Bị rối loạn dạng cơ thể có chữa khỏi được không?
Bị rối loạn dạng cơ thể có chữa khỏi được không còn phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời gian phát hiện bệnh, phương pháp điều trị, tâm lý của người bệnh,…Nếu có thể sớm phát hiện bệnh và kiên trì thực hiện tốt các liệu pháp điều trị thì tỉ lệ khỏi bệnh sẽ rất cao.
Đặc điểm của rối loạn dạng cơ thể
Rối loạn dạng cơ thể còn có tên gọi khác là rối loạn chuyển dạng (tên tiếng Anh là Somatization Disorder), là chứng rối loạn đặc trưng bởi các triệu chứng thể chất về cơ thể và bắt nguồn chủ yếu từ tâm lý, đặc biệt là tình cảm và cảm xúc. Người bệnh thường có xu hướng muốn tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh liên tục dù các kết quả y khoa đều không nhận thấy bất kì sự tổn thương thực thể nào.
Thông thường bệnh sẽ khởi phát sớm trước tuổi 30 và tỉ lệ mắc bệnh ở phụ nữ sẽ cao gấp 5 lần so với nam giới. Người bệnh sẽ thường xuyên than phiền về những triệu chứng của cơ thể, ví dụ như đau nhức, mệt mỏi, đau lưng, đau đầu, đau ngực, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn,….Tuy nhiên khi tiến hành thăm khám thì hoàn toàn không thể tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.
Người bị rối loạn dạng cơ thể hoàn toàn không phải là cố ý giả bệnh. Các cơn đau đớn và những triệu chứng thể chất của họ là chân thực, tuy nhiên chúng không xuất phát từ một yếu tố thực thể mà là do sự ảnh hưởng của tâm lý. Nếu tình trạng này không sớm được phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.
Đồng thời, khi các vấn đề của bản thân không được giải quyết thỏa đáng, người bệnh sẽ có nhiều xu hướng tìm đến bia rượu, các loại thuốc an thần, giảm đau để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, điều này không thể giúp cho các triệu chứng bệnh thuyên giảm mà còn khiến cho tình trạng bệnh càng trở nên trầm trọng hơn, nhiều nguy cơ khởi phát các chứng rối loạn thần kinh như trầm cảm, rối loạn nhân cách,…
Bị rối loạn dạng cơ thể có chữa khỏi được không?
Bị rối loạn dạng cơ thể có chữa khỏi được không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian phát hiện bệnh, các phương pháp điều trị và tâm lý của bệnh nhân. Các chuyên gia nhận thấy rằng, nếu có thể phát hiện sớm được các triệu chứng bệnh và nhanh chóng áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp sẽ giúp cho tình trạng rối loạn dạng cơ thể được kiểm soát tốt, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cũng như hiện tượng tái phát bệnh.
Tuy nhiên, kết quả của quá trình điều trị còn phải phụ thuộc nhiều vào tâm lý của người bệnh. Bệnh nhân phải thực sự vững vàng và kiên trì theo đúng liệu trình. Cũng bởi thông thường người bệnh rất khó có thể tự nhận biết được vấn đề của bản thân, họ thường nghĩ rằng mình đang mắc phải một chứng bệnh thực thể nào đó.
Hầu hết người bệnh sẽ không thể chấp nhận ngay việc bản thân đang gặp phải một vấn đề tâm lý. Họ luôn cố gắng tìm cách để phủ nhận nó và không đồng ý tiến hành điều trị với bác sĩ sức khỏe tâm thần. Do đó, những người thân bên cạnh nên chú ý quan sát và dành thời gian để tâm sự, khuyến khích người bệnh đến thăm khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa.
Sau khi chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân thì các bác sĩ sẽ tiến hành đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường việc chữa bệnh rối loạn dạng cơ thể sẽ tập trung nhiều vào giải quyết các vấn đề tâm lý, thay đổi và nâng cao nhận thức, suy nghĩ, hành vi của người bệnh theo hướng tích cực, từ đó giúp cho các triệu chứng cơ thể dần thuyên giảm.
Chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể
Sau khi người bệnh đã tiến hành thăm khám và loại trừ được các yếu tố, nguyên nhân từ những bệnh lý thực thể khác thì các sĩ sẽ giới thiệu và hướng dẫn cho bệnh nhân tìm gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng của bản thân.
Thông thường, nếu nghi ngờ một người đang mắc chứng rối loạn dạng cơ thể thì bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán dựa vào một số yếu tố như:
- Khai thác tiền sử bệnh lý của đối tượng nghi bệnh và những người thân trong gia đình.
- Đặt ra nhiều câu hỏi để đánh giá về tình trạng sức khỏe của họ. Đồng thời yêu cầu họ thực hiện một số bài kiểm tra tâm lý để đánh giá chỉ số cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, các yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến những triệu chứng cơ thể.
- Việc chẩn đoán thường sẽ dựa vào tiêu chuẩn của Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần DSM-5 do Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ sản xuất.
Sau đó, các chuyên gia sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt CT, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc tiến hành đo điện não đồ EEG. Thông qua việc khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận xem đối tượng có mắc phải chứng rối loạn dạng cơ thể hay không.
Cách điều trị rối loạn dạng cơ thể
Quá trình điều trị rối loạn dạng cơ thể gặp phải rất nhiều khó khăn, bởi đây là chứng rối loạn kết hợp cả nguyên nhân cơ thể và nguyên nhân tâm lý. Đối với mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ cần phải thăm khám và xem xét tỉ mỉ về các triệu chứng và yếu tố gây bệnh. Sau đó mới có thể lên kế hoạch cụ thể về phác đồ điều trị để phù hợp với từng giai đoạn bệnh khác nhau.
Dưới đây là một số biện pháp giúp điều trị rối loạn dạng cơ thể thường được áp dụng:
1. Trị liệu hành vi nhận thức
Nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng rối loạn dạng cơ thể đó là sự bất ổn về mặt tâm lý. Do đó, các chuyên gia thường sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp hành vi và nhận thức nhằm mục đích giúp cho người bệnh tự nhận biết được những suy nghĩ, cảm xúc sai lệch của bản thân và điều chỉnh chúng theo hướng tích cực, lành mạnh hơn.
Liệu pháp này sẽ giúp cho người bệnh biết rõ được lối tư duy nào gây nên các sang chấn tâm lý. Chúng giúp phá vỡ các mối quan hệ liên kết giữa căng thẳng, lo âu và lối suy nghĩ tiêu cực để giảm bớt các chấn động tâm lý gây ra tình trạng rối loạn chuyển dạng.
Đây cũng là một trong các liệu pháp tâm lý chủ đạo thường được áp dụng đối với các trường hợp bệnh rối loạn dạng cơ thể. Thông qua quá trình trò chuyện và trao đổi với chuyên gia mà bản thân người bệnh dần biết cách kiểm soát tốt cảm xúc, các suy nghĩ, hành vi tiêu cực của chính mình. Bên cạnh đó, họ còn được trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết để đối mặt và vượt qua những khủng hoảng, khó khăn trong cuộc sống nhằm bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Bản thân người bệnh và bác sĩ tâm lý có thể cùng nhau thảo luận và thống nhất về mục tiêu điều trị để có thể đưa ra kế hoạch phù hợp nhất với mỗi cá nhân. Bệnh nhân cần phải tin tưởng và kiên trì theo sát quá trình trị liệu để khống chế được các suy nghĩ lệch lạc của mình và dần giúp cho các triệu chứng cơ thể được kiểm soát tốt.
2. Liệu pháp gia đình hoặc nhóm
Liệu pháp gia đình cũng là một trong các phương pháp trị liệu tâm lý hiệu quả đối với những người bệnh rối loạn dạng cơ thể. Cũng bởi đôi lúc bản thân người bệnh không thể tự nhận biết được các vấn đề của bản thân, họ có xu hướng không chấp nhận được các kết quả chẩn đoán về tâm lý.
Do đó, sự hỗ trợ từ người thân và gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Các thành viên trong gia đình cũng sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về tình trạng bệnh và hiểu rõ được các triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể. Từ đó họ sẽ hỗ trợ tốt hơn để bản thân người bệnh có thêm động lực để kiên trì theo đúng phác đồ điều trị.
3. Điều trị bằng thuốc
Thông thường, các trường hợp bệnh rối loạn dạng cơ thể cũng không được khuyến khích điều trị bằng thuốc. Một mặt là vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt về tác dụng chữa trị rối loạn dạng cơ thể. Mặt khác là do hầu hết các đối tượng bệnh đều không đáp ứng tốt với những loại thuốc hỗ trợ giảm đau.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp người bệnh có kèm theo các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế thì sẽ được cân nhắc điều trị bằng một số loại thuốc phù hợp. Hầu hết các loại thuốc được chỉ định sử dụng đều có khả năng gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, người bệnh cần phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh được những rủi ro đáng tiếc.
4. Nhập viện
Đối với các trường hợp bệnh đặc biệt nghiêm trọng, các triệu chứng cơ thể biểu hiện ở mức nặng nề, người bệnh có kèm theo các hành vi gây hạị cho bản thân thì sẽ được yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, việc nhập viện chỉ được đề xuất khi người bệnh không đáp ứng tốt các biện pháp khắc phục khác, chủ yếu là trị liệu tâm lý.
Thắc mắc “Bị rối loạn dạng cơ thể có chữa khỏi được không?” đã được giải đáp cụ thể trong bài viết này. Kết quả điều trị còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là thời gian phát hiện bệnh và tâm lý của người bệnh. Vì thế, nếu nghi ngờ bản thân hoặc những người thân xung quanh mắc phải chứng rối loạn này thì bạn cũng nên chủ động tiến hành thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn tâm lý là gì? Các dạng rối loạn tâm lý thường gặp
- Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (mặc cảm ngoại hình) là gì?
- Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!