Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là gì? Có ảnh hưởng gì không?
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng bởi sự ám ảnh quá mức về việc bản thân và mọi thứ xung quanh phải hoàn hảo tuyệt đối. Nhìn bề ngoài, người mắc chứng bệnh này có cuộc sống vô cùng hoàn hảo, viên mãn nhưng thực chất, người bệnh luôn dằn vặt về nhược điểm của bản thân, căng thẳng, phiền muộn và lo âu về việc sẽ gặp phải thất bại, sai lầm.
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là gì?
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là một dạng rối loạn tâm lý mãn tính. Hội chứng này đặc trưng bởi ý nghĩ ám ảnh về sự hoàn hảo tuyệt đối một cách thái quá. Bệnh nhân luôn nỗ lực để bản thân trở nên hoàn hảo, đồ vật trong nhà cũng được sắp xếp một cách trật tự và sạch sẽ quá mức. Tuy nhiên khác với tính cầu toàn, chứng bệnh này gây ra sự đau khổ, phiền toái và bức bối nếu mọi thứ không được hoàn hảo như người bệnh mong muốn.
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo phải đối mặt với nhiều phiền toái và chất lượng cuộc sống đi xuống do bị ám ảnh quá mức. Hiện nay, nhiều tài liệu cho rằng, ám ảnh sự hoàn hảo là một dạng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Bởi cả hai chứng bệnh này đều có đặc điểm là người bệnh sạch sẽ thái quá, cố gắng sắp xếp đồ vật một cách ngăn nắp, trật tự và cảm thấy khó chịu khi đồ vật bị di dời.
Mặc dù nguyên nhân cụ thể gây ra rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế chưa được biết rõ nhưng nhận thấy có mối quan hệ mật thiết giữa 3 hội chứng này. Tuy nhiên, cả 3 dạng rối loạn kể trên đều khác biệt hoàn toàn so với tính cầu toàn – một trong những tính cách tích cực của con người.
Biểu hiện của người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo luôn cảm thấy khó chịu, bức bối và thậm chí là đau khổ khi mọi thứ không hoàn hảo như ý muốn. Điều này khác hoàn toàn với tính cầu toàn. Người cầu toàn luôn hướng đến sự hoàn hảo và đôi khi có cảm giác buồn bã, thất vọng khi mọi thứ không xảy ra như ý muốn. Tuy nhiên, họ biết cách điều chỉnh cảm xúc và những cảm xúc tiêu cực thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
Ngược lại, người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo thường rơi vào trạng thái đau khổ quá mức khi bản thân gặp thất bại, sai lầm, đồ đạc trong nhà bừa bộn hoặc những kế hoạch không được thực hiện theo đúng dự định. Thay vì chấp nhận, người bệnh nỗ lực để đưa mọi thứ về đúng vị trí và cố gắng xây dựng bản thân một cách hoàn hảo, thậm chí bản thân rất mệt mỏi, kiệt sức và đôi khi phải giả tạo với những người xung quanh.
Một số biểu hiện thường gặp ở người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo:
- Bệnh nhân bị ám ảnh quá mức bởi sự hoàn hảo với biểu hiện thường thấy nhất là giữ quần áo, đồ vật và nhà cửa một cách sạch sẽ, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và trật tự.
- Cảm thấy khó chịu khi có ai đó thay đổi vị trí đồ vật và làm bừa bộn nhà cửa.
- Bản thân nỗ lực nhiều trong việc học, công việc và cố gắng xây dựng nhiều mối quan hệ để tạo dựng cuộc sống hoàn hảo. Sự ám ảnh thái quá khiến người bệnh nỗ lực ngay cả khi bản thân không thoải mái trong các cuộc gặp gỡ, mệt mỏi và suy nhược khi phải đối mặt với cường độ học tập – làm việc cao.
- Nhờ sự nỗ lực, người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, ẩn sâu trong tâm hồn là nỗi sợ bị thất bại, mắc sai lầm và người bệnh gần như không bao giờ cảm thấy thoải mái thật sự.
- Người bệnh dễ rơi vào trạng thái đau khổ, dằn vặt khi mọi thứ không diễn ra hoàn hảo đúng theo kế hoạch hoặc buồn bã, tuyệt vọng quá mức khi bản thân không đạt được thành công.
- Khi đối diện với những thứ không hoàn hảo như đồ vật lộn xộn, chiếc bánh bị cắt lệch, quần áo xộc xệch, người bệnh cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt và căng thẳng. Sau đó, sẽ có hành động sửa chữa để mọi thứ trở nên cân đối và hoàn hảo.
- Người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo đặc biệt chú ý đến tiểu tiết.
- Bệnh nhân có thể tự tin và suy nghĩ quá mức về khuyết điểm của ngoại hình, kể cả những khuyết điểm nhỏ như tàn nhang, vết thâm, răng mọc lệch,… Người bệnh thường sẽ nỗ lực thay đổi những khuyết điểm này, thậm chí có thể quyết định can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Thực tế cũng cho thấy, một số bệnh nhân mắc đồng thời với chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể.
- Người bị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo luôn chú ý đến nhược điểm của bản thân và luôn cảm thấy đau khổ, dằn vặt.
- Một biểu hiện khác thường thấy ở người bị ám ảnh sự hoàn hảo là luôn tuân thủ, thậm chí bị ám ảnh bởi các quy tắc.
- Người bị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo thường có khá nhiều mối quan hệ vì luôn nỗ lực xây dựng cuộc sống hoàn hảo. Tuy nhiên, họ rất khó để có thể tìm được bạn bè thân thiết.
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo gây ra sự đau khổ, dằn vặt nhất định cho người bệnh. Người mắc chứng bệnh này cũng có thể mắc đồng thời các vấn đề tâm lý khác như chứng nghi bệnh, rối loạn khiếm khuyết cơ thể, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế.
Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Tương tự như các rối loạn tâm lý khác, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo vẫn không được biết rõ. Tuy nhiên, hội chứng này có thể liên quan đến các nguyên nhân và yếu tố như:
- Xu hướng cầu toàn của xã hội
- Áp lực, sự cạnh tranh trong công việc và cuộc sống
- Cha mẹ giáo dục một cách nghiêm khắc, đề cao thành tích học tập và buộc con cái phải có năng lực xuất chúng
- Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế cũng có nguy co mắc bệnh cao hơn
- Tiền sử gia đình mắc hội chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
- Bất thường trong cấu trúc não bộ và sự mất cân bằng của các yếu tố nội sinh
- Sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu (thường có liên quan đến khiếm khuyết ngoại hình, nhược điểm của bản thân hoặc sự không hoàn hảo của gia đình như bố mẹ li thân, li dị,…)
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo có ảnh hưởng gì không?
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo tạo ra động lực thôi thúc bản thân người bệnh phải nỗ lực học tập, làm việc và tăng kỹ năng giao tiếp để xây dựng thêm nhiều mối quan hệ. Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này cũng có những thói quen tốt như sắp xếp vật dụng ngăn nắp, nhà cửa luôn sạch sẽ, ăn uống khoa học và có lối sống lành mạnh.
Tuy nhiên, ám ảnh về sự hoàn hảo quá mức khiến bản thân người bệnh luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu và sợ hãi về việc bản thân mắc phải sai lầm và thất bại. Hơn nữa, bệnh nhân cũng dễ gắt gỏng, khó chịu khi đồ vật bị di dời sai vị trí hoặc nhận thấy những điểm không hoàn hảo. Sự ám ảnh này khiến bệnh nhân đau khổ, khó chịu, căng thẳng, lo âu và thậm chí là tuyệt vọng.
Đặc biệt, người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo luôn nỗ lực học tập và làm việc ngay cả khi bản thân rất mệt mỏi, suy nhược. Bản thân người bệnh có nhiều mối quan hệ nhưng hiếm khi có các mối quan hệ thân thiết và hầu như không thoải mái khi chia sẻ vấn đề mà bản thân gặp phải với những người xung quanh.
Người bị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ăn uống, rối loạn lo sợ bệnh tật và rối loạn khiếm khuyết ngoại hình. Sự ám ảnh về việc phải hoàn hảo mọi thứ như tảng đá đè nặng lên người bệnh. Thậm chí, người bệnh cố gắng thay đổi suy nghĩ và hành vi nhưng đều không có hiệu quả. Để thoát khỏi sự ám ảnh và những cảm xúc tiêu cực, một số bệnh nhân có thể nảy sinh ý nghĩ và hành vi tự sát.
Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo khác với tính cầu toàn. Vì vậy nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị. Tùy theo mức độ ám ảnh, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng tâm lý trị liệu hoặc kết hợp thêm với sử dụng thuốc.
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là giải pháp tối ưu cho người mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo. Phương pháp này hoàn toàn thông qua hình thức giao tiếp để bệnh nhân lộc lộ cảm xúc, suy nghĩ và nhận thức một cách chân thật. Trong thời gian đầu, nhà trị liệu sẽ tạo mối quan hệ đáng tin cậy và lắng nghe chia sẻ từ bệnh nhân để đánh giá tâm lý cụ thể.
Tùy theo diễn biến tâm lý, chuyên gia sẽ tạo ra các kích thích và tương tác phù hợp nhằm điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Đối với bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo, phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là liệu pháp nhận thức – hành vi. Liệu pháp này giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ, xây dựng mục tiêu mới phù hợp với năng lực và yêu cầu xã hội.
Nếu trẻ nhỏ mắc chứng rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo, gia đình cần tham gia trị liệu cùng để hiểu hơn về cảm xúc và cách nhìn nhận, suy nghĩ của trẻ. Bản thân người mắc chứng bệnh này rất nhạy cảm với những lời phê bình, trách móc. Vì vậy, tham gia trị liệu sẽ giúp người thân có cách cư xử phù hợp để tránh gây tổn thương và tạo tâm lý đau khổ, dằn vặt cho trẻ.
2. Sử dụng thuốc
Người bị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo thường phải đối mặt với căng thẳng, mệt mỏi, phiền muộn, buồn bã và bức bối. Bên cạnh trị liệu tâm lý, bệnh nhân cũng có thể phải dùng một số loại thuốc để cải thiện những triệu chứng này.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)
- Thuốc điều chỉnh khí sắc cũng có thể được sử dụng nếu bệnh nhân mắc đồng thời với rối loạn lưỡng cực.
Các loại thuốc này đều tác động đến hệ thần kinh trung ương. Chính vì vậy, bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn và trang bị kiến thức để nhận biết, phát hiện sớm và xử trí kịp thời các tác dụng không mong muốn.
3. Các biện pháp tự cải thiện
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo là một dạng rối loạn tâm lý mãn tính và hiện nay điều trị còn nhiều hạn chế, thách thức. Để kiểm soát chứng bệnh này, bệnh nhân nên kết hợp điều trị y tế với các biện pháp tự cải thiện như:
- Học cách chia sẻ với bạn bè và người thân. Sự đồng cảm và lời khuyên hữu ích từ những người xung quanh sẽ giúp bạn thay đổi dần suy nghĩ phải hoàn hảo mọi thứ và chấp nhận bất cứ ai cũng đều có khuyết điểm, sai lầm.
- Trang bị những kỹ năng giúp kiểm soát căng thẳng như kỹ thuật hít thở sâu, thiền định, yoga, tắm nước ấm và liệu pháp mùi hương.
- Nuôi thú cưng cũng là cách để giải tỏa tâm trạng và thay đổi dần ám ảnh về sự hoàn hảo. Thú cưng có thể làm bẩn nhà cửa, quần áo và khiến vật dụng trong nhà trở nên bừa bộn. Ban đầu, những điều này sẽ tạo ra cảm giác vô cùng khó chịu nhưng về lâu dài, bệnh nhân sẽ dần có tình cảm và gắn bó hơn với thú cưng, từ đó giảm đi cảm giác khó chịu về những điều không hoàn hảo.
- Tham gia các câu lạc bộ dành riêng cho người mắc chứng ám ảnh sự hoàn hảo để được lắng nghe, chia sẻ và trang bị thêm cho bản thân những kỹ năng, kinh nghiệm để vượt qua chứng bệnh này.
Rối loạn ám ảnh sự hoàn hảo thúc đẩy người bệnh học tập, làm việc và đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống nhưng bản thân người bệnh chưa bao giờ cảm thấy thoải mái, luôn đau khổ, dằn vặt và lo lắng về việc mắc sai lầm. Về lâu dài, chứng bệnh này khiến cho tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng trầm trọng. Do đó, thăm khám và điều trị sớm ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường là vấn đề vô cùng cần thiết.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn đa nhân cách (MPD): Nguyên nhân, biểu hiện và chữa trị
- Tâm trạng vui buồn thay đổi thất thường là dấu hiệu của bệnh gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!