Rối loạn ngôn ngữ là gì? Dấu hiệu, phân loại và điều trị
Rối loạn ngôn ngữ đặc trưng bởi những rối loạn liên quan đến tiếp nhận và biểu đạt ngôn ngữ. Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ em và người trưởng thành với nguyên nhân rất đa dạng. Hiện nay, các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ còn khá hạn chế về hiệu quả nên việc thăm khám và điều trị sớm là vô cùng quan trọng.
Rối loạn ngôn ngữ là gì?
Rối loạn ngôn ngữ (Language Disorder) là thuật ngữ đề cập đến tất cả các rối loạn có liên quan đến việc xử lý thông tin ngôn ngữ. Bệnh lý này thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện ở người trưởng thành. Rối loạn ngôn ngữ có biểu hiện đa dạng, đôi khi là sự rối loạn về ngữ pháp, khả năng tiếp nhận, hiểu và sử dụng ngôn ngữ.
Theo các chuyên gia, rối loạn liên quan đến ngôn ngữ có thể bắt nguồn từ vấn đề tiếp nhận ngôn ngữ, biểu đạt ngôn ngữ hoặc cả hai. Người bệnh có thể bị rối loạn ở cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ rối loạn ngôn ngữ gia tăng đáng kể ở trẻ em (khoảng 7%) và nguy cơ cao hơn ở bé trai (gấp đôi so với bé gái). Nguyên nhân gây ra bệnh lý này khá đa dạng bao gồm các biến chứng thai kỳ, tiền sử gia đình và cách giáo dục của gia đình.
Các loại rối loạn ngôn ngữ phổ biến
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp được sử dụng để bày tỏ mong muốn, ý kiến và quan điểm. Ngôn ngữ được nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của con người và biến đổi không ngừng theo thời gian. Vì vậy, những rối loạn liên quan đến yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển tư duy, nhận thức, kỹ năng xã hội,…
Rối loạn ngôn ngữ được chia thành nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng sẽ có những biểu hiện đặc trưng riêng:
1. Phân loại dựa vào vị trí tổn thương
Rối loạn ngôn ngữ có liên quan đến tổn thương ở hệ thần kinh trung ương. Dựa vào vị trí tổn thương, các chuyên gia chia bệnh lý này thành các thể lâm sàng như sau:
– Rối loạn ngôn ngữ Broca:
Vùng Broca là khu vực nắp trái ở hồi trán trước có chức năng tạo tín hiệu ngôn ngữ. Cơ quan này bị tổn thương sẽ khiến bệnh nhân mất khả năng nói, tuy nhiên vẫn tiếp nhận và hiểu được lời nói của người khác.
Rối loạn ngôn ngữ vùng Broca là dạng rối loạn ngôn ngữ đầu tiên được xác định. Dạng này có biểu hiện là nghe hiểu tốt nhưng nói không lưu loát, chỉ nói được một vài từ và có một số từ không nói được. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tìm từ để nói, cách nói nhát gừng và khó lặp lại lời nói của bản thân hoặc của người khác. Rối loạn ngôn ngữ vùng Broca thường đi kèm với tình trạng mất cảm giác nửa người bên phải và yếu liệt.
– Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ:
Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ đặc trưng bởi khả năng hiểu tốt, có thể lặp lại lời nói nhưng không lưu loát khi diễn tả ngôn ngữ. Giọng điệu thường lộn xộn và thay đổi cách phát âm so với lúc trước.
– Rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ:
Rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ có triệu chứng ngược lại so với rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ. Thể lâm sàng này có biểu hiện là lời nói lưu loát và lặp lại tốt nhưng giảm khả năng thông hiểu ngôn ngữ. Bệnh nhân có thể nói lưu loát, trôi chảy một câu rất dài nhưng nội dung lại không phù hợp với hoàn cảnh hoặc câu hỏi.
– Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ hỗn hợp:
Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ hỗn hợp là sự phối hợp giữa hai dạng rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ và rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ. Biểu hiện của thể bệnh này là người bệnh giảm khả năng thông hiểu và nói chuyện không lưu loát nhưng khả năng lặp lại vẫn còn tốt.
– Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền:
Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền đặc trưng bởi tình trạng khó khăn trong việc lặp lại nhưng vẫn có thể nói lưu loát và khả năng thông hiểu tốt. Bệnh nhân hiểu được những câu hỏi phức tạp và nói được câu dài đúng ngữ pháp, lưu loát. Tuy nhiên khi yêu cầu lặp lại lời nói, bệnh nhân thường thay thế chữ, lời nói lộn xộn và không đúng trật tự. Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền xảy ra khi tiểu thùy đỉnh dưới trái bị tổn thương.
– Rối loạn ngôn ngữ Wernicke:
Vùng Wernicke là cơ quan chịu trách nhiệm thông hiểu ngôn ngữ. Tổn thương ở vùng này gây ra rối loạn ngôn ngữ Wernicke với các đặc điểm như bệnh nhân mất khả năng hiểu ngôn ngữ. Tuy nhiên, vẫn có thể nói lưu loát, đúng ngữ pháp những câu dài, nhịp điệu và phát âm hoàn toàn bình thường.
– Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ:
Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ là dạng rối loạn ngôn ngữ nặng. Tổn thương xảy ra ở một vùng lớn ở trung tâm nói ở trước và sau rãnh vỏ não Rolando. Người mắc thể bệnh này gần như không còn chức năng ngôn ngữ vận động, cảm xúc và khả năng phục hồi rất kém.
Rối loạn ngôn ngữ do thực tổn thường liên quan đến nhồi máu não, chấn thương não, u não và các vấn đề gây tổn thương não bộ – đặc biệt là những cơ quan đảm nhiệm vai trò ngôn ngữ. Do đó, dạng này sẽ gặp chủ yếu ở người trung niên và cao tuổi.
2. Phân loại dựa vào khả năng sử dụng ngôn ngữ
Ngoài tổn thương thực tổn, rối loạn ngôn ngữ cũng có liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh. Các dạng này sẽ gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ. Nếu không được điều trị, rối loạn ngôn ngữ sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành.
Dựa vào khả năng sử dụng ngôn ngữ, các chuyên gia chia rối loạn ngôn ngữ thành 2 loại sau:
– Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ:
Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi và đa phần đều đi kèm với rối loạn ngôn ngữ diễn đạt. Dạng này đặc trưng bởi khả năng hiểu kém và rất chậm hiểu lời nói của người khác. Tình trạng khó hiểu xảy ra ở cả từ và câu, trẻ không biết cách sắp xếp thứ tự các từ cho phù hợp. Vì khả năng hiểu kém nên trẻ không biết cách làm theo yêu cầu của người lớn.
– Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt:
Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt đặc trưng bởi việc trẻ sử dụng ngôn ngữ kém so với những trẻ khác cùng độ tuổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể giao tiếp và phát âm như bình thường. Cũng có những trẻ có các bất thường trong cách phát âm.
Vì khả năng diễn đạt kém nên trẻ khó có thể truyền đạt suy nghĩ, nhu cầu, quan điểm và ý kiến của bản thân qua ngôn ngữ. Phụ huynh có thể nhận thấy trẻ sử dụng từ khá hạn chế và đa phần chỉ dùng những câu ngắn. Lời nói thường không đúng ngữ pháp, không hoàn chỉnh, đặc biệt khi kể chuyện lời nói sẽ lộn xộn và không có tổ chức.
Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt có thể liên quan đến rối loạn phát triển thần kinh hoặc do chấn thương, khối u, đột quỵ. Đối với những trường hợp do rối loạn phát triển thần kinh, trẻ sẽ chậm nói, khó tiếp thu từ mới và cấu trúc ngữ pháp. Bên cạnh đó, tốc độ nói của trẻ thường chậm và khả năng phát triển ngôn ngữ cũng kém hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
So với người lớn, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em ảnh hưởng nhiều hơn. Bởi ngôn ngữ kém đồng nghĩa với việc trẻ khó có thể tiếp thu kiến thức, phát triển các kỹ năng xã hội và mở rộng mối quan hệ. Các rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ cũng có thể phát triển dần theo thời gian và kéo dài cho đến khi trưởng thành. Vì vậy, trẻ nhỏ có biểu hiện rối loạn ngôn ngữ cần được can thiệp sớm để cải thiện ngôn ngữ và những khía cạnh khác.
Nhận biết rối loạn ngôn ngữ bằng cách nào?
Rối loạn ngôn ngữ có biểu hiện rất đa dạng. Tuy nhiên, nếu chú ý gia đình có thể phát hiện các triệu chứng bất thường ở bệnh nhân. Phát hiện sớm là “chìa khóa vàng” để cải thiện rối loạn ngôn ngữ và các rối loạn đi kèm.
1. Biểu hiện rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thường có biểu hiện rất sớm (đa phần đều khởi phát trước năm 3 tuổi). Có thể nói, khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển nhanh và rõ rệt trong những năm đầu đời. Vì vậy, bố mẹ hoàn toàn có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về ngôn ngữ của trẻ.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em:
- Không nhớ từ vựng nên khi chỉ đồ vật, hiện tượng, trẻ sẽ dùng từ “cái ấy, cái đó” để thay thế.
- Hay nhầm lẫn những từ ngữ có liên quan như thịt bò với thịt gà, đũa với muỗng, tròn và vuông,…
- Có xu hướng tự chế từ do quên mất từ vựng đã được học
- Có hiện tượng đảo âm, ví dụ lọ sơn trẻ sẽ nói thành lợn so. Tình trạng này xảy ra thường xuyên và xuất hiện trong hầu hết các câu nói của trẻ.
- Lời nói không lưu loát, tối nghĩa, sai ngữ pháp và sắp xếp các từ ngữ lộn xộn
- Chỉ hiểu câu nói theo nghĩa đen, không hiểu nghĩa bóng của câu
- Dùng sai thành ngữ, tục ngữ
- Dễ bị phân tâm khi giao tiếp, nhất là khi có tiếng nhạc, tiếng ti vi,…
- Một số trẻ không có nhu cầu giao tiếp và không tỏ ra hứng thú khi nói chuyện với mọi người xung quanh
- Khả năng ghi nhớ ngôn ngữ kém, trẻ chậm tiếp thu từ mới và đôi khi không thể nhớ được nội dung của cuộc trò chuyện vừa rồi.
- Trẻ chậm nói, chậm hiểu và đôi khi bị câm hoàn toàn.
2. Dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở người lớn
Rối loạn ngôn ngữ ở người lớn thường là hậu quả do chấn thương, tai biến hoặc do các rối loạn phát triển thần kinh kéo dài từ thời thơ ấu cho đến thời kỳ trưởng thành. Ở người lớn, bệnh có triệu chứng rất đa dạng và có thể phát hiện qua những dấu hiệu sau:
- Gặp khó khăn trong việc trả lời các câu hỏi phức tạp mặc dù hiểu được nội dung câu hỏi và biết cách trả lời.
- Lời nói thiếu lưu loát, ngắt quãng, có hiện tượng nói rời rạc,…
- Sử dụng từ ngữ không phù hợp với hoàn cảnh
- Một số người không hiểu được lời nói và không thể lặp lại lời nói dù đó là lời nói của mình hay người khác
Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ. Trong đó, tổn thương thực tổn ở não và rối loạn phát triển thần kinh là những nguyên nhân thường gặp nhất. Ngoài ra, một số yếu tố cũng có vai trò gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
Các yếu tố có liên quan đến rối loạn ngôn ngữ:
- Tổn thương thực tổn ở não như chấn thương, nhồi máu não, u não, viêm não, xuất huyết não, u thần kinh đệm,….
- Các vấn đề về thính giác
- Rối loạn phát triển thần kinh như rối loạn phổ tự kỷ, hội chứng Rett, chậm phát triển tâm thần, tăng động giảm chú ý,…
- Cách giáo dục không phù hợp, không giao tiếp với trẻ từ nhỏ, cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử quá sớm,… cũng là những yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn ngôn ngữ.
Rối loạn ngôn ngữ có ảnh hưởng gì? Có chữa được không?
Rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân. Người trưởng thành bị rối loạn ngôn ngữ do chấn thương não, nhồi máu não và các tổn thương thực tổn ở não khác gần như không thể duy trì cuộc sống như trước. Khả năng sử dụng ngôn ngữ kém khiến cho bệnh nhân khó diễn đạt được ý muốn, quan điểm của bản thân. Điều này không chỉ gây ra phiền toái khi sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất lao động.
