà họ được chỉ định sử dụng. Các trường hợp trầm cảm kháng trị này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc can thiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người bệnh.

Trầm cảm kháng trị
Trầm cảm kháng trị là tình trạng người bệnh không thể cải thiện được các triệu chứng khi đã áp dụng điều trị trong thời gian nhất định.

Trầm cảm kháng trị là gì?

Trầm cảm kháng trị là tình trạng mà người bệnh không thể cải thiện được các triệu chứng sau khi đã áp dụng các phương pháp điều trị trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường, đối với hầu hết các trường hợp bị trầm cảm đều sẽ được cân nhắc áp dụng biện pháp sử dụng thuốc hoặc trị liệu tâm lý để giúp cải thiện các triệu chứng tốt hơn. Thế nhưng không phải quá trình điều trị nào cũng có thể mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh.

Đối với những trường hợp trầm cảm kháng trị thì các biện pháp điều trị theo tiêu chuẩn có thể không mang lại kết quả như ý muốn. Vì thế, nếu đã sử dụng thuốc chống trầm cảm đúng theo chỉ định của các chuyên gia nhưng sau một thời gian dài mà các triệu chứng bệnh không được cải thiện hoặc thuyên giảm thì bạn nên trao đổi với bác sĩ để cân nhắc thay đổi liệu pháp phù hợp hơn.

Khi ấy, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và kiểm tra lại về tình trạng bệnh lý của người bệnh:

  • Đưa ra hàng loạt câu hỏi nhằm tìm hiểu về những yếu tố xã hội có thể tác động đến tình trạng bệnh trầm cảm.
  • Cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng có thể thích ứng với các biện pháp điều trị bệnh của mỗi bệnh nhân.
  • Tổng hợp và xem xét về những loại thuốc mà bệnh nhân đã và đang sử dụng.
  • Trao đổi và thảo luận với bệnh nhân về từng loại thuốc điều trị và đưa ra hướng khắc phục trong tương lai.
  • Cân nhắc về những biến chứng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
  • Chẩn đoán và đánh giá về các vấn đề sức khỏe liên quan có thể làm cho tình trạng trầm cảm trở nặng.

Những triệu chứng của người bệnh trầm cảm kháng trị có thể biến đổi nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Vì thế, các bác sĩ cần phải xem xét, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng để tìm ra được phác đồ điều trị phù hợp và an toàn nhất.

Theo số liệu thống kê nhận thấy, có từ 10 đến 30% các trường hợp người bệnh trầm cảm không thể thích ứng tốt với loại thuốc điều trị đầu tiên. Vì thế, nhằm giúp quá trình điều trị được hiệu quả hơn, các chuyên gia cũng đã đề xuất đến việc sử dụng một số thang đánh giá tiêu chuẩn như Montgomery Asberg Depression Rating Scale (MADRS) hoặc Hamilton Rating Scale for Depression (HAM-D).

Dựa vào thang đánh giá này, các bác sĩ có thể xác định được trường hợp nào là trầm cảm kháng trị:

  • Không đáp ứng: Khi thang điểm thuyên giảm của các triệu chứng bệnh thấp hơn so với 25% sau khi đã áp dụng việc dùng thuốc trong 4 tuần.
  • Đáp ứng một phần: Nếu sau 6 đến 8 tuần điều trị những điểm số thuyên giảm chỉ chiếm khoảng 25 đến 50%.
  • Đáp ứng: Điểm số thuyên giảm các triệu chứng đạt trên 50%.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm kháng trị

Cho đến hiện nay, các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm kháng trị vẫn chưa được tìm hiểu và xác định cụ thể. Tuy nhiên trong thực tế thì từng trường hợp kháng trị sẽ xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trầm cảm kháng trị
Việc không tuân thủ đúng theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ cũng là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm kháng trị

Vì thế, khi rơi vào tình trạng này, người bệnh và bác sĩ điều trị cần phải trao đổi và kiên trì để tìm ra được nguyên nhân cùng phương pháp điều trị phù hợp hơn. Dựa vào thống kê thì trầm cảm kháng trị có thể xuất hiện bởi những nguyên nhân sau đây:

1. Do chẩn đoán nhầm

Tuy tình trạng này không quá phổ biến nhưng trong thực tế vẫn có một số người bệnh bị chẩn đoán nhầm dẫn đến trường hợp không thể đáp ứng tốt với những biện pháp điều trị. Thông thường các triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng có thể bị nhầm lẫn với những rối loạn tâm thần khác. Ví dụ như người bệnh có thể được chẩn đoán nhầm thành rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cảm xúc.

2. Do gen di truyền

Gen cũng được xem là một trong các nguyên nhân khó kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm kháng trị. Hiện nay qua sát và tìm hiểu của các nhà khoa học nhận thấy có một số loại gen liên quan trực tiếp đến những dạng trầm cảm khó điều trị ở người bệnh. Thế nhưng các xét nghiệm về gen vẫn chưa thể xác định được chính xác về những loại thuốc chống trầm cảm phù hợp đối với từng dạng bệnh khác nhau.

3. Tình hình sức khỏe mỗi bệnh nhân

Một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, các vấn đề về tuyến giáp, ung thư, thường xuyên chán ăn,…cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Đối với những trường hợp này cần phải cố gắng tìm kiếm và kiên trì điều trị đồng thời cả trầm cảm và những vấn đề sức khỏe hiện đang có.

Ngoài ra, những người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, chất gây nghiện cũng có nhiều khả năng xuất hiện kèm với các triệu chứng trầm. Thói quen này cũng là một trong các nguyên nhân làm khởi phát bệnh và khiến cho quá trình điều trị gặp nhiều cản trở. Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm, các chuyên gia luôn khuyên người bệnh ngừng lạm dụng chất gây nghiện để không làm giảm hiệu quả của thuốc.

4. Một số vấn đề về thuốc điều trị

Bên cạnh những nguyên nhân trên thì quá trình chọn lựa và sử dụng thuốc cũng có thể gây ra tình trạng trầm cảm kháng trị. Cụ thể như:

  • Bỏ liều/ bỏ cữ

Việc thường xuyên bỏ liều, quên uống thuốc cũng sẽ làm giảm đi hiệu quả của thuốc điều trị. Bên cạnh đó, để biết được chính xác loại thuốc đó có phù hợp và giúp triệu chứng trầm cảm cải thiện tốt không thì người bệnh cần phải uống thuốc đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

  • Không uống thuốc đúng thời gian quy định

Các loại thuốc chống trầm cảm thường có hiệu quả chậm, vì thế người bệnh cần phải kiên trì sử dụng đúng theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Thông thường cần phải 6 đến 8 tuần mới có thể nhận thấy được hiệu quả vượt trội của thuốc. Do đó, nếu người bệnh ngưng sử dụng thuốc đột ngột sẽ khiến cho quá trình điều trị thất bại, thậm chí có thể gây ra hội chứng ngưng thuốc chống trầm cảm rất nguy hiểm.

  • Tương tác thuốc

Một số loại thuốc chống trầm cảm sẽ tương tác với nhau, nếu sử dụng cùng lúc hoặc quá gần với nhau có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra những triệu chứng khó chịu. Một số trường hợp tương tác thuốc còn có thể dẫn đến tử vong.

  • Tác dụng phụ ngoài ý muốn

Các loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, tình trạng này có thể được xử lý nhanh chóng nếu người bệnh có thể phát hiện sớm. Tuy nhiên, lại có một số trường hợp ngừng sử dụng thuốc đột ngột khi nhận thấy các tác dụng phụ này, đây là một hành động không nên.

Để giúp kiểm soát tốt các triệu chứng mà thuốc chống trầm cảm gây ra bệnh nhân nên thông báo trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn các xử lý phù hợp. Ngoài ra, một số tác dụng phụ của thuốc chỉ xuất hiện trong thời gian đầu sử dụng, chúng cũng sẽ tự thuyên giảm khi cơ thể đã thích ứng tốt với thuốc.

  • Uống sai thuốc hoặc sai liều lượng

Tùy vào từng thể trạng của mỗi người mà hiệu quả của thuốc cũng sẽ khác nhau. Các chuyên gia không thể dự đoán được chính xác về hiệu quả dùng thuốc đối với từng người bệnh. Tuy nhiên, đối với từng mức độ bệnh khác nhau mà các chuyên gia sẽ cân nhắc kê đơn thuốc với liều lượng và loại thuốc riêng biệt. Việc sử dụng thuốc không đúng liều hoặc dùng sai thuốc cũng có thể làm cho quá trình điều trị bị giảm hiệu quả.

Cách chữa trị trầm cảm kháng trị

Trầm cảm kháng trị khiến cho nhiều người bệnh cảm thấy tuyệt vọng và vô cùng bế tắc. Sau quá trình điều trị không thành công làm cho họ mất dần niềm tin, trở nên chán nản và mệt mỏi nhiều hơn. Lúc này dường như người bệnh không còn sự kiên nhẫn và đủ nỗ lực để tiếp tục điều trị bệnh.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng có thể nhanh chóng hồi phục bệnh ngay lần đầu tiên điều trị. Do đó, bạn vẫn có thể tiếp tục thử nghiệm những phương pháp chữa bệnh khác hoặc chuyển sang một loại thuốc mới phù hợp hơn.

Thay vì cảm thấy buồn chán, tuyệt vọng và bi quan bạn hãy cố gắng suy nghĩ theo một hướng tích cực hơn, nỗ lực nhiều hơn cho lần trị liệu tiếp theo. Sau khi tiến hành thăm khám và đánh giá về tình trạng bệnh hiện tại, các chuyên gia có thể cân nhắc để áp dụng một số biện pháp cải thiện sau đây.

1. Điều trị nội khoa

Nếu đã sử dụng thuốc chống trầm cảm trong thời gian theo quy định của bác sĩ nhưng các triệu chứng bệnh vẫn không được thuyên giảm thì bạn nên trao đổi trực tiếp với chuyên gia. Điều này không có gì đáng lo ngại vì có thể loại thuốc điều trị này không phù hợp với bạn, các bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn loại thuốc khác thích hợp hơn.

Trầm cảm kháng trị
Các chuyên gia có thể cân nhắc lựa chọn loại thuốc khác phù hợp hơn đối với bệnh nhân trầm cảm kháng trị

Sau khi tiến hành thăm khám và đánh giá về tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân, các bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số điều sau đây:

  • Tăng liều lượng dùng thuốc

Trong thực tế, khả năng đáp ứng thuốc của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu cảm thấy cần thiết thì bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân sử dụng thuốc với liều lượng cao hơn để gia tăng hiệu quả. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không được tự ý quyết định.

  • Tăng thêm thời gian sử dụng thuốc

Thông thường, đối với những trường hợp trầm cảm vừa và nặng cần phải kiên trì sử dụng thuốc trong khoảng 4 đến 8 tháng mới nhận thấy được sự thuyên giảm của các triệu chứng. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp cần phải kéo dài thời gian sử dụng mới có thể mang lại kết quả như mong muốn.

  • Cân nhắc đổi sang loại thuốc khác

Sau khi đã sử dụng loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên nhưng không giúp cho các triệu chứng bệnh cải thiện thì bác sĩ có thể cân nhắc để lựa chọn loại thuốc khác cho người bệnh.

  • Kết hợp cùng một số loại thuốc chống trầm cảm khác

Bác sĩ điều trị có thể kê thêm đơn thuốc với một số loại thuốc chống trầm cảm nhóm khác cho bệnh nhân. Biện pháp này có thể giúp gia tăng tác động lên các chất hóa học bên trong não bộ để giúp bệnh tình cải thiện tốt hơn.

  • Kết hợp với loại thuốc điều trị bệnh lý có liên quan

Nếu bệnh nhân có xuất hiện thêm một số triệu chứng liên quan thì bác sĩ điều trị có thể kê toa thuốc với một số loại thuốc điều trị như thuốc an thần, thuốc chống lo âu, thuốc điều trị tuyến giáp,…đẻ bệnh nhân sử dụng song song với thuốc chống trầm cảm.

2. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý cũng là một trong các phương pháp hiệu quả có thể áp dụng cho những trường hợp trầm cảm kháng trị. Tuy nhiên, người bệnh sẽ được khuyến khích áp dụng đồng thời giữa trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc để gia tăng hiệu quả của quá trình điều trị.

Trầm cảm kháng trị
Trị liệu tâm lý cũng là một trong các phương pháp được cân nhắc áp dụng cho người bệnh trầm cảm kháng trị

Biện pháp này có thể khai thác được nhiều vấn đề tiềm ẩn sâu bên trong của bệnh trầm cảm, từ đó giúp bác sĩ đưa ra hướng giải quyết phù hợp hơn. Một số lợi ích mà trị liệu tâm lý mang đến như:

  • Giúp tìm ra được giải pháp tốt nhất để giúp người bệnh thoát khỏi những triệu chứng của trầm cảm.
  • Chữa lành tận gốc những tổn thương tâm lý.
  • Giúp bệnh nhân điều chỉnh và kiểm soát tốt cảm xúc, cải thiện được các mối quan hệ xã hội.
  • Hướng dẫn người bệnh cách xoa dịu tinh thần.

Một số kỹ thuật có thể được áp dụng cho người bệnh trầm cảm kháng trị như:

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi: Hỗ trợ bệnh nhân có thể tháo gỡ những khúc mắc trong lòng, từ đó thay đổi những suy nghĩ, hành vi, cảm xúc tiêu cực thành tích cực.
  • Liệu pháp tâm lý giao tiếp: Tập trung sâu vào việc khắc phục các vấn đề có liên quan góp phần làm xuất hiện tình trạng trầm cảm kháng trị.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết: Đây là một dạng của liệu pháp nhận thức và hành vi giúp định hướng, thúc đẩy người bệnh thực hiện những hoạt động mang tính tích cực.
  • Liệu pháp hôn nhân, gia đình: Sự tham gia của vợ chồng hoặc những thành viên trong gia đình cũng góp phần quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh. Liệu pháp này còn giúp bệnh nhân cải thiện các các mối quan hệ thân thiết, từ đó giảm bớt các căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực.

Nếu việc áp dụng một trong các liệu pháp nêu trên không mang lại kết quả, người bệnh có thể trao đổi với chuyên gia tâm lý để lựa chọn liệu pháp khác hoặc cân nhắc đổi chuyên gia trị liệu. Bởi phương pháp này cũng tương tự giống như điều trị nội khoa, người bệnh có thể thử qua nhiều liệu pháp tâm lý khác nhau để tìm được biện pháp thích hợp nhất.

3. Một số biện pháp điều trị khác

Nếu đã áp dụng hầu hết các biện pháp cải thiện nêu trên nhưng không mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh thì các bác sĩ chuyên khoa có thể cân nhắc đến việc áp dụng một số biện pháp không phổ biến. Điển hình như liệu pháp xung điện, kỹ thuật kích thích thần kinh phế bị, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ.

  • Liệu pháp xung điện (Electroconvulsive Therapy – ECT)

Ở Châu Âu thì liệu pháp xung điện được áp dụng khá phổ biến. Các chuyên gia sử dụng một liều điện từ với cường độ thích hợp để dẫn truyền qua não bộ của bệnh nhân, điều này sẽ được thực hiện khi người bệnh ngủ. Cơ chế của liệu pháp này đó chính là làm thay đổi các chất hóa học bên trong não bộ và mà đảo ngược những triệu chứng mà trầm cảm gây ra.

Trong một số nghiên cứu chuyên khoa cũng đã chứng minh được hiệu quả và những lợi ích nhất định của liệu pháp xung điện đối với những người bệnh trầm cảm mãn tính hoặc tâm thần phân liệt. Dựa vào số liệu thống kê cũng nhận thấy, những trường hợp không thể đáp ứng được các biện pháp sử dụng thuốc hoặc tâm lý trị liệu lại cho kết quả tốt với liệu pháp xung điện.

  • Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (Repetitive Transcranial Magnetic Stimulation – rTMS)
Trầm cảm kháng trị
Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (Repetitive Transcranial Magnetic Stimulation – rTMS)

Khi biện pháp xung điện không đáp ứng được cho người bệnh thì các chuyên gia sẽ khuyến khích áp dụng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ sử dụng trường điện từ để kích thích các tế bào thần kinh trong não bộ, giúp cho các triệu chứng bệnh trầm cảm được dần thuyên giảm.

  • Kỹ thuật kích thích thần kinh phế vị (Vagus Nerve Stimulation – VNS)

Sau khi hai liệu pháp trên không hiệu quả, chuyên gia sẽ chỉ định áp dụng kỹ thuật kích thích thần kinh phế vị cho người bệnh trầm cảm kháng trị. Phương pháp này sẽ sử dụng một thiết bị chuyên dụng để cấy vào ngực của bệnh nhân để kích thích dây thần kinh. Những xung điện này sẽ được truyền từ thiết bị qua đường dây thần kinh phế vị để đi đến trung tâm tâm trạng của não bộ, giúp cho các triệu chứng trầm cảm được thuyên giảm.

Người bệnh trầm cảm kháng trị nên có niềm tin và luôn nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong quá trình điều trị tiếp theo. Việc tuân thủ các chỉ định từ bác sĩ kết hợp với chăm sóc đúng cách là rất cần thiết để kiểm soát các triệu chứng, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tham khảo thêm:

4.7/5 - (68 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *