Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là gì? Cách điều trị
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) thuộc rối loạn nhân cách nhóm A – đặc trưng bởi ý nghĩ và hành vi lập dị, kỳ quái. Người mắc chứng bệnh này luôn có sự nghi hoặc vô căn cứ về mục đích và động cơ của những người xung quanh. Sự đa nghi thái quá khiến bệnh nhân có xu hướng bạo lực, tính cách hiếu chiến, cứng nhắc và vô lý trong lời nói, hành động.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là bệnh gì?
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid personality disorder/ PPD) còn được gọi là rối loạn nhân cách Paranoid. Đây là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn nhân cách nhóm A. Thuật ngữ này đề cập đến dạng tính cách bất thường mà bản thân người bệnh thường trực sự nghi ngờ vô căn cứ về hành vi, lời nói và mục đích của những người xung quanh vì cho rằng những hành động này đều bắt nguồn từ mục đích xấu và ác ý.
Mức độ đa nghi ở người mắc chứng bệnh này có xu hướng lan rộng theo thời gian mặc dù không hề có cơ sở hay chứng cứ cho thấy sự nghi ngờ là chính xác. Chính sự nghi hoặc và ngờ vực quá mức khiến bệnh nhân dần xa lánh xã hội, dễ xung đột với bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình và luôn có tâm thế bất an, hồi hộp, bồn chồn vì nghĩ rằng bản thân sẽ bị phản bội hoặc bị hại.
Theo khảo sát của The National Comorbidity Survey Replication, tỷ lệ người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng chiếm khoảng 1.21 – 4.4% dân số thế giới. Trong đó, rất ít bệnh nhân khởi phát bệnh đơn độc mà đa phần đều đi kèm với các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu sợ xã hội, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn stress sau sang chấn.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách hoang tưởng
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) có biểu hiện khá giống với rối loạn hoang tưởng nhưng triệu chứng không đầy đủ để đưa ra chẩn đoán mắc bệnh lý này. Người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng có đặc điểm là tính đa nghi thái quá, dễ tự ái và luôn có cái nhìn tiêu cực về mục đích, động cơ của những người xung quanh.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD):
- Hay nghi ngờ, đa nghi những người xung quanh mặc dù không có cơ sở hay chứng cứ xác thực. Người bệnh luôn sống trong sự nghi ngờ và dần dần xa cách với người thân, bạn bè, đồng nghiệp,…
- Trước sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc, bệnh nhân có thể phản ứng bằng một số biểu hiện như thù hận dai dẳng vì cho rằng người khác muốn hại hoặc phản bội bản thân, biểu lộ sự tự ái, nổi khùng, bạo lực, có hành vi hung hăng và gây hấn.
- Sự đa nghi quá mức khiến người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng luôn trong trạng thái tỉnh táo và cảnh giác quá mức với mọi thứ xung quanh.
- Người bệnh thường có những phán đoán sai lầm, vô lý bất chấp thực tế và thường bảo vệ phán đoán theo quan điểm, sự nghi ngờ và logic riêng. Người mắc chứng bệnh này không bao giờ thay đổi quan điểm cá nhân và từ chối lắng nghe mọi sự phê bình, giải thích từ những người xung quanh.
- Đánh giá cao bản thân một cách thái quá, luôn có cảm giác ngạo mạn, độc tài và tự tôn.
- Chính sự độc tài quá mức khiến bệnh nhân không có khả năng tự phê phán bản thân và luôn biểu thị sự khinh miệt, coi thường với những người có hành vi chống đối, phê bình.
- Người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng thường có phạm vi biểu lộ cảm xúc thu hẹp. Cảm xúc thường thấy nhất là sự xa cách, lạnh lùng, thiếu quan tâm đến người khác. Tuy nhiên bên trong người bệnh là sự căng thẳng quá độ và kìm nén cảm xúc.
- Đối khi bệnh nhân có thể giả vờ khiêm tốn để che giấu sự kiêu ngạo của bản thân.
- Người mắc chứng bệnh này gần như không vui đùa với người khác, ít hài hước và hiếm khi biểu lộ những cảm xúc vui sướng, lạc quan và hạnh phúc tột độ.
- Vì thường trực sự nghi ngờ với những người xung quanh nên bệnh nhân có tính cách hiếu chiến, hay kiện cáo và kiên trì khi tham gia các vụ kiện.
- Người bệnh có xu hướng lý tưởng hóa đam mê một cách điên cuồng như thích làm sáng tỏ công lý, tìm kiếm những lỗi sai rất nhỏ, sùng đạo quá mức,…
- Ghen tuông vô lý cho rằng người yêu, bạn đời không chung thủy với bản thân. Nếu là nam giới, bệnh nhân có xu hướng bạo lực với vợ/ bạn gái. Trong trường hợp là nữ giới, bệnh nhân thường tra khảo người chồng để tìm kiếm chứng cứ xác thực bạn đời đã phản bội và lừa dối mình.
- Luôn giữ thái độ thù địch, tính cách bướng bỉnh, cứng nhắc và thường xuyên tranh luận để chứng minh bản thân là người đúng.
Với tính cách đa nghi và tự đề cao bản thân quá mức, người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng gần như không thể thích ứng với xã hội, ít mối quan hệ tình cảm và sống cô độc. Tuy nhiên vì lối sống cách ly và không bận tâm đến những người xung quanh nên người mắc chứng bệnh này ít bị phân tâm và có khả năng tập trung tốt. Thống kê cho thấy, nhiều người mắc chứng PPD có trí tuệ cao, uyên thâm và đạt được nhiều thành công về mặt xã hội.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD)
Nhân cách tạo nên sự khác biệt của mỗi cá thể. Tuy nhiên, rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) đề cập đến những dạng tính cách bất thường khiến chức năng sống suy giảm, người bệnh kém linh hoạt, cứng nhắc và ít cởi mở trong các tình huống xã hội.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số nguyên nhân và yếu tố đã được chứng minh có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Gen di truyền: Gen di truyền là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tính cách, suy nghĩ và cách nhìn nhận của mỗi người đối với mọi thứ xung quanh. Một số chuyên gia cho rằng, người mắc hội chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường nhạy cảm quá mức với những lời nói, hành vi tiêu cực từ người khác. Từ đó dẫn đến trạng thái thù hận, căng thẳng, lo lắng vì lo sợ bản thân sẽ bị hại hoặc bị phản bội.
- Mất cân bằng yếu tố nội sinh: Cảm xúc, nhận thức và hành vi chịu sự chi phối bởi các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ. Vì nhiều lý do, các yếu tố này có thể bị rối loạn dẫn đến những cảm xúc cực đoan như hồ nghi thái quá, nghi ngờ không căn cứ, giận dữ, khinh miệt,… Mất cân bằng yếu tố nội sinh không chỉ là yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn nhân cách hoang tưởng mà còn tham gia vào cơ chế bệnh sinh của các rối loạn tâm thần khác.
- Sang chấn thời thơ ấu: Rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách hoang tưởng nói riêng khởi phát từ rất sớm. Các nghiên cứu cho thấy, người mắc chứng bệnh này thường phải trải qua sang chấn thời thơ ấu (lạm dụng tình cảm, thể chất,…) khiến bản thân luôn trong trạng thái đề phòng, cảnh giác quá mức với những người xung quanh. Về lâu dài, bệnh nhân hình thành dạng tính cách hoang tưởng và đa nghi cực đoan.
Nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng tăng lên đáng kể nếu có người thân trong gia đình mắc chứng bệnh này. Nguyên nhân có thể do gen di truyền hoặc do trẻ học theo những suy nghĩ, hành vi và cách phản ứng tương tự người bệnh.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng gặp nhiều hơn ở nam giới, đặc biệt là ở những người khiếm thính, sống trong cộng đồng thiểu số và người sống trong chế độ chuyên chế độc tài, thiếu tính dân chủ.
Ảnh hưởng của bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng
Rối loạn nhân cách hoang tưởng là một trong những dạng rối loạn nhân cách thường gặp. Sự nghi ngờ và đa nghi vô căn cứ ở người mắc chứng bệnh này có thể gia tăng xung đột với đồng nghiệp, vợ chồng, bạn bè, người thân và thường gặp phải rắc rối với chính quyền do hành vi bạo lực, gây hấn, thậm chí là giết người.
Người mắc bệnh thường có xu hướng bạo lực, tra tấn tinh thần bạn đời do hoang tưởng ghen tuông. Sự ghen tuông và bạo lực thường trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nên đa phần đối phương đều yêu cầu li dị hoặc li thân. Người bệnh khó có thể duy trì hôn nhân lâu dài, ít có mối quan hệ tình cảm và thường sống cách ly với xã hội.
Vì có những quan niệm, phán đoán sai lầm nhưng không nhận được sự đồng tình của những người xung quanh, bệnh nhân thường có xu hướng gây hấn, giận dữ, miệt thị và thậm chí là xúc phạm người khác để chứng minh mình đúng. Những trường hợp nặng có thể tự sát hoặc thực hiện các hành vi gây tổn hại đến bản thân để người khác nhận thấy sự đúng đắn trong lý tưởng.
Sự nghi ngờ thái quá và các phản ứng cực đoan ở bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng khiến người bệnh không thể duy trì cuộc sống như bình thường. Thậm chí những người xung quanh có thể khiếp sợ trước suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có xu hướng lạm dụng rượu bia, chất kích thích và thậm chí có thể phát triển thành chứng rối loạn hoang tưởng.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân cao tuổi sinh sống trong môi trường lành mạnh, ít xung đột có thể giảm dần sự nghi ngờ và tự cao quá mức. Những bệnh nhân này có thể duy trì cuộc sống bình thường và được gia đình, xã hội chấp nhận.
Chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng
Rối loạn nhân cách hoang tưởng được chẩn đoán chủ yếu qua biểu hiện lâm sàng. Hiện nay, chẩn đoán bệnh lý này thường dựa trên tiêu chuẩn DSM – 5.
Bệnh nhân chỉ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách Paranoid khi có ít nhất 4 triệu chứng sau:
- Thường trực sự nghi ngờ vô căn cứ về việc bị người khác lừa dối, làm tổn thương hoặc đang bị khai thác thông tin cho mục đích xấu.
- Miễn cưỡng tin tưởng người khác vì sợ rằng những người xung quanh sẽ sử dụng thông tin cá nhân (tên tuổi, bí mật, chuyện đời tư) để chống lại bản thân.
- Giữ sự thù hận khi bị người khác làm tổn thương, coi thường và xúc phạm
- Có phản ứng giận dữ, gây hấn khi nghĩ rằng danh tiếng của bản thân bị ảnh hưởng
- Luôn nghi ngờ người yêu, bạn đời không chung thủy nhưng không hề có chứng cứ hay cơ sở xác thực
- Cho rằng người khác đang hạ thấp, đe dọa bản thân thông qua những lời nói và nhận xét hoàn toàn bình thường
- Luôn nghi ngờ về lòng trung thành và sự tin cậy đối với bạn bè, cộng sự
Bệnh chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng khởi phát trong giai đoạn sớm của thời kỳ trưởng thành. Hoang tưởng là triệu chứng có thể gặp ở nhiều dạng rối loạn tâm thần. Do đó ngoài chẩn đoán xác định, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với các dạng rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, trầm cảm kèm theo triệu chứng loạn thần và bệnh hoang tưởng.
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng
Bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần này dễ hình thành sự thù hận với những người phản ứng tiêu cực và có hành vi, lời nói xúc phạm đến bản thân. Thậm chí, một số bệnh nhân có thể hình thành sự nghi ngờ thông qua những lời nói và nhận xét bình thường. Chính vì vậy, việc tiếp cận và điều trị cho người mắc chứng bệnh này gặp rất nhiều khó khăn và thử thách.
Hiện nay, không có phương pháp nào mang lại hiệu quả cao đối với bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng. Tuy nhiên, trị liệu tâm lý kết hợp với sử dụng thuốc phần nào có thể giảm các cảm xúc tiêu cực và phản ứng cực đoan ở người bệnh.
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Đối với người mắc chứng bệnh này, nhà trị liệu phải thiết lập được mối quan hệ với người bệnh bằng cách thể hiện rõ sự thừa nhận bất cứ giá trị nào mà người bệnh bày tỏ. Khi tạo dựng được mối quan hệ đáng tin cậy, người bệnh sẽ chủ động trong điều trị, tránh tình trạng chống đối và phản ứng cực đoan như gây hấn, hành hung, xúc phạm, miệt thị,…
Người bệnh thường được trị liệu tâm lý cá nhân do thường trực sự nghi ngờ về những người xung quanh. Vì vậy, đa phần bệnh nhân đều có phản ứng xấu khi trị liệu nhóm. Hiện nay, liệu pháp hành vi nhận thức là phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách paranoid.
Vì tâm lý bệnh nhân khá bất ổn cộng thêm sự nghi hoặc và đề cao bản thân thái quá nên trị liệu tâm lý phải được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp bệnh nhân đe dọa, chửi rủa và xúc phạm nhà trị liệu trong quá trình điều trị.
Ngoài điều chỉnh lại cảm xúc, hành vi và nhận thức của người bệnh, trị liệu tâm lý còn giúp bệnh nhân trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa hợp với cộng đồng, thích nghi với xã hội và duy trì được những mối quan hệ thân thiết. Vì tính khí bệnh nhân thất thường, dễ nổi nóng và căng thẳng nên trị liệu tâm lý cần phải có sự hỗ trợ của thuốc.
2. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc trong điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng chỉ có thể cải thiện triệu chứng về mặt lâm sàng. Do đó, phương pháp này sẽ được thực hiện song song với trị liệu tâm lý. Dùng thuốc có thể giảm các cảm xúc và phản ứng tiêu cực ở bệnh nhân, từ đó tăng mức độ tuân thủ và hợp tác trong quá trình trị liệu.
Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng bao gồm:
- Thuốc an thần kinh như Haloperidol, Thioridazine (Mellaril),…
- Thuốc an thần gây nghiện nhóm Benzodiazepin
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống loạn thần
Bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng rất nhạy cảm với tác dụng phụ của thuốc an thần. Do đó, thuốc chỉ được sử dụng khi cần thiết và bác sĩ thường lựa chọn các loại thuốc ít có tác dụng phụ để đảm bảo an toàn.
3. Các biện pháp tự cải thiện
Bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng có tính cách bướng bỉnh, cứng nhắc và luôn đề cao bản thân quá mức. Do đó, việc điều trị cần phải được thực hiện một cách chậm rãi và thận trọng để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh các phương pháp điều trị chuyên sâu, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số biện pháp tự cải thiện như:
- Tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng và cải thiện sự giận dữ, phản ứng thù địch,…
- Cố gắng duy trì những mối quan hệ thân thiết với bạn bè, người thân,… Ngoài ra, cần học cách chia sẻ để những người xung quanh hiểu rõ bản thân đang gặp vấn đề về sức khỏe, từ đó có sự thấu hiểu và đồng cảm với những hành vi, ý nghĩ và cách phản ứng có phần bất thường.
- Nên ngồi thiền mỗi ngày để xoa dịu tâm trạng và gạt bỏ sự thù hận, căm ghét đối với người khác.
- Ăn uống điều độ và ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe thể chất. Các nghiên cứu cũng cho thấy, người có sức khỏe tốt dễ dàng quản lý căng thẳng và kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng là dạng rối loạn nhân cách thuộc nhóm A với đặc điểm là sự nghi hoặc thái quá và không có căn cứ về những người xung quanh. Đây là dạng rối loạn nhân cách khó điều trị nhất do bản thân người bệnh có các ý niệm sai lệch, luôn nghi ngờ, bảo thủ và cứng nhắc. Chính vì điều trị còn nhiều hạn chế nên bệnh nhân cần có sự hỗ trợ của người thân và bạn bè để có thể kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.
THAM KHẢO THÊM:
- Rối loạn hoang tưởng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
- 17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả
- Bệnh hoang tưởng có tự khỏi không? Có chữa được không?
- Rối loạn nhân cách phân liệt (ScPD) là gì? Có chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!