Các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm

5/5 - (1 bình chọn)

Các giai đoạn tiến triển của bệnh trầm cảm sẽ được phân loại dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Bao gồm các triệu chứng biểu hiện, mức độ nghiêm trọng của chúng và tần suất xuất hiện. Nếu có thể phát hiện ở những giai đoạn sớm sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng khắc phục được tình trạng bệnh và hạn chế được những hệ lụy nguy hiểm. 

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm

Tìm hiểu về bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần rất phổ biến, nó có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào và không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy có đến khoảng 80% dân số trên toàn thế giới từng phải trải qua một giai đoạn trầm cảm ở một thời điểm nào đó của cuộc đời. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cũng rất cao, nó chiếm khoảng 20 đến 25%.

Những đối tượng mắc bệnh trầm cảm sẽ luôn cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, tuyệt vọng, bi quan và không còn niềm tin hay hứng thú đối với cuộc sống xung quanh. Nếu tình trạng này không được sớm phát hiện và cứ kéo dài dai dẳng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống hoặc thậm chí có thể dẫn đến việc tự sát.

Thống kê nhận thấy hiện nay trầm cảm là một trong các nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao đối với những tình trạng tự sát trên toàn thế giới. Căn bệnh này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm có thể hủy hoại cuộc sống của người bệnh nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách.

Để phục vụ cho quá trình chữa bệnh, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và lập ra “Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế lần thứ 10 của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD-10)” được công bố vào năm 1992. Cách phân loại này sẽ dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm như các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, mức độ biểu hiện và tần suất xuất hiện của chúng.

Thông thường nếu có thể nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu thì người bệnh chỉ cần nhanh chóng điều chỉnh chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và học cách kiểm soát cảm xúc, lúc này chưa cần đến sự can thiệp của thuốc điều trị. Tuy nhiên, khi bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng hơn thì cần đến sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau trong thời gian dài, chủ yếu là trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc.

Các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm

Qua nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia cũng có thể phân loại trầm cảm thành 3 giai đoạn khác nhau là trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng. Cụ thể những giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm như sau:

1. Trầm cảm nhẹ (Trầm cảm cấp độ 1)

Đây là giai đoạn đầu của quá trình tiến triển bệnh trầm cảm, các triệu chứng bệnh lúc này chưa quá rõ ràng và cụ thể vì thế nhiều người khó nhận biết. Thông thường những người mắc phải trầm cảm nhẹ sẽ có những biểu hiện buồn chán tạm thời. Những triệu chứng bệnh có thể diễn ra trong khoảng vài ngày và đủ gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt bình thường của người bệnh.

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Các triệu chứng của trầm cảm nhẹ sẽ khá mơ hồ và mờ nhạt

Một số triệu chứng mà người bệnh trầm cảm nhẹ có thể gặp phải như:

  • Cảm thấy khó chịu, dễ tức giận, cáu gắt.
  • Luôn tự ti, cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng.
  • Mất dần hứng thú với những hoạt động xảy ra xung quanh, ngay cả những điều mà bản thân từng yêu thích trước kia.
  • Mất tập trung, hay quên, lơ đãng, không thể hoàn thành tốt công việc và các nhiệm vụ được giao.
  • Thiếu động lực, không có sức sống và không muốn làm bất cứ việc gì.
  • Không muốn gặp gỡ hay giao tiếp với người khác, kể cả những người thân trong gia đình.
  • Rối loạn giấc ngủ, trường hợp phổ biến nhất là buồn ngủ vào ban ngày và mất ngủ liên tục vào ban đêm.
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, luôn muốn nằm hoặc ngồi một chỗ.
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng, chán ăn, thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn uống không kiểm soát.
  • Cân nặng thay đổi bất thường.

Những triệu chứng thể hiện về mặt tâm lý ở giai đoạn đầu thường nhẹ và ít được nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ xuất hiện một số biểu hiện và mặt thực thể như đau khớp. đau nhức toàn cơ thể, mệt tim, hồi hộp, khó thở, hơi thở không đều,….

Tình trạng này cũng khiến cho nhiều người lầm tưởng bản thân đang mắc phải tình trạng bệnh gì có liên quan đến thân thể. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thăm khám nhiều lần nhưng vẫn không thể xác định cụ thể về nguyên nhân. Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trầm cảm thì các chuyên gia sẽ hướng dẫn hoặc giới thiệu cho người bệnh đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ sức khỏe tâm thần.

Nếu có thể nhận biết sớm ở giai đoạn nhẹ thì việc điều trị bệnh chưa cần phải sử dụng đến thuốc điều trị. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn người bệnh cách điều chỉnh lối sống, thay đổi suy nghĩ, hành vi, cách nhìn hoặc có thể nhờ đến các biện pháp hỗ trợ tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng trầm cảm nhẹ vẫn cần được theo dõi và áp dụng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ mới có thể cải thiện được, nếu không sẽ dễ tiến triển thành các giai đoạn nghiêm trọng hơn.

2. Trầm cảm vừa (Trầm cảm cấp độ 2)

Nếu giai đoạn trầm cảm nhẹ không được phát hiện và áp dụng đúng các biện pháp can thiệp thì sẽ khiến cho những triệu chứng bệnh gia tăng và tiến triển thành giai đoạn vừa. Lúc này các triệu chứng của người bệnh cũng tương tự như trầm cảm nhẹ nhưng mức độ biểu hiện sẽ nghiêm trọng hơn. Trầm cảm vừa còn có thể gây ra một số ảnh hưởng như:

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Các biểu hiện của trầm cảm cấp độ 2 khá nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Suy giảm khả năng làm việc, không thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày.
  • Dễ bị tổn thương, lòng tự trọng thấp.
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, không có giá trị.
  • Trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt, khóc lóc không rõ nguyên nhân.
  • Hay lo lắng, hoảng sợ quá mức, đôi lúc vô lý.

Để phân loại giữa trầm cảm nhẹ và trầm cảm vừa, thông thường các chuyên gia sẽ dựa vào mức độ biểu hiện và sự ảnh hưởng của các triệu chứng bệnh. Ở giai đoạn này các triệu chứng bệnh vừa đủ nặng để gây ra những tác động đến công việc, khả năng tự chăm sóc bản thân và gia đình, làm suy giảm chức năng giao tiếp xã hội.

Đối với những trường hợp này, các chuyên gia sẽ tiến hành thăm khám và xác định rõ mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp trị liệu tâm lý hoặc sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm. Nếu có thể thực hiện đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì tình trạng bệnh cũng sẽ sớm được cải thiện và thuyên giảm sau một thời gian.

3. Trầm cảm nặng (Trầm cảm cấp độ 3)

Trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh trầm cảm. Các hậu quả mà giai đoạn này gây ra cũng nặng nề hơn rất nhiều, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tự sát. Qua nghiên cứu các chuyên gia cũng đã chia trầm cảm nặng thành hai thể đó là trầm cảm nặng không kèm theo triệu chứng loạn thần và trầm cảm nặng kèm theo loạn thần.

Các giai đoạn của bệnh trầm cảm
Trầm cảm nặng có kèm theo triệu chứng loạn thần

3.1 Trầm cảm nặng không kèm theo loạn thần

Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh biểu hiện ở mức độ cực kì nghiêm trọng, thậm chí người bệnh có thể xuất hiện các hành vi tự làm hại bản thân hoặc những người xung quanh. Một số biểu hiện thường gặp như:

  • Tâm trạng buồn bã, chán nản kéo dài dai dẳng
  • Cơ thể chậm chạp, lười vận động và rất dễ kích động.
  • Mất dần sự tự tin, không còn niềm tin vào cuộc sống.
  • Cảm thấy bản thân tội lỗi và vô dụng, không thể làm được việc gì có ích.
  • Tự làm tổn thương bản thân hoặc những người bên cạnh.
  • Suy nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát nhiều lần.

Những người bệnh trầm cảm nặng không kèm theo triệu chứng loạn thần sẽ thường xuyên xuất hiện các biểu hiện về cơ thể. Thông thường ở giai đoạn này, người bệnh sẽ xuất hiện động thời khoảng 3 triệu chứng ở giai đoạn nhẹ và vừa, kèm theo đó là tối thiểu 4 triệu chứng nặng. Các biểu hiện của bệnh sẽ kéo dài ít nhất trong khoảng 14 ngày và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nghề nghiệp, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

3.2 Trầm cảm nặng có kèm theo loạn thần

Trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh và trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là thể bệnh cực kì nguy hiểm. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng và có kèm theo những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác. Cụ thể như nghe thấy âm thanh, tiếng nói lạ, tưởng tượng đến việc gặp tai nạn, hỏa hoạn, chiến tranh khủng khiếp,…

Những trường hợp trầm cảm nặng có hoặc không có kèm theo triệu chứng loạn thần cần được tiến hành thăm khám và điều trị sớm để tránh khỏi các hậu quả nghiêm trọng. Khi nhận thấy bản thân có những biểu hiện của loạn thần hoặc xuất hiện các triệu chứng, hành vi tự làm tổn thương bản thân, có ý định tự sát thì người bệnh cần chú động trong việc thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt.

Đối với những trường hợp này cần phải kết hợp đồng thời nhiều biện pháp điều trị với nhau và cần kiên trì áp dụng trong một thời gian dài. Thông thường các chuyên gia sẽ cân nhắc và phối hợp nhiều phương pháp như sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý, sốc điện, cải thiện tại nhà sẽ giúp bệnh tình được cải thiện tốt hơn.

Đặc điểm quá trình tiến triển của bệnh trầm cảm

Qua nhiều lần nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy được sự tiến triển của từng bệnh nhân trầm cảm là khác nhau. Nhiều người bệnh chỉ rơi vào duy nhất một trạng thái và giai đoạn trầm cảm, sau một thời gian sẽ dần ổn định và duy trì bền bỉ trong nhiều năm dài mà không hề xuất hiện thêm bất kì triệu chứng nào hoặc chuyển biến nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên cũng có một số trường hợp khác người bệnh phải trải qua rất nhiều giai đoạn trầm cảm khác nhau trong suốt cuộc đời. Nếu không có phương pháp khắc phục hiệu quả sẽ làm cho gia tăng tần suất xuất hiện của bệnh, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa các giai đoạn bệnh. Các chuyên gia cho biết rằng, số lượng các đợt trầm cảm sẽ tỉ lệ thuận theo tuổi tác của người bệnh.

Trong nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng, số lượng giai đoạn trầm cảm trước đây sẽ ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho các triệu chứng trầm cảm tái phát về sau. Cụ thể:

  • Có khoảng 50 đến 60% các trường hợp người bệnh trầm cảm đã trải qua 1 giai đoạn trầm cảm chủ yếu sẽ có khả năng mắc thêm một giai đoạn trầm cảm khác.
  • Tỉ lệ gặp phải giai đoạn trầm cảm 3 sẽ tăng cao khi người bệnh đã trải qua 2 giai đoạn trước đó, trung bình khoảng 70%.
  • Đặc biệt hơn là nguy cơ rơi vào giai đoạn trầm cảm thứ 4 sẽ tăng lên đến 90% nếu bệnh nhân đã trải qua 3 giai đoạn trầm cảm trước đó.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho biết thêm, có khoảng 5 đến 10% các trường hợp bệnh trầm cảm sẽ phải đối mặt với một giai đoạn hưng cảm trong thời gian tiến triển của bệnh (trầm cảm có thể chuyển biến thành rối loạn lưỡng cực 1). Có khoảng hơn 2/3 các trường hợp bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn tuy nhiên số còn lại sẽ chỉ cải thiện được một phần hoặc phải sống chung với bệnh cả đời.

Nếu dựa trên tầm nhìn phát triển dài lâu của bệnh thì trầm cảm sẽ được phân thành hai loại chính đó là trầm cảm phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn và trầm cảm không phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn. Hai loại bệnh này sẽ có tiên lượng và đặc điểm tiến triển riêng biệt. Tiên lượng của trầm cảm phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn sẽ tốt hơn so với trầm cảm không phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn.

Trong một nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, có khoảng 40% người bệnh xuất hiện các biểu hiện đầy đủ thỏa mãn những tiêu chí chẩn đoán của bệnh sau một năm được chẩn đoán mắc phải một giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Có khoảng 20% các trường hợp xuất hiện thêm vài triệu chứng nhưng không thể đáp ứng đủ các tiêu chí chẩn đoán. Còn khoảng 40% người bệnh đã hoàn toàn thuyên giảm triệu chứng sau đó.

Các giai đoạn trầm cảm kế tiếp thường sẽ khởi phát ngay sau khi người bệnh trải qua một đợt căng thẳng, áp lực nghiêm trọng, ví dụ như mất người thân, phá sản, ly hôn, thất nghiệp, bị lạm dụng tình dục, công việ quá tải,….Những đợt căng thẳng này sẽ làm tiền đề thúc đẩy cho các triệu chứng của bệnh dần tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn so với giai đoạn đầu.

Đặc biệt hơn ở những bệnh nhân trầm cảm có kèm theo một số bệnh lý mạn tính hoặc người bệnh đang phụ thuộc, lạm dụng nhiều các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy,…hoặc những loại thuốc điều trị thì có khả năng tái phát bệnh cao hơn so với bình thường. Ngoài ra, những tình trạng trầm cảm có kết hợp với những bệnh cơ thể như viêm gan mạn tính, loét hành tá tràng, viêm đa khớp,…thì sẽ duy trì các cơn trầm cảm bền vững hơn so với những bệnh nhân khác.

Các chuyên gia cũng nhận thấy rằng, việc dự đoán giai đoạn đầu của các trường hợp trầm cảm trẻ tuổi về sau có tiến triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay không là rất khó. Một số nhà khoa học nhận xét rằng, nếu trong gia đình người bệnh có người thân (như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột,…) từng mắc phải chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực thì khả năng phát triển bệnh là rất cao. Ngoài ra, một số trường hợp trầm cảm nặng cấp tính có kèm theo triệu chứng loạn thần và không có tiền sử tâm thần thì cũng có nhiều khả năng phát triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực trong thời gian sau.

Theo số liệu thống kê thì độ dài của các cơn trầm cảm chủ yếu ở mỗi người là khác nhau. Nếu người bệnh không thể phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị thì các triệu chứng sẽ kéo dài tối thiểu 6 tháng và dần tiến triển nghiêm trọng hơn. Càng ở các giai đoạn về sau thì quá trình khắc phục bệnh càng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì thế ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh bạn cần chủ động hơn trong việc thăm khám và chẩn đoán để có thể ngăn chặn được nguy cơ biến chứng của bệnh.

Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc biết được các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh trầm cảm, bạn cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và chất lượng. Việc có thể kiên trì áp dụng đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ giúp cho bệnh tình được khắc phục tốt, hạn chế các hệ lụy nguy hiểm.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *