Rối loạn tâm thần ở người cao tuổi: Điều trị và chăm sóc

Trong thực tế, các bệnh rối loạn tâm thần sẽ xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi. Các chứng rối loạn có thể biểu hiện ở nhiều thể trạng khác nhau, nguyên nhân khởi phát cũng rất đa dạng. 

Rối Loạn Tâm Thần Ở Người Cao Tuổi
Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc phải các rối loạn tâm thần

Các rối loạn tâm thần thường gặp ở người cao tuổi

Dựa vào Luật người cao tuổi đã được Quốc hội thông qua vào năm 2009 thì các đối tượng từ 60 tuổi trở lên sẽ được xác định là người cao tuổi. Theo số liệu thống kê nhận thấy, số lượng người cao tuổi đang ngày càng gia tăng đáng kể.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã ước tính, từ năm 2015 đến năm 2030 thì tỉ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng lên gấp 2 lần, cụ thể đó là từ 12% lên đến hơn 22%. Một điều đáng chú ý đó chính là có đến khoảng 15% trong số đó mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Thống kê vào đầu năm 2002 cho thấy, tại Việt Nam, tỉ lệ người già suy giảm trí nhớ chiếm gần 0,9% dân số. Vào năm 2012 thì con số này tiếp tục tăng cao lên đến 1,52%. Trong thực tế cho thấy, các rối loạn tâm thần xuất hiện ở người già có thể biểu hiện ở nhiều thể trạng khác nhau.

Một số loại rối loạn tâm thần thường gặp nhất ở người cao tuổi như:

1. Trầm cảm ở tuổi già

Hiện nay, có khoảng 20% đối tượng người cao tuổi được ghi nhận mắc phải ít nhất một triệu chứng của rối loạn trầm cảm. Tuy vậy chỉ có khoảng từ 2 đến 3% các trường hợp có đầy đủ biểu hiện của chứng rối loạn trầm cảm điển hình. Các vấn đề gây sang chấn như mất người thân, mắc phải các bệnh lý nguy hiểm, stress, điều kiện kinh tế khó khăn là các yếu tố có mối liên hệ trực tiếp với trầm cảm.

Rối Loạn Tâm Thần Ở Người Cao Tuổi
Trầm cảm là một trong các rối loạn tâm thần phổ biến ở người cao tuổi

Triệu chứng đặc trưng của bệnh trầm cảm đó chính là trạng thái tâm lý buồn rầu, chán nản, khí sắc kém, mất dần hứng thú đối với cuộc sống xung quanh, mất tập trung, vận động kém, lo âu, suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn ăn uống,…So với những người trẻ tuổi thì khi người già mắc phải chứng bệnh trầm cảm sẽ thường xuyên than phiền nhiều hơn về các vấn đề của cơ thể.

Người bệnh sẽ có cảm giác nghi ngờ tình trạng sức khỏe của bản thân, sự tự tin cũng dần thuyên giảm, cảm thấy bản thân vô dụng, bất tài, có nhiều xu hướng tự buộc tội chính mình, một số trường hợp có xuất hiện hoang tưởng, ý định tự sát. Đặc biệt khi trầm cảm khởi phát muộn ở tuổi về già thì tỉ lệ tái phát cũng sẽ cao hơn so với bình thường. Chính vì thế mà quá trình điều trị, cải thiện bệnh sẽ phải kéo dài và cần nhiều sự cố gắng hơn. Một số trường hợp bệnh nghiêm trọng còn có thể phải duy trì sử dụng thuốc đến cuối đời.

2. Các rối loạn lo âu

Các chuyên gia cho biết rằng, hầu hết những người cao tuổi đã từng trải qua các giai đoạn lo âu, bồn chồn, bất an. Các chứng rối loạn lo âu có thể xuất hiện khi xảy ra một số sự kiện như trộm cắp, tang tóc, các mâu thuẫn hoặc biến động trong gia đình, các vấn đề sức khỏe cơ thể.

Một số triệu chứng thường gặp khi người già bị rối loạn lo âu như mất ngủ, rối loạn nhịp tim, đau đầu, chóng mặt, thở gấp, đau quặn ruột,…Tuy nhiên, các cơn hoảng sợ của người bệnh đôi lúc cũng có nhiều nguy cơ chẩn đoán nhầm là các cơn nhồi máu cơ tim hoặc cơn đau thắt ngực.

Khi các cơn lo âu xuất hiện, người bệnh đòi hỏi phải có thời gian để ổn định và trấn an lại tinh tinh thần. Quá trình điều trị các chứng bệnh lo âu hoặc hoảng sợ cần phải được can thiệp một cách tích cực. Một số biện pháp thường được ưu tiên áp dụng như liệu pháp thư giãn, trị liệu tâm lý và kết hợp sử dụng thuốc khi cần thiết.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

3. Sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như do ảnh hưởng của các bệnh lý liên quan đến mạch máu (xơ vữa mạch não, đột quỵ,…), do bệnh Alzheimer, bệnh parkinson,…Đây là một trong các rối loạn tâm thần thường gặp nhất ở những người cao tuổi. Ở những người trên 65 tuổi tỉ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 10%, còn đối với những người trên 85 tuổi thì tỉ lệ lên đến hơn 50%.

Tình trạng sa sút trí tuệ thường sẽ rất khó để nhận biết từ sớm bởi các triệu chứng ban đầu của nó còn khá mơ hồ, không biểu hiện một cách rõ ràng. Một vài triệu chứng thường xuất hiện ở người bệnh như lẫn lộn, thường xuyên mất trí nhớ, tính tình thay đổi bất thường, sống thu mình, hờ hững với mọi thứ, khả năng hoàn thành công việc cũng bị hạn chế.

Đặc biệt, khi bệnh tình không được can thiệp kịp thời sẽ làm cho các triệu chứng biểu hiện ở mức độ càng nghiêm trọng hơn. Đối với các trường hợp nặng, người bệnh còn trở nên kích động, bùng nổ cảm xúc, xuất hiện hoang tưởng. Lúc này bệnh nhân có thể bị mất dần khả năng ngôn ngữ, không thể tự chăm sóc cho bản thân hoặc tự phục vụ các nhu cầu cá nhân.

4. Rối loạn hoang tưởng

Thông thường, rối loạn hoang tưởng sẽ chủ yếu khởi phát vào khoảng độ tuổi từ 40 đến 55, tuy nhiên cũng có không ít các trường hợp bệnh gặp ở người cao tuổi. Hoang tưởng có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau nhưng phổ biến nhất có thể là tình trạng rối loạn hoang tưởng bị truy hại.

Tức là người bệnh có một niềm tin mãnh liệt về việc bản thân đang bị theo dõi, hãm hại, đầu độc,…Cũng chính vì những suy nghĩ đó mà họ sẽ có nhiều xu hướng muốn phản kháng, tấn công đối tượng mà người bệnh cho rằng đang cố tình tìm cách giết hại mình hoặc một số trường hợp khác sẽ lẩn trốn, sợ hãi.

Rối Loạn Tâm Thần Ở Người Cao Tuổi
Hoang tưởng ở người già thường xuất hiện ở dạng rối loạn hoang tưởng bị truy hại

Bên cạnh đó, những người cao tuổi cũng là một trong các đối tượng có nhiều nguy cơ mắc phải chứng rối loạn hoang tưởng nghi bệnh. Người bệnh sẽ luôn có một niềm tin mãnh liệt về việc mình đang mắc phải một chứng bệnh nan y nguy hiểm nào đó, cụ thể như ung thư, tiểu đường, tim mạch,….

Chính vì thế mà người bệnh luôn tìm đến các cơ sở y tế để được tiến hành thăm khám và chẩn đoán. Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện hầu hết các bước cần thiết nhưng vẫn không thể phát hiện bất kì vấn đề bất ổn về sức khỏe (trừ bệnh tâm lý). Tuy vậy bệnh nhân vẫn không thể tin tưởng vào kết quả chẩn đoán, họ vẫn tiếp tục cảm thấy lo sợ hoặc thậm chí liên tục tiến hành thăm khám ở nhiều nơi.

5. Tâm thần phân liệt

Trên thực tế, các triệu chứng tâm thần phân liệt thường khởi phát từ sớm. Ở nữ giới sẽ gặp nhiều từ độ tuổi 25 đến 35, còn ở nam giới thì khoảng từ 15 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp tâm thần phân liệt khởi phát muộn sau 45 tuổi và rất muộn sau 65 tuổi. Thông thường nữ giới sẽ khởi phát bệnh muộn hơn so với nam giới.

Thường thì hầu hết các trường hợp bị tâm thần phân liệt ở người cao tuổi đã khởi phát bệnh từ nhiều năm trước. Một số trường hợp vẫn còn các triệu chứng loạn thần hoạt hóa, tuy nhiên thường thì các triệu chứng âm tính sẽ chiếm ưu thế hơn. Cụ thể như tư duy nghèo nàn, cảm xúc cùn mòn, bàng quan, suy giảm khả năng tự điều chỉnh.

6. Lạm dụng chất

Thông thường, phụ nữ và người cao tuổi ít khi sử dụng quá nhiều rượu bia hoặc các chất gây nghiện. Do quan điểm đó mà nhiều bác sĩ đã bỏ qua khả năng lạm dụng chất của những đối tượng này. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số trường hợp người già sử dụng rượu bia với tần suất liên tục do cảm thấy cô đơn, buồn chán.

Khi người cao tuổi rơi vào trạng thái lạm dụng chất thường sẽ kèm theo một số vấn đề về trí nhớ, trở nên lú lẫn hoặc các bất ổn về gan. Tình trạng lạm dụng chất sẽ trở nên khó chữa nếu dẫn đến sa sút trí tuệ hoặc rối loạn trí nhớ. Đối với các trường hợp này đôi lúc phải nhập viện theo dõi hoặc kiên trì điều trị trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, trạng thái nghiện chất của người già cũng có thể khởi phát do sử dụng các loại thuốc an thuốc, thuốc giải lo âu, thuốc ngủ. Trường hợp nghiện ma túy, cần sa, các chất amphetamine sẽ hiếm khi gặp ở người cao tuổi.

Đặc điểm nổi bật của rối loạn tâm thần ở người cao tuổi

Tình trạng rối loạn tâm thần ở người cao tuổi cũng sẽ có những biểu hiện, nguyên nhân giống với người trẻ. Tuy nhiên, các đối tượng này cũng sẽ có một số đặc điểm riêng biệt và nổi bật như:

  • Những triệu chứng của bệnh sẽ âm thầm phát triển và bùng phát vào một thời điểm nào đó. Vì thế, bản thân bệnh nhân và những người bên cạnh cũng rất khó nhận biết ngay từ giai đoạn đầu.
  • Thông thường, các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi thường có liên quan đến các vấn đề tâm lý, sự tác động của xã hội và sức khỏe cơ thể. Chẳng hạn như do cảm thấy cô đơn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, kinh tế không ổn định, về hưu,…
  • Ở người già thì các biểu hiện về cơ thể sẽ biểu hiện rõ ràng hơn. Đa phần người bệnh đều không muốn tự thừa nhận về những cảm xúc, hành vi bất thường của mình và luôn tìm cách phản bác nó.
  • Tình trạng bệnh ở những người cao tuổi sẽ diễn biến phức tạp và cần nhiều thời gian điều trị hơn so với người trẻ. Cũng bởi những đối tượng này dễ mắc phải các vấn đề về sức khỏe thể chất, họ phải sử dụng nhiều các loại thuốc điều trị nhưng khả năng đáp ứng thuốc lại kém hơn.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần ở người cao tuổi

Rối loạn tâm thần ở người cao tuổi có thể khởi phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như:

Rối Loạn Tâm Thần Ở Người Cao Tuổi
Rối loạn tâm thần có thể khởi phát do quá trình lão hóa sinh học của mỗi người

1. Lão hóa sinh học

Tuổi tác càng tăng cao thì sự suy giảm về chức năng và hình thái của các cơ quan trong cơ thể càng gia tăng. Bắt đầu từ 45 đến 59 tuổi thì quá trình cấp máu cho tổ chức não cũng sẽ biến đổi, lưu huyết não độ không vận động tốt như trước. Một số đặc trưng của lão hóa thể hiện trên điện não đồ như biên độ và chỉ số nhịp alpha giảm, nhịp alpha chậm, điện não đồ có hình dẹt.

Các chuyên gia cho biết rằng, hầu hết những đối tượng trên 60 tuổi sẽ có số lượng sống chậm, tần số điện não giảm, tính phản ứng của điện não đồ cũng giảm mạnh. Những sự biến đổi điện sinh lý có thể giải thích cho sự biến đổi chức năng của hoạt động thần kinh. Do đó có thể thấy, càng lớn tuổi thì phản xạ càng kém, độ năng động thần kinh suy giảm, trí nhớ giảm, khả năng tự điều chỉnh chức năng của các cơ quan cũng bị thuyên giảm nghiêm trọng.

Xét về mặt hình thái học thì quá trình lão hóa sẽ thể hiện cụ thể nhất ở gan và não. Mật độ các tế bào sẽ giảm dần, trọng lượng của bộ não cũng bị hao hụt. Riêng đối với tế bào thần kinh sẽ bị giảm số lượng đuôi gai, xuất hiện sự thoái hoá myelin của những sợi trục, một số men ty lạp thể sẽ bị giảm chức năng.

2. Thoái hóa thần kinh (thoái hóa não)

Thoái hóa não đã được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1878 bởi Binswauger, sau đó Gower và Kraepelin cũng đã đề cập đến. Các chuyên gia cho rằng đây là sự thoái hóa sinh học diễn ra sớm của hệ thần kinh hay còn được gọi là quá trình lão hóa sớm.

Tình trạng già trước tuổi thường sẽ xuất hiện nhiều ở độ tuổi 40 đến 60. Quá trình này cũng khá giống với lão hóa sinh lý, chúng cũng sẽ được quy định bởi những yếu tố ngoại sinh và nội sinh. Đặc điểm chủ yếu của những đối tượng này là sự suy giảm về nhận thức, các dấu hiệu về thần kinh, rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi, biến đổi chức năng tâm lý,…xuất hiện sớm và càng phát triển nặng nề hơn khi về già.

3. Các vấn đề tổn thương thực thể não

Các rối loạn thần kinh ở người cao tuổi cũng có thể xuất phát do các tổn thương thực thể não. Cụ thể như u não, xuất huyết não, chấn thương sọ não, nghẽn mạch não, rối loạn tuần hoàn não, nhồi máu não dưới vỏ, nhồi máu não rải rác, vữa xơ mạch não, thủy thũng não do u,….

4. Các bệnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn

Các bệnh lý như viêm não do HIV, viêm não người lớn, ngộ độc carbon monoxide, giang mai não, ngộ độc rượu, viêm tắc thành cục nhiều động mạch cũng có thể là lý do làm khởi phát các triệu chứng của rối loạn tâm thần ở người cao tuổi.

5. Một số yếu tố tâm lý xã hội

Đối với người già, việc tiếp thu và cập nhật các thông tin, kiến thức mới đôi lúc gặp nhiều khó khăn. Thông thường họ sẽ suy nghĩ, hành động và dạy dỗ con cháu theo những kinh nghiệm tích lũy được, các kiến thức và thói quen cũ. Cũng vì thế không ít các trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình, gây nên các tổn thương về mặt tâm lý.

Khi người già đối mặt với việc phải sống cô đơn, không nhận được sự quan tâm của con cái hoặc trải qua các sự kiện như đột ngột mất đi người thân, tù tội, phá sản, bị bỏ rơi cũng rất khó có thể vượt qua được các vấn đề rối loạn tâm thần.

Nguyên tắc điều trị và chăm sóc rối loạn tâm thần ở người cao tuổi

Quá trình điều trị và chăm sóc các trường hợp rối loạn tâm thần ở người cao tuổi đôi lúc sẽ gặp nhiều trở ngại. Vì thế cần phải chú ý một số nguyên tắc sau:

Rối Loạn Tâm Thần Ở Người Cao Tuổi
Người già bị rối loạn tâm thần cần nhận được nhiều sự quan tâm và chăm sóc
  • Người bệnh cần phải thực hiện và tuân thủ đúng theo các y lệnh của bác sĩ, tiến hành đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để quá trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh được diễn ra thuận lợi hơn.
  • Áp dụng tốt các liệu pháp tâm lý nhóm, gia đình, nhận thức hành vi để có thể xác định cụ thể về những yếu tố xã hội liên quan như vấn đề sinh hoạt, các mối quan hệ xã hội, người hỗ trợ và trực tiếp chăm sóc, cơ hội giao tiếp,…
  • Cần giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cả những người thân trong gia đình, người chăm sóc để họ có thể ý thức được rõ ràng về sự nguy hiểm của các rối loạn tâm thần gây ra cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, quá trình này sẽ giúp cho việc chăm sóc người bệnh được diễn ra thuận lợi hơn, biết được các triệu chứng bất thường để kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
  • Người bệnh cần được hỗ trợ xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo được các dưỡng chất cần thiết, cân bằng hàm lượng calo. Đặc biệt nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu, chế biến món ăn dạng lỏng để cơ thể hấp thu tốt hơn.
  • Người bệnh cần phải xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi thật hợp lý. Nếu có thể hãy tập luyện thể dục bằng các bài tập đơn giản và phù hợp với thể trạng của bản thân như đi bộ, ngồi thiền,…
  • Thường xuyên đánh giá và có kế hoạch chăm sóc người bệnh phù hợp để kịp thời điều chỉnh.
  • Đối với các trường hợp được chỉ định điều trị bằng thuốc thì cần phải hết sức thận trọng. Người bệnh cần phải khai báo chân thực và đầy đủ về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc tương tác hoặc đang sử dụng. Việc dùng thuốc cần phải có sự chỉ định và theo dõi cụ thể của bác sĩ để đảm bảo sự an toàn. Quá trình dùng thuốc nếu có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay với chuyên gia để được hỗ trợ kịp thời.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hiện nay, các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi đang gia tăng đáng kể và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Hi vọng qua thông tin của bài viết này bạn đọc sẽ có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình của mình. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường thì cần tiến hành thăm khám cụ thể tại các cơ sở chuyên khoa để kịp thời can thiệp.

Tham khảo thêm:

4.6/5 - (44 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *