Mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh tiểu đường cần biết
Qua nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, trầm cảm và bệnh tiểu đường có mối quan hệ qua lại hai chiều với nhau. Những người đang mắc bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2 người bình thường. Ngược lại những đối tượng bị trầm cảm lâu năm sẽ có nhiều khả năng mắc phải bệnh tiểu đường.
Mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh tiểu đường
Trong những năm gần đây, giới chuyên môn đã tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề “Mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh tiểu đường”. Họ nhận thấy 2 căn bệnh này có mối quan hệ qua lại 2 chiều với nhau. Khi con người rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, chán chường trong thời gian kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường. Ngược lại những bệnh nhân đang bị tiểu đường sẽ có khả năng mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm gấp 2 lần so với bình thường, tương đương với 26% những đối tượng không bị bệnh.
Trầm cảm và bệnh tiểu đường là một vòng xoắn bệnh lý. Quá trình điều trị nghiêm ngặt của các bệnh nhân tiểu đường có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Họ có thể trở nên căng thẳng, chán nản, mệt mỏi và bế tắc, lâu dần dẫn đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có những biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hệ thần kinh và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Ngược lại, những đối tượng mắc bệnh trầm cảm thường có lối sống sai lệch, ví dụ như lười vận động, ăn uống không kiểm soát, có xu hướng uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc lá, các chất kích thích làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cân nặng. Đây cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Theo số liệu thống kê cho biết thì nữ giới bị tiểu đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nam giới. Phần lớn các trường hợp bệnh tiểu đường có kèm triệu chứng của trầm cảm là những nữ giới, người độc thân, có thói quen hút thuốc, ăn uống vô độ, lười vận động. Căn bệnh trầm cảm sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ, cảm xúc, hành vi, công việc và khả năng giao tiếp của người bệnh. Hơn thế, các triệu chứng này sẽ làm cản trở rất nhiều đối với quá trình điều trị bệnh tiểu đường.
Các nhà khoa học cho biết rằng, nếu trầm cảm và bệnh tiểu đường kết hợp với nhau sẽ làm gia tăng nguy cơ biến chứng và tử vong ở người bệnh Theo thống kê tại Canada nhận thấy, những đối tượng bệnh tiểu đường có kèm theo các triệu chứng của trầm cảm sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người chỉ mắc phải bệnh tiểu đường. Nếu trầm cảm chỉ ở mức độ nhẹ thì tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên khoảng 67%, còn nếu các triệu chứng trầm cảm đã ở mức độ nặng thì tỉ lệ này sẽ tăng đáng kể lên đến 130%.
Một điều đáng buồn là hiện nay chỉ có khoảng 1/3 các trường hợp trầm cảm ở người bệnh tiểu đường được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Việc có thể chẩn đoán sớm các triệu chứng trầm cảm sẽ giúp cho quá trình điều trị được thuận lợi và đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên trong thực tế có trên 50% các trường hợp người bệnh tiểu đường có kèm trầm cảm không được chẩn đoán kịp thời.
Một số lý do khiến người bệnh tiểu đường không thể nhận biết sớm chứng trầm cảm như:
- Các triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng tương tự như biểu hiện của bệnh đái tháo đường.
- Bản thân người bệnh không thể nhận biết được những sự bất thường trong tâm lý hoặc có biết nhưng không thông báo cho bác sĩ điều trị.
- Bác sĩ, chuyên gia thiếu sự quan tâm hoặc không có đủ trình độ chuyên môn để nhận biết bệnh.
Như vậy, trầm cảm và bệnh tiểu đường có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau. Do đó, khi mắc phải một trong hai chứng bệnh này bạn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe của mình và tiến hành thăm khám ngay khi nhận thấy các vấn đề bất ổn, khác lạ so với bình thường.
Vì sao người bệnh tiểu đường lại bị trầm cảm?
Như đã chia sẻ ở trên, quá trình điều trị nghiêm ngặt của người bệnh tiểu đường như chế độ ăn uống, sử dụng thuốc, tập luyện thể chất và các nguy cơ biến chứng có thể là yếu tố chính khiến cho người bệnh dễ bị suy sụp về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường còn có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm là do:
- Một số các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh trầm cảm ở người bị tiểu đường như: béo phì, tiền sử gia đình, ít vận động, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành,…Trong thực tế những đối tượng bệnh tiểu đường luôn có kèm theo các tình trạng như thừa cân béo phì, tăng huyết áp, bệnh về tim mạch, bệnh thần kinh.
- Khi đường huyết gia tăng sẽ dẫn đến các quá trình stress oxy hóa làm tổn thương đến những tế bào thần gây. Tình trạng này gây thiếu hụt nguồn dinh dưỡng và oxy cần thiết cho các tế bào não và gây xơ vữa mạch máu não.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở người bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường khi mắc phải chứng trầm cảm cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng thường gặp như:
- Cơ thể luôn mệt mỏi, thiếu sức sống: Đây được xem là một trong các triệu chứng khởi phát đầu tiên ở người bệnh. Họ sẽ trở nên lười vận động, thiếu sự linh hoạt, không biểu lộ nhiều cảm xúc, thường chỉ muốn ở một mình và luôn cảm thấy buồn chán.
- Thường xuyên mất ngủ: Thông thường những người bệnh tiểu đường đã rơi vào trạng thái mất ngủ do đi tiểu nhiều lần, nhất là trong đêm. Khi mắc phải chứng trầm cảm thì triệu chứng này càng sẽ gia tăng mạnh mẽ. Người bệnh sẽ rất khó đi vào giấc ngủ và không thể ngủ sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng hoặc tỉnh giấc nhiều lần trong đêm và không ngủ lại được. Trung bình mỗi ngày họ chỉ ngủ được khoảng 3 đến 4 giờ.
- Tính khí thay đổi, trở nên cáu gắt: Tâm lý không được ổn định khiến cho người bệnh cảm thấy bực bội và rất dễ nóng giận. Họ có thể cáu gắt với những người xung quanh một cách vô lý. Hoặc có thể thực hiện một hành vi nào đó mà trước giờ chưa từng làm.
- Suy giảm trí nhớ: Đây là một trong các triệu chứng thường gặp ở cả những người bệnh trầm cảm và tiểu đường. Họ thường sẽ mất tập trung, giảm chú ý, không có khả năng ghi nhớ tốt như trước.Một số trường hợp còn nhớ nhớ, quên quên không xác định được rõ ràng. Bệnh nhân thường nhầm lẫn các sự việc, cuộc hẹn, hoạt động với nhau, hay để quên đồ đạc không không nhớ những việc sắp phải làm.
- Chán ăn, thường xuyên bỏ bữa: Hầu hết những người bệnh tiểu đường sẽ bị thay đổi khẩu vị ăn uống, họ sẽ trở nên chán ăn, ăn không ngon miệng và thường xuyên bỏ bữa vì thế hầu hết những đối tượng bệnh đều rất gầy. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bệnh nhân bị thừa cân, béo phì.
- Suy nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát: Những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt có kèm theo chứng trầm cảm sẽ thường xuyên có ý định muốn tự tử. Họ luôn cảm thấy bi quan, tội lỗi và cho rằng bản thân là gánh nặng của xã hội, gia đình nên muốn kết thúc cuộc đời để không gây ảnh hưởng tới bất kì ai.
Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các triệu chứng cũng có phần khác nhau. Thông thường nếu trầm cảm ở mức độ nhẹ thì các biểu hiện vẫn còn mơ hồ và khá giống với bệnh tiểu đường thông thường. Tuy nhiên khi bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng, các triệu chứng sẽ thể hiện rõ ràng với tần suất liên tục gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, đời sống và quá trình điều trị tiểu đường của bệnh nhân.
Một số biện pháp khắc phục trầm cảm ở người bệnh tiểu đường
Để hỗ trợ khắc phục các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở người bệnh tiểu đường, các bác sĩ cũng sẽ áp dụng các biện pháp thông thường như sử dụng thuốc, tâm lý trị liệu, thay đổi lối sống nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể. Tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh của mỗi người mà các chuyên gia sẽ cân nhắc để áp dụng những biện pháp điều trị phù hợp nhất. Người bệnh cũng cần phải tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị và nỗ lực, cố gắng thật nhiều để mau chóng vượt qua căn bệnh quái ác này.
1. Sử dụng thuốc
Các loại thuốc chống trầm cảm thường được áp dụng rất nhiều đối với quá trình điều trị bệnh trầm cảm, nhất là ở những người mắc bệnh tiểu đường. Những loại thuốc này tuy không có tác dụng trị dứt điểm bệnh nhưng nó sẽ hỗ trợ kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh, hạn chế nguy cơ tự sát ở người bệnh. Bên cạnh đó, thuốc còn hỗ trợ cân bằng cảm xúc, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Một số loại thuốc thường được sử dụng như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI) và chất ức chế tái hấp thu (SNRI). Các loại thuốc chống trầm cảm thường sẽ có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như khô miệng, chóng mặt, choáng váng, đau đầu, buồn ngủ, suy giảm chức năng sinh lý,…Do đó, người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị trầm cảm cho người bệnh tiểu đường như:
- Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không được sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng cùng đơn thuốc với bệnh nhân khác.
- Phải tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, uống đúng thuốc, đúng liều lượng.
- Không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc ngưng sử dụng thuốc đột ngột.
- Không nên sử dụng bia rượu, thuốc lá, cà phê đặc, trà đặc, các chất gây nghiện như ma túy, thuốc lắc,…trong quá trình điều trị bệnh. Tốt nhất nên uống nhiều nước để cơ thể hoạt động tốt hơn.
- Tránh uống thuốc lúc đói, đặc biệt là những bệnh nhân có vấn đề về dạ dày.
- Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú cưng trong nhà.
- Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì nên thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời.
- Nếu đã sử dụng thuốc đúng theo chỉ định trong thời gian dài nhưng các triệu chứng trầm cảm không được thuyên giảm thì người bệnh cũng nên trao đổi lại với chuyên gia để được xem xét tăng liều hoặc thay đổi sang loại thuốc khác.
2. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một trong các biện pháp điều trị trầm cảm được đánh giá rất cao về hiệu quả và tính an toàn. Phương pháp này cũng được ưu tiên áp dụng nhiều cho các trường hợp trầm cảm vừa và nặng ở bệnh nhân tiểu đường. Các chuyên gia/ nhà trị liệu sẽ sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hoặc phi giao tiếp để trò chuyện với người bệnh.
Thông qua các buổi trị liệu, các chuyên gia tâm lý sẽ tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và xác định được cụ thể các vấn đề bất thường trong tâm lý của bệnh nhân. Từ đó, họ sẽ giúp cho người bệnh nhìn nhận được những suy nghĩ, hành vi, cảm xúc tiêu cực của chính mình và dần tìm ra cách khắc phục chúng hiệu quả. Trong suốt quá trình trị liệu người bệnh sẽ không cần sử dụng đến thuốc và không bị can thiệp về cơ thể.
Sau quá trình trị liệu tâm lý, bệnh nhân sẽ dần phục hồi được khả năng giao tiếp, phát triển tốt các mối quan hệ và có kỹ năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời các chuyên gia còn hướng dẫn cho người bệnh cách kiểm soát tốt cảm xúc, suy nghĩ của mình để có thể tái hòa nhập tốt với cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phát bệnh về sau.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của chuyên gia thì bản thân người bệnh cũng cần phải trấn an lại tinh thần, cố gắng nỗ lực để vượt qua căn bệnh này. Bệnh nhân nên suy nghĩ về những điều vui vẻ, tích cực, lạc quan trong cuộc sống để giúp lượng đường huyết được kiểm soát tốt hơn, đồng thời kéo dài được tuổi thọ. Những khi áp lực, căng thẳng nên tìm cách giải tỏa chúng bằng nhiều cách. Nếu không thấy khả quan hãy tìm gặp bác sĩ hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của người thân.
3. Thay đổi lối sống tích cực hơn
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp chuyên khoa được chỉ định từ bác sĩ thì người bệnh cần phải chú ý xây dựng cho mình một lối sống tích cực để nâng cao sức khỏe tổng thể, giúp đẩy lùi nhanh các triệu chứng trầm cảm do bệnh tiểu đường. Người bệnh nên:
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, đồng thời thúc đẩy sự sản sinh của các hormone serotonin và endorphin. Đây là hai loại hormone giúp tạo ra cảm giác vui vẻ, hạnh phúc và thoải mái cho con người. Việc gia tăng nồng độ các hormone sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng, mệt mỏi và bi quan. Mỗi ngày bạn nên dành ra khoảng 20 đến 30 phút để tập luyện các bài tập đơn giản tại nhà như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, yoga, thiền định,….
- Chú ý nhiều hơn về chế độ ăn uống hàng ngày, ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoáng chất có lợi cho não bộ và giúp cân bằng đường huyết. Người bệnh cũng nên kiểm soát các cơn thèm ăn, tốt nhất là xây dựng bữa ăn với đầy đủ chất, hạn chế ăn các thực phẩm béo, đồ ăn đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn phải kiêng uống rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Đảm bảo được chất lượng giấc ngủ hàng ngày. Đối với những trường hợp người bệnh thường xuyên mất ngủ thì có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như sử dụng tinh dầu thơm, ngâm chân với nước ấm, nghe nhạc, massage, xoa bóp, thiền định trước khi ngủ. Nên hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị chiếu sáng hoặc ăn quá no trước lúc ngủ. Chú ý lựa chọn chỗ ngủ thoáng mát, sạch sẽ, tránh tiếng ồn và điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng thật phù hợp.
- Chủ động hơn trong việc giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh. Điều này không chỉ giúp bạn gia tăng các mối quan hệ xã hội mà còn hỗ trợ tốt cho sức khỏe tinh thần. Những kho gặp khó khăn, muộn phiền hay cảm thấy bế tắc, bạn hãy chia sẻ và tâm sự với những người mình tin tưởng. Việc nói ra được những lo lắng của bản thân sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.
Cách phòng ngừa trầm cảm ở người bệnh tiểu đường
Trầm cảm và bệnh tiểu đường đều là những căn bệnh nguy hiểm và có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe con người. Do đó, để phòng ngừa được chứng trầm cảm ở người bệnh tiểu đường, bạn cần chú ý một số điều sau đây:
- Người bệnh tiểu đường nên sớm chấp nhận tình trạng bệnh của mình để có thể mau chóng áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp.
- Nhanh chóng điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình, giữ tinh thần thật thoải mái, duy trì chế độ tập luyện thể thao và tìm hiểu kỹ về bệnh tình của mình để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị tiểu đường.
- Tự chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc bản thân. Người bệnh nên đặt ra mục tiêu rõ ràng cho mình để tránh tâm lý bi quan và chán nản. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng quá trình phục hồi sức khỏe cần phải có thời gian, không nên vội vàng, hấp tấp.
- Thường xuyên chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với gia đình, bạn bè, giúp họ có thể hiểu thêm về tình trạng bệnh của bản thân để nhận được nhiều sự đồng cảm và động viên.
- Nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia, bác sĩ nếu cảm thấy cơ thể có những thay đổi bất thường.
Bài viết này đã giúp cho bạn có thêm những thông tin hữu ích về mối quan hệ giữa trầm cảm và bệnh tiểu đường. Khi gặp bất kì triệu chứng của căn bệnh nào bạn cũng cần nhanh chóng tìm đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể, từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
- Mối liên hệ nghiện rượu bia và trầm cảm bạn nên biết
- Mối liên hệ giữa chứng mất ngủ và trầm cảm bạn nên biết
- Trầm cảm ở người bệnh ung thư: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!