Trẻ nhỏ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp nhiều ảnh hưởng hơn so với người trưởng thành. Các triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ thường khởi phát trước năm 3 tuổi khiến cho trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển tư duy và nhận thức.
Bên cạnh đó, những hạn chế về ngôn ngữ cũng khiến trẻ thiếu kỹ năng xã hội – đặc biệt là kỹ năng kết bạn và mở rộng mối quan hệ. So với những trẻ đồng trang lứa, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường có khả năng học kém hơn, nhút nhát và thiếu tự tin. Trẻ có thể bị bạn bè cô lập và tẩy chay do tính cách khác thường.
Ngoài những ảnh hưởng đối với quá trình tư duy, rối loạn ngôn ngữ còn làm gia tăng các vấn đề tâm lý, tâm thần ở trẻ nhỏ như rối loạn học tập, hội chứng khó viết, trầm cảm, rối loạn lo âu, hội chứng hủy hoại bản thân,… Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng không thể diễn tả mong muốn, suy nghĩ của bản thân sẽ gây ra tâm lý ức chế. Ngày qua ngày sự dồn nén có thể khiến trẻ phát triển các chứng bệnh như rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý,…
Nếu không cải thiện sớm, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống tương lai như thất nghiệp, năng lực kém, không có bạn bè, thiếu động lực, sống phụ thuộc vào gia đình và có khuynh hướng cô lập xã hội. Chính vì vậy, gia đình cần đặc biệt quan tâm đến trẻ mắc chứng bệnh và nỗ lực để giúp trẻ cải thiện ngôn ngữ.
Rối loạn ngôn ngữ hoàn toàn có thể cải thiện nhưng đôi khi không thể phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, can thiệp trị liệu sớm sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng ngôn ngữ, đồng thời giải quyết được những vấn đề liên quan đến cảm xúc và hành vi.
Các phương pháp điều trị rối loạn ngôn ngữ
Điều trị rối loạn ngôn ngữ mất rất nhiều thời gian do có liên quan đến tổn thương não hoặc rối loạn trong quá trình phát triển thần kinh. Mục đích chính của điều trị là cải thiện, phục hồi khả năng ngôn ngữ nhằm giúp bệnh nhân có thể sử dụng ngôn ngữ một cách bình thường như những người khác.
Quá trình phục hồi và phát triển ngôn ngữ sẽ có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân được can thiệp trị liệu sớm đều có kết quả khả quan.
Các phương pháp điều trị rối loạn ngôn ngữ bao gồm:
1. Ngôn ngữ trị liệu
Ngôn ngữ trị liệu đang là phương pháp chính trong điều trị rối loạn ngôn ngữ. Phương pháp này được áp dụng trong hầu hết các trường hợp rối loạn ngôn ngữ. Ngôn ngữ trị liệu có vai trò hỗ trợ đánh giá, chẩn đoán, phục hồi chức năng và cải thiện các vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ.
Ngôn ngữ trị liệu mang lại hiệu quả đối với trường hợp rối loạn ngôn ngữ do chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ, khó khăn ăn – nuốt, khiếm thính,… Ngoài ra, phương pháp này cũng được áp dụng trong phục hồi chức năng ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não, chấn thương não.
Hiện nay, các bệnh nhi, bệnh viện đa khoa và một số trung tâm đều đã triển khai ngôn ngữ trị liệu. Vì vậy, gia đình có thể cho bệnh nhân can thiệp trị liệu để cải thiện khả năng ngôn ngữ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
2. Liệu pháp tâm lý
Rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của bệnh nhân. Vì không hiểu được ý nghĩa trong lời nói của người khác và không thể dùng ngôn ngữ thể hiện ý kiến, nhu cầu của bản thân nên bệnh nhân khó tránh khỏi tâm lý căng thẳng, bức bối, khó chịu.
Đa phần những người bị rối loạn ngôn ngữ đều có các vấn đề liên quan đến cảm xúc và hành vi. Do đó, liệu pháp tâm lý được sử dụng để giải quyết các vấn đề này. Vì bệnh nhân bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ nên trị liệu tâm lý sẽ được thực hiện bởi những chuyên gia giàu kinh nghiệm.
3. Điều trị các bệnh lý đi kèm
Rối loạn ngôn ngữ thường đi kèm với các rối loạn phát triển thần kinh như tự kỷ, hội chứng Rett, rối loạn học tập hoặc các tổn thương thực tổn ở não như chấn thương não, tai biến, u não,… Chính vì vậy, cần kết hợp điều trị rối loạn ngôn ngữ và các bệnh lý đi kèm để cải thiện tình trạng một cách toàn diện.
Theo nghiên cứu, đa số người bị rối loạn ngôn ngữ đều có những bất thường về tư duy, cảm xúc và hành vi. Do đó, cần phải cải thiện cùng lúc những vấn đề này nếu muốn mang lại kết quả tốt nhất. Đối với bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não, nên kết hợp với phục hồi chức năng để bình thường hóa các chức năng khác.
Ngoài các biện pháp y tế, gia đình cũng nên hỗ trợ bệnh nhân trong việc trị liệu. Khi trò chuyện, người thân nên nói rõ ràng, dùng từ đơn giản và kiên nhẫn chờ người bệnh trả lời. Không hối thúc hay khó chịu khiến cho bệnh nhân trở nên lo lắng, căng thẳng khi giao tiếp.
Đối với trẻ nhỏ bị rối loạn ngôn ngữ, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Chính vì vậy, gia đình sẽ được chuyên gia tư vấn để biết cách hỗ trợ trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ.
Phòng ngừa rối loạn ngôn ngữ
Trong những năm gần đây, tỷ lệ bị rối loạn ngôn ngữ tăng lên đáng kể – nhất là ở trẻ nhỏ. Trong nhiều trường hợp, rối loạn ngôn ngữ không thể xác định được nguyên nhân. Vì vậy, không có biện pháp có thể phòng ngừa chứng bệnh này hoàn toàn. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh có thể giảm đi đáng kể khi thực hiện các biện pháp sau:
- Đối với trẻ nhỏ, không nên cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, ti vi, máy tính,… quá sớm. Những thiết bị điện tử sẽ tạo ra tác động 1 chiều nên trẻ hoàn toàn không có phản xạ lại với lời nói. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ chậm nói, khả năng tiếp thu ngôn ngữ kém, lời nói thiếu lưu loát.
- Ngay từ nhỏ, bố mẹ nên trò chuyện và tăng cường tương tác với trẻ để giúp con phát triển ngôn ngữ. Nên dạy trẻ từ những từ đơn giản, cơ bản nhất và cho trẻ tiếp xúc với nhiều đồ vật, động vật, cử chỉ,… để phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện.
- Trong những năm đầu đời, nên cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với bạn bè đồng trang lứa để trẻ rèn khả năng giao tiếp và trang bị những kỹ năng xã hội cần thiết.
- Hạn chế chấn thương tâm lý cho trẻ để phòng tránh rối loạn ngôn ngữ và các dạng rối loạn tâm thần khác. Bố mẹ không nên gây gổ, cãi vã trước mặt con trẻ khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và không muốn giao tiếp với mọi người
- Đưa trẻ đến những khu vui chơi, công viên để giúp trẻ hoạt bát và có cơ hội tiếp xúc với môi trường mới. Việc tiếp cận thực tế sẽ giúp trẻ học từ vựng nhanh hơn so với việc chỉ dạy qua sách, vở.
- Người mắc các bệnh mãn tính nên học cách quản lý và kiểm soát bệnh để phòng tránh biến chứng tai biến mạch máu não.
Rối loạn ngôn ngữ là vấn đề nghiêm trọng cần được thăm khám và can thiệp sớm. Thực tế, nhiều trường hợp không thể phục hồi ngôn ngữ hoàn toàn sau khi trị liệu. Tuy nhiên, can thiệp sớm giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ đáng kể, bệnh nhân có thể ổn định cuộc sống và tránh được những vấn đề liên quan đến cảm xúc, hành vi.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